Vỡ nợ

Thứ Hai, 18/07/2022 21:49

Bức ảnh trên chụp cảnh người dân Sri Lanka tràn vào dinh thự Tổng thống vào ngày 11/7, sau khi nước này công bố vỡ nợ. Tình trạng bất ổn đã diễn ra nhiều tháng nay tại Thủ đô Colombo của quốc đảo Nam Á do người dân tụ tập biểu tình yêu cầu Tổng thống từ chức.

Khi tình trạng kinh tế trở nên quyệt quệ, những cuộc biểu tình đã bùng phát thành bạo động. Hàng nghìn người biểu tình từ ngày 9/7 tràn vào phủ Tổng thống ở Thủ đô Colombo, yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức trong bối cảnh đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng.

Nhiều người biểu tình, cầm cờ và mũ bảo hiểm, xông vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa để thể hiện sự phẫn nộ khi cho rằng nhà lãnh đạo không thể bảo vệ họ trước cuộc khủng hoảng kinh tế. Từ bên trong nhà của tổng thống, người dân tràn vào các phòng và hành lang, hô vang khẩu hiệu chống ông Rajapaksa.

Những ngày sau đó, do hiếu kì, người dân vẫn tiếp tục đổ về phủ Tổng thống để thử cảm giác về cuộc sống xa hoa trong dinh thự sang trọng này. Với nhiều người dân Sri Lanka, đây là lần đầu tiên trong đời họ được nhìn thấy phủ Tổng thống. Đây là công trình được xây dựng từ thời thuộc địa, với những mái hiên thoáng đãng, phòng khách sang trọng và những phòng ngủ rộng rãi. Nhiều người biểu tình đã tận dụng quãng thời gian ít ỏi này để trải nghiệm cuộc sống bên trong phủ Tổng thống. Rất nhiều người đã thử đứng trên bục phát biểu, giả hội họp, đánh bài và hô vang những khẩu hiệu.

Trước khi đoàn người biểu tình ập vào, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa, 73 tuổi, cùng gia đình đã được áp tải bởi lực lượng an ninh, rời khỏi dinh thự. Ông được cho là đã lên một tàu hải quân di chuyển tới thành phố cảng Trincomalee, phía đông bắc Sri Lanka và tuyên bố sẽ từ chức ngày 13/7. Diễn biến mới nhất, đến 18/7, Tổng thống Sri Lanka đã tới Singapore như một điểm tạm dừng, ông đã viết Email về nước xin từ chức.

Khi Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu, người dân thường xuyên phải chịu cảnh mất điện hơn 12 tiếng mỗi ngày do máy phát không còn dầu diesel để chạy. Bức xúc trong dư luận tăng cao, châm ngòi làn sóng biểu tình leo thang bạo lực suốt thời gian qua. Tình trạng thiếu ngoại tệ đã khiến chính phủ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như thuốc men, thực phẩm và nhiên liệu... Hiện trạng đó đã dẫn đến những bất ổn. Sri Lanka nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng… Tình trạng khan hiếm do không thể nhập khẩu vì không còn nguồn ngoại tệ khiến ngay cả những người có tiền cũng không thể mua các mặt hàng thiết yếu.

Trọng Thái tổng hợp

VNQD
Thống kê