. NGUYỄN QUÝ THƯỜNG
Cuộc chia tay thật bất ngờ và vội vàng, vào giữa đêm không trăng không sao. Cái bản bé nhỏ heo hút bỗng bừng dậy. Tiếng người rì rầm, chó sủa râm ran, tiếng gà gáy…Một loáng, đoàn quân đã mất hút trong lớp sương lam dày đặc núi rừng Mỹ Đức.
Không hiểu những năm 64, 65 có bao sư đoàn, trung đoàn đã hành quân ngay từ Hà Nội? Chắc không nhiều, thế mà trung đoàn này toàn các chàng thư sinh quẩn quanh nơi góc phố, bút với nghiên, giảng đường, lại Nam tiến ngay từ mốc số 0.
Bộ đội Trường Sơn thồ hàng trên tuyến Tây Trường Sơn
Những người lính trẻ vẽ ra cho mình chuyến hành quân thơ mộng cùng sự háo hức được vào Nam chiến đấu sau ba tháng rèn luyện. Thế là đi. Cũng thật lạ, ấy là nói về sức chịu đựng con người. Hàng tháng trời lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày trên vai trĩu nặng vài chục cân, hành quân trắng đêm giữa cái nóng hè oi ả, những cơn mưa rừng ào ạt. Đi và đi. Tuân theo một định luật đặc biệt: “Định luật Quán tính bản năng”. Mỗi khi nghe tiếng gà gáy eo ót, làng xóm hiện dần trong sương sớm, là biết rằng đã đến trạm tập kết. Các cán bộ tiền trạm đã đứng đón sẵn ở đầu làng, chỉ có những cái vẫy tay, từng đơn vị nhanh chóng được dẫn theo các ngả khác nhau về nhà dân. Mặc mồ hôi ướt đẫm lưng áo, lấm láp cát bụi, mọi người lăn ra ngủ, chẳng biết trời đất là gì. Hỏi ở quê nhà mấy khi có được giấc ngủ tiên như vậy?
Gian khổ và lãng mạn quyện chặt từng bước đi. Nhưng đó là những ngày trên đất Bắc, rồi một ngày vượt qua đầu nguồn con sông Bến Hải chạm tay vào dãy Trường Sơn Tây đặt chân lên nước Lào. Đến đây, không còn quy luật ngày ngủ đêm đi, không còn bóng dáng các o du kích đón đợi đầu làng vào các buổi mai, không tiếng gà gáy eo ót... mà chỉ còn lại lính với lính. Chiếc võng tri âm tri kỉ, những con đường gập ghềnh đèo dốc cheo leo, những thảm rừng trơ trụi, héo khô vì chất độc da cam, và những hiểm nguy rình rập, những cơn sốt rét triền miên đánh gục, đơn vị đành phải để lại một mình nơi binh trạm sau đó vội vã lên đường đuổi theo đồng đội. Dưới ánh trăng khuya, hai tay hai gậy, lầm lũi lê từng bước trong rừng sâu, cảm thấy cô đơn, lạc lõng, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, uất ức và bất lực với chính mình. Nước mắt tự dưng rơi lã chã. Cũng có những lúc, cả đơn vị mắt đều nhoà lệ, lặng đi trong bài điếu văn tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng trên đất bạn vì bom tọa độ của kẻ thù, vì những cơn sốt rét ác tính triền miên. Sau phút mặc niệm cuộc hành quân tiếp hướng về Phương Nam, để lại các Anh cùng chiếc võng tri âm tri kỉ an giấc ngàn thu nơi ngàn sâu này.
