Vinh dự giữa trùng khơi

Thứ Sáu, 08/07/2022 00:16

. LÊ QUANG CHIỂU
 

Trong hai cuộc trường chinh kháng Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, hình ảnh người chiến sĩ kết nạp Đảng tại giao thông hào nơi chiến trường đầy bom rơi, đạn nổ vô cùng thiêng liêng, cao cả, lay động lòng người. Ngày nay hình ảnh đó lại được tái hiện trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khi những người lính của các Quân y viện, các tổ, chốt Biên phòng nơi biên giới, hải đảo được kết nạp, trao huy hiệu Đảng ngay tại nơi tuyến đầu chống dịch. Buổi lễ trao tặng danh hiệu ba mươi năm tuổi đảng cho Trung tá Nguyễn Văn Đức, Phó Thuyền trưởng Hải đội 2, BĐBP tỉnh Quảng Ninh trên con tàu tuần tra giữa trùng khơi bao la là một câu chuyện như thế.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải trao bằng, gắn huy hiệu Đảng

Biển động. Cửa sông Bắc Luân những ngày trung tuần tháng 6 năm 2021 cồn lên từng cơn sóng lừng đục ngầu. Trên tán những rặng phi lao xanh, gió nồm nam phi như đám hải thần mã của thần biển Poseidon sầm sập lao xuống bãi biển sục cát tung mù mịt. Sóng đánh ầm ầm, bọt trùm trắng Cồn Mang thuộc bán đảo Trà Cổ, thành phố Móng Cái. Đất trời vần vũ chực chờ thêm chút áp lực gió nữa là thành bão. Nhìn những cột sóng cao cuộn tròn đánh liên tiếp vào bờ, chúng tôi hỏi Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh: “Sóng lớn nguy hiểm thế này có ra khơi không anh?”. Đáp lại câu hỏi, Chính ủy cả quyết: “Anh em bám trụ ngoài khơi được thì chúng ta cũng ra đó được”.

Vậy là khởi hành. Từ Mũi Ngọc, chiếc xuồng cao tốc màu trắng, rẽ sóng hướng ra khơi, tới khu Đầu Tán thì bẻ lái chuyển về hướng Nam chạy song song và cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 5,5 hải lý bỏ lại phía sau cột Mốc số 1378 nơi khởi đầu phân chia vùng biển của Việt Nam với Trung Quốc. Những vạt nước đập mạn xuồng tạo ra dải nước mỏng bắn mờ mịt vào cửa kính, thỉnh thoảng xuồng giảm tốc độ để tránh những đợt sóng lừng cao trên 2 mét, có ngọn bạc đầu chồm lên như muốn nuốt chửng con xuồng xuống lòng biển.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải và Chỉ huy Hải đội 2 chúc mừng

Sau hơn 30 phút vật lộn sóng gió vượt gần 15 hải lý, chúng tôi cũng đến được với khu vực biển đảo Trần, hòn đảo được ví như “Trường Sa của vùng Đông Bắc Tổ quốc”. Xuồng cập mạn con tàu vỏ gỗ mang số hiệu BP 01 - 06 - 01, chốt chặn trên vùng biển này từ đầu đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư gần 2 tháng nay. Gặp chúng tôi, những người lính tàu nở nụ cười rạng ngời trên khuôn mặt sạm đen, một đặc điểm rất riêng của những người lính biển. Tiếp xúc tôi mới hiểu, công việc của các anh ở đây không hề dễ dàng. Từ việc lên, xuống xuồng tuần tra phải chớp thời cơ của bước sóng nâng xuồng với tàu cao ngang bằng nhau mới di chuyển, đến tiếp cận các tàu có dấu hiệu vi phạm mà trọng tải lớn, thành tàu cao tới 2-3 mét đang di chuyển trong điều kiện sóng to, gió lớn, chỉ cần một sai sót nhỏ có thể phải trả giá bằng tính mạng. Việc lựa chọn người đi biển cũng được cân nhắc kỹ lưỡng bởi tính chất công việc của các anh đòi hỏi cao ở nhiều lĩnh vực khi thường xuyên phải tuần tra kiểm soát dọc đường biên giới lãnh hải hai nước tới gần 70 hải lý. Làm thế nào kiểm soát được một vùng biển dài, rộng như thế? Tôi hỏi. Anh Nguyễn Văn Đức, phụ trách tàu với gương mặt cương nghị chia sẻ: “Chúng tôi phải sử dụng đồng bộ các biện pháp, quan trọng nhất là sử dụng tai mắt của ngư dân trên biển và sự hỗ trợ của các thiết bị phát hiện mục tiêu từ sớm, từ xa”.

