Cống rãnh Hà Nội

Thứ Năm, 12/05/2022 00:37

. ĐỖ PHẤN
Cho dù là sự vật rất đỗi thân thương với người Hà Nội thì cũng hiếm ai để tâm đến nó. Người đi xa nhớ về Hà Nội thường là nhớ những Hồ Gươm, Tháp Rùa. Nhớ cầu Long Biên như nhịp sóng hiền hòa duỗi dài cánh tay vỗ về khu phố cổ. Nhớ những mùa hoa sấu, hoa sữa…ấm áp những bàn chân quen thuộc. Tuyệt không ai nhớ về cống rãnh đất kinh kì dù nó luôn có mặt ở đất này từ nghìn năm trước.

Một đoạn sông Tô Lịch

Những dấu tích khai quật trong hoàng thành Thăng Long vẫn còn nguyên vẹn hoặc đã hư hao khiếm khuyết cho thấy người xưa đã biết cách qui hoạch cống rãnh một cách khoa học ở đất này. Thậm chí đôi chỗ còn nâng nó lên tầm nghệ thuật với những viên gạch chế tác đặc biệt điêu khắc rồng phượng dành cho những miệng cống, nắp cống. Điều đó chứng tỏ tâm thức người Hà Nội xưa về cống rãnh không hề giống với ngày nay. Bây giờ “cống rãnh” hay được người Hà Nội dùng như một tính từ để chỉ lũ người du thủ du thực bất hảo trong xã hội.

Cống rãnh là đặc điểm rất dễ cho ta biết về trình độ phát triển của một đô thị. Đại khái như lang thang ở thủ đô Paris nước Pháp thỉnh thoảng bắt gặp vài miệng cống đậy lưới thép phát ra tiếng nước chảy rì rào dưới ấy. Ngó xuống xem thấy một dòng nước trong vắt chảy trôi miệt mài khiến du khách băn khoăn chẳng biết nên hiểu nó là cống thoát nước hay đường dẫn cấp nước. Đó là những đô thị văn minh lâu đời. Người ta buộc phải có những phát minh dành cho cống rãnh khi sinh hoạt hàng ngày cảm thấy bất tiện.

Hà Nội cho dù có đến hơn nghìn năm lịch sử nhưng lại là một đô thị mới. Ngoài khu hoàng thành nhỏ bé có qui hoạch đường xá cống rãnh ra thì phần thành phố còn lại phát triển tự nhiên cho đến tận đầu thế kỉ trước. Ta vẫn còn có thể bắt gặp những bức ảnh người Pháp chụp lúc ấy trên vài con phố nội thành toàn những lè phè nhà tre nứa nhấp nhô thò thụt. Và đặc biệt vẫn thấy những cống rãnh bên đường hoàn toàn như ở nông thôn. Nghĩa là rất dễ hình dung ra một bác nông dân quấn khăn đầu rìu cầm chiếc cuốc khơi rãnh bên đường cho nước chảy. Cái rãnh ấy thuận theo nhà cửa hai bên mà ngoằn ngoèo thoải mái vui mắt. Không có bất cứ khái niệm nào về cống rãnh trong tư duy xây dựng.

Khi người Pháp bắt tay vào xây dựng lại những khu phố nội thành thì lúc ấy cống rãnh mới được tính vào thành một hạng mục xây cất. Vỉa hè được bó bằng đá xanh. Đường nhựa sống trâu tạo thành hai rãnh bên vỉa hè làm cống thoát nước. Đó là chiếc cống lộ thiên. Nước thu về miệng cống lớn đầu đường chảy xuống hệ thống cống ngầm thành phố. Nhà cửa hai bên mặt phố có cống ngầm bằng gạch dưới vỉa hè ra rãnh nước qua một lỗ khoét đá hình vuông. Cái lỗ cống thoát nước sinh hoạt ấy còn tồn tại cho đến tận bây giờ ở nhiều con phố cũ. Nó là nơi những tay săn bắt chuột cống vùng Dị Nậu vô cùng thân thuộc. Chỉ cần một con sào dài thọc sâu vào miệng cống. Chuột chạy ra dùng vợt lưới úp gọn. Một đêm như thế cũng được hàng yến. Sáng ngày ra đã có mẹt chuột đồng làm lông trắng hếu bày bán ở chợ quê. Công cuộc cải tạo giống nòi chuột từ “cống” sang “đồng” chẳng cần đến khoa học biến đổi gen.

