. HÀ NGUYÊN HUYẾN
Cách đây hơn năm mươi năm, chàng thanh niên Trần Xuân Hỗ quê ở làng Sùng Văn, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định rời quê ra đất mỏ Quảng Ninh lập nghiệp. Tại đây anh được nhận vào mỏ Đèo Nai, làm công nhân lái xe gạt. Năm 1968 anh nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 14, Trung đoàn 127, Lữ đoàn Đặc công 126 Hải quân.
Ai đó nói: Cuộc đời chọn người chứ con người không có quyền gì trong việc này. Điều đó có lẽ đúng với Trần Xuân Hỗ. Cứ tưởng cầm súng đánh giặc là lăn lộn trên mặt đất, ai ngờ anh lại phải đối mặt với việc đánh giặc trên mặt nước. Trong thời gian huấn luyện, mỗi lần xuống nước anh lại nhớ đến cái vực Hàn quê mình. Nơi ấy lũ mục đồng trong làng ngày nào cũng lặn hụp và coi đó là... bơi lội. Giờ đây, vào đơn vị đặc công nước người lính phải xác định: Sống và chiến đấu trong nước như trên cạn. Coi nước là môi trường sống thứ hai mà con người phải thích nghi như một tất yếu.
Sau thời gian huấn luyện cơ bản, nội dung đặt ra cho mỗi chiến sĩ là phải bơi được 10km. Đi bộ 10km cũng đã là khó nhọc, đằng này phải bơi... Trần Xuân Hỗ rất lo lắng. Khẩu hiệu đối với mỗi tân binh thời bấy giờ là: “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của đơn vị và bằng quyết tâm của người lính, bước đầu anh Hỗ đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện.
Tiếp đến là đợt hành quân dã ngoại, đơn vị lấy dòng sông Giá, một nhánh của sông Bạch Đằng làm nơi tập luyện. Ở đây, những người lính đặc công nước được học tập đánh địch bằng nhiều phương pháp. Bắt đầu là lặn vo (lặn sâu không có máy móc trợ giúp), yêu cầu đặt ra là phải lặn xuống hơn 9m lấy được bùn ở đáy sông lên. Sau đó là lặn trong buồng áp suất. Đồng thời, tiếp cận các loại máy thở, thiết bị lặn hiện đại của Nga, Trung Quốc. Với những ngày tháng luyện tập chăm chỉ, môi trường nước đối với người lính đặc công không còn đáng sợ như những ngày đầu.
Đợt dã ngoại tiếp theo đơn vị lấy chính lòng sông Bạch Đằng làm nơi huấn luyện. Sông rộng, sâu và nước chảy xiết song đối với anh em trong đơn vị không có gì là khó khăn. Trong một lần lặn, anh em đùa nhau, Trần Xuân Hỗ bị tuột mất một bên chân nhái (mất chân nhái không thể bơi nhanh được, mất một bên bị lệch càng khó bơi hơn). Đối với người lính, đánh mất vũ khí, khí tài là một sai phạm nghiêm trọng, nhất là trong lúc đang luyện tập. Chỉ huy đơn vị ra lệnh cho các anh phải lặn tìm. Anh Hỗ tâm sự: Sông sâu, càng lặn xuống càng tối nhưng không còn cách nào khác, anh cứ mò mẫm như người đi trong đêm... Bất ngờ Trần Xuân Hỗ chạm tay vào vách của một con thuyền đắm. Đó là một con thuyền bằng gỗ không biết đã nằm ở đây từ bao giờ. Anh lặn dọc theo chiều dài con thuyền. Thân thuyền vẫn còn tương đối chắc, rêu đã phủ lên một lớp trơn tuột. Sau một hồi thăm dò, Trần Xuân Hỗ đoán đây có lẽ là con thuyền của nước láng giềng bởi kích thước rất lớn và hình thù không giống với tàu thuyền của nước mình. Một con thuyền chiến chứ không phải thuyền đánh cá của ngư dân...
Sau một thời gian tìm kiếm miệt mài vẫn không thấy tăm hơi chiếc chân nhái, các anh nghiêm túc nhận khuyết điểm. Đó là bài học đầu tiên trong cuộc đời người lính mà anh không thể nào quên. Thêm một ám ảnh nữa là chiếc thuyền đắm trong lòng sông Bạch Đằng. Do bão gió thiên tai hay trong trận chiến oanh liệt nào của lịch sử? Bao câu hỏi cồn lên trong người lính trẻ, nhưng giờ chiến trường đang chờ, chưa phải lúc tìm hiểu những điều vừa khám phá…
*
* *
Hết thời gian huấn luyện, năm 1969 đơn vị Trần Xuân Hỗ hành quân vào bổ sung cho chiến trường. Vĩnh Linh, mảnh đất bên bờ bắc “sông tuyến” thật là khắc nghiệt. Với khí hậu đặc trưng mang tính tiểu vùng, dải đất này được mệnh danh “đất lửa”. Nhưng trong thời gian này ý nghĩa “đất lửa” của Vĩnh Linh còn là nơi khốc liệt của chiến tranh. Bất cứ lúc nào, không kể ngày đêm máy bay của Mĩ cũng có thể oanh tạc. Rồi ngoài khơi, pháo tầm xa của Hạm đội 7 trên biển Thái Bình Dương bắn vào nên mọi hoạt động của bà con nhân dân cũng như bộ đội đều diễn ra dưới hầm. Trong những khoảnh khắc hiếm hoi ngoi lên mặt đất Trần Xuân Hỗ dõi mắt ra biển khơi, người lính đặc công nước khát khao bơi ra, tiếp cận cái hạm đội kia... Nhưng điều đó là không tưởng bởi Hạm đội 7 thả neo cách bờ 80 hải lí (khoảng 150km). Sức người như các anh, trong đợt huấn luyện cuối cùng bơi từ phao số 0 về Đồ Sơn - Hải Phòng cũng mới chỉ được 25km. Nhưng những người lính đặc công nước vẫn thầm mơ ước đánh một trận ra trò nơi cửa biển này.
Đến ngày 2/9/1969, khi trời đất Vĩnh Linh mù mịt trong mưa thì được tin Bác Hồ mất. Ngày hôm sau đơn vị làm lễ truy điệu. Hai ngày sau trinh sát mặt trận thông tin về: Chiếc tàu chở dầu 15.000 tấn, mang tên USS Noxubee di chuyển vào. Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương lúc bấy giờ có hai chiếc tàu chở dầu, nay một chiếc di chuyển vào phía nam cảng Cửa Việt, chắc chắn là chúng chuẩn bị cho những trận càn vào khu vực này.
Sáng ngày mùng 6/9, tổ công tác của Trần Xuân Hỗ nhận nhiệm vụ chiến đấu. Tổ có ba người: Hỗ, Hy, Khải. Tham mưu trưởng Mai Năng trực tiếp giao nhiệm vụ: Biến đau thương thành hành động cách mạng, đánh địch lập công đền ơn Bác. Hỗ, Khải mỗi người nhận một quả mìn hẹn giờ nặng gần 7kg. Hy mang dao găm và thủ pháo...
Chập tối cùng ngày các anh xuống đò và được trinh sát đưa qua sông Bến Hải. Lần đầu tiên kể từ ngày nhập ngũ, hôm nay Trần Xuân Hỗ đặt chân lên “đất địch”. Di chuyển dọc theo mép nước, gió biển lồng lộng thổi vào mát rượi, đất cát mát lịm dưới chân mình gợi bao tình cảm thân thuộc với những làng mạc, đồng ruộng bãi bờ.
