Người lập công Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây

Thứ Ba, 01/11/2022 00:01

. NGUYỄN KIÊN THÁI
 

Chiến thắng trận đầu Tà Mây - Làng Vây (diễn ra cuối tháng 1, đầu tháng 2-1968) đã viết nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng Thiết giáp (TTG) Việt Nam anh hùng. Để có được chiến thắng đó, phải kể đến thành tích đặc biệt xuất sắc của kíp xe tăng PT-76 mang số hiệu 555, do Trung sĩ Lê Xuân Tấu là trưởng xe.

Ba lần viết đơn xung phong đi B

Một ngày đầu xuân Nhâm Dần năm 2022, chúng tôi tới nhà riêng nhân chứng trận Tà Mây-Làng Vây ở phố Đội nhân, phường Vĩnh Phúc (Ba Đình-Hà Nội). Đó là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Xuân Tấu, nguyên Trưởng xe PT-76 mang số hiệu 555, nguyên Tư lệnh Binh chủng TTG. Tại phòng khách, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu đã kể lại cho chúng tôi về thời gian ông trực tiếp tham gia chỉ huy trận đầu Tà Mây-Làng Vây vẫn vẹn nguyên, tươi mới.

Đầu năm 1963, chàng trai Lê Xuân Tấu, quê ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc viết đơn tình nguyện nhập ngũ tại Trung đoàn 202 (thuộc Binh chủng Thiết giáp, sau này thuộc Quân đoàn 1). Sau thời gian huấn luyện tân binh, tháng 7-1963, ông được bổ sung về Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 202. Ở đây, phần lớn cán bộ cấp phân đội đều được đào tạo chỉ huy, lái xe tăng tại Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Đầu năm 1964, cấp trên triển khai kế hoạch đưa một đơn vị xe tăng vào miền Nam chiến đấu. “Năm 1964, tôi tình nguyện viết đơn xung phong đi B lần đầu tiên nhưng không được cấp trên chấp thuận. Tôi biết điều này, bởi những đồng chí được lựa chọn đi B được tham gia huấn luyện 3 tháng, hành quân mang vác nặng…. Đầu năm 1965, với phương châm “lấy xe địch để đánh địch”, trên sử dụng một tiểu đoàn xe tăng đi B đợt 2. Nhận được tin này, tôi và nhiều đồng chí lại tiếp tục viết đơn lần hai nhưng lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn 202 chưa đồng ý…”.

Thời điểm đó, anh em khi thế hừng hực, tình nguyện ra trận. Nhận thấy cán bộ, chiến sĩ nóng lòng ra trận, lãnh đạo, chỉ huy cấp trên, trực tiếp về đơn vị để trấn an, động viên bộ đội. Ngày 7-5-1965, đồng chí Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh về dự họp với Đảng ủy và cán bộ chỉ huy Trung đoàn Xe Tăng 202, nhấn mạnh: Bộ đội xe tăng là binh chủng chiến đấu và là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân. Đơn vị ta là “quả đấm thép” của Quân đội nhân dân Việt Nam, khi có lệnh, các đồng chí phải sẵn sàng lên đường ra trận. Các đồng chí như cái lò xo, lò xo ép càng mạnh thì lực càng mạnh, khi bung ra sẽ đè bẹp quân thù”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu nhớ lại những ngày tháng chờ đợi đi B.

Ngày 22-6-1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 100/QĐ-QP thành lập Trung đoàn Xe tăng 203 và ra Quyết định số 101/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh TTG. Thời điểm này, chiến sĩ Lê Xuân Tấu được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2), giữ chức vụ trưởng xe. Tại đây, ông được phân công tiếp nhận và chỉ huy xe PT-76 số hiệu 555. Kíp xe đó có Nguyễn Vũ Cỏn - Lái xe và Nguyễn Văn Tuấn - Pháo thủ. “Lần thứ ba, tôi tình nguyện viết đơn xung phong đi B vào đầu năm 1967 và được cấp trên chấp thuận. Trước khi đi lên đường ra trận, chúng tôi đều được giải quyết chế độ phép 15 ngày. Ngày đó, ai có trong danh sách đi B đều vui mừng, háo hức nên 100% cán bộ, chiến sĩ đều trả phép đúng và trước thời gian quy định, bởi ai cũng sợ bị ở lại, không được đi B”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu bồi hồi nhớ lại.

