Đá biết đi

Thứ Hai, 04/07/2022 21:38

Thung lũng chết Death Vlley ở Mĩ hiện là nơi giữ 3 kỉ lục: nắng nhất, khô nhất và thấp nhất. Nơi đây đã ghi nhận kỉ lục nhiệt độ cao nhất trên trái đất, lên tới 57 độ vào ngày 10/7/1913. Đây cũng là nơi thấp nhất Bắc Mĩ khi nằm dưới mực nước biển những 86m. Thung lũng chết cũng nổi tiếng bởi sự khô cằn và khắc nghiệt. Tuy nhiên, nơi đây còn nổi tiếng với hiện tượng đặc biệt “đá biết đi”.

Những hòn đá tại vùng Racetrack Playa - một vùng đất bùn, khô cằn, nhưng đặc biệt bằng phẳng nằm ở phía tây bắc của thung lũng Chết được ghi nhận có khả năng tự di chuyển. Hiện tượng này được phát hiện từ những năm 1940. Những hòn đá với kích thước có thể lên tới hàng trăm kilogam đã tự di chuyển theo thời gian để lại những dấu vết không thể chối cãi như hình ảnh. Qua nhiều năm, chúng đã rời xa vị trí ban đầu với những khoảng cách hàng trăm mét, để lại những vết trượt dài không theo một quy luật nào. Mỗi hòn đá di chuyển đã hình thành những con đường mòn khác nhau cả về hướng lẫn chiều dài. Có những hòn ban đầu ở cạnh nhau, sau đó di chuyển song song trong một khoảng thời gian trước khi đột ngột thay đổi hướng, hoặc dừng, hoặc tiếp tục trượt theo hướng khác. Người ta nhận thấy, một số hòn đá nặng khoảng 45kg và di chuyển xa đến 457m trong thời gian từ 2 đến 5 năm.

Các nhà khoa học từ lâu đã tìm cách giải mã hiện tượng này nhưng chưa ai đưa ra được một cách giải thích thuyết phục. Mãi cho đến năm 2011, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học San Diego sử dụng trạm khí tượng để đo khoảng cách gió, đồng thời gắn thiết bị định vị GPS lên 15 hòn đá và mang đến khu vực này để thử nghiệm. Tháng 12/2013, họ quay lại Racetrack Playa và phát hiện nơi này bị ngập sâu trong nước 7cm.

Qua nghiên cứu, nhóm chuyên gia nhận định rằng, sự dịch chuyển của các hòn đá là kết quả của nhiều hiện tượng và điều kiện khác nhau. Vào mùa đông, khi vùng lòng hồ ngập nước, băng nổi sẽ xuất hiện, tuy nhiên, mực nước đủ nông để không ngập hết đá. Nhiệt độ giảm khiến mặt hồ đóng băng thành các mảng băng mỏng, đủ dày để chịu lực nhưng có độ mỏng vừa phải để có thể dịch chuyển. Mặt trời ló rạng, băng tan và nứt vỡ thành các mảng trôi nổi. Sức gió khiến chúng bị thổi di chuyển, đẩy đá về phía trước. Đá dịch chuyển tạo thành vệt dài trên mặt hồ. Các mảng băng mỏng từ 3 - 5mm dịch chuyển nhờ những cơn gió có vận tốc từ 3 đến 5m/s, có thể đẩy đá trượt dài trên bề mặt với vận tốc chỉ vài cm/s. Ngày 21/12/2013, nhóm nghiên cứu đã chứng kiến hiện tượng nứt vỡ băng xảy ra vào khoảng giữa trưa, tạo ra những tiếng nổ lách tách từ bề mặt nước đóng băng.

Trong hai tháng rưỡi, nhóm nghiên cứu ghi nhận 5 lần đá dịch chuyển, một số lần được quan sát với sự di chuyển của hàng trăm hòn đá. Đó là câu trả lời rõ ràng nhất cho hiện tượng “đá biết đi” đã tồn tại hàng trăm năm tại nơi được mệnh danh là một trong những khu vực kì lạ nhất hành tinh này.

Trọng Thái tổng hợp

VNQD
Thống kê