Những người nối sóng trên đỉnh Sơn Trà

Thứ Tư, 26/10/2022 00:40

. ĐẶNG THỊ HUYỀN
 

Vào máy là vào vị trí chiến đấu

Đóng quân trên đỉnh Sơn Trà, ở độ cao gần 700m so với mặt nước biển, Trạm trung gian chuyển tiếp (TGCT) của Tiểu đoàn TT1, Lữ đoàn 575, QK5 như một lô cốt nhỏ bé nằm lẻ loi giữa biển trời mênh mông. Lần đầu tiên được theo chân đoàn công tác của Lữ đoàn lên kiểm tra Trạm tôi mới thấy hết sự khó khăn, gian khổ của các chiến sỹ khi phải sống và làm việc ở một nơi heo hút như thế. Đón chúng tôi là những gương mặt thân quen đượm màu nắng gió nhưng nụ cười tươi,nồng ấm khiến chúng tôi bồi hồi xúc động… Nắm tay chào nhau, cảm nhận từ đôi bàn tay rắn chắc, rám nắng, đầy những nốt chai sần kia là những ngày gian khó trên đỉnh Sơn Trà quanh năm mưa nguồn, gió núi, thiếu thốn mọi bề nhưng các anh vẫn vững vàng với nhiệm vụ là nối thông liên lạc vô tuyến điện sóng cực ngắn giữa Tổng trạm sở chỉ huy thường xuyên Quân khu và đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) và nối thông liên lạc thông tin vô tuyến điện sóng cực ngắn giữa Tổng trạm Thông tin Quân khu với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Thợ kỹ thật Lữ đoàn 575 bảo quản bảo dưỡng ăng ten

Lính Trạm làm theo lời Bác

Đứng trên đỉnh Sơn Trà nhìn xuống, cả thành phố thu trong tầm mắt đẹp như bức tranh sơn mài, ẩn hiện từng lớp, biển trời đồng sắc, mây ngàn bảng lảng treo trên những ngọn cây. Trái ngược với khung cảnh lãng mạn đó là nhịp sống và làm việc bên trong của cán bộ, chiến sĩ ở trạm TGCT Sơn Trà. Đồng chí Thái Trung Hào - Trạm trưởng chia sẻ: “Ở đây anh em bắt đầu dậy từ 4h30 phút sáng. Sau 15 phút vệ sinh cá nhân thì ngồi vào máy chuẩn bị cho phiên liên lạc đầu tiên trong ngày lúc 5h00. Bữa sáng bắt đầu lúc 6 giờ để 6 giờ 30 phút anh em kịp giao ban phân công công việc. Trạm chỉ có 3 đồng chí nên việc trực máy được chia làm 3 ca (sáng,chiều, tối). Thông thường mỗi ngày ở trạm, ngoài 1 đồng chí đảm nhiệm trực máy, 2 đồng chí còn lại phân chia nhau cắt cỏ, tăng gia sản xuất, đi lấy nước về sinh hoạt, nấu ăn… Sau 22h, mỗi đồng chí trực gác 2 tiếng xoay vòng đến sáng”.

Nếu chỉ nghe kể thôi sẽ không thể hình dung những người lính ở đây họ can đảm, kiên cường đến chừng nào. Vào mùa đông, họ thức dậy vào lúc 4h30 sáng trong cái rét căm căm xuyên thấu thịt da trên đỉnh núi, chân tay tê cứng. Hơi ẩm và gió biển mặn ướp vào người rin rít, bứt rứt, khó chịu. Rồi có những ngày cách nhau mấy mét không nhìn thấy mặt nhau, xung quanh chỉ là màn sương dày đặc, mọi thứ như đảo lộn, bí bách, mờ mịt như trong bóng đêm. Trong tiết trời rét buốt xương thịt, áo quần giặt khó khô, việc nấu nướng, tắm rửa sinh hoạt càng vất vả hơn khi gió núi ào ạt xô tung mọi thứ. Có nhiều khi, nồi canh không đủ lửa để sôi bởi ngọn lửa như bị gió xé ra, chụm mãi không đỏ. Rét xuyên thấu qua mấy lần áo, tê cứng thân thể. Nhưng trên đôi môi khô nứt nẻ của người lính vẫn giòn giã tiếng cười lẫn với câu chuyện vui kể cho nhau nghe. Khó khăn là vậy nhưng anh em vẫn luôn nhắc nhở nhau thực hiện nhiệm vụ được giao lẫn trong sinh hoạt hàng ngày. Mùa hè cũng không thuận lợi hơn. Mưa nhiều, sấm chớp, bão lũ dồn về, cây gẫy đổ nhưng vẫn phải giữ mạch máu thông tin thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống.

Chỉ huy đơn vị thăm và chúc tết cán bộ, chiến sỹ Trạm trung gian chuyển tiếp Sơn Trà

