Người chiến sĩ quân y với đảo Song Tử Tây

Thứ Hai, 25/04/2022 00:02

. NGUYỄN HƯƠNG LAN
 

Những ngày ở đảo Song Tử Tây, hòn đảo đầu tiên ở phía bắc quần đảo Trường Sa, Đại úy Bác sĩ Trần Đăng Ninh, Bệnh viện TWQĐ 108 đã có nhiều kí ức đẹp. Mỗi lần tâm sự với tôi, trong mắt em luôn ánh lên niềm vui và tự hào khi được góp phần nhỏ bé của mình trong việc khám, cấp cứu, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ, ngư dân trên đảo.

Bác sĩ Trần Đăng Ninh cùng các chiến sĩ quân y tại đảo Song Tử Tây

Nhiệm vụ cao cả từ nghề y cao quý

Cuối năm 2019, khi những cơn mưa đầu mùa báo hiệu một cái rét đã đến. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ Đại úy, bác sĩ Trần Đăng Ninh: “Chị Lan ơi, em có quyết định đi công tác tại đảo Song Tử Tây rồi”.

Niềm vui toát lên từ từng câu nói đầy mong chờ, trong lòng tôi xen lẫn nhiều cảm xúc khó tả. Nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Song Tử Tây là một vinh dự lớn, thời gian công tác 2 năm không phải quá dài, tuy nhiên cô con gái của bác sĩ Ninh mới được 5 tháng, vẫn còn rất nhỏ và cần sự quan tâm chăm sóc của bố. Những suy nghĩ đó nhanh chóng được gạt qua, bởi lẽ đây là nhiệm vụ cao cả đi cùng những khó khăn vất vả và tôi tin bác sĩ Ninh sẽ vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về.

Thời gian chuẩn bị trong vòng 2 tuần, tôi đã hỗ trợ các thủ tục cần thiết cho Ninh lên đường nhận nhiệm vụ. Trong buổi liên hoan cuối cùng của Khoa và cũng là buổi chia tay để em lên đường nhận nhiệm vụ, vợ con Ninh cũng đến, Không khí buổi liên hoan vui vẻ ấm áp như một bữa tiệc gia đình quây quần, cô con gái bé nhỏ rất ngoan, kháu khỉnh. Cuối buổi tiệc, tôi khẽ gọi vợ Ninh ra động viên em cố gắng ở nhà lo toan mọi việc, dù biết đóng 2 vai cả bố lẫn mẹ cùng một lúc là điều vô cùng khó khăn, nhưng hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới có thể yên tâm nỗ lực cống hiến cho bản thân và cho đất nước.

Những niềm vui từ trái tim người thầy thuốc

Kể từ khi Ninh ra đảo, hai chị em hàng ngày vẫn liên lạc với nhau. Ban đầu, bác sĩ Ninh sẽ được tập trung tại vùng 4 Hải Quân thuộc Cam Ranh - Khánh Hòa, 3 tháng sau mới ra Đảo để thay lực lượng quân y ở đó. Thời gian đầu Ninh cũng gặp nhiều khó khăn, nhìn em gầy và đen hẳn đi nhưng khuôn mặt thì luôn rạng rỡ vui vẻ, em chia sẻ với tôi: “Đây là một nhiệm vụ với nhiều trải nghiệm nên em cảm thấy hãnh diện chị ạ, bởi vì có đi mới biết mình còn nhỏ bé, còn cần phải đóng góp nhiều hơn nữa cho nhân dân và cho Quân đội”.

Vào Tết đầu tiên năm 2020, Bệnh viện có tổ chức cầu truyền hình cho cán bộ nhân viên tại Bệnh viện và các chiến sĩ ngoài đảo xa, tôi thông báo cho gia đình Ninh đến tham gia. Đêm hôm đó trời mưa tầm tã, chưa bao giờ vào đêm giao thừa lại mưa to như thế, vì con quá bé nên vợ con Ninh không tham gia được mà chỉ có ông bà nội tới động viên tinh thần. Ai cũng mừng, xúc động vì được trực tiếp theo dõi hình ảnh từ Đảo gửi về và vì giây phút giao thừa này đây, chúng tôi như một gia đình đầy tình yêu thương ấm áp.

