. Lê Phong
Tiếng dương cầm đại tướng (Nxb Quân đội nhân dân, 2022) là tập trường ca thứ 6 trong gia tài hơn 20 tác phẩm (thơ, truyện ngắn, kí) đã xuất bản của Nguyễn Minh Khiêm. Có thể nói, đến tập này, Nguyễn Minh Khiêm đã khẳng định thế mạnh vượt trội của mình ở thể trường ca.
Đọc trường ca của Nguyễn Minh Khiêm, cảm giác anh viết khá dễ dàng. Cái dễ dàng không phải đến từ sự dễ dãi, hời hợt. Đó là sự dễ dàng tuôn chảy của một bầu chứa đã căng đầy suy tưởng và xúc cảm. Lúc này, viết chỉ là sự hiện ra của máu huyết, của tư duy vốn âm thầm nung nấu trong tâm can người nghệ sĩ. Tiếng dương cầm đại tướng vẫn giữ được khí lực ấy từ các trường ca khác trước đó (Bầu trời màu hoa gạo - 2015, Ba mươi tháng tư - 2017, Hát nơi cửa sóng - 2019, Lê Lợi mài gươm - 2020, Lốc biển - 2021).
Tiếng dương cầm đại tướng là bản hùng ca về vị đại tướng lừng danh của quân đội và nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tác phẩm được cấu trúc bởi 6 “giai điệu”: Giai điệu 1 - Khát vọng giải phóng, Giai điệu 2 - Huyền thoại ba mươi tư chiến sĩ rừng Trần Hưng Đạo, Giai điệu 3 - Đất mẹ, Giai điệu 4 - Những người lính mang hồn thơ ra trận, Giai điệu 5 - Người sinh ra để đi vào lịch sử, Giai điệu 6 - Đại tướng của lòng dân. Cấu trúc này được kết nối với nhau bằng sợi dây cảm xúc - suy tưởng về con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước gắn với hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ trong nô lệ tù đày, khát vọng giải phóng đã bừng lên, mang theo hào khí của ngàn năm chống giặc ngoại xâm, chống lại những thế lực bạo tàn, những giả danh phi nghĩa, những đội lốt phi nhân. Giai điệu 1 có tính chất như một đề dẫn, một gợi mở hành trình về tâm tưởng, nơi chúng ta được rọi chiếu bởi ánh sáng từ lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông; cũng là xác lập không khí của toàn bộ bản trường ca. Đó là không khí hào hùng, bi tráng, lẫm liệt, đầy nhân văn, hướng tới khát vọng hòa bình, hướng tới sự sống bao dung, nhân ái, chan chứa tình người. Và, cùng với Hồ Chí Minh, cùng với bao lớp người anh dũng khác của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh Văn, anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - đã đưa dân tộc đi qua bão lửa, đi qua những thử thách tận cùng của lịch sử, giải phóng và thống nhất đất nước. Âm hưởng sử thi hùng tráng ấy bao bọc hình tượng người đại tướng vĩ đại, tỏa ra thành không khí của thời đại, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: ngẩng cao đầu viết bản anh hùng ca độc lập/ khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ giai điệu mới mang tên giải phóng.
Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hiện lên sáng rõ hơn, kì vĩ hơn nhưng cũng thật gần gũi qua những giai điệu tiếp theo. Giai điệu 2 gợi lại buổi đầu của đoàn quân chiến thắng, với 34 chiến sĩ, trang bị nghèo nàn đơn sơ trong khu rừng Trần Hưng Đạo. 34 chiến sĩ, 34 vì sao, trong “Rừng Thiêng” đã từng bước lớn mạnh, trở thành đoàn quân bách chiến bách thắng, quật ngã những đạo quân hùng mạnh nhất, bạo tàn nhất của thời đại. Bên những người chiến sĩ ấy luôn có hình bóng người anh cả Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ kính yêu: hoan hô bộ đội Cụ Hồ/ hoan hô đoàn quân Võ Nguyên Giáp/ sức mạnh xung thiên nghiêng núi nghiêng rừng. Đó là đoàn quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và chiến thắng. Đó là đoàn quân mang trong lồng ngực trái tim yêu nước, yêu hòa bình, tự do và nhân nghĩa. Chiến tranh là tình thế không thể tránh khỏi khi “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng…” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Chủ tịch Hồ Chí Minh). Hãy lắng nghe trong lời trái tim những người ra trận: cái đích cuối cùng là nghe cây lúa hát/ nghe cày bừa reo vui trên thửa ruộng nhà mình. Giai điệu 3 mang tên Đất mẹ, một lần nữa khắc sâu thêm nhận thức về nguồn cội, về mảnh đất yêu thương thấm đẫm tình người, thấm đẫm mồ hôi xương máu của lớp lớp người dân đất Việt. Đất mẹ là nơi sinh hạ người con vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Đất mẹ là quê hương xứ sở, oằn lưng trong lửa đạn kẻ thù. Đất mẹ là những làng xóm thôn quê, phố xá núi rừng, dẫu đi qua cuộc chiến bạo tàn vẫn ngời lên sức sống. Nguyễn Minh Khiêm đã viết những dòng thơ chứa chan cảm xúc, vừa lẫm liệt, vừa bi tráng, vừa ngát tươi hương vị của sự sống bất diệt: Đất mẹ qua nghìn lần giông bão/ cay đắng chất chồng để ngoài mọi lời ru/ nuôi câu hát xanh cao vời vợi trời thu/ nuôi cánh đồng làng dập dìu thơm hương lúa/ lời giao duyên ngọt tình yêu muôn thuở. Điểm đặc biệt trong giai điệu 3 chính là tác giả đã lí giải ngọn nguồn của chủ nghĩa nhân văn nơi Võ Nguyên Giáp. Con người ấy sinh ra trên đất mẹ, được nuôi dưỡng trong sinh quyển nhân văn ngọt ngào, đã hình thành phẩm tính nhân nghĩa, biết hun đúc bản lĩnh trí - dũng, để có thể đánh thắng kẻ thù hung bạo và khiêm nhường làm một người lính của nhân dân, một người con của nước Việt.
