. NGUYỄN ĐỨC CẦM
Lưu Quang Vũ từng quan niệm “Tôi viết thơ cho mình và viết kịch cho mọi người”, với mong muốn được cống hiến, được bày tỏ tiếng lòng vào dòng chảy xã hội đương thời còn nhiều chật vật, thương khó. Như một con ong, Lưu Quang Vũ cứ lặng lẽ, miệt mài lao động văn chương, đến độ nhiều người đều phải “ngợp”, phải nể. Chỉ trong 9 năm, 53 vở kịch đã chào đời và được dàn dựng khắp các nhà hát từ Nam chí Bắc. Mọi mặt của đời sống, xã hội thời bao cấp, những chuyện nơi nhà máy, trường học, cơ quan, bệnh viên… đều được khắc họa và chiêm nghiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy vậy, trong gia tài văn chương của mình, vẫn còn một khoảng mà Lưu Quang Vũ “nghiêng mình” với quá khứ, với lịch sử. Tác giả đã mượn những tích chuyện dân gian xưa để gửi gắm những trăn trở, suy tưởng về cuộc sống đương đại, thậm chí những chuyện xưa viết lại ấy còn mang tính dự báo cho thế hệ mai hậu.
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ
Kho tàng văn học dân gian bao la mênh mông, đã quá quen thuộc trong những câu chuyện bà kể, trong những lời hát mẹ ru. Cái khó của người cầm bút là dựa trên cốt truyện có sẵn nhưng vẫn phải gửi gắm những tư tưởng mới mẻ cho cuộc sống đương thời và phải có những phát hiện đột phá về nghệ thuật, vượt lên trên nguyên tác của dân gian. Lưu Quang Vũ đã thành công trong công việc tưởng rằng khó nhằn ấy. GS Phan Ngọc từng nhận định: “Không ai bằng Vũ trong việc nêu lên cái muôn đời trong cái bình thường, biến cổ tích, huyền thoại thành chuyện thời sự, dùng cái hư để nói cái thực, dùng cái thô lỗ để khẳng định cái cao quý”.
Trên hành trình trở thành một nhà viết kịch tầm cỡ, những vở kịch mượn tích dân gian của Lưu Quang Vũ không nhiều, nhưng luôn để lại ấn tượng lớn và là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cầm bút của ông. Vở chèo Nàng Sita là sự tri ân, báo hiếu, kế thừa của ông với người cha - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, đánh dấu những “e ấp” đầu tiên của Lưu Quang Vũ với sân khấu kịch… Nhắc tới Lưu Quang Vũ, người ta sẽ nghĩ tới ngay Hồn Trương Ba, da hàng thịt - vở kịch được coi là kiệt tác của sân khấu hiện đại Việt Nam, đưa tầm vóc Lưu Quang Vũ vượt ngưỡng của một nhà viết kịch bình thường mà trở thành một kịch tác gia. Bằng mẫn cảm của người nghệ sĩ, bằng tài năng vượt bậc đang bung nở vào độ chín, Lưu Quang Vũ đã phát triển, sáng tạo từ những tích truyện dân gian, không chỉ gợi nhắc về câu chuyện thời xưa mà còn phảng phất bức tranh của xã hội đương thời với nhiều trăn trở, suy ngẫm. Đó là cái mâu thuẫn giữa phần hồn và phần xác: thân phận Trương Ba không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Mâu thuẫn giữa dục vọng phàm tục thấp hèn (phần con) với những điều thanh bạch, cao quý (phần người), giữa phần “rồng phượng” và phần “rắn rết”. Mâu thuẫn giữa nhu cầu tinh thần và nhu cầu vật chất. Đó là ông Trương Ba (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) khi được sống bằng cách vay mượn xác hàng thịt, dần dần cũng mất bản ngã, nhân tính vốn có. Đó là Cuội (Lời nói dối cuối cùng) có một trái tim lương thiện, luôn muốn giúp đỡ mọi người, vậy mà những hành động của Cuội tưởng rằng nghĩa hiệp, cao đẹp ấy lại xuất phát từ dối trá, lừa lọc. Đó là chân dung vua Đạo Hạnh (Ông vua hoá hổ), vốn dĩ là anh hùng áo vải trượng nghĩa, đứng lên dẹp loạn, nhưng khi lên làm vua lại hà khắc, bần tiện, sẵn sàng đưa ra những hình phạt tàn ác làm đau khổ binh lính… Tất cả là những sáng tạo đột phá của Lưu Quang Vũ, đem đến một tác phẩm có nhiều tầng triết lí sâu sắc, vượt ra khỏi câu chuyện dân gian quen thuộc.
Chúng ta nhìn thấy, những nhân vật dân gian khi đi vào tác phẩm của Lưu Quang Vũ lại có bóng dáng của con người trong cơ chế quan liêu bao cấp, thậm chí nhiều người còn là hiện thân của nhiều lớp người thời nay. Những lớp người làm việc tắc trách, quan liêu, chỉ biết làm cho xong việc, như Nam Tào, Bắc Đẩu gạch bừa cho xong để nghỉ sớm (Hồn Trương Ba, da hàng thịt), như vua Đạo Hạnh “Ta ngồi trên ngôi báu này không phải để thương xót. Những ai làm vướng bước ta đi, phải bị gạt bỏ” (Ông vua hóa hổ). Những lớp người chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài: tiên Đế Thích (Hồn Trương Ba, da hàng thịt) làm theo kiểu chắp vá, vua Đạo Hạnh (Ông vua hoá hổ) sẵn sàng uống cả vũng nước để có sức mạnh hay bất chấp đốt cả khu rừng để cầu người tài, nhân vật Cuội (Lời nói dối cuối cùng) sẵn sàng lừa người yêu, lừa cả vