Người kể chuyện biên cương

Thứ Sáu, 03/06/2022 09:59

. ĐINH PHƯƠNG
 

Tôi gặp Trung tá Nguyễn Văn Hội (bút danh Nguyễn Hội), Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Trăng (BĐBP Long An) vào một ngày đầu năm 2022 trong cái se lạnh rơi lại của đông Hà Nội. Anh ra chuyến này để nhận tặng thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm bút kí Biên cương trong màu nước, Lính biên phòng Long An chống dịch, viết về cuộc sống, chiến đấu, hi sinh của những người lính quân hàm xanh nơi biên cương tổ quốc.

Trung tá Nguyễn Hội (ngoài cùng bên phải) nhận tặng thưởng năm 2021

Khác với hình dung của tôi về một người lính biên cương trầm mặc, dãi dầu, thích im lặng quan sát và làm việc hơn là chia sẻ. Hội làm tôi bất ngờ với sự hoạt bát của mình. Anh kể anh đến với nghiệp lính cũng như văn chương từ những câu chuyện vượt Trường Sơn của người bố thương binh Nguyễn Mạnh Dần, sinh năm 1948, quê Tây Đô, Hưng Hà, Thái Bình. Như cách các chiến sĩ tìm cây mắc võng, buộc tăng ra sao để khi trời mưa nước mưa không chảy ngược vào trong; rồi cách đào bếp Hoàng Cầm, đun nấu để giấu khói tránh máy bay địch phát hiện bỏ bom; cảnh giác cao độ mỗi khi đi lấy nước, lấy lương thực vì lúc nào cũng có thể bắt gặp thám báo; cảm giác vui mừng khi nhận được thư nhà từ hậu phương truyền tay nhau đọc dưới tán rừng già mỗi lúc nghỉ chân; truyền tai nhau chuyện vui vui về cánh lính “cậu” Hà Nội mua bao cao su bỏ ruốc, muối vừng vào tích trữ phòng ngừa mưa gió ai ngờ khi bỏ ra ăn đắng nghét vì trong có thuốc diệt tinh trùng, dù là lượng nhỏ; cùng những cơn sốt rét đến như cơm bữa… Cái khoảng trời Trường Sơn ngày xưa, sự vui vẻ hồn nhiên, dấn thân của những người lính chống Mĩ thắp lên cho cậu bé Hội mơ ước được kể những câu chuyện lính của chính mình và đồng đội.

Để rồi đến bây giờ anh đã làm được điều này qua hơn năm mươi bài viết, bút kí, ghi chép trực diện về đời sống chiến sĩ, khó khăn khi làm nhiệm vụ ở chính nơi mình công tác gắn bó, được đăng tải trên nhiều tờ báo từ trung ương đến địa phương. Đó là đỉa vào mùa nước nổi, vây lấy người như bầy cá con đua nhau rỉa mồi. Mỗi khi các chiến sĩ lặn xuống kiểm tra cột mốc biên giới là đỉa vây đến từng đàn đen nghịt mặt nước. Bôi xà phòng khắp người cũng chỉ được một chốc, khi hơi xà phòng nhạt đi đỉa lại vây đến cắn như thường. Mỗi khi mò tìm xong lên bờ anh em xoa khắp người, kể cả chỗ hiểm xem còn con đỉa nào bám lại. Nếu còn đỉa thì nhổ nước bọt vào đầu ngón tay, gỡ ra, lấy lưỡi dao cạo sạch chỗ cắn, bôi thuốc sát trùng vào là xong. Rồi những bữa cơm cá linh kho me với nước dừa, chấm bông súng, hẹ nước và điên điển ăn với người dân giữa đồng trong địa bàn mình quản lí. Những khi anh em mai phục trên cây mùa nước bị kiến cắn đến sưng mặt…

Trong mấy năm trở lại đây là nhiệm vụ chống dịch covid trên toàn tuyến biên giới. Những người lính biên phòng để tang người thân nơi chốt chống dịch, nén đau thương làm nhiệm vụ. Những đám cưới hoãn đi hoãn lại vài ba lần chờ khi hết dịch. Những cặp đôi cha con, chồng vợ cùng căng mình chống dịch. Tối tối gọi điện về cho con ở với ông bà dặn dò giữ gìn cẩn thận, nhớ đeo khẩu trang, khử khuẩn nhà cửa, hạn chế tiếp xúc, khi có biểu hiện sốt ho phải báo ngay với y tế cơ sở. Màn hình điện thoại là nơi chuyển tải bao nỗi nhớ nhung. Trung tá Nguyễn Hội với vị trí trưởng đồn của mình cũng ba bốn tháng mới tranh thủ ghé được qua nhà, dù nhà chỉ cách đơn vị có hơn hai mươi cây số. Mỗi lần về nhà nhìn hai con gái Thái Thanh và Xuân Mai tíu tít ôm trầm lấy bố, sờ sao vạch trên vai, đánh vần biển tên nơi ngực, bắt bố dậy đứng nghiêm chào, đi đều mốt hai mốt là bao mệt mỏi, lo toan, buồn phiền tan biến hết. “Thế mới thấy ông Nguyễn Huy Thiệp viết trong truyện ngắn Sống dễ lắm thật đúng, rằng cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống…”

