Hình ảnh các tướng lĩnh trong thơ Tào Mạt

Thứ Năm, 09/06/2022 08:17

. Trần Thị Minh Tâm

Thông tuệ, am hiểu Hán học, nghệ sĩ Tào Mạt có sở thích ngâm vịnh, viết thơ chữ Hán tặng anh em, bạn bè, đồng nghiệp thân hữu. Trong số những người được ông tặng thơ không thể thiếu những vị tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, những người vừa là thủ trưởng vừa là đồng chí, đồng đội của ông.

Đại tướng Văn Tiến Dũng

Trong một lần gặp gỡ, trò chuyện với đại tướng Văn Tiến Dũng tại Bảo tàng Quân đội năm 1987, khi ra về, Tào Mạt cảm tác và tặng đại tướng một bài thất ngôn tứ tuyệt với nhan đề Vịnh Văn Tiến Dũng đồng chí (Vịnh đồng chí Văn Tiến Dũng): Cứu quốc hưng sư bất kế thân/ Phật tiền tuấn kiệt tác tăng nhân/ Khả danh trí dũng tiên phong tướng/ Phá tặc thiên binh thắng vạn quân. Bài thơ đã khắc họa một cách khái lược nhưng đầy đủ những nét chính yếu trong cuộc đời của đại tướng Văn Tiến Dũng. Câu đầu tiên (Cầm quân cứu nước không kể đến thân mình) ngợi ca tấm lòng trung trinh hết lòng theo cách mạng của đại tướng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đại tướng Văn Tiến Dũng đã nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, thậm chí bị xử tử hình vắng mặt nhưng ông vẫn một lòng kiên trung, tìm cách vượt ngục, phụng sự cách mạng cho đến hết cuộc đời. Câu thơ thứ hai (Trong cửa Phật, bậc tuấn kiệt làm nhà sư) gợi nhắc giai đoạn thú vị trong cuộc đời cách mạng của đại tướng khi ông đóng giả sư để hoạt động tại chùa Bột Xuyên vào những năm 1942 - 1943. Ở hai câu thơ cuối, nghệ sĩ Tào Mạt đã ngợi ca tài trí, sự nghiệp cầm quân lẫy lừng của đại tướng. Với Tào Mạt, ông là vị tướng văn võ song toàn (Có thể mệnh danh ông là vị tướng trí dũng tiên phong), người có bản lĩnh cầm quân lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh (Cầm một nghìn quân mà phá được cả vạn quân).

Thiếu tướng Nguyễn Chuông

Với thiếu tướng Nguyễn Chuông, nghệ sĩ Tào Mạt lại chọn một hướng tiếp cận khác. Ông không viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt mà làm một bài ngũ tuyệt, dựng nên chân dung độc đáo về vị tướng lĩnh nhiều giai thoại bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam: Tặng Nguyễn Chuông thiếu tướng (Tặng thiếu tướng Nguyễn Chuông): Thập lục dĩ tòng ngũ/ Lục thập vị hoàn hương/ Bắc phong suy bạch phát/ Lục diệp tế thanh trang/ Đồng kiên quải bách sang/ Trường đỗ hữu thiết cước/ Báo quốc trấn biên cương. Ở bài thơ này, Tào Mạt nhấn mạnh đến những gian khó trong đời quân ngũ để từ đó làm nổi bật lên phẩm chất anh dũng vô song, giản dị, gần lính của vị Tư lệnh Sư đoàn 312 anh hùng. Thiếu tướng Nguyễn Chuông “Mười sáu tuổi đã nhập ngũ”, bôn ba hoạt động cách mạng đến gần hết đời người khi “Máu và mồ hôi đã nhỏ nghìn dặm”, khi “Mái đầu đã bạc trắng vì gió lạnh” mà vẫn chưa trở về quê hương (“Sáu mươi tuổi chưa về làng”). Lí do của việc chưa về ấy nằm ở trọng trách lớn lao ông đang mang vác: trấn thủ biên cương, bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc, cho nhân dân, cho “quê hương nhỏ” của mình an vui: “Giữ nước phải trấn giữ bờ cõi”.