Buổi sáng khi chúng tôi đến, sương sa rát mặt, che bịt tầm nhìn đã thấy các chiến sĩ chạy bộ dưới dốc cách đó 2km xách nước mang về. Chuyện thiếu nước thường xuyên đến mức diễn ra quanh năm nhất là vào mùa khô. Những người lính chia nhau ra để xách nước không phân biệt chỉ huy hay chiến sĩ. Nước từ đường xa chuyển về được quý từng giọt, trong số nước đó còn lẫn với những giọt mồ hôi quện lẫn. Chắt chiu tận dụng nước sinh hoạt, nước rửa chén, nước vệ sinh cá nhân xong dành để tưới từng cây rau dưới mặt trời thiêu đốt. Không được tự ý rời bỏ vị trí, không thể tự mình tiếp phẩm mà phải nhờ vào nguồn thực phẩm dự trữ và khai thác tại chỗ. Chính vì vậy, quyết tâm trồng rau là giải pháp được anh em lựa chọn để góp phần cải thiện đời sống. Trạm nằm trên đỉnh gió. Mùa nắng, những cơn gió dữ thốc vào như muốn bứng nguyên Trạm tung lên cao, gió biển vào mang theo hơi muối làm cho rau dễ lụi tàn. Mùa mưa, những cơn mưa rào xối sả làm cho đất màu trôi đi, bề mặt chỉ còn trơ lại lớp đá, sỏi, hạt nẩy mầm lên rồi nhưng rễ không đất bám. Để có rau xanh, chiến sĩ Trạm phải tận dụng những thùng xốp để trồng, khi còn sương hay lúc trời mưa, gió thì mang vào, khi trời quang mây tạnh thì tranh thủ mang ra cho rau quang hợp và phát triển. Ở biển trồng rau chắn sóng, trên đỉnh núi này trồng rau phải chắn gió. Miệt mài, cần mẫn rồi đất cũng không phụ lòng người. Những luống rau ngót, rau cải, mồng tơi mạnh mẽ vươn lên như chính sức sống bền bỉ và ý chí quật cường của những người lính trẻ thông tin.

Khi chúng tôi hỏi trên đỉnh núi này các anh thiếu thốn nhất là thứ gì? Một người lính trẻ mỉm cười nói. “Thiếu rất nhiều thứ, có liệt kê cũng không hết, nhưng chúng tôi tự nguyện chấp nhận, xem như là điều kiện để mình rèn luyện bản lĩnh của mình. Thiếu nhất có lẽ là hơi ấm, giọng nói, một suối tóc mềm của người con gái. Nhiều đêm từ đỉnh núi ngắm nhìn thành phố sáng rực, chuyển động ngay trước mắt, muốn ào chạy xuống, tìm ai đó để nói chuyện, hay giang tay đón mặt trời lên trên biển rồi trở về đơn vị. Mỗi khi tết đến, nỗi nhớ dâng lên gấp nhiều lần, thúc giục trở về thăm nhà, vẫn là bánh chưng dưa hành, nhưng vị tết trên đỉnh núi này không giống vị quê hương. Nghĩ là nghĩ thế thôi, nhưng không phải vì thế mà tôi và đồng đội của mình cảm thấy buồn chán. Lấy công việc làm vui đã là một niềm vui rất bền lâu rồi”.

Nhìn mắt ánh lên niềm tin sắt đá của người lính ấy khi nói về những khó khăn với giọng nhẹ bẫng tôi thấy lòng mình chùng lại. Khó khăn về vật chất có thể nhìn thấy, có thể nắm bắt được, nhưng thiếu thốn về tinh thần thì đâu phải ai cũng dễ vượt qua. Giữa thời đại 4.0, những người lính trẻ sống ngày đêm ở một nơi không sóng wifi, không người qua lại… Trong khi đó, nhìn xuống bên dưới thành phố lung linh ánh điện, nhịp sống sôi động, cuốn hút. Có lẽ, trong những trái tim trẻ trung ấy chắc chắn không khỏi có những phút chạnh lòng. Dù là ai, họ cũng đầy khát khao về tương lai rộng mở của mình; họ cũng muốn dấn thân vào những “miền đất hứa”; họ cũng có những nhớ thương mộng tưởng về tình yêu đôi lứa… Nhưng trên tất cả, họ đã biết hy sinh những cái riêng của mình, bởi với họ đơn vị là gia đình, công việc không chỉ là nhiệm vụ phải thực hiện mà còn chứa đựng cả tình cảm âm thầm, thiêng liêng dành cho quê hương đất nước.

Quang cảnh trên đỉnh Sơn Trà

Với người lính thông tin, việc đảm bảo nối thông liên lạc diễn ra 24 giờ trong ngày. Nó đồng nghĩa anh em ở đây phải luôn luôn trong tình trạng chiến đấu và tập trung sẵn sàng đến mức cao độ. Nhìn tác phong khẩn trương, thái độ sẵn sàng và nghiêm nghị của những người lính nơi này, chúng tôi phần nào thấu hiểu công việc và nhiệm vụ của họ. Chính ủy Hoàng Văn Thanh cho biết: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các chiến sĩ Trạm TGCT Sơn Trà luôn khắc sâu lời Bác dạy “Việc liên lạc là việc quan trọng bậc nhất, trong công tác Cách mệnh. Vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. Cùng với đó, đơn vị luôn quán triệt và duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; quyết tâm bảo đảm thông tin liên lạc “Kịp thời - Chính xác - Bí mật - An toàn”. Với phương châm “Vào máy là vào vị trí chiến đấu” nên dù công tác trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ, chiến sỹ vẫn luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng quyết tâm giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc trong mọi tình huống, góp phần giữ vững thế trận Quốc phòng an ninh trên địa bàn đóng quân.

Khó khăn bao nhiêu, tình đồng chí bền chặt bấy nhiêu. Có lẽ khó khăn kéo họ xích lại gần nhau hơn, bản lĩnh vững vàng hơn. Ở đó, cánh sóng thông tin vẫn được họ âm thầm kết nối, mạch máu thông tin chảy mãi không ngừng. Ở đó, có những con người luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau trong tình thương yêu đồng chí, đồng đội.

Đ.T.H

VNQD
Thống kê