Nhưng kỉ niệm anh nhớ nhất trong cao điểm chống dịch là chính anh cũng bị nhiễm covid 19 vào cuối năm 2021. Mười bốn ngày anh tự giăng dây quanh khu nhà ở và vệ sinh của mình, tự cách li với anh em trong đơn vị. Một mình bình tĩnh đấu tranh với những cơn đau họng, ho sốt, mệt mỏi kéo qua từng đêm dài không hề sợ hãi. Vẫn tập thể dục, ăn ngủ, uống thuốc đều đặn, tranh thủ đọc sách, nghĩ đến những điều tích cực trong cuộc sống. Chẳng thế mà qua sáu ngày kết quả test nhanh đã từ dương tính chuyển thành âm tính. Đến ngày thứ mười âm tính lần ba, anh em khuyên nên dỡ bỏ dây phong tỏa nhưng anh không đồng ý. Anh chia sẻ: “Việc chấp hành đúng các quy định là tối cần thiết để bảo vệ những người xung quanh hoặc ít nhất cũng để đảm bảo không có những ánh nhìn e ngại từ người khác.” Đến ngày thứ mười bốn, kết quả test nhanh lần thứ tư âm tính. Theo quyết định cách li điều trị tại địa phương đã hoàn thành, anh tự tay mình giăng sợi dây phong tỏa rồi cũng tự tay mình dỡ bỏ để xác nhận chiến thắng với kẻ thù lớn nhất của nhân loại từ cuối năm 2019 tới nay.

Trên đường tuần tra biên giới

Không chỉ thành công với văn chương, trong năm 2021 đồn biên phòng Sông Trăng nơi anh làm trưởng đồn còn đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Như tổ chức hơn một nghìn tổ, với sự tham gia của gần sáu nghìn lượt chiến sĩ tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc. Phối hợp cùng các đơn vị bạn tham gia kiểm soát lưu động địa bàn ngăn chặn người vượt biên trái phép và phòng chống dịch. Bắt giữ, xử lí hàng trăm đối tượng có hành vi buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Thường xuyên tổ chức những đợt tuyên truyền xuống từng nhà dân, từng người dân về việc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã phối hợp với nhà trường và địa phương trao sáu suất học bổng và sáu phần quà cho sáu em học sinh trị giá 38,1 triệu đồng. Đồng thời dựa vào nguồn tăng gia sản xuất của đơn vị, tổ chức tặng hơn nghìn quả trứng, hàng trăm kg gạo và rau xanh củ quả các loại cho bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng và bệnh viện dã chiến số 10 Tân Hưng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, anh và tập thể đơn vị đã tổ chức thành công chương trình “ Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, qua đó đã trao tặng 180 phần quà cho các hộ nghèo nơi biên giới, tổng số tiền trị giá hơn 90 triệu đồng…

Lúc lâu, khi hỏi về những dự định sáng tác trong năm mới 2022, Trung tá Nguyễn Hội bảo mình vẫn sẽ tiếp tục hành trình ghi lại các trải nghiệm, đời sống của mình và đồng đội nơi biên cương xoay vần hai mùa mưa nắng với ghi chép, bút kí, tản văn. Các thể loại khác lớn hơn như truyện ngắn, tiểu thuyết anh chưa nghĩ tới. Riêng với thơ thì lúc nào cũng sẵn sàng, bởi mỗi người lính luôn luôn có trong mình tố chất thơ tiềm ẩn. Rồi anh đọc cho tôi nghe bài thơ Mùa xuân biên phòng vừa sáng tác mới đây: “Đêm giao thừa chúng tôi đi dọc đường biên/ Đồng đội vẫn căng mình trên điểm chốt/ Ngọn lửa biên thùy lấp lành trời biên ải/ Xuân biên phòng ngân mãi khúc bình an.”

Và ngoài kia đất trời Hà Nội cũng đang nao nức đón một mùa xuân mới…

Đ.P

VNQD
Thống kê