Sau một bè cao làm ngân lên sự sống vĩnh hằng nơi Đất mẹ, trường ca Tiếng dương cầm đại tướng trầm xuống trong giai điệu 4: Những người lính mang hồn thơ ra trận. Giai điệu này vừa khắc họa hình tượng người lính nói chung vừa đặc tả chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên những người chiến sĩ của mình. Gọi là bè trầm bởi ở đây Nguyễn Minh Khiêm chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần người lính trên chiến trường. Những vần thơ, câu hát, điệu múa, phút suy tư mơ mộng bên chiến hào, dọc đường hành quân, giữa những trận đánh… đã làm hiện lên sinh động hơn, tươi trẻ hơn về người lính thanh xuân của dân tộc Việt Nam: hai đầu lời ru gối tiếng bom rền/ thư gửi mẹ, thư gửi người yêu/ mỗi chữ mỗi dòng là niềm vui chiến trận/ hoa phong lan nở quanh súng đạn/ câu thơ yêu đọc rúc rích dưới hầm/ ánh lửa chớp lên khi viên đạn quá tầm/ cài lại lá ngụy trang, rũ đất ngồi ca hát/ nhai đọt cỏ đọc thơ qua cơn khát/ hồn trong hơn nước suối ban mai. Bè trầm sau những thanh âm hỗn độn của chiến tranh là khi những người lính sống với trái tim yêu thương, tươi trẻ, nhớ nhung, lãng mạn của mình. Nơi đó, sự sống lặng lẽ tỏa ra, ôm ấp những cuộc đời trận mạc, chữa lành những tổn thương, những cách ngăn, đứt gãy vì đạn bom. Có một điều cần phải dừng lại để nghĩ về hình tượng người lính trong trường ca này, ở giai điệu này của Nguyễn Minh Khiêm. Trước đạn bom kẻ thù, người lính hiện lên như một biểu tượng bất khuất, kiên cường. Nhưng cũng trong chính môi trường lửa đạn, chết chóc ấy, họ vẫn nuôi dưỡng, gìn giữ mầm sống yêu thương trong hơi thở, trong giọt máu, trong những nghĩ suy, mơ mộng của mình. Lí tưởng giải phóng dân tộc và niềm tin chính nghĩa, khát vọng hòa bình cho quê hương xứ sở đã luôn ở cùng những người lính, giúp họ vượt qua sự bạo tàn của chiến tranh.
Đặc tả hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giai điệu 4 của trường ca đã tập trung vào khía cạnh nhân - trí - dũng làm nên cốt cách, tài năng, bản lĩnh của vị tướng anh hùng. Ông không nhận về mình những vinh quang chói lọi, những mĩ từ cao sang to tát, những ví von so sánh mang tầm vóc lịch sử, nhân loại. Vinh quang ấy thuộc về những người lính từ nhân dân mà ra. Hạnh phúc của ông là được ở bên người lính trên chiến trường, như một người đồng chí, đồng đội, như một người anh, người cha trong bước quân hành tiếp nối qua nhiều thế hệ: nhịp đập tim ông chỉ hai tiếng Hòa Bình/ tất cả chỉ để giành tự do, độc lập/ mọi vẻ đẹp tâm hồn ông từ tình yêu ấy ngời lên/ từ ý chí ấy nhân trong ông trí tuệ/ ông là tướng mang trái tim người mẹ/ ông là chỉ huy mang ân đức người cha. Xét trong cấu trúc bè nhịp, cũng chính ở đây, khi khắc họa tâm hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đọc cũng nhận ra “một nốt trầm xao xuyến”. Nốt trầm ấy ngân lên ấm nóng trong trái tim vị tướng anh hùng. Nốt trầm ấy là nhịp đập của yêu thương, gắn bó, chung sức chung lòng, đồng cam cộng khổ với chiến sĩ của người chỉ huy. Bên cạnh những thanh âm chói gắt, rền rĩ của đạn bom, tiếng nhịp đập con tim trầm lắng mà rung động sâu xa. Nhịp đập ấy giữ cho chúng ta gương mặt, tâm hồn của con người khi đối diện với sức hủy diệt man dại của chiến tranh: rừng quả ngọt vẫn đôi chùm quả đắng/ xuân ngợp lời ca vẫn có nỗi đau giấu kín sau đèn/ nếu không có chiến tranh/ ông làm sao hiểu được/ nỗi đau những người lính mang hồn thơ ra trận/ xé buồng tim nhưng không dựng sóng/ hóa bè trầm dưới đáy lời ca/ mất mát hi sinh thành trầm tích phù sa/ cho bên kia vết thương đâm chồi nảy lộc.