Lâu lâu, tiếng đại bác địch ở “Đỉnh 31” bắn cầm canh, trên trời pháo sáng cùng với địch tuần tiễu dưới sông bảo về chiếc tàu chở dầu. Nhiều giờ liền các anh phải ẩn mình dưới cát. Quãng nửa đêm, tổ các anh tiếp cận một con tàu Nam Triều Tiên đã bị ta đánh hỏng. Đấy là trận đánh đầu tiên của Lữ đoàn Đặc công 126. Trần Xuân Hỗ lặng lẽ ngắm con tàu đang bị thời gian biến thành đống sắt gỉ, một ý nghĩ chợt lóe lên: Theo chiều dài lịch sử với những cuộc chiến tranh giữ nước, mọi bến sông, cửa biển trên đất nước này đã vùi bao xác tàu thuyền của quân xâm lược. Nhưng những bài học đắt giá ấy vẫn không ngăn được lòng tham của ngoại bang. Tiếp nối các thế hệ ông cha, những người lính đặc công nước càng thêm quyết tâm...
Trinh sát đưa tổ công tác của Trần Xuân Hỗ đến thôn Tám thì rút. Từ đây tổ ba người phải độc lập tác chiến. Xa xa, tàu thuyền của địch đậu dày đặc sát mép nước. Trên thuyền đèn măng xông thắp sáng choang. Thoảng trong gió là tiếng người lao xao. Các anh xác định có lẽ địch đang uống rượu, đánh bài trên thuyền. Nép vào con tàu đắm, nhìn xuôi về phía nam cảng Cửa Việt, con tàu chở dầu sang trọng như một tàu buôn. Lợi dụng đêm tối các anh triển khai đội hình chiến đấu. Bơi ra đến giữa sông, tổ chiến đấu không ngờ gặp phải một tàu cuốc của địch đang hút bùn. Ngon quá, nhưng nó không phải mục tiêu chính nên tổ đành bỏ qua, bơi xuôi dòng về phía nam. Nhô lên từ dưới nước quan sát, các anh thấy rõ những đốm thuốc lá lóe sáng trên những gương mặt hốc hác của lính gác đêm.
Đến cuối thôn các anh lên bờ, đi ngược để đánh lừa địch. Nhìn quanh quất chẳng thấy người cùng tiếng chó mèo lợn gà gì, hóa ra thôn bỏ hoang vì địch đã dồn hết dân vào ấp chiến lược. Cảm giác rùng rợn về một cái thôn hoang vắng mà vốn trước đây là một cộng đồng cư dân trù phú càng làm tăng thêm tính ác liệt của cuộc chiến mà các anh đang phải đối mặt.
Ngày 7/9, tổ chiến đấu tiếp tục ẩn mình trong thôn Tám, sáng hôm đó tình cờ gặp dân, những người dân hiếm hoi còn đang sinh sống trong “vành đai lửa”. Các anh tiến ra chào hỏi bà con. Mặc dù không có quân phục nhưng nhân dân biết ngay là quân giải phóng. Các anh đề nghị “các o” giữ bí mật. Trước khi chia tay, họ cho tổ công tác một nắm cơm to. Có lẽ là nắm cơm của đoàn đi lấy củi dùng trong ngày hôm đó. Không thể từ chối, các anh nhận nắm cơm được gói trong một vuông vải dù màu trắng. Trần Xuân Hỗ bảo trong đời anh chưa bao giờ được ăn một nắm cơm ngon như thế. Còn vuông vải dù sau này được đồng chí Hy mang về trưng bày trong phòng truyền thống đơn vị.
Tối đến, tổ chiến đấu bắt đầu xuất phát. Con tàu chở dầu đậu cách bờ 3km. Tổ công tác đi ngược lên thì gặp một bãi thuyền của dân nhưng hoàn toàn không có người. Anh Hy ở lại đây làm nhiệm vụ chỉ huy. Hỗ, Khải mang mìn, hai người lựa theo chiều sóng, kết nối với nhau bằng dây bơi. Hôm ấy biển động, sóng rất to. Hai người bơi cách bờ hơn một cây số thì trời nổi giông, mưa ào ào trút xuống. Không thể tiếp tục, hai người đành quay vào bờ giấu lực lượng. Tổ công tác trao đổi rút kinh nghiệm vì việc “đón nước” không tốt nên việc tiếp cận mục tiêu khó khăn.