Ngày 5-8-1967, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh TTG đã chỉ đạo Trung đoàn Xe tăng 203 thành lập Tiểu đoàn Xe tăng 198 (gồm Đại đội 1 và Đại đội 3), trang bị toàn bộ xe PT-76. Cùng với đó, Trung đoàn Xe tăng 202 cũng thành lập Tiểu đoàn 198 (gồm Đại đội 6 và Đại đội 9). Theo đó, mỗi đại đội được trang bị 11 xe PT-76 (3 trung đội, mỗi trung đội 3 xe; 2 xe do đại đội trưởng và chính trị viên đại đội chỉ huy) hành quân vượt chặng đường gần 1.400 km vào chiến trường miền Nam.

Các chiến sĩ xe tăng. Ảnh: TTXVN - VNA

Cuộc hành quân bằng xe tăng lịch sử

Cuối tháng 9-1967, Tiểu đoàn 198 tổ chức một đội tiền trạm trinh sát bằng ô tô đi từ Xuân Mai lên dốc Cun cách thị Hòa Bình (nay là phường Chăm Mắt, TP Hòa Bình). Tiếp đó lộ trình đi đường 12A, 12B, 15A, 15B.. vào Quảng Bình. Quá trình đi trinh sát hiệp đồng với các trạm tiếp xăng dầu của Đoàn 559. Sau khi trinh sát xong, chúng tôi tổ chức kế hoạch hành quân đêm theo từng cung, chặng đường (mỗi đêm hành quân là một cùng; 3 cung là một chặng). Theo đó, đi hết một chặng chỉ huy lại cho anh em nghỉ một ngày để bộ đội vừa bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật, bổ sung dầu mỡ cho xe, vừa nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.

Ngày 14-10-1967, Tiểu đoàn Xe tăng 198 xuất phát tại xã Cự Yên (Lương Sơn - Hòa Bình) bí mật hành quân bằng xích chủ yếu vào ban đêm. “Lúc đó tôi trung sĩ, trưởng xe Trung đội 3, Đại đội 3 được đơn vị giao nhiệm vụ đi đầu đội hình hành quân. Để giữ bí mật, các xe chấp hành nghiêm quy định tuyệt đối không được bật đèn pha mà sử dụng đèn gầm (đèn rùa) có lắp thêm thiết bị hạn chế ánh sáng. Những đêm mù sương các đồng chí trưởng xe hoặc đồng chí pháo 2 khoác vải trắng đi bộ trước mũi xe dẫn đường. Các kíp xe dùng cành cây tươi che bớt bụi lửa phóng ra từ ống xả khi khô lá kịp thời thay cành cây mới. Khi dừng nghỉ nấu ăn phải đào bếp Hoàng Cầm. Tuyến đường hành quân được chia thành nhiều cung, mỗi cung được chia thành 3 chặng, mỗi chặng (đi trong một đêm) trung bình dài 30 đến 45 ki-lô-mét (Đại đội tăng 3 hành quân 15 chặng; Đại đội tăng 9 hành quân 23 chặng). Mỗi xe cách nhau 100m-150m để tránh máy bay địch bắn phá”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, kể.

Khi được hỏi về kỷ niệm sâu sắc trong lộ trình hành quân, như chạm vào mạnh cảm xúc, giọng Thiếu tướng Lê Xuân Tấu sôi nổi: “Vào một đêm trung tuần tháng 10-1967, chúng tôi hành quân đến bến phà Linh Cảm ở sông La (Đức Thọ-Hà Tĩnh). Do đường khó đi nên 4 giờ sáng xe của chúng tôi mới vượt qua sông La. Trên đường hành quân, chúng tôi quan sát bên bờ Nam bến phà Linh Cảm, bom địch bắn phá trọc lốc, không có bóng một cây. Đơn vị tiếp tục hành quân gần 5 giờ sáng mới phát hiện hai bên đường là rừng cây nên anh em nhanh chóng giấu xe ở đó. Lúc đang đào hầm giấu xe, bà con ở đó ra bảo: “Sao chúng mày phá rừng cây của nhà chúng tao?”. Sau ít phút nghe chúng tôi giải thích, bà con vui vẻ đồng tình: “Thôi, chúng mày đi chiến đấu thì cho giấu quân trong rừng nhà chúng tao nhưng đừng để máy bay địch phát hiện. Bởi, nó phát hiện sẽ thả bom hủy diệt cả cánh rừng này. Nó đánh chúng mày là đánh chúng tao”. Đồng bào ở đây cùng chúng tôi chặt cành cây, đào hầm cùng bộ đội giấu xe. Khi chúng tôi ra đường, thấy rất nhiều bà già, phụ nữ, trẻ em kéo nhau đi xóa vết xích để bảo đảm an toàn kẻo trời sáng. Việc làm đó khiến chúng tôi rất xúc động, thể hiện “quân với dân một ý chí”. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của người dân ở đây, đơn vị đã trú quân an toàn trước sự quần thảo, gầm rú của máy bay địch”.

