. DƯƠNG THẮNG
Hầu như chúng ta đã quên rằng Einstein, nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới, nhân vật của thế kỉ XX ( theo bình chọn của tạp chí Time) cũng là một nhà hoạt động chính trị theo cách riêng của mình. Ông dấn thân không biết mệt mỏi vào những cuộc chiến đấu vì công lí, từ những hoạt động chống chủ nghĩa phát xít tới nạn phân biệt chủng tộc ở Mĩ. Theo đuổi chủ nghĩa nhân văn, Einstein luôn mơ tới việc thành lập một “chính phủ thế giới” để thủ tiêu chiến tranh và thiết lập một xã hội xã hội chủ nghĩa, khi đó theo ông, hệ thống giáo dục sẽ được xây dựng dựa trên các quy luật phát triển trí thông minh của con người.
Những tài liệu mật vừa được giải mã trong thời gian gần đây đã cho thấy, FBI và đặc biệt là người đứng đầu cơ quan này - Edgar Hoover, luôn nuôi dưỡng một ác cảm cao độ với Einstein. Không chỉ theo dõi và giám sát chặt chẽ ông, FBI cũng đã tìm mọi cách để kết tội hoặc trục xuất nhà bác học ra khỏi nước Mĩ, tuy nhiên, vì nhiều lí do, những kế hoạch đó đã thất bại thảm hại.
Khởi xướng nhưng không được tham gia dự án “Dự án Manhattan”
Là người nhập cư theo chế độ tị nạn nhưng Einstein không có ý định từ bỏ quyền tự do ngôn luận của mình. Dẫu ủng hộ Roosevelt lên làm tổng thống, ông sẽ không ngần ngại chỉ trích khi thấy cần thiết. Trong thập niên 1930, nổi lên 2 vấn đề làm ông rất phẫn nộ: thứ nhất đấy là việc Mĩ miễn cưỡng chấp nhận những người tị nạn Do Thái bị truy sát bởi nước Đức Quốc xã với lí do là trong số đó có nhiều người có khả năng là cộng sản (thời kì đó, nhiều ông trùm công nghiệp Mĩ đang hợp tác chặt chẽ với Đức như Joe Kennedy, bố đẻ của tổng thống Kennedy hay nhà tài phiệt Henry Ford). Einstein cũng chỉ trích về chính sách trung lập của Mĩ và lệnh cấm vận vũ khí của họ trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, ông đã đích thân tham gia hỗ trợ cho việc thành lập lữ đoàn quốc tế Abraham Lincoln gồm 2.800 người Mĩ để sang Tây Ba Nha chiến đấu.
Những hoạt động của Einstein đều được ghi lại trong các hồ sơ theo dõi của FBI, đối với Ủy ban Giám sát các hoạt động chống Mĩ thì những ai ủng hộ Cộng hòa Tây Ban Nha thì đều là cộng sản. Những ác cảm của Edgar Hoover ông chủ của FBI đối với Einstein cũng bắt nguồn từ đây.
Sự thù địch âm ỉ này của FBI đối với Einstein sẽ gây ra những hậu quả đáng kể. Mùa hè 1939, Einstein, khi đó đang làm việc ở Princeton đã tiếp một vị khách tên là Leo Szilard tới thăm. Cuộc thăm viếng không chỉ đảo lộn cuộc đời ông mà còn là toàn bộ lịch sử nhân loại. Là nhà vật lí lỗi lạc người Hung, có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng khoa học Đức, Leo Szilard đã nhận được những tin tức đáng lo ngại và thấy cần thông báo gấp cho Einstein: quân Đức, những người vừa xâm lược Tiệp Khắc, đã quyết định thu giữ uranium được khai thác từ các mỏ ở Séc. Điều đó chắc chắn có nghĩa là Hitler đã khởi động một chương trình phát triển bom nguyên tử. Einstein hiểu rõ rằng dự án này là khả thi , vì công trình lí thuyết của ông (phương trình nổi tiếng E = MC²) - đã chỉ ra rằng vật chất là một nguồn năng lượng lớn và các nhà khoa học châu Âu, như Enrico Fermi hay Frédéric Joliot, vừa tiến hành thành công thực nghiệm phân hạch của uranium giải phóng neutron và do đó có thể tạo ra năng lượng cực lớn thông qua những phản ứng dây chuyền. Szilard cảnh báo người bạn Einstein rằng phe chống phát xít phải tăng tốc về đích trước: nếu Hitler là người đầu tiên có được vũ khí khủng khiếp này này, hắn sẽ trở thành ông chủ của thế giới!
Einstein ngay lập tức đã viết thư cho Tổng thống Roosevelt thúc giục ông này khởi động một chương trình nghiên cứu hạt nhân càng nhanh càng tốt (mặc dù khi đó Mĩ vẫn chưa tham chiến).
