. VƯƠNG CƯỜNG
Khoảng ngày 9 hay 10-4-1975 đại quân ta ở phía Bắc đang hành quân thần tốc trên đường một bằng xe cơ giới, vừa đi vừa đánh, nếu gặp địch thì đơn vị tôi quẹo vào Quy Nhơn. Bốn phía khói bom khói pháo còn quầng lên từng cột rồi tạo thành từng đám mây đen lởn vởn không chịu tan. Vẫn thấy những chiếc may bay ẩn hiện trên bầu trời, có lúc lóe lên gặp nắng. Lúa hai bên đường, trên những cánh đồng đã chín. Lúc này Quy Nhơn vừa được giải phóng, chúng tôi nhận lệnh là tất cả nam giới từ mười lăm đến năm mươi lăm tuổi phải tập trung vào một khu và trường học được chọn làm khu tập trung ấy. Tập trung để thanh lọc. Khi đại đội tôi tiếp quản thì người bị gọi tập trung đã đông. Các bà, các chị trong tổ chức phụ nữ lo thổi cơm nước cho hàng mấy trăm người ăn, khói um lên một góc. Tôi ở trước cổng cùng anh em đang gác, thỉnh thoảng lại thấy một người, hoặc một đoàn người lần lượt bước vào, có nhiều em còn đeo thẻ học sinh, mặt múi non choẹt, đầy lo lắng. Tôi bảo các em vào đi, không có gì phải sợ. Quân giải phóng không làm hại đồng bào đâu. Khu tập trung có tường bao quanh, có nhiều cây xanh cổ thụ tỏa bóng. Nắng to nhưng thỉnh thoảng gió biển vẫn thổi vào nên trong bóng râm vẫn mát.
Thành phố Quy Nhơn ngày nay
Gần trưa, tôi nhìn thấy một người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi tuổi, mặt tái mét, nước mắt chảy tràn và khóc không ra tiếng. Nhìn chỉ thấy chị nấc rung lên, mắt ngong ngóng vào trong khu tập trung. Tôi đứng nhìn một lúc rồi tiến lại gần hỏi, tại sao chị lại khóc? Như được lời, chị khóc to hơn và kể cho tôi nghe. Nhà chị bị bom Mĩ ném đúng vào nhà. Hai đứa con gái nhỏ chết ngay giữa ngõ. Hiện vẫn nằm đó mà chưa có ai chôn. Tôi hỏi, nhà chị anh em không còn ai à? Chị nói, chạy loạn hết rồi, chỉ còn hai đứa anh theo lệnh tập trung ở trong này. Chị vừa khóc, vừa nói, vừa chỉ tay vào trong. Xin các ông cho chúng về để chôn hai em nó. Tôi nói, chị đừng khóc nữa, các cháu không may bị bom, giờ không lấy lại được. Chị cứ đứng đây, chờ tôi mấy phút.
Tôi chạy vào trong gặp anh Nguyễn Văn Bảo, người Đan Phượng, Hà Tây là chính trị viên, anh Trịnh Đình Hạnh, người Thanh Hóa là đại đội trưởng. Tôi kể lại câu chuyện đang xảy ra ngoài cổng khu tập trung. Tôi nói với hai anh, linh tính cho tôi tin câu chuyện của chị kia là đúng sự thật, đề nghị các anh cho hai người con của chị về nhà để chúng chôn cất hai đứa em nó. Hai anh chưa nói gì mà có vẻ suy nghĩ. Tuy tôi là cấp dưới, nhưng từ thời sau hiệp định Pa ri, 27-3-1973 trở lại đơn vị sau bị thương cho đến suốt đoạn đường chiến đấu từ miền Tây Thừa Thiên đến đây, các anh luôn trân trọng ý kiến của tôi. Nhiều lần tôi phân tích tình hình chiến trường, nêu các biện pháp cho hai anh nghe, mỗi khi được hỏi, thực tế diễn ra đúng như tôi nói. Vì vậy các anh rất tin và nể tôi. Tôi nói tiếp, các anh cứ giả sử rằng cả hai đứa con của chị là ngụy quân, ngụy quyền đi, thả họ ra lúc này là họ về giữa vùng giải phóng rộng lớn. Lúc này, quân giải phóng toàn thắng khắp nơi, đang hướng về Sài Gòn, bất kỳ ai cũng biết cái kết cuối cùng. Không ai dại gì làm phản cả. Nếu được về chôn cất hai em của họ thì không có lời quảng cáo nào cho quân giải phóng hay hơn. Bởi vì trong dân vẫn còn người nửa tin, nửa ngờ. Như vậy chính ta đã giải phóng hoàn toàn cho họ không chỉ từ thực tế chiến trường mà cả trong đầu họ. Nghe xong cả hai anh thấy hợp lý, liền đồng ý.
Tôi chạy ra ngoài cổng thấy chị vẫn còn đứng đó mắt vẫn đỏ hoe, tóc ướt đẫm nước mắt. Thấy tôi mắt chị càng tỏ ra van xin hơn. Tôi nói, chị đi cùng tôi, con chị đâu, hãy chỉ cho tôi biết. Loay hoay hồi lâu cũng không thấy. Tôi bảo, chị đi với tôi vào trong này. Thế là tôi đi trước, chị theo sau. Vào giữa đám người đông đúc, lo âu, chị thấy hai thằng con trai của chị. Tôi bảo, chị nói với các em lại gặp tôi. Tôi nói, có tư trang gì không, các em mang hết và đi theo tôi. Thế là ba mẹ con cùng đi sau lưng. Đến cổng, các chiến sĩ gác chưa biết chuyện, nên ngăn lại. Tôi bảo, anh đã nói kĩ với các thủ trưởng rồi, các thủ trưởng đã đồng ý cho hai người này ra khỏi đây. Họ vẫn còn chưa nghe. Tôi bảo, mọi việc anh chịu hoàn toàn trách nhiệm với cấp trên. Thế là cho đi. Ra đến cổng, ba mẹ con đi lên trước rồi cùng đứng quanh tôi. Nước mắt vẫn chảy hoen trên đôi mắt của bà. Hai người con trai mắt cũng đỏ hoe. Có lẽ họ đang nghĩ về hai cô em gái còn quá nhỏ chết đang nằm trước ngõ nhà mình. Bà mẹ nói, tôi cảm ơn anh, cảm ơn quân giải phóng đã thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi bảo, không có gì đâu chị ạ. Đó cũng là trách nhiệm của chúng tôi - những người lính giải phóng trước mọi hoàn cảnh của nhân dân. Nói xong cả ba mẹ con đi, những bước chân như chạy. Tôi nhìn theo đến khi khuất hẳn mới quay lại chỗ anh em đang trực. Trên đường đánh giặc đơn vị tôi đã bao lần gặp những hoàn cảnh thương tâm của những người dân và đã giúp họ xoa dịu thương đau trong chiến tranh. Và cặp mắt của ba mẹ con nhìn tôi trong nước mắt khi chia tay trước cổng đã nói lên nhiều điều.
Giờ đã bốn mươi bảy năm, nếu chị còn sống đã gần hoặc hơn chín mươi tuổi, hai em giờ cũng trên sáu mươi rồi. Chắc chị và các em không quên câu chuyện này, giữa một trưa khi Quy Nhơn vừa giải phóng.
V.C
VNQD