Thời gian trôi qua thật nhanh, khoảng cách xa, sóng 3G chập chờn, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng tin nhắn nhưng có những tin nhắn phải 4-5 ngày sau mới nhận được. Ninh thường gửi về cho chúng tôi những bức ảnh thấm đượm hương vị biển cả trong xanh, những buổi hoàng hôn lắng đọng tại đảo xa và những cánh hoa bàng vuông làm kỷ niệm.

Cuộc sống trên đảo đầy những khó khăn vì khí hậu khắc nghiệt, cư dân ít, đặc biệt làm nhiệm vụ y tế lại càng vất vả hơn vì trang thiết bị y tế chưa được đầy đủ.

Khoảnh khắc bác sĩ Trần Đăng Ninh chia tay gia đình cùng chỉ huy khoa để lên đường công tác tại đảo Song Tử Tây

Chia sẻ với tôi khi vừa nhận nhiệm vụ trên đảo, Ninh cho hay: “Bệnh xá nơi em công tác tiếp nhận 1 ca bệnh nặng bị giảm áp khi lặn biển từ tàu cá, bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng bại yếu 2 chân, khó thở nhẹ, đau tức ngực và bụng; chướng nhẹ vùng bụng, tím tái nhiều ở 2 chân và vùng bụng, ngực. Với tinh thần khẩn trương để cứu tính mạng ngư dân nhanh nhất, đồng thời nhận được sự hỗ trợ qua hệ thống Telemicine từ Bệnh viện, kíp y bác sĩ của Ninh đã nhanh chóng thực hiện điều trị và cứu sống được ngư dân ngay trên đảo”.

Mọi công việc vẫn tiếp tục diễn ra với người chiến sĩ áo trắng trên đảo. Hàng ngày bác sĩ Ninh cần mẫn với công việc chăm sóc sức khỏe cho cư dân trên biển. Cuối chiều, lại đứng trước biển cả bao la, ngắm cảnh hoàng hôn mà lòng dâng trào một nỗi nhớ nhà da diết.

Mười tám tháng thoắt cái đã trôi qua, cận kề tết năm 2021, bác sĩ Ninh được thông báo chuẩn bị lên bờ về Vùng 4 hải quân kết thúc chuyến công tác trên đảo. Tôi nhận được tin nhắn của em “Em đã lên tàu và chuẩn bị về đất liền, dự kiến vài hôm nữa sẽ về tới Cam Ranh, Khánh Hòa” Tôi trao đổi và thoáng nghĩ sẽ cùng đoàn viên của Khoa đón em về. Tuy nhiên, mọi dự định đều không thực hiện được vì dịch Covid-19 bùng phát một cách phức tạp. Ninh cùng đoàn về đất liền phải cách li tập trung. Sau 14 ngày cách li, Ninh được về nhà, những ngày tiếp theo Bệnh viện tổ chức gặp mặt các đồng chí đã hoàn thành chuyến công tác và giao nhiệm vụ mới tại Bệnh viện. Ninh được bố trí nghỉ phép 2 tuần, sau đó quay trở lại Khoa - nơi gắn bó bao ngày để tiếp tục cống hiến và làm việc.

Tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, miền Nam trở thành tâm dịch với số ca F0 và tử vong tăng lên nhanh chóng thì lực lượng quân y là một phần nòng cốt không thể thiếu. Bác sĩ Ninh tâm sự: “Em đã đăng ký trong danh sách tham gia chi viện miền Nam, tuy nhiên dịch bệnh dần ổn định hơn, vì vậy danh sách được bảo lưu, nhưng bất cứ khi nào tổ quốc cần, em sẵn sang nhận nhiệm vụ lên đường”.

Hiện nay, bác sĩ Ninh đang tiếp tục trên con đường dùi mài kinh sử tại Học viện Quân y, đồng thời hỗ trợ lấy mẫu sàng lọc tại Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm, Viện Truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108. Tôi - với vị trí là một người chị, một người đồng nghiệp, chúc cho những ước mơ và hoài bão của đồng chí Đại úy Trần Đăng Ninh sẽ trở thành hiện thực và tuổi trẻ cũng như nhiệt huyết của đồng chí sẽ luôn cháy hết mình để cống hiến và góp sức cho Bệnh viện cũng như nền y học của nước nhà.

N.H.L

VNQD
Thống kê