Tướng Đặng Vũ Hiệp và bài hát "Cây sắn tấn công"

Thứ Tư, 21/09/2022 00:56

. Vinh Hoàng
 

Ngày ấy khi vừa hết thời hạn nghĩa vụ quân sự ở một đại đội trinh sát thuộc Đoàn Đak Tô, nhờ tôi có chút năng khiếu đàn hát, nhiệt tình tham gia phong trào văn hóa văn nghệ ở đơn vị, tôi được điều lên quân đoàn tham gia Đội văn nghệ xung kích Binh đoàn Tây Nguyên.

Mười lăm hạt nhân của đội, qua sơ tuyển được tham gia tập huấn tại Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), rồi về xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ cho các hoạt động kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập Binh đoàn (1975-1995) và biểu diễn phục vụ bà con nhân dân các dân tộc Tây Nguyên ở các huyện Sa Thầy, Đăklei, Đăk Tô Tân Cảnh, Ngọc Hồi của (tỉnh Kon Tum); Chupah, Chưmorrong, Chư Sê, Đức Cơ... (tỉnh Gia Lai).

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp

Đúng lúc ấy thì Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào thăm. Nghe tin Binh đoàn thành lập Đội tuyên văn, bác đòi xuống thăm ngay. Đó là một vị tướng có dáng người cao to, nước da hồng hào, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu. Ở ông toát ra vẻ từng trải trận mạc, dạn dày bom đạn nắng mưa nhưng vô cùng giản dị, gần gũi. Sau khi đi một vòng bắt tay anh chị em trong đội, bác nói với Thủ trưởng Cục Chính trị, Thủ trưởng Phòng Tuyên huấn và tất cả anh chị em, như một mệnh lệnh: “Trong chương trình phải có bài hát Cây sắn tấn công!”

Đây quả là một nhiệm vụ khó khăn bởi anh chị em trong đội không ai biết bài hát đó. Anh em bối rối hỏi nhau: “Sao cụ Hiệp lại đòi bài ấy nhỉ?”

Hỏi như vậy bởi những năm 90 của thế kỷ trước, dòng nhạc cách mạng tuy vẫn có chỗ đứng vững chắc nhưng cũng có phần bị các dòng nhạc ngoại tràn vào nước ta và nhạc trẻ lấn át. Đưa thêm một bài hát cách mạng vào, liệu chương trình có nặng quá không? Nhưng tướng Hiệp đã quyết, hẳn phải nguyên do.

Chúng tôi tìm hiểu mới biết, trong kháng chiến chống Mỹ Đặng Vũ Hiệp từng nắm giữ nhiều cương vị khác nhau, như Chính ủy Bộ Tư Lệnh Tiền Phương, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3..., đã tham gia chiến đấu trong các chiến dịch Đăk Siêng, Đăk Tô Tân Cảnh, đặc biệt là chiến dịch Plei Me - trận đầu tiên thắng Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng...

Tây Nguyên, vùng đất chiến lược quan trọng, nơi gian khổ ác liệt bậc nhất trong những năm tháng chiến tranh. Chả thế mà các chiến sĩ B3 đã đúc kết qua hai câu thơ:

Tây Nguyên ơi ai một lần đã đến
Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau

Ở mặt trận Tây Nguyên những năm tháng sau Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, địch điên cuồng phản kích, quân giải phóng phải rút lui sát biên giới các nước Lào, Campuchia. Hòng quyết tâm tiêu diệu các lực lượng của ta, địch đã dùng tối đa vũ khí và chất độc hóa học đã đánh phá, chặn đường tiếp tế cho Tây Nguyên. Bởi thế các đơn vị của Mặt trận B3 rơi vào tình thế vô cùng khốn đốn. Ngoài những cơn sốt rét rừng hành hạ, bộ đội ta còn phải chịu cảnh đói cơm nhạt muối, thiếu thốn thuốc men. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào người lính cách mạng cũng không được phép nhụt chí. Bộ Tư lệnh mặt trận B3 đã ra chỉ lệnh vừa sẵn sàng đánh địch, vừa tăng gia sản xuất, chủ động tự túc nguồn lương thực. Để cụ thể hóa mệnh lệnh này, một phong trào trồng sắn đã được phát động toàn Mặt trận. Các đơn vị được yêu cầu đi đến đâu thì trồng sắn đến đó, trồng bất cứ chỗ nào có thể. Nhờ vậy mà chỉ trong một năm những nương sắn đã phủ xanh những cánh rừng biên giới Tây Nguyên, cho vụ thu hoạch đầu tiên. Củ sắn được băm ra phơi khô và chất thành kho, lá sắn thì chế biến thành các món như nấu canh, muối chua để bộ đội đưa vào bữa ăn hàng ngày. Với khẩu hiệu “Nhổ một cây sắn, trồng thêm mười cây”, những nương sắn trên Tây Nguyên không ngừng lan trải rộng khắp. Nhờ vậy, bất chấp sự bao vây đánh phá của địch, bộ đội ta vẫn được ăn no, trụ vững và đánh thắng nhiều cuộc càn quét của địch. Cây sắn từ đó đã trở thành biểu tượng của tinh thần khắc phục khó khăn, của ý chí chiến đấu và chiến thắng của người lính B3.