Thêm một ngày đằng đẵng nữa trôi qua dưới cái nóng nung của mặt trời. 6h30’ tối ngày 8/9, các anh họp tổ đảng nhận định tình hình, rút kinh nghiệm tối hôm trước và ra quyết tâm đánh địch. 7h tối bắt đầu hành quân. Tổ công tác đi ngược lên trên “đón nước”. Hôm ấy tình hình thời tiết tốt, sóng nhỏ. Hỗ và Khải trườn mình trên sóng. Trong vắng lặng các anh chỉ còn lại là hai cái chấm nhỏ nhoi giữa trời biển mênh mông. Cách tàu 200m, hai người giật dây báo hiệu cho nhau. Trước mặt các anh con tàu chở dầu vẫn lộng lẫy đèn đóm sáng lòa mặt biển. Tổ công tác quyết định đánh mạn trái con tàu vì mạn phải sóng to. Tiếp cận mục tiêu, các anh lấy dao găm cạo hà bám trên vỏ rồi áp mìn vào. Đây là một trái mìn hẹn giờ do công binh ta tự chế tạo. Mìn được gắn hai ngòi nổ hẹn giờ và một ngòi chống tháo dỡ. Theo thiết kế, sau khi áp mìn vào thân tàu 18 thanh nam châm sẽ hút chặt lấy vỏ thép. Sau đó chốt được rút ra, 5 tiếng sau mìn sẽ nổ. Tính từ khi rút chốt, chỉ 8 phút sau mìn đã trong trạng thái nguy hiểm.
Mìn đã bám, nhưng đồng chí Khải vẫn không tin tưởng lắm. Anh cắt phao cân bằng mìn cho chắc ăn. Song anh đâu có ngờ trên tàu có ba vọng gác, đèn pha liên tục quét trên mặt nước. Địch đã phát hiện ra chiếc phao đang bồng bềnh trôi... thế là những tiếng “vi-xi” kêu lên thất thanh. Lựu đạn ném, tiểu liên xối xả bắn như vãi đạn xuống nước. Tàu địch báo động, con tàu nhổ neo di chuyển tạo ra một áp lực nước rất lớn. Áp lực này làm cho ngòi nổ dự bị làm việc ngoài ý muốn. Một tiếng nổ long trời lở đất làm náo loạn cả một vùng. Trên mặt biển 4 tàu tuần tiễu rú còi báo động. Trên trời máy bay C-130 quần đảo. Trong bờ xe tăng và các đơn vị lính ngụy đồn trú báo động.
Tai điếc đặc, Trần Xuân Hỗ lờ mờ quan sát được chừng ấy rồi từ từ ngất đi. Lúc tỉnh dậy vào khoảng 4h sáng ngày 9/9/1969, Trần Xuân Hỗ chỉnh la bàn lấy hướng bơi vào bờ, nằm vật ra bãi cát. Ngư dân đi đánh cá sớm phát hiện ra bộ đội giải phóng nên có ý định giúp đỡ, nhưng Trần Xuân Hỗ không theo. Anh tự đi vào làng, giấu mình xuống mương nước dưới một gốc cây...
Chiều tối cùng ngày Trần Xuân Hỗ theo hướng bắc cảng Cửa Việt tìm đường về đơn vị. Hôm ấy anh đã gặp may, vì cứ loạng choạng đi trong đêm, anh Hy và Khải giấu mình trong cát thấy có người, phát tín hiệu không trả lời tưởng thám báo nên đã rút lựu đạn chuẩn bị chiến đấu. Đến gần, nhìn dáng quen quen cả ba mới à lên. Họ đâu có ngờ Trần Xuân Hỗ điếc đặc nên không nghe thấy gì. Phấn khởi vì đã tìm được nhau, họ lần theo mép sông Bến Hải về. Cùng năm đó Trần Xuân Hỗ được triệu tập ra miền Bắc để báo cáo điển hình.
