Chuyện sinh hoạt trên tàu vũ trụ

Chủ Nhật, 10/07/2022 08:33

. NGUYỄN CÔNG HUY

Các phi công vũ trụ rèn luyện, luyện tập cho một chuyến bay đã vất vả, nhưng việc làm quen với những sinh hoạt thường ngày ở trạng thái không trọng lượng thì cũng chẳng đơn giản. Ngay từ việc đơn giản nhất là ăn, ngủ, nghỉ rồi chuyện vệ sinh cá nhân…đều phải tập hết. Thói quen thường ngày dưới mặt đất đã gây không ít khó khăn. Buồng lái của con tàu vũ trụ nhỏ hẹp, không rộng rãi như ngôi nhà của chúng ta dưới đất nên mọi vật dụng, mọi việc làm ở đó đều phải tính toán chi tiết và phải luyện tập tỉ mỉ, đến nơi đến chốn.

Ví dụ chuyện ăn chẳng hạn: khẩu phần hấp thụ của một phi công vũ trụ trong một ngày đêm là hơn 2000 calo, có tới 70 món ăn nên cứ 6 ngày thực đơn mới lặp lại một lần với đủ các chủng loại thực phẩm: thịt, sữa, bánh mì, đồ hộp, trái cây, gia vị, các thứ nước uống…

Riêng về khoản bánh mì phục vụ trên khoang tàu “Chào mừng” thì xin kể chi tiết một chút. Bánh mì cho các phi công vũ trụ có 6 loại bằng bột mì và mì đen. Bánh mì mềm và thơm giống như mới ra lò vậy. Đó là món ăn ngon nhất trong khẩu phần của phi công vũ trụ. Họ xác định “trong khoảng không vũ trụ, bánh mì là rất cần thiết đối với họ, cũng giống như dưới đất vậy”. Trong vũ trụ, không có gì có thể thay thế bánh mì được.

Lò làm bánh mì cho các phi công vũ trụ là một trong những nghiên cứu của Viện nghiên cứu bánh mì ở Matxcơva. Lò sản xuất ra nhiều ổ bánh mì nhỏ tí, màu nâu, vỏ giòn, mỏng, bọc trong những gói nhỏ bằng hai lớp chất dẻo, được sát trùng để tránh mốc, chia làm 10 ngăn, trọng lượng mỗi gói là 45g, có nghĩa là mỗi chiếc bánh mì chỉ nặng 4,5g - đúng với khối lượng mà phi công vũ trụ cần một lần khi ăn, không cần phải bẻ từng mảnh, cốt để tránh những mảnh vụn của bánh mì rơi ra bay lơ lửng có thể lọt vào cơ quan hô hấp gây nguy hiểm cho các phi công vũ trụ. Bánh mì cho các phi công vũ trụ phải tính làm sao để giữ được nó như mới ra lò trong thời gian ít nhất là một năm.

Đấy là khẩu phần ăn, còn việc ăn uống của các phi công vũ trụ thì thú vị hơn nhiều. Khẩu phần cho từng phi công vũ trụ trụ đã được tính toán dưới mặt đất theo sự lựa chọn của từng phi công vũ trụ bằng cánh ăn thử trước đó một tuần trước khi bay. Đến bữa là mọi người cùng bày bàn, thìa, dĩa và các tuýp thức ăn ra bàn. Đương nhiên là phải dán chúng xuống bàn không thì chúng bay lơ lửng mất. Tiếp đến là cứ đưa mọi thứ vào miệng và thưởng thức như trẻ con bú bình sữa vậy. Có lẽ cái khoản ăn bánh mì là vui nhất vì cứ thả cho những miếng bánh mì nhỏ cho nó trôi lơ lửng rồi bơi đến “đớp” lấy nó hệt như chú cá vàng đớp mồi ấy. Nước uống phải lấy ra từ bình có áp suất, chẳng may có những hạt nhỏ vương ra thì chúng bay lơ lửng dưới ánh đèn với màu sắc lung linh hệt như bọn trẻ con chơi trò thổi bong bóng xà phòng vậy. Lúc ấy, người phi công vũ trụ lại phải nhẹ nhàng gom chúng lại thành viên to hơn rồi đưa vào miệng. Ăn trong vũ trụ tuy không ngon, không được thoải mái như dưới mặt đất nhưng có cái thú vị riêng của nó.

Đoàn phi hành gia Mỹ và Nga

Về tiêu chuẩn nước, mỗi phi công vũ trụ mỗi ngày được 2,5 lít, trong đó nước mang theo từ mặt đất là 1,5 lít, còn lại là nước thu hồi từ mồ hôi thoát ra. Nước thu hồi được đưa qua máy lọc cho đến khi đạt tiêu chuẩn nước sạch. Tuy nhiên, nước này chỉ dung để làm vệ sinh chứ sử dụng vào việc ăn uống thì không ngon.