Cận cảnh một cống tròn Hà Nội ngày nay

Cống rãnh lộ thiên như thế đương nhiên độ vệ sinh là rất kém. Người lưu thông trên đường phải hết sức cảnh giác. Sơ mi trắng hồ lơ cẩn thận hẹn đón người yêu trên phố mà lỡ lọt bánh xe đạp xuống rãnh nước đen bắn lên là mất toi buổi hẹn. Lấy đâu ra chiếc áo tương tự nữa khi phiếu vải cả năm chỉ được 4m. Nhưng cũng có cái lợi. Ấy là những khi lỡ hẹn thì cứ đổ riệt cho cống rãnh.

Cống rãnh vỉa hè lộ thiên như thế không ngờ lại là nơi có trò chơi thú vị của trẻ con đường phố. “Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ…” của nhạc sĩ Trần Tiến ngày ấy chủ yếu được thả trên mặt rãnh những ngày mưa nước trong. Lũ trẻ bé chưa đủ sức lang thang bờ sông hay hồ lớn thì rãnh nước vỉa hè sau mưa là lựa chọn duy nhất. Những hố cống đầu đường là nơi lũ trẻ vớt bọ gậy nuôi cá vào mùa hè. Tất nhiên lúc ấy những hố ga như vậy chưa đến nỗi bẩn như bây giờ.

Thành phố văn minh sạch sẽ lên nhiều kể từ khi người ta cho hạ ngầm các rãnh nước trên phố. Thực ra đó là nhu cầu cấp thiết kể từ khi các gia đình trong phố dùng hố xí tự hoại. Những bể phốt bó hẹp trong khuôn khổ diện tích nhà ở phần lớn sai kĩ thuật. Nó gây ô nhiễm mùi khủng khiếp trên phố. Những con phố hẹp và đông dân cho đến tận bây giờ cũng nên hạn chế ra đường vào ban đêm. Mùi cống rãnh vẫn dâng lên nghẹt thở.

Cùng với việc hạ ngầm cống rãnh vỉa hè, những cống lớn cũng nhiều nơi được hạ ngầm. Sông Kẻ Khế trên làng Vạn Phúc và khúc sông đầy muỗi ven đê Trần Khát Chân, Tô Hoàng đã thành những con đường rộng mở. Thành phố chỉ còn hai con sông Kim Ngưu và Tô Lịch chảy lộ thiên mà thôi. Không thể ngờ nghìn năm trước đó là hai con sông huyết mạch của mảnh đất này. Hẳn là nó phải thơ mộng lắm nên mới đi vào thơ ca và lịch sử ở mức độ dày đặc như vậy. Thậm chí làm nên cả bút danh của vài nhà văn và nghệ sĩ lớn thời đại chúng ta. Giờ thì với lòng kính yêu vô hạn với sông ngòi thành phố ta vẫn phải cầm lòng mà gọi chúng là những cái cống lộ thiên. Những năm ‘60 thế kỉ trước, sông Tô Lịch vẫn còn là dòng sông trong xanh êm đềm quấn quít bên rìa thành phố. Vẫn còn những nhà chài giăng vó bè trên sông mùa mưa bão đánh bắt tôm cá. Trẻ con vẫn lội xuống dòng Tô Lịch ùm ùm tắm mát. Giờ thì nó quanh năm bốc mùi. Cái chỗ người Nhật thí nghiệm lọc nước sông đến có thể uống và nuôi cá Koi được thì nay cũng trở lại ô nhiễm như toàn bộ dòng sông.

Cống rãnh Hà Nội dứt khoát sẽ phải được cải tạo. Nó đã trở thành nhu cầu cấp bách từ lâu rồi. Hà Nội đã từng cải tạo bờ đê sông Hồng vốn đang đẹp cỏ thành bức tường ghép mảnh sành sứ hoa cả mắt lẽ nào lại không thể biến những dòng sông vốn thơ mộng trở về trạng thái cũ. Là cứ hi vọng thế.

Đ.P

VNQD
Thống kê