Trong hình là bức ảnh sự hiện diện của Siêu trăng Cá Tầm trên bầu trời tòa tháp The Shard ở London, Anh ngày 12/8/2022 do AP đăng tải.
Tình cờ, Siêu trăng Cá Tầm này lại diễn ra cùng ngày với mưa sao băng Perseids từ chòm sao Anh Tiên. Vì thế, siêu trăng đã "lấn át" hiện tượng mưa sao băng. Nghĩa là độ sáng của mặt trăng khiến những vệt sao băng trên bầu trời trông mờ nhạt hơn và cũng khó nhìn thấy hơn từ mặt đất. May mà Perseids là trận mưa sao băng lớn nên vài ngày sau Siêu trăng Cá Tầm, những người yêu thích thiên văn vẫn có thể nhìn ngắm chúng khi mà các sao băng vẫn còn khá lung linh so với lúc đạt đỉnh.
Mưa sao băng xảy ra khi các hạt bụi vũ trụ phân bố theo quỹ đạo hình elip và quay quanh Mặt trời theo chu kì nhất định gặp Trái đất quay cắt ngang, khi đó chúng ta sẽ quan sát thấy các đám bụi thiên thạch tỏa sáng trên bầu trời. Còn siêu trăng là khi Mặt trăng quay trên điểm quỹ đạo gần với Trái đất nhất khiến cho kích thước của nó trở nên lớn nhất khi quan sát từ Trái đất. Thật tình cờ khi hai hiện tượng này lại cùng xảy ra một thời điểm, và mưa sao băng Perseids, dù là trận mưa sao băng lớn vẫn bị lu mờ bởi Siêu trăng Cá Tầm.
Năm 2022 thế giới ghi nhận 4 siêu trăng xảy ra vào các ngày 15/5, 14/6, 13/7 và ngày 12/8. Trăng Cá Tầm sẽ là siêu trăng cuối cùng trong năm 2022 và là siêu trăng thứ tư liên tiếp, sau các siêu trăng từ đầu năm với tên gọi lần lượt Trăng Hoa (cũng có nguyệt thực toàn phần) vào tháng 5, Trăng Dâu Tây vào tháng 6 và Trăng Hươu Đực vào tháng 7. Siêu trăng có thể lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng rằm bình thường. Tên gọi của các siêu trăng thường gắn liền với mùa trong năm và có mối liên quan chặt chẽ với thiên nhiên.
Tên gọi Siêu trăng Cá Tầm là bởi tại thời điểm tháng 8 trong năm, ngư dân sẽ dễ dàng bắt được loài cá này ở Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) và những hồ lớn khác nên các bộ lạc bản địa châu Mĩ xưa kia gọi lần trăng tròn này là Trăng Cá Tầm (Full Sturgeon Moon). Ngoài ra người ta cũng gọi nó bằng cái tên Trăng Ngô xanh (Green Corn Moon) và Trăng Hạt (Grain Moon).
Theo lời khuyên của các nhà thiên văn học, để thực sự so sánh độ lớn của mặt trăng trong dịp siêu trăng và những kì trăng tròn thông thường, người xem nên cảm nhận ở thời điểm mặt trăng mọc hoặc lặn. Ngoài ra, thời điểm tốt nhất để quan sát siêu trăng thường là lúc bầu trời hoàng hôn chuẩn bị chuyển sang tối. Khi đó, hiện tượng "ảo ảnh mặt trăng" có thể xuất hiện nhờ các điều kiện quang học tạo thành, làm cho trăng mới mọc càng to hơn thực tế. Điều này giải thích cho những bức ảnh chụp siêu trăng to đến mức nghi ngờ của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Trọng Thái tổng hợp
VNQD