Trận đánh tiêu diệt tàu chở dầu USS Noxubee đậu ngoài khơi cảng Cửa Việt đã tạo nên tiếng vang lớn, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh trên toàn thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mĩ ở Việt Nam, mở ra phương thức tác chiến mới cho bộ đội đặc công nước, không những đánh tàu trong cảng, trong sông, mà còn đánh tàu ở ngoài khơi; đồng thời khích lệ tinh thần chiến đấu trên toàn mặt trận, mở đầu phong trào cả nước “biến đau thương thành hành động cách mạng” sau khi Bác Hồ qua đời.
*
* *
Miền Nam hoàn toàn giải phóng được hơn năm, Trần Xuân Hỗ ra quân. Anh không về Nam Định mà trở lại Quảng Ninh - mảnh đất thuở đầu đời đã tìm đến lập nghiệp. Mỏ than Đèo Nai tiếp nhận anh. Trần Xuân Hỗ lại trở thành công nhân lái xe gạt như ngày nào. Chị Lê - vợ anh vốn là một chiến sĩ thuộc cục quân giới, nay chị cũng chuyển ngành về phân xưởng cơ điện, cùng mỏ với chồng.
Trong chiến đấu đối mặt với gian khổ, chết chóc là một tất yếu, song trong cuộc sống thường nhật vợ chồng Trần Xuân Hỗ cũng cũng không kém phần gian nan. Anh tâm sự: Sau khi lấy nhau, anh chị về Diêm Thủy Đông - một cái xóm xác xơ ven biển của dân làm muối xây tổ ấm hạnh phúc. Vì nó là chỗ ở nên gọi là nhà cho đỡ tủi chứ thực ra đó chỉ là những căn lều tạm của dân lao động. Lều nọ cách lều kia vài trăm mét. Mỗi khi mưa gió lụt lội muốn đến nhà nhau phải đi thuyền. Năm 1978, một trận bão đổ bộ vào khu vực này biến cả xóm thành... “người vô gia cư”. Trước thảm họa đó mỏ than Đèo Nai cấp cho anh chị hai mươi bốn mét vuông đất làm nhà, chính là chỗ ở hiện nay, thuộc phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tháng ngày cứ bình lặng trôi trong nhịp sống của một đô thị mà ngành khai thác mỏ là chủ đạo.
Tôi đã gặp vợ chồng Trần Xuân Hỗ vào một ngày cuối đông. Hai người lính ngày nào nay đã “nên ông, nên bà”, vẫn tất bật với “rượu, lợn, than tổ ong” và tíu tít bên đàn cháu nhỏ... Tôi tự hỏi mình: Phải chăng đó là hạnh phúc! Hạnh phúc vốn chẳng phải là những điều xa lạ mà con người nhọc công tìm kiếm. Hạnh phúc chính là những điều giản dị quanh mình khi mình biết sống vì người khác.
Đầu năm 1990 Trần Xuân Hỗ về hưu, tham gia công tác địa phương. Năm 2015, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có “Thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước”. Nhận vinh dự lớn, song anh vẫn sống bình dị như vốn vậy. Nếu không có người giới thiệu thì không ai biết Trần Xuân Hỗ, người đã đánh chìm chiếc tàu chở dầu 15.000 tấn năm nào.
Tôi ngồi nghe kí ức của người cựu chiến binh. Thật lạ là giữa âm thanh sôi động của “thành phố mỏ” tôi vẫn cảm thấy ầm ào sóng vỗ. Phải chăng đó là sóng của lịch sử đã nhấn chìm bao tàu thuyền của quân xâm lược, trong đó có tiếng sóng năm nao ở Cửa Việt mà Anh hùng Trần Xuân Hỗ cùng đồng đội đã tạo ra...
H.N.H
VNQD