. NGUYỄN CÔNG HUY
Trong suốt cuộc chiến tranh chống không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam đã diễn ra rất nhiều cuộc không chiến giữa máy bay của không quân Việt Nam và máy bay của không quân, hải quân Mỹ. Trong những cuộc không chiến ác liệt ấy, có thắng, có thua và có cả những trận bất phân thắng bại. Nhưng ngày 10-5-1972 là ngày chiếm giữ nhiều kỷ lục nhất vì đó là ngày có nhiều trận không chiến nhất, ác liệt nhất.
Sau sự kiện “Mùa hè đỏ lửa” ở Quảng Trị, Hoa Kỳ đã quyết định mở “Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ”, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. “Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ 1” (còn gọi là “Cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ 1”) chính thức kéo dài từ 9-5-1972 đến 23-10-1972 với lực lượng tham gia chính là các phi đoàn máy bay thuộc Bộ tư lệnh Không quân số 7 và Bộ tư lệnh Đặc nhiệm 77 của Hải quân Mỹ, ngoài ra còn có máy bay ném bom chiến lược B-52 của Bộ tư lệnh Không quân chiến lược.
Chuẩn bị cho chiến dịch này, không quân và hải quân Mỹ đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của các đơn vị sẽ tham chiến ở miền Bắc Việt Nam. Điển hình ngay từ đầu là các khóa huấn luyện theo chương trình nâng cao cho các phi công Mỹ, đặc biệt là các phi công của Hải quân (gọi là chương trình TOPGUN). Các máy bay chiến đấu của không quân Mỹ cũng được trang bị loại tên lửa mới và máy bay được cải tiến một số bộ phận nhằm nâng cao tính cơ động, đồng thời được lắp thêm hệ thống tác chiến điện tử để xác định vị trí máy bay MiG. Những cải tiến ấy đã giúp ích rất nhiều cho các phi công Mỹ khi đụng độ với các máy bay MiG. Chiến thuật và thủ đoạn đánh phá của Mỹ cũng thay đổi. Nhiễu điện tử được sử dụng dày đặc hơn. Bom dẫn đường la-de, bom dẫn bằng quang học-điện tử được áp dụng trong các trận đánh phá. Tỉ lệ tiêm kích yểm trợ trong đội hình cũng tăng: một chiếc máy bay ném bom có hai, ba tiêm kích theo bảo vệ. Đội hình sử dụng nhỏ hơn và bay vào từ nhiều hướng khác nhau với những độ cao khác nhau… Với những sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, Mỹ tin tưởng sẽ tiến hành chiến dịch một cách suôn sẻ.
Phía không quân Việt Nam, lợi dụng những ngày địch không đánh phá, các phi công của ta tranh thủ tập luyện nâng cao kỹ thuật cá nhân và biên đội, phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các quân bBinh chủng, lắp ráp thêm một loạt máy bay MiG mới và tiến hành bay chuyển loại trên những máy bay này. Tổ chức cơ động đến những sân bay cơ động và bổ sung nhiệm vụ đánh đêm…
Tất cả mọi sự chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sắp tới đã hoàn tất trong tư thế như những mũi tên đặt trên dây cung chỉ chờ thời điểm lao về phía trước.
Vào nửa đêm 9-5-1972 rạng sáng ngày 10-5-1972, sáu chiếc tàu chiến của lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ do chuẩn đô đốc Uy-li-am Mách chỉ huy với đầy đủ súng đạn đã lặng lẽ tiến về phía bờ biển miền Bắc Việt Nam. Sau đó vài tiếng đồng hồ, hai tàu sân bay chở các máy bay F-4, A-6, A-7 cũng đã được đưa ra vị trí chuẩn bị cất cánh. Ngày đầu tiên của chiến dịch, Mỹ tiến hành đánh phá các mục tiêu quanh khu vực Hải Phòng và các mục tiêu phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đánh sập bằng được cầu Long Biên.
7 giờ 53 phút, ra-đa của ta phát hiện các tốp máy bay địch phía Đông cửa Trà Lý bay đến Long Châu và vào phía Uông Bí.
8 giờ 40 phút, biên đội 4 chiếc MiG-17 của Vũ Văn Đang, Nguyễn Công Ngũ, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm cất cánh vào khu vực Phả Lại, không gặp địch, quay về hạ cánh.
8 giờ 52 phút, biên đội 2 chiếc MiG-21 của Đặng Ngọc Ngự, Nguyễn Văn Ngãi cất cánh. Khi đang cất cánh, bị bọn F-4 lao xuống tấn công, phi công Nguyễn Văn Ngãi hy sinh ngay ở đầu đường băng. Phi công Đặng Ngọc Ngự cơ động tránh được tên lửa địch, vòng ra đến triền núi phía Bắc dãy Yên Tử, phát hiện được tốp F-4 khác, liền vào công kích, bắn quả tên lửa bên trái rồi tiếp bắn quả bên phải nhưng quả bên phải không ra, liền thoát li về hạ cánh.
9 giờ 05 phút, biên đội 4 chiếc MiG-17 của Lương Quốc Bảo, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Hùng Vân, Ngô Sơn cất cánh bảo vệ các sân bay Kép, Gia Lâm, Đa Phúc, không gặp địch đã quay về hạ cánh.