Đại tướng Chu Huy Mân thứ ba từ trái sang thăm cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên, người ngoài cùng bên phải là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp Ảnh: Tư liệu

Từ thực tế chiến trường, đồng chí Trần Bách, chiến sỹ của mặt trận B3 đã có cảm hứng sáng tác bài hát Cây sắn tấn công, Đoàn văn công Quân giải phóng Tây Nguyên đã dàn dựng và biểu diễn. Nhờ âm hưởng nhạc hành khúc hùng tráng như nâng bước chân những cuộc hành quân từ Bắc vào Nam chiến đấu, bài hát được bộ đội và đồng bào Tây Nguyên đóng nhận nồng nhiệt, có tác động mạnh mẽ trên khắp chiến trường Tây Nguyên, cổ vũ cho bộ đội ta nâng cao tinh thần tăng gia sản xuất trồng sắn và tự tin đánh thắng giặc Mỹ.

Khi đã hiểu lịch sử bài hát, chúng tôi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của tướng Đặng Vũ Hiệp bằng được.

Sau thời gian dò hỏi khẩn trương từ những người đã tham gia chiến đấu ở Tây Nguyên, chúng tôi đã được bài hát Cây sắn tấn công và quyết định dựng tiết mục này bằng tốp ca nam. Chúng tôi bừng bừng khí thế lao vào tập luyện với một cảm xúc thật đặc biệt, vừa tự hào, vừa cảm phục thế hệ cha anh đã sống và chiến đấu như thế.

Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) diễn ra trong không khí tưng bừng với nhiều hoạt động: cắm trại, thi đấu thể thao... Và Chương trình văn nghệ của Đội Tuyên văn Binh đoàn Tây Nguyên gồm các bài hát Dấu chân binh đoàn, Cây sắn tấn công, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các màn hát múa Hát ru người mẹ lính, Người mẹ của tôi, Hành trình chiến sỹ đã mở đầu buổi lễ.

Từ trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy khán giả đa phần là các cựu chiến binh B3. Hàng ghế đầu, ngồi cạnh Anh hùng Núp là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp với mái tóc bạc phơ, cặp kính lão lấp lóa sáng. Ông nở nụ cười thật tươi khi nghe xong bài hát Dấu chân binh đoàn. Rồi khi giai điệu cùng ca từ bài hát Cây sắn tấn công vang lên: Một cây sắn ta trồng là một tên Mỹ gục/ Ngàn cây sắn ta vun là ngàn tên giặc tan thây/ Khoái không, khoái không, khoái không/ Ta yêu cây sắn dễ trồng xanh tươi với núi sông/ Nơi đây cây sắn khắp vùng, bao la sắn điệp trùng/ Ngàn ngàn kho sắn đầy, giặc nào giám đến đây/ Sắn này vùng lên ngay đánh cho giặc tan thây/ Khoái không khoái không khoái không thì tôi thấy rõ tướng Đặng Vũ Hiệp tháo kính lấy khăn lau mắt. Nhưng rồi ông không giấu diếm, để mặc cho những dòng nước mắt chảy dài.

Và không chỉ có ông. Hầu hết đại biểu là những cựu chiến binh Mặt trận B3 đều khóc. Có những người không kiềm chế được nên khóc rất to. Họ khóc vì đang sống lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường năm xưa. Họ khóc vì nhớ tới bao kỷ niệm vui buồn của một thời khói lửa chiến tranh và nhớ tới những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường hôm nay đã không về gặp mặt.

Sau buổi diễn chào mừng Lễ kỉ niệm ngày thành lập Binh đoàn Tây Nguyên, đội Tuyên văn chúng tôi đi lưu diễn khắp các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định. Điều bất ngờ là tiết mục Cây sắn tấn công luôn được cả bộ đội trẻ và nhân dân các dân tộc Kinh, Jarai, Ê Đê, Bahnar, Jẻ Triêng... hoan hô nhiệt liệt. Lúc ấy tôi đã hiểu rằng, một tác phẩm nghệ thuật bắt nguồn từ thực tế sinh động, được viết ra từ máu thịt của người nghệ sĩ bao giờ cũng nhận được sự đồng cảm, sẻ chia. Chúng tôi cũng hiểu thêm, tướng Đặng Vũ Hiệp không chỉ là vị tướng đánh trận giỏi, mà còn rất am hiểu văn học nghệ thuật. Vì thế mỗi lần tướng Đặng Vũ Hiệp vào thăm Quân đoàn, hoặc những lần chúng tôi ra Hà Nội tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân, bao giờ cũng được ông tìm gặp. Chúng tôi vui mừng ngồi quây quần bên ông, cùng nhau vỗ tay hát vang bài Cây sắn tấn công.

Với riêng mình, tôi đã sống với bài hát Cây sắn tấn công suốt những tháng năm tuổi trẻ ở Tây Nguyên, tới những ngày về học tập tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Bây giờ tôi đã trở thành người sáng tác, đã tiếp xúc với nhiều trường phái âm nhạc trên thế giới, nhưng kỉ niệm xung quanh tướng Đặng Vũ Hiệp cùng bài hát Cây sắn tấn công với giai điệu tươi vui lạc quan, ca từ giản dị dí dỏm luôn xuất hiện trong đầu, như nhắc nhở tôi trước khi đặt bút viết một ca khúc mới về chiến tranh và người lính.

V.H

VNQD
Thống kê