Bị thuyết phục bởi uy tín khoa học của Einstein, tận mắt chứng kiến các chiến dịch quân sự của Đức Quốc xã ở châu Âu: xâm lược Bỉ và sau đó là Pháp, cuối cùng Roosevelt đã bị thuyết phục. Năm 1941, Hội đồng Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia, đã lên kế hoạch cho “Dự án Manhattan” đặt bản doanh tại Los Alamos để thiết kế và chế tạo bom nguyên tử. Dự án này đã quy tụ một nhóm học giả nổi tiếng nhất của châu Âu và Mĩ. Khi xem xét trường hợp của Einstein, FBI đã cung cấp cho bộ phận tình báo quân sự hồ sơ theo dõi cá nhân với những lời tố cáo mạnh mẽ: ủng hộ Cộng hòa Tây Ban Nha, ủng hộ cộng đồng Do Thái nhập cư, có khuynh hướng cảm tình với cộng sản, vì thế sẽ có nhiều khả năng trở thành người cung cấp thông tin cho Liên Xô. Dẫu không có những chứng cứ cụ thể, Einstein cũng vẫn bị gạt ra khỏi dự án “Dự án Manhattan” mà chính ông là người khởi xướng.
Rất nhiều nhà sử học sau này đã công kích Einstein vì đã khởi xướng việc sản xuất bom nguyên tử, một vũ khí giết người hàng loạt. Những phê phán đó có phần bất công bởi Einsteins không bao giờ có thể tin rằng người ta sẽ đem nó ra sử dụng trên thực tế, ông chỉ nghĩ rằng việt sản xuất nó như một giải pháp ngăn chặn Hitler độc quyền sở hữu vũ khí này bởi nếu vậy hắn sẽ dễ dàng quyết định sử dụng nó mà không hề sợ bị trả đũa. Einstein cũng nhiều lần công khai đề nghị rằng, vũ khí nguyên tử, một khi đã được chế tạo xong, cần được trao cho một tổ chức quốc tế bao gồm Mĩ, Anh và Liên Xô quản lí. Hiển nhiên rằng quân đội Mĩ không hề có ý định chia sẻ công nghệ này với ai, còn tại Liên Xô, sáng kiến của Einstein cũng vấp phải một sự đón nhận hờ hững. Liên Xô nuôi ý định trang bị bom nguyên tử cho riêng mình và họ đã làm được điều đó.
Một số thành viên của “Dự án Manhattan”
Tiếp tục là mục tiêu của FBI trong chiến tranh lạnh.
Sau chiến tranh, Einstein vẫn tiếp tục là mục tiêu giám sát hàng đầu của FBI. Ngoài những hoạt động cổ vũ cho hòa bình trong thời gian chiến tranh lạnh đang lên tới cực điểm, nhà bác học còn dấn thân vào một cuộc chiến khác: cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc nói chung và chống phân biệt chủng tộc với người Mĩ gốc Phi nói riêng. Trong cuộc chiến này Einstein có một đồng minh rất lợi hại đó là Eleanor Roosevelt, vợ góa của tổng thống Roosevelt. Bà cũng là người mà Edgar Hoover cực kì căm ghét, gọi bà là : “Con cú vọ già”, ác cảm này có nguyên nhân từ những chỉ trích gay gắt của Eleanor Roosevelt khi gọi FBI là bộ máy Gestapo của nước Mĩ (cần lưu ý rằng Edgar Hoover, ông chủ FBI luôn công khai thừa nhận mình là một người phân biệt chủng tộc).
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa McCarthy một lần nữa làm Einstein nổi giận, ông gọi đây là “một cuộc săn phù thủy” nhắm vào những người cộng sản, những người có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản, hoặc đơn giản chỉ là những người yêu chuộng tiến bộ và công lí. Việc Einsteins khuyên một giáo sư trẻ tuổi từ chối xuất hiện để trả lời chất vấn trước Ủy ban Giám sát các hoạt động chống Mĩ đã khiến McCarthy không còn giữ được bình tĩnh, vị thượng nghị sĩ này công khai khẳng định rằng Einstein là kẻ thù của nước Mĩ.
Bất chấp những lời công kích giống như của McCarthy, Einstein vẫn là một tượng đài không thể bị xô đổ. Không một ai dám tấn công trực tiếp ông. Nhưng trong bóng tối, Hoover vẫn cần mẫn lau bóng khẩu súng và lấy ông làm đích ngắm. FBI và Hoover rất muốn tìm cách trục xuất Einstein ra khỏi nước Mĩ (dẫu rằng ông đã có quốc tịch Mĩ từ rất lâu). Đối với ông chủ FBI này, lúc nào Einstein cũng chỉ là một gã nhập cư đáng ghét. Phạm luật khi không xin phép Bộ Tư pháp Mỹ, Edgar Hoover luôn ra lệnh cho các nhân viên FBI bí mật theo dõi gắt gao Einstein, mọi cuộc điện đàm, mọi thư tín của Einstein đều bị nghe lén và đọc lén. Không chỉ dừng lại ở việc coi Einstein là một nhà hoạt động xã hội nguy hiểm, rất nhiều lần Hoover đã tuyên bố với các cộng sự rằng Einstein là một điệp viên cộng sản. Hoover có thực sự tin vào điều đó hay không? Không ai có thể biết chắc chắn điều này, nhưng Hoover luôn không ngừng thu thập chứng cứ để chống lại Einstein và vụ án Klaus Fuchs nổ ra năm 1950 là một “cơ hội trời cho” đối với ông ta.