Có những đêm trời tối, anh em lái xe không nhìn rõ đường nên đã lao xuống hố bom. Gặp tình huống này, anh em không thể cứu kéo ngày lúc đó nên phải tổ chức giấu xe ngay tạưi hố bom. “Anh em lấy bạt phủ lên xe tăng, sau đó lấy các cành cây khô bị bom đánh phá phủ kín, lấy đất đổ xung quanh giống như bom đánh phá. Ngụy trang bí mật khiến bộ đội đi qua cũng không phát hiện được xe tăng ở dưới đó. Tối hôm sau, lại cho xe khác kéo lên, bảo đảm an toàn”, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu vừa nói, vừa lấy tay miêu tả hành động giấu xe ở hố bom.

Vợ chồng Anh hùng Lê Xuân Tấu

Lập chiến công ra quân trận đầu

Theo lời Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, trung tuần tháng 1-1968, đơn vị ông nhận nhiệm vụ tập kết chiến đấu ở bản Cha Ki Phìn (Lào) và làm công tác hiệp đồng với bộ binh. Ngày 21-1-1968, đơn vị ông chuẩn bị chiến đấu xong, hiệp đồng với bộ binh, công binh, hiệu chỉnh vũ khí, nạp đạn…Đơn vị của ông tập kết cách căn cứ của địch ở Huổi San khoảng 8-10km theo đường chim bay. Tại đây, đơn vị ông nhanh chóng hiệp đồng chiến đấu với Trung đoàn BB 24 của Sư đoàn 304 và một Tiểu đoàn 5 Công binh của Mặt trận 559. Ở khu vực này giáp ranh bộ đội Lào và ngụy Lào nên cả hai bên đều gài mìn. Càng đến gần thời điểm diễn ra Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, tần suất địch gài mình nhiều làm cho bộ đội công binh của ta phá gỡ rất khó khăn.

Khoảng 17 giờ ngày 23-1-1968, quân ta bắt đầu xuất kích một đại đội xe tăng tiến gần căn cứ Tà Mây. Khoảng 21 giờ, đội hình xe tăng của ta vẫn chưa vào vị trí theo kế hoạch hợp đồng, do lực lượng công bình phải gỡ mìn, nên xe tăng đi đầu chưa qua được ngầm số 3. “Xe tăng của tôi đi đầu đội hình nên quan sát được mọi hành động của công binh. Tôi rất cảm động trước hành động xả thân của anh Bùi Ngọc Dương, Trung đội phó (sau này được phong Anh hùng LLVT nhân dân). Anh đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay trái gần đứt hẳn của mình để tiếp tục chỉ huy bộ đội gỡ mìn mở đường cho xe tăng. Gần 24 giờ, xe của chúng tôi vẫn chưa vượt qua ngầm số 3. Lúc đó, tôi vội nhảy xuống xe, để kiểm tra tình hình thực tế. Anh em công binh cho tôi xem loại mìn vừa gỡ. Và tôi khẳng định ngay, đó không phải mìn chống tăng. Nếu để bộ binh tiếp tục mở đường chắc chắn đến sáng chưa chắc đã xong, “cháy” kế hoạch hiệp đồng chiến đấu. Tôi lập tức quay lại xe gọi điện về đài chỉ huy để xin phép cho xe được vượt qua bãi mìn. Lúc đó, anh Hà Tiến Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Xe tăng 198 đồng ý. Tôi hạ quyết tâm, anh em khí thế hừng hực, đồng lòng cho xe tăng 555 vượt qua bãi mìn. Xe của chúng tôi đến đâu mìn nổ inh tai, nhức óc nhưng may không đứt xích. Xe tăng của chúng tôi đi đầu nên xe khác đi theo vết xích và tiến vào vị trí tập kết. Gần một giờ sáng ngày hôm say, đơn vị tiến vào Tà Mây. Lúc đó trời gần sáng, chúng tôi cho xe xuống ngầm. Khi xe lên, nhiều sỏi dắt vào xích, anh em phải xuống lấy xà beng móc hết đá, sỏi ra để cho xe đi qua ngầm. Xe tôi lên và kéo theo xe 551 của Trung đội trưởng Trần Văn Tuy”, Thiếu tướng Kê Xuân Tấu kể một mạch.