9 giờ 36 phút, biên đội 4 chiếc MiG-17 của Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Nguyễn Văn Nhượng, Trà Văn Kiếm cất cánh bảo vệ sân bay Hòa Lạc và Đa Phúc. Cùng lúc, biên đội 4 chiếc MiG-19 của Phạm Ngọc Tâm, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Phúc, Lê Đức Oánh cất cánh vòng trực tại sân bay Yên Bái, phát hiện được địch và biên đội lao vào không chiến. Trong trận này, phi công Nguyễn Văn Phúc đã bắn hạ 1 F-4. Phi công Lê Đức Oánh bị F-4 bắn cháy, nhảy dù không thành công, đã anh dũng hy sinh. Phạm Ngọc Tâm, Nguyễn Văn Phúc và Phạm Hồng Sơn về hạ cánh. Máy bay của Phạm Hồng Sơn hết dầu, chết máy, khi hạ cánh lao ra ngoài, máy bay bị hỏng.
9 giờ 39 phút, biên đội 2 chiếc MiG-21 của Nguyễn Công Huy, Cao Sơn Khảo cất cánh lên khu vực Tuyên Quang, gặp địch, vào không chiến trong tình trạng nhiễu đối không rất nặng, không liên lạc được. Phi công Cao Sơn Khảo bắn hạ 1 F-4 và cũng bị bắn hạ, nhảy dù không thành công, đã anh dũng hy sinh. Nguyễn Công Huy bắn 1 chiếc nhưng không quan sát được điểm nổ, về hạ cánh.
9 giờ 53 phút, biên đội 4 chiếc MiG-21 của Nguyễn Đức Soát, Ngô Duy Thư, Nguyễn Văn Nghĩa, Hạ Vĩnh Thành cất cánh lên khu vực Đại Từ không gặp địch đành quay về hạ cánh.
9 giờ 54 phút, biên đội 4 chiếc MiG-17 của Vũ Văn Đang, Nguyễn Công Ngũ, Trịnh Văn Quy, Nguyễn Văn Lâm cất cánh cũng không gặp địch, về hạ cánh.
10 giờ 02 phút, biên đội 4 chiếc MiG-19 của Hoàng Cao Bổng, Phạm Cao Hà, Nguyễn Văn Cương, Lê Văn Tưởng cất cánh gặp địch ngay trên sân bay Yên Bái, vào không chiến. Trong trận này, phi công Lê Văn Tưởng bắn cháy 1 F-4. Toàn biên đội về hạ cánh, nhưng máy bay của Lê Văn Tưởng hết dầu, phải hạ cánh bắt buộc, máy bay lao ra ngoài đường băng, phi công Lê Văn Tưởng hy sinh.
10 giờ 10 phút, biên đội 2 chiếc MiG-17 của Đỗ Hạng, Nguyễn Xuân Hiển cất cánh vòng trực trên sân bay, không phát hiện được địch nên quay về.
12 giờ 55 phút, biên đội 4 chiếc MiG-17 của Nguyễn Văn Thọ, Tạ Đông Trung, Đôc Hạng, Trà Văn Kiếm cất cánh về khu vực Tứ Kỳ bảo vệ cầu Lai Vu đã gặp nhiều tốp địch và vào không chiến. Trong trận này, phi công Nguyễn Văn Thọ ngắm bắn chiếc A-7, nhưng sau đó anh phải nhảy dù vì máy bay anh bị trúng tên lửa của địch. Các phi công Đỗ Hạng, Trà Văn Kiếm không chiến kịch liệt với địch và bị bắn cháy. Phi công Đỗ Hạng nhảy dù được nhưng lại bị bắn cháy dù. Phi công Trà Văn Kiếm không nhảy dù được. Cả hai đã anh dũng hy sinh.
12 giờ 57 phút, biên đội 2 chiếc MiG-21 của Lê Thanh Đạo, Vũ Văn Hợp cất cánh bay vào khu vực Bắc Hải Dương, phát hiện địch, vào công kích và trong thời gian chỉ 1 phút 30 giây, cả hai số của biên đội đã bắn hạ 2 F-4.
Từ 13 giờ 06 phút đến 17 giờ 20 phút các biên đội của ta liên tục cất cánh nhưng không gặp địch.
Như vậy, trong ngày 10-5-1972, Mỹ huy động 22 loại máy bay tham gia vào ngày không chiến dài nhất và quy mô nhất trong chiến tranh Việt Nam với 414 lần chiếc xuất kích, trong đó oanh kích miền Bắc Việt Nam là 338 lần (88 lần của không quân và 250 lần của hải quân). Phía không quân Việt Nam đã sử dụng 3 loại máy bay tiêm kích của 4 Trung đoàn Không quân tiêm kích, xuất kích chiến đấu với 64 lần chiếc. Không quân Việt Nam bắn hạ 6 máy bay Mỹ và cũng bị rơi 6 chiếc (5 phi công hy sinh). Tối hôm đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống trực tiếp nghe Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện báo cáo, sau đó Đại tướng đã khen ngợi tinh thần dũng cảm, chiến đấu mưu trí của các phi công MiG và chỉ đạo: “Cần tiếp tục chủ động tấn công, bí mật bất ngờ, đánh chắc thắng…đồng thời phê phán tư tưởng “một đổi một” mới nảy sinh là không đúng đắn, cần loại trừ ngay…”
Ngày 10-5-1972 đã trở thành ngày chiếm giữ nhiều kỷ lục nhất: ngày có nhiều trận không chiến nhất, kéo dài nhất, ác liệt nhất, ngày có nhiều lực lượng tham chiến nhất, có nhiều chủng loại máy bay tham gia nhất, ngày bắn rơi nhiều máy bay nhất kể cả hai phía. Ngày ấy đã đánh dấu bước trưởng thành của không quân Việt Nam về mọi mặt: từ công tác chỉ huy đến hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang và trình độ kỹ thuật của các phi công đều được nâng lên một tầm cao mới.
N.C.H
VNQD