Fuchs là một nhà bác học người Anh gốc Đức, đã tham gia vào “Dự án Manhattan” ngay từ đầu và ông này đã tiến hành đánh cắp những tài liệu chế tạo bom nguyên tử để chuyển giao cho Liên Xô, giúp họ tiết kiệm được những khoảng thời gian quý báu để có thể đuổi kịp Mĩ trong lĩnh vực này. Sau khi phát hiện ra sự phản bội của Fuchs, FBI đã tổ chức một cuộc săn lùng ráo riết các tòng phạm trong hàng ngũ các nhà khoa học làm việc tại Los Alamos. Hoover ngay lập tức đã tìm cách hướng mọi sự chú ý về phía Einstein, ông ta cố gắng tìm cách thu thập bằng chứng để chứng minh rằng cha đẻ của thuyết tương đối chính là người đã tổ chức đưa Fuchs vào làm việc ở Los Alamos với mục đích để tiến hành đánh cắp các tài liệu cho mình.
Tuy nhiên tiến hành điều tra Einstein không hề là một nhiệm vụ dễ dàng. Bất chấp việc ông công khai tuyên bố mình là người theo chủ nghĩa nhân văn, bất chấp những quan điểm chính trị tiến bộ của ông (rất bất lợi cho ông trong một thời kì chủ nghĩa McCarthy đang khuynh đảo nước Mĩ), Einstein vẫn là người nổi tiếng trên toàn thế giới, vì vậy để tránh xảy ra các xì căn đan, khả năng tiếp xúc với những người quen của Einstein bị loại trừ ngay từ đầu. Hoover đã tiến hành cuộc điều tra bí mật rộng khắp trên toàn nước Mĩ với sự tham gia của hàng trăm văn phòng FBI trên toàn quốc cũng như sự hỗ trợ của Cơ quan Mật vụ Quân đội.
Dịp may đã đến, trong số hàng trăm những lời khai của các nhân chứng ẩn danh mà FBI đã thu thập, Hoover tìm thấy một thông tin nói rằng một trong số những con trai của Albert Einstein, tên là Albert, hiện đang ở Liên Xô... vậy là đúng rồi, nhà bác học có thể là nạn nhân của một vụ tống tiền hoặc những áp lực nào đó đến từ phía Liên Xô, nhưng những cuộc điều tra sau đó đã bác bỏ giả thiết này: Einstein không bao giờ có con trai tên là Albert. Hai người con của ông chưa bao giờ đến Liên Xô.
Theo một báo cáo khác, cha đẻ của Fuchs cho biết con trai ông được tuyển dụng vào làm “Dự án Manhattan” nhờ vào đề nghị của Einstein.Thông tin này cũng sai nốt: Được một phóng viên của Washington Post hỏi, cha của Fuchs đã phủ nhận hoàn toàn. Bản thân Fuchs cũng kiên quyết phủ nhận mọi mối liên hệ với Einstein. Cuối cùng Hoover và FBI đã phải thừa nhận rằng mình đã đi chệch hướng và khép lại hồ sơ điều tra Einstein vào cuối những năm 1950.
Thậy kì lạ, vụ việc với Einstein lại bùng phát trở lại vào năm 1998. Vào năm đó, nhà đấu giá Sotheby’s nổi tiếng đã đưa ra đấu giá 9 bức thư tình do Einstein viết cho một trong những người tình của ông: Margareta Konenkova, một công dân Liên Xô, vợ của một điêu khắc gia, người đã tạc bức tượng bán thân bằng đồng của nhà bác học trước khi chiến tranh lạnh nổ ra . Mối tình này kéo dài khá nhiều năm, vấn đề là, theo những gì mà một điệp viên nổi tiếng của Liên Xô, Pavel Soudoplatov đã viết trong hồi kí ( xuất bản năm 1995) thì Margareta có liên hệ với KGB. Cô ấy nhận nhiệm vụ tìm cách gây ảnh hưởng đến các nhà khoa học Mĩ làm việc tại Princeton, trong đó Einstein. Nhưng ngoài lời tuyên bố trên, Pavel Soudoplatov đã không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào khác đáng thuyết phục.
D.T
VNQD