Mọi thứ rác thải được thu gom rất cẩn thận. Tới khi nào rác nhiều, chúng được đưa vào khoang “vứt rác”, đóng cửa lại, kiểm tra độ kín xong thì giảm áp “thùng rác” xuống bằng không (O) để cân bằng áp suất. Khi đó mới mở cửa để rác bay vào vũ trụ. Sau đó lại đóng cửa và tăng áp trở lại. Vì thế, mỗi một lần “đổ rác” là áp suất của con tàu vũ trụ lại giảm đi mất một chút, nên việc “đổ rác” cũng phải theo quy trình, theo một kế hoạch rất cụ thể chứ không đổ bừa bãi được. Trên con tàu vũ trụ cũng có hệ thống bình sản xuất ô-xy để giữ cho thành phần không khí gần giống như ở mặt đất. Các con tàu chở hàng khi bay lên đều phải tính đến chuyện thay thế các bình ô-xy kia.

Đặc biệt, chuyện vệ sinh trên tàu vũ trụ (cái chuyện “đi nặng”, “đi nhẹ” ấy) cũng rất khác so với dưới mặt đất. Tức là, nôm na, khi đi “tè” là có một cái chụp, chụp thẳng vào chỗ cần đi để nước tiểu không bị bắn tóe lung tung. Còn khi đi “ị” thì cũng có một cái chụp hút thẳng vào chỗ giữa hai mông và giúp cho việc hút mọi thứ ra. Cũng đơn giản thế thôi. Nhưng mà, lỡ chẳng may bị vương vãi ra chút ít thì thứ ấy nó phát tán rất nhanh ra cả khoang tàu và thật khó mà thu gom lại được. Rồi đên bữa ăn, biết đâu lại có người nhầm tưởng đấy là thức ăn mà “đớp” nhầm cái của nợ ấy thì còn ghê gớm hơn nữa. Chuyện nghe chừng đơn giản vậy thôi nhưng đến khi thực hiện thì cũng phức tạp ra trò.

Chuyện tắm táp trong khoang tàu thì chỉ giành cho đội bay bay dài ngày, còn đội bay ngắn ngày chủ yếu dung khăn ẩm để lau chùi. Tuyu nhiên, tắm trong vũ trụ cũng là một vấn đề. Đầu tiên, phòng tắm phải tuyệt đối kín, không để nước bắn ra ngoài. Tiếp đến là nước trên con tàu vũ trụ không như dưới mặt đất. Nó không phải là vật để mang đi những bụi bặm hoặc những chất bẩn trên cơ thể con người vì nó cũng không có trọng lượng. Khi mở vòi nước là chúng không chảy thành dòng như ở dưới mặt đất mà là cứ dính vào nhau. Rồi việc thu hồi nó đâu có phải là dễ. Cho nên việc tắm trong vũ trụ cũng không ít khó khăn. Vì vậy, buồng tắm trên các con tàu vũ trụ phải được thiết kế áp suất và các thành phần không khí giống như trên bề mặt Trái Đất để phi công chịu đựng dễ dàng hơn.

Các phi công vũ trụ được làm việc theo thời gian của Trái Đất. Thời gian lao động và nghỉ ngơi được sắp xếp như sau: ngủ, nghỉ trong một ngày đêm là 9 giờ. Rèn luyện thân thể là 2,5 giờ. Ăn 4 bữa 2,5 giờ. Làm việc 8 giờ. Mỗi phi công có 2 giờ tự do cá nhân, trong đó là 1 giờ sau bữa ăn trưa.

Khi đi ngủ, các phi công vũ trụ phải “chui” vào túi ngủ, được buộc chặt vào tàu để không bị trôi lơ lửng. Nếu không có túi ngủ thì đầu cứ gật gà gật gù liên tục, tới lúc dậy, cổ sẽ mỏi nhừ chừng không cử động được. Chính vì vậy phải cần đến túi ngủ và việc chọn chỗ ngủ cũng như cách ngủ cũng rất quan trọng. Các phi công bay nhiều lần, có kinh nghiệm thì thấy rằng nằm ngủ ở phía trung tâm con tàu (đầu quay xuống dưới) sẽ dễ chịu hơn, đồng thời, khi đi ngủ phải dung dây chằng người cố định vào thành tàu, đầu và tay cũng cố định để tránh bị đu đưa liên tục trong khi ngủ. Khi đã quen rồi thì ngủ ở chỗ nào cũng được. Trước khi đi ngủ, cứ “chui” vào túi rồi khóa chặt phec mơ tuya và mặc cho người trôi lơ lửng khắp con tàu, mở quyển sách ra đọc để sách và người cùng trôi, thưởng thức những phút giây thư giãn trước khi cột người vào chỗ nào đó để ngủ cho ngon giấc thì đấy cũng là cảm giác tuyệt vời.

Đấy, chỉ riêng chuyện ăn, chuyện ngủ trên vũ trụ thôi mà cũng đã thấy phức tạp rồi, nói chi đến các chuyện khác nữa!

Nếu có thời gian, tôi sẽ viết tiếp những công việc của các phi công vũ trụ trên khoảng không bao la kia cùng những gánh nặng mà họ phải gánh chịu, nhất là gánh nặng về tâm lí.

N.C.H

VNQD
Thống kê