Bằng tấm lòng yêu quý vô hạn với người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tào Mạt đã viết đến bốn bài tứ tuyệt kính tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài thơ đầu tiên ông viết năm 1987 có nhan đề Vịnh Võ Nguyên Giáp đồng chí (Vịnh đồng chí Võ Nguyên Giáp): Võ lực văn tài loạn thế sinh/ Khai nguyên định giáp quán trung tình/ Vi sư, vi tướng, vi nhân giả/ Phát bạch tâm thanh lạc thái bình. Chỉ qua bốn bốn câu thơ, Tào Mạt đã khái quát toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của đại tướng. Ở câu đầu, ông ngợi ca đại tướng là con người võ lược, văn tài sinh ra nhằm thời loạn. Câu thơ thứ hai nêu lên công trạng và tấm lòng trung quân ái quốc của đại tướng. Đại tướng là người sáng lập nên Quân đội nhân dân Việt Nam, mang một tấm lòng trung trinh với nước non. Câu thơ thứ ba vừa là nét “lược thảo” về nghề nghiệp (là người thầy dạy học, là một vị danh tướng) vừa là lời ngợi ca phẩm chất đạo đức sáng ngời của đại tướng (bậc trí nhân). Câu cuối cùng gợi nên ngoại hình đẹp tựa vị tiên ông và niềm vui của đại tướng khi ở tuổi an nhàn: “Tóc trắng, lòng trong vui hưởng thái bình”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhân dịp đại tướng Võ Nguyên Giáp thượng thọ 80, nghệ sĩ Tào Mạt lại có bài thơ mừng nhan đề Hạ Võ đại tướng bát tuần đại thọ (Mừng Võ đại tướng đại thọ): Lão tướng kim thu bát thập xuân/ Tâm như minh kính phát như vân/ Kỉ đa công đức lưu hà nhạc/ Nhất khối tinh trung di hậu nhân. Bài thơ này, ngoài cảm hứng ngợi ca (tấm lòng sáng như gương, công đức vô lượng dành hết cho đất nước), nghệ sĩ Tào Mạt còn nêu bật lên vai trò truyền cảm hứng, tầm ảnh hưởng của đại tướng đối với các thế hệ sau này của đất nước (di hậu nhân). Tài năng, công đức của đại tướng kết thành một khối tinh hoa để lại cho đời sau ngưỡng vọng, học tập.

Đến năm 1992, khi đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương Sao vàng, Tào Mạt lại viết bài thơ Cung hạ Võ đại tướng đắc vinh tưởng kim tinh huân chương (Trân trọng mừng đại tướng Võ Nguyên Giáp được tặng thưởng huân chương sao vàng): Hồ bá khai lưu dẫn mạch thông/ Việt Nam xuất lộ kiến anh hùng/ Tuế dư bát thập ân thiên tước/ Quang diệu kim tinh hiển đại công. Ở câu đầu, ông khẳng định đại tướng là người học trò xuất sắc của Bác. Chính Bác đã dẫn đường, chỉ lối cho đại tướng đến với cách mạng (Bác Hồ mở dòng dẫn mạch thông suốt). Câu thơ thứ hai là lời ngợi ca đất nước, nhân dân Việt Nam anh hùng (Ở Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng). Hai câu cuối là lời chúc mừng chân tình của người nghệ sĩ đối với vinh dự lớn lao của đại tướng (Tuổi ngoài tám mươi là ân tước trời ban/ Sao vàng lấp lánh rực rỡ ghi công lớn). Nói về Bác, về nhân dân, đất nước trong ngày vui của đại tướng, nghệ sĩ Tào Mạt đã nói về cội nguồn, gốc rễ sâu xa làm nên sức mạnh của đại tướng. Chính Bác, chính nhân dân, đất nước đã bồi đắp, hun đúc nên vị tướng văn võ toàn tài cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài thất ngôn tứ tuyệt cuối cùng ghi lại những cảm xúc của Tào Mạt trong một lần tình cờ gặp tướng Giáp đang đi bộ: Ngộ Võ Nguyên Giáp đại tướng bộ hành, khẩu chiêm (Gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ, ứng khẩu làm bài này): Thăng yên hạ mã bách thiên nan/ Quốc thế như kim thực vị an/ Nùng mạt, đạm trang nhân tính cựu/ Nguyên nhung bát thập bất tri nhàn. Sức nặng của bài thơ tứ tuyệt dồn lại ở câu cuối: Bậc nguyên nhung tuổi đã tám mươi mà vẫn không được nhàn. Tứ thơ này cũng góp phần lí giải vì sao đại tướng lại được nhân dân yêu quý, tôn kính. Một vị tướng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, cống hiến, lo cho dân, thương dân thì tất yếu sẽ được nhân dân đáp đền lại bằng tất cả tình cảm trân quý nhất.

Những bài thơ chữ Hán của nghệ sĩ Tào Mạt viết về các tướng lĩnh Quân đội là những tác phẩm văn học độc đáo. Mỗi bài thơ toát lên một vẻ đẹp riêng về về con người, nhân cách và chiến công của những người góp phần kiến tạo nên bản lĩnh, ý chí, chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

T.T.M.T

VNQD
Thống kê