Bản hùng ca bất tử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng đọng hơn vào giai điệu 5 (Người sinh ra để đi vào lịch sử) và giai điệu 6 (Đại tướng của lòng dân). Người đọc được đặt vào trạng thái suy tưởng khi nghĩ về cuộc đời và vị trí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dòng chảy lịch sử dân tộc và trong lòng người dân Việt Nam. Dẫn dắt người đọc trở lại với hình ảnh một thầy giáo dạy sử như là lựa chọn ban đầu của người thanh niên Võ Nguyên Giáp, giai điệu 5 vạch ra một lát cắt thuộc về tình thế lịch sử: Đất nước bị nô lệ, người thanh niên ấy đã làm gì? Rời giảng đường đại học, Võ Nguyên Giáp dấn thân vào cuộc cách mạng, dâng hiến cuộc đời mình cho lí tưởng giải phóng dân tộc. Đó là con đường gian lao, nguy hiểm, nhưng đầy cao cả. Cũng từ đó, qua những năm tháng chiến tranh, qua sự sống và cái chết, qua những mốc son chói ngời vinh quang, lịch sử đã gọi tên vị tướng chỉ huy tài ba lỗi lạc Võ Nguyên Giáp. Ẩn trong giai điệu 5 là tư tưởng “thời đại tạo anh hùng”, nhưng cũng từ giai điệu 5, người đọc nhận ra, phải là một người hội đủ những yếu tố nhân - trí - dũng mới có thể đảm đương được sứ mệnh to lớn của thời đại. Người ấy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người biết nhân sức mạnh của dân tộc này lên gấp bội/ nâng tình yêu đất nước quê hương thành nghệ thuật chiến tranh nhân dân để chiến thắng kẻ thù/ thắp nên ngọn lửa thiêng liêng thần thánh/ biết dồn sức suối sức sông cho từng trận đánh/ biết giữ bền sức cỏ sức cây cho mỗi chiến công/ biết dồn sức gió trăm nơi làm bão làm giông/ biết dồn lạch dồn nguồn làm ghềnh làm thác…
Giai điệu 6 bỗng nhiên chùng xuống trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhịp điệu chậm, giọng điệu nghẹn ngào, ta nghe trong lời ca ngân ngấn một nỗi buồn chia biệt. Sinh tử là lẽ thường của cõi sống, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc đời ông đã trở thành bất tử. Ông không ra đi mà là trở về với nhân dân, với đất mẹ: già trẻ gái trai nước mắt nghẹn hàng cây/ chảy mãi về khu nhà số 30 Hoàng Diệu/ chuông chùa vọng một ngày thu nặng trĩu/ hàng cây buồn lời tiễn biệt đẫm thương đau/ từ Điện Biên đến Mũi Cà Mau/ nghe tin dữ lồng ngực cồn sóng dội/ Đại tướng không phải là riêng của những anh bộ đội/ người đích thực là đại tướng của lòng dân. Giai điệu 6 ngân lên như lời chuông mùa thu, gõ vào trái tim những người đang sống, đánh thức nhịp đập của yêu thương, tin tưởng và ngưỡng vọng, gói ghém những tình cảm thiêng liêng hướng về Đại tướng, hướng về một cuộc đời đã hiến dâng trọn vẹn cho non sông đất nước.
Tiếng dương cầm đại tướng còn vang vọng mãi. Đó là tiếng đàn hay tiếng đời, của một người hay là một thời, một cá nhân hay một dân tộc? Ta nghe từng giai điệu âm hưởng của bản hùng ca bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã ngân lên trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng của lòng dân - mãi mãi là một biểu tượng của ý chí, tinh thần, sức mạnh và nhân nghĩa Việt Nam.
L.P
VNQD