Công tác chuẩn bị Lễ trao tặng 30 năm tuổi Đảng cho anh Nguyễn Văn Đức được triển khai hết sức khẩn trương trong khoang cabin tàu vẻn vẹn gần chục mét vuông. Không bàn, không ghế, không bục phát biểu duy chỉ có lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và tấm maket được treo lên đúng nghi thức, trên đó ảnh Cac mac-Lenin ở vị trí cao nhất. Dù đơn sơ, nhưng không phai vì thế mà buổi lễ mất đi sự tôn nghiêm. Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Đức chia sẻ: “Hôm nay là một ngày vô cùng trọng đại và đáng nhớ, tôi được trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng khi đang làm nhiệm vụ trên biển. Đây là niềm tự hào tạo động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Đoàn Văn công BĐBP đến giao lưu với CBCS sau một đợt tuần tra

Nguyễn Văn Đức sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bắc Giang trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố và anh trai đều công tác trong Quân đội. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã mơ ước được theo nghiệp cha, khoác trên mình bộ quân phục người lính biên phòng, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tốt nghiệp ngành Hàng hải, Trường Kỹ thuật biên phòng năm 1991, anh được phân công về công tác tại Hải đội 2, BĐBP Quảng Ninh. Đến nay, anh đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau, ở cương vị nào, anh cũng luôn đi đầu, là người “truyền lửa” cho đồng đội, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; được đồng chí, đồng đội tín nhiệm, tin yêu.

Với đặc thù của một đơn vị cơ động chiến đấu trên biển, công việc của Trung tá Đức và đồng đội luôn gắn với những chuyến công tác trên biển hàng tháng trời, nên đòi hỏi rất cao về tính độc lập, quyết đoán, sự dũng cảm, sáng tạo trong xử lý tình huống. Trên cương vị là Phó Thuyền trưởng phụ trách, quản lý tàu, anh đã cùng tập thể lãnh đạo tàu chủ động kế hoạch, chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ trên biển. Trong mỗi chuyến đi, anh luôn duy trì tốt công tác canh trực, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ cũng như phương tiện. Đặc biệt, trước tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên biển ngày càng phức tạp, anh đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy đơn vị xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần giữ gìn trật tự, an ninh, an toàn trên biển.

Trung tá Đức luôn bám sát địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân nắm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản; tham gia thành công nhiều cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền của ngư dân gặp nạn trên biển..., tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân trong hành trình vươn khơi, bám biển. Vững vàng nơi đầu sóng, sát cánh cùng ngư dân, Trung tá Nguyễn Văn Đức đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp “Người chiến sĩ quân hàm xanh”. 34 năm gắn bó với lực lượng BĐBP, 30 năm tuổi Đảng, tiếp nối truyền thống gia đình, với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, anh nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam tặng Bằng khen.

