Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế vừa khánh thành và mở cửa đi vào hoạt động tại địa chỉ số 144, đường Đặng Thái Thân, TP.Huế. Bảo tàng có diện tích 650 mét vuông, được bố trí thành nhiều không gian hài hoà, đẹp mắt và nhiều tiện ích như: Không gian trưng bày, phòng đọc sách, văn phòng, kho bảo quản, sân vườn và các công trình phụ trợ khác.
Bức tượng khắc họa hình ảnh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi phương án tác chiến, năm 1967, được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng.
Đại tá Phạm Văn Phi, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hiện là Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết: Bảo tàng hiện đã trưng bày được 395 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Những đóng góp quan trọng của Đại tướng với cách mạng Việt Nam, với quê hương Thừa Thiên Huế được phản ánh rõ nét qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Các chủ đề trưng bày chính gồm quê hương, gia đình, quá trình tham gia cách mạng; Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất, những dấu mốc quan trọng của Đại tướng, của gia đình, quê hương, đất nước. Hình thức trình bày được làm mới, trang trọng, có nhiều ứng dụng công nghệ nghe, nhìn tương tác thông qua màn hình cảm ứng và các phim tư liệu có giá trị lịch sử cao. Trong đó có nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật lần đầu được trưng bày, giới thiệu tới công chúng như các bài viết, bài nói của Đại tướng về xây dựng quân đội, chống Chủ nghĩa cá nhân, về nông nghiệp, nông thôn, các phong trào thi đua trong sản xuất, về chiến lược đánh Mĩ và thắng Mĩ, các tài liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mĩ (CIA) nhận định về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… Bên cạnh đó bảo tàng còn có thư viện phục vụ bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập thông qua hàng trăm cuốn sách do Đại tướng viết và các tác giả viết về Đại tướng.
Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (hàng đầu chính giữa) ghi lưu bút trong sổ lưu niệm tại Lễ Khánh thành Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày 2/7/2022.
Như vậy đến nay ở Huế, ngoài khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, giờ đây đã có thêm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại trung tâm TP.Huế. Đây sẽ là nơi hội tụ của những người đồng chí, đồng đội một thời vào sinh ra tử với Đại tướng. Họ là những người tù ở khám Chí Hòa, Lao Thừa Phủ... Những người đến với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở khắp mọi miền Tổ quốc, cả những em nhỏ đang còn cắp sách đến trường. Họ đến với Bảo tàng Đại tướng không chỉ để nhìn ngắm những hình ảnh, gợi nhớ những kỉ niệm của Đại tướng qua những tư liệu, hiện vật mang đậm dấu ấn về những năm tháng không thể nào quên, về một thời đấu tranh cách mạng gian lao và vinh quang, mà đến còn vì sự sẻ chia, tỏ lòng kính phục trước một con người cộng sản huyền thoại với câu nói bất hủ: “Nắm chặt thắt lưng địch mà đánh”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhận xét: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hiện lưu giữ số hiện vật, tư liệu khá phong phú và có phương án, nội dung trưng bày rất khoa học, hấp dẫn. Hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tiêu chuẩn của một bảo tàng; không gian trưng bày được xây dựng bài bản, công phu, cùng với bộ máy quản lí, vận hành có các cán bộ từng làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nên rất chuyên nghiệp. Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được thành lập và đi vào hoạt động sẽ góp phần làm phong phú thiết chế bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; đồng thời là điểm đến hấp dẫn phục vụ người dân và du khách tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và những “thước phim” hào hùng trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta.
Các đại biểu tham quan Bảo tàng và nghe giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Được biết, thời gian tới Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Bộ CHQS tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh, Bảo tàng Lịch sử tỉnh, các khoa Sử của Đại học Sư phạm Huế và Đại học Khoa học Huế… để tổ chức thường xuyên những buổi tham quan, tìm hiểu cho các học viên, học sinh sinh viên, bộ đội… để giáo dục truyền thống và lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH THĂNG
VNQD