Đường hành quân có lắm gian truân nhưng cũng chẳng thiếu những chuyện vui, buồn và cả cười ra nước mắt. Thảng như, những lần phải vượt qua suối sâu bắt buộc phải “truông huyền truồng” để qua suối! Trông cả đoàn người ướt sướt mướt, tồng ngồng vô tư đi trên đường vừa buồn cười vừa thấy thương làm sao. Biết rằng chiếc quần đùi sẽ lại được về đúng vị trí của nó. Ai dè, anh nào anh nấy đang phởn phơ đón từng luồng gió mát, , bỗng dưng có tiếng cười con gái ré lên, rồi các o thanh niên xung phong đang lấp hố bom gần đó chạy ùa ra, tranh nhau cười nói, “các anh ơi vào đây với các em, bọn em cho cái này hay lắm”, “để cái Hoa nó ra mặc quần cho đại đội trưởng nhé!” ... Thật rôm rả, vui như hội. Rồi cảm giác này bất chợt lại loé lên khi gặp đoàn nữ bác sĩ, các chị vào tận chiến trường Nam Bộ, giáp Bù Gia Mập. Các chị gọn gàng trong bộ quần áo Bà Ba đen, mũ tai bèo, rắn rỏi, duyên dáng với mấy cọng tóc bết mồ hôi dính trên đôi má ửng hồng. Nhìn nụ cười tỏa nắng của các chị lòng nghĩ miên man, thầm cảm phục mà sao vẫn thấy rưng rưng thương thân gái dặm trường.
Minh họa: Tân Hà
Có những điều ít ai tin nổi, nơi đây chỉ có cây và cây, lính và lính mà lại có nạn “tắc đường” chẳng khác gì nơi đô thị ồn ã. Cứ hình dung mà xem, cả trung đoàn hành quân theo hàng một (vì là đường mòn), người nọ cách người kia vài mét để tránh tổn thương nếu gặp bom tọa độ, vậy là anh “khoá đuôi” phải cách người đi đầu cả vài cây số. Đó cũng là bình thường. Nhưng khi nào có lệnh từ đầu đoàn quân xuống, chẳng hạn như “cởi quần, lội suối sâu” thì cầm chắc sẽ bị tắc đường. Những người đi trước phải dừng lại để “thao tác thoát y”. Vậy là anh “khoá đuôi” phải đứng đường hàng tiếng đồng hồ! Đã trải qua mấy tháng đi bộ, nhiều lúc ngỡ tưởng, những bước chân của người lính không còn do bộ não điều khiển nữa mà gần như là quán tính, đôi chân như có mắt cứ guồng đều, bước tiếp bước mà tiến về phía trước. Cuối cùng cũng vượt qua sông Bồ, tạm biệt nước bạn Lào. Không còn những cuộc hành quân thường lệ như mấy tháng trước mà lại là những chuyến dịch chuyển quân. Hôm nay ở bản này, mai sang bản khác, ngày kia có khi lại quay về nơi vừa xuất phát. Cứ thế, đi không biết mệt mỏi, di chuyển liên tục, làm cho bọn mật thám, chỉ điểm không biết đâu mà lần.
Đi mãi rồi cũng đến nơi cần đến. Rồi cũng giáp lá cà với kẻ thù, rồi vừa đánh vừa di chuyển. Cuộc đời lính là những chuyến đi, là “ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”.
Nhiều năm sau khi nghe bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” hoài niệm xưa chợt đến. Ngày ấy nghỉ lại ở nhà trưởng bản người Cờ Tu, được giã gạo chày tay cùng với hai cô gái Cơ Tu tuổi mười lăm, mười bảy. Theo tập quán đàn ông Cơ Tu đóng khố, ở trần, phụ nữ mặc váy ngắn đến đầu gối, áo chỉ là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi. Vẻ đẹp đầy đặn, tròn trịa, căng tràn sức xuân của hai trinh nữ cứ rung rinh theo nhịp chày tay khiến tim ai cứ đập rộn ràng, lòng dạ nao nao thật khó tả. Đẹp quá sức tưởng tượng nhưng cũng chẳng dám nhìn lâu vào chỗ muốn nhìn, chỉ thỉnh thoảng liếc trộm. Nhưng rồi khi hành quân trở lại mong được gặp thiên thần của mình thì nghe tin sét đánh, cô chị đã mãi mãi ra đi trong một lần tải gạo cho bộ đội. Không thể tin đó là sự thật, trái tim như bị thắt lại, nước mắt lại ứa ra.
Những chuyến đi ấy, dù đã lùi xa, dù là quá khứ, nhưng nó vẫn đi theo những người lính Trường Sơn cho đến trọn đời.
N.Q.T
VNQD