Lễ trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho Trung tá Nguyễn Văn Đức tiến hành đủ chương trình, đúng nghi thức được diễn ra trong không khí trang trọng. Lời ca từ “Đoàn quân Việt Nam đi” đến “Đấu tranh này là trận cuối cùng...” như thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên hành động. Bầu không khí buổi lễ như lặng đi trước giọt nước mắt nhẹ rơi trên gương mặt rắn rỏi của người lính biên phòng biển, giọng nói nghẹn đi khi nhắc đến hình ảnh về người cha kính yêu được kết nạp Đảng trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào năm 1971, nhắc về một gia đình nhỏ vợ, con đều là đảng viên, vinh dự được trao tặng Huy hiệu Đảng và sự hứa hẹn luôn giữ khí tiết kiên trung của người cán bộ đảng viên. Một đồng nghiệp của anh Đức chia sẻ: “Tôi thực sự xúc động trước không khí của buổi lễ, đặc biệt là lời phát biểu của anh Đức, tôi cảm thấy mình chưa làm được bao nhiêu so với sự cống hiến của anh”.

Cuối buổi trao Huy hiệu Đảng, đôi mắt Chính ủy nhìn xa xăm ra phía biển trời mênh mông trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Ở đó, nơi từng tấc biển, tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, những tàu cá nước ngoài lăm le vi phạm chủ quyền khai thác trộm thủy sản; đâu đó những bè, mảng chở người Trung Quốc và cả người Việt Nam chực chờ xuất nhập cảnh trái phép với nhiều mục đích khác nhau. Thời khắc mà mọi người yên giấc, chính là lúc những người lính biên phòng biển xuất kích ra khơi... Chia sẻ cảm nghĩ của mình khi chứng kiến buổi lễ, Chính ủy xúc động: “Chúng ta vừa đi qua một khoảnh khắc có ý nghĩa mà bao năm qua chưa từng có. Vì cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phải bám trụ trên các tổ, chốt nơi biên giới, trên các con tàu nơi đầu sóng, ngọn gió như thế này. Đặc biệt hơn chúng ta vừa nghe bài phát biểu đầy cảm xúc, lay động lòng người, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc của đồng chí Nguyễn Văn Đức, đề nghị các mọi người cho ý kiến có nên đưa bài phát biểu này vào Nhà truyền thống BĐBP Tỉnh hay không”.

Không gian trong cabin tàu chợt lặng đi, nghe rõ cả tiếng gió rít qua khe cửa kính. Ai nấy đều bất ngờ trước ý tưởng của thủ trưởng. Số đông đồng tình, một số lưỡng lự. Trưởng ban Tổ chức BĐBP Tỉnh tỏ ra băn khoăn: “Tôi đề nghị thủ trưởng và các đồng chí xem xét lại, Nhà truyền thống thường lưu giữ những hiện vật, những sự kiện trọng đại trong lịch sử đã qua, còn bài phát biểu này tôi thấy chưa đủ tầm”. Sự sôi nổi bàn luận rộ lên về vị trí, ý nghĩa của hiện vật Nhà truyền thống để đi tới nhận thức chung rằng lịch sử không chỉ phản ánh những sự kiện đã qua mà ngay ngày hôm nay mỗi người cần có trách nhiệm giữ gìn, xây đắp, tô thắm. “Hãy để Bài phát biểu của đảng viên nhận Huy hiệu ba mươi năm tuổi Đảng hôm nay vào Nhà truyền thống BĐBP tỉnh Quảng Ninh để các thế hệ sau biết được về một giai đoạn lịch sử chúng ta chống giặc Covid-19 như thế”. Cuối cùng chính ủy kết luận.

Đoàn công tác chia tay những người lính trên tàu vào cuối chiều khi cơn giông tố mịt mù phía chân trời nguy cơ ập đến. Chiếc xuồng lướt sóng, con tàu Biên phòng dần mờ xa sau đuôi xuồng. Chúng tôi không ai bảo ai đều ngoái lại vẫy tay chào những đồng đội thân thương. Trên đỉnh đảo Trần, lá cờ Tổ quốc vẫn kiên cường tung bay trong gió...

L.Q.C

VNQD
Thống kê