Danh tướng Trần Khánh Dư: Tự tại với thăng trầm, ông tổ của kinh doanh

Thứ Năm, 15/09/2022 16:37

. Nguyễn Thành Phong
 

Trần Khánh Dư (1240 - 1340), người quê ở Chí Linh, Hải Dương, là con trai của Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt thời khai mở triều đại nhà Trần rực rỡ Hào khí Đông A. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Khánh Dư mới là một tướng quân trẻ dưới trướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1232 -1300). Do có công đánh úp giặc Nguyên, rồi sau đó, lại theo lệnh vua, đi dẹp loạn người Man ở vùng rừng núi và thắng lợi lớn, nên Trần Khánh Dư được Thượng hoàng Trần Thái Tông khen là người có trí lược và nhận ông là Thiên tử nghĩa nam (tức là con nuôi), ban cho tước hiệu Nhân Huệ Vương và phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân.

Là một người cầm quân tài năng nhưng vị tướng trẻ này sống rất khoáng đạt và phóng túng, luôn luôn biết cách tự tại với những thăng trầm của đời mình. Thời kỳ sau đó, Trần Khánh Dư mắc vào tội quyến rũ và tư thông với Thiên Thụy công chúa, người đã được vua cho hứa hôn, chuẩn bị tiến hành đám cưới với Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, con trai của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sự việc vỡ lở, vua Trần Thánh Tông sợ Hưng Đạo Vương phật ý, đã phải xử lý êm thấm mọi nhẽ rồi ra mặt xử tội Trần Khánh Dư. Theo quan pháp, Trần Khánh Dư phải bị cho người dùng gậy đánh đến chết. Trước khi thi hành án phạt, vua ngầm ra lệnh cho lính đánh chúc đầu gậy xuống đất, vì thế, đánh qua đến những 100 gậy rồi mà Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật, thế là được trời tha, nên ông được miễn chết, chỉ bị phế truất binh quyền, tịch thu mọi gia sản rồi đuổi đi. Trần Khánh Dư rời triều, lại về quê cũ Chí Linh, làm nghề đốt than, chở thuyền trên sông, buôn bán kiếm sống thảnh thơi qua ngày.

Năm 1282, quân Nguyên Mông lại chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Vua quan nhà Trần kéo về Bình Than mở hội nghị bàn cách chống giặc. Lúc thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, lúc ấy thủy triều đang rút, nước chảy mạnh, có một chiếc thuyền lớn chở than đi qua, trên thuyền có một ông lão ngồi đằng mũi, đội nón lá, mặc áo ngắn, dáng điệu ung dung. Vua Trần Nhân Tông (con của Trần Thánh Tông) nhìn thấy, bảo: “Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương sao?”, rồi sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì gặp được, quân hiệu triệu ông này về gặp vua. Ông lão đứng lên, khảng khái trả lời: “Lão là người buôn bán than, chả có việc gì mà phải đến gặp vua cả”. Quân hiệu trở về tâu, vua Trần Nhân Tông lại bảo: “Đấy đúng là Nhân Huệ Vương rồi, người thường tất không dám nói như thế”. Vua liền sai tiếp đội thị vệ lấy thuyền lớn chèo nhanh theo để mời ông lão bán than về gặp cho bằng được…

Quả nhiên vua Trần Nhân Tông đã nhìn ra đúng người. Ông lão chèo thuyền chở than ấy chính là tướng quân Trần Khánh Dư lừng lẫy trước đây. Khi Trần Khánh Dư cúi đầu đi lên thuyền rồng, vua Trần Nhân Tông thân bước ra, ôm chầm lấy, nói: “Trời ơi! Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi”. Rồi vua liền xuống chiếu tha tội hết mọi tội lỗi cho Trần Khánh Dư. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thì đi xách nước dội lên người cho Trần Khánh Dư tắm sạch bụi than. Sau đó, vua ban quần áo ngự để Trần Khánh Dư kịp mặc và ngồi cùng bàn việc chống giặc với các quan tướng. Tại hội nghị Bình Than, Trần Khánh Dư đã đưa ra nhiều kế sách. Ông được vua Trần Nhân Tông phục chức và phong làm Phó đô tướng quân, giao cho đi ngay ra trấn giữ vùng đảo biên giới Vân Đồn.

Trần Khánh Dư tiếp tục có công lớn trong hai lần chống quân Nguyên tiếp theo, đặc biệt là đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của do Trương Văn Hổ chỉ huy vào tháng 12/1287, làm xoay chuyển tình thế chiến cuộc, dẫn đến thắng lợi cuối cùng, đuổi sạch bóng giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi Đại Việt vào năm 1288. Đến tháng 5/1312, ông còn theo vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được cả chúa Chiêm Thành là Chế Chí đưa về nước.

Quang cảnh Vân Đồn

Trần Khánh Dư làm tướng mà không coi việc buôn bán là hèn mọn. Ngay khi làm tướng, ông cũng vẫn kinh doanh và quan tâm đến sản xuất để kiếm lợi chứ không chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước. Khi làm tướng trấn giữ Vân Đồn, thấy dân toàn mặc quần áo, sử dụng đồ dùng theo kiểu người phương Bắc, Trần Khánh Dư đã ban lệnh: Để ngăn phòng giặc, người dân không được đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng, khó lòng phân biệt, sẽ bị chết oan, nên cần phải đội nón ma lôi của người Việt, ai sai sẽ phạt. Trước đó, thì ông đã cho người đi mua nón Việt về tích trữ, khi nghiêm lệnh ban ra, người dân trong trang Vân Đồn tranh nhau mua, giá cứ thế đắt lên mà không hạ xuống.

Trần Khánh Dư là một văn tài, lại thạo cả việc viết binh thư. Vì thế mà ông đã được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đề nghị viết lời tựa cho cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của mình.

Năm 83 tuổi, Trần Khánh Dư xin rời triều về trí sỹ. Một lần, ông đến vùng Tam Điệp và Trường Yên ở Ninh Bình, thấy đồng cỏ mênh mông, sông núi đẹp đẽ, liền cho người nhà đến khai khẩn, lập nên làng mới. Dần dần, người theo đến rất đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Dân các vùng khác đến, lập thêm trại Động Khê và Tịch Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng nay thuộc huyện Ý Yên, Nam Định. Trong buổi đầu khai hoang lập làng, ông đã bỏ tiền ra giúp vốn cho dân, hướng dẫn dân trồng cói và làm nghề thủ công, dệt cói…

Trần Khánh Dư ở lại nơi khai phá này 10 năm. Sau đó, ông mới trở về ấp Dương Hòa, vùng đất ông được vua phong cho, thuộc xã Dương Hòa, Lý Nhân, Hà Nam. Ông giao lại nơi khai khẩn cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc.

Năm 1340, Trần Khánh Dư mất, thọ tròn 100 tuổi. Nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở An Trung, ghi tạc công đức của ông với bức đại tự: “Ẩm hà tư nguyên” và đôi câu đối, ghi:

“Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó

Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây”.

Với những gì sử sách ghi lại, danh tướng Trần Khánh Dư là một nhân vật hấp dẫn nhiều mặt. Đó là một con người văn võ toàn tài, kiến văn sâu sắc, võ công hiển hách, có chí khí lớn, có công đức dầy, có một đời sống chìm nổi, dài rộng mà sâu sắc. Tên tuổi và công tích của ông đã được ghi đậm trong sử sách. Ngày nay, tên ông cũng đã được đặt cho nhiều đường phố lớn ở các tỉnh thành trong cả nước ta.

Điều đáng nói nữa, là trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành công cuộc xây dựng kinh tế, phát triển kinh doanh để dựng xây đất nước, thì nhìn vào Trần Khánh Dư, càng thấy ông đúng là một tấm gương mà giới doanh nhân Việt ngày nay cần thấm nhuần. Giới doanh nhân Việt cần tôn vinh Trần Khánh Dư là ông tổ của giới mình để mà vươn theo…

N.T.P

VNQD
Thống kê