Đang kể chuyện, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu đi lấy giấy bút vẽ lại sơ đồ hành quân, diễn giải: “Lúc đó trời sáng, cấp trên lệnh cho 9 xe dừng lại tổ chức trú quân. Đơn vị sử dụng 2 xe do tôi và anh Trần Văn Tuy tiếp tục tiến công vào căn cứ Tà Mây. Từ ngầm số 2 đến cứ điểm Tà Mây gần một cây số. Hai bên đường địch thả bom phát quang cây nên trên Đường số 9, chúng tôi quan sát rõ căn cứ của địch. Khi đó, lực lượng bộ binh Trung đoàn 24 đã tiếp cận cứ điểm. Tuy nhiên, khi xung phong đến hàng rào cửa mở, xe tăng 551 của đồng chí Tuy chỉ huy bị bị địch bắn đứt xích nên phải dừng lại. Quân ta dùng pháo bắn yểm trợ, chi viện cho xe 555 tiếp tục tiến công. Chúng tôi cho xe tiến về căn cứ Tà Mây. Địch thấy xe tăng của ta, chúng chạy toán loạn. Xe tăng 555 do tôi chỉ huy tiến vào sở chỉ huy của địch và dùng súng máy, vũ khí các loại cùng với bộ binh lùng sục bắn, tiêu diệt phá hủy các lô cốt, ụ pháo của địch…. Hơn 8 giờ sáng hôm đó, lực lượng của ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Tà Mây. Tôi trực tiếp chỉ huy xe quay lại kéo xe tăng 551 ra khỏi trận địa Tà Mây để giấu xe ở khu vực rừng cây. Ngay sau đó, anh em tổ chức khôi phục lại xích xe 551. Ngày hôm đó, chúng tôi giấu quân cạnh căn cứ Tà Mây”.

Sau chiến thắng Tà Mây, Tiểu đoàn Xe tăng 198 tiếp tục hành quân chuẩn bị tiến công cứ điểm Làng Vây. Căn cứ Làng Vây nằm trong tập đoàn cứ điểm khe Sanh, cách Hướng Hóa (Quảng Trị) khoảng 7km. Đây là căn cứ phòng ngự rất kiên cố của địch. Nơi đây, có hầm ngầm, hàng rào, lô cốt bê tông cốt thép rất kiên cố; hàng rào phía tây và phía nam lên tới 5-7 hàng rào. Bên ngoài là 3 cuộn hàng rào bùng nhùng, bên trong các giao thông hào, hàng rào cũi lợn… Khi xích xe tăng đè lên hàng rào bùng nhùng thì nó sẹp xuống nhưng vượt qua, nó lên lại trở lại bình thường khiến bộ binh không thể vượt qua.

Theo hiệp đồng, Đại đội xe tăng 3 tấn công hướng Tây từ Lao Bảo sang trục đường số 9; Đại đội tăng 9 sử dụng xe tăng lội nước thả trôi trên dòng sông Sê Pôn, tập kết ở làng Con, cách Làng Vây khoảng 10km. “Đêm lạnh, chúng tôi chứng kiến bộ đội công binh đầu quấn khăn trắng dầm mình dưới nước để dẫn đường cho xe tăng trôi theo dòng sông Sê Pôn để tới nơi tập kết. Hành động đó, đã thôi thúc bộ đội quyết tâm chiến đấu và chiến thắng…”, anh hùng Lê Xuân Tấu xúc động.

Cầm tờ giấy viết sơ đồ tác chiến trận Làng Vây, Thiếu tướng Lê Xuân Tấu kể tiếp: “Theo kế hoạch hợp đồng, 23 giờ 30 phút ngày 6-2-1968 quân ta nổ súng tấn công. Trước đó 15 phút, Đại đội 3 của chúng tôi tạm dựng cầu Bê Hiên, cách Làng Vây khoảng 1.800m. Đúng 23 giờ 30 phút ngày hôm đó, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công. Tuy nhiên, lúc đó bộ binh chưa mở thông cửa, phải chi viện hỏa lực cho bộ binh mở cửa. Do hàng rào bùng nhùng, bộ binh đánh bộc phá ko đứt, xe tăng vượt qua hàng rào và dẫn dắt bộ binh. Có xe tăng đánh chiếm đầu cầu xong, lại quay ra dẫn dắt bộ binh. Riêng xe tăng của tôi vào ra hai lần để dẫn dắt bộ binh... Khoảng 4 giờ sáng, quân ta làm chủ hoàn toàn trận đánh ở Làng Vây. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây không chỉ có ý nghĩa chiến thuật mà còn có ý nghĩa chiến dịch - chiến lược, là trận đánh then chốt góp phần vào chiến thắng chung của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968…”.

N.K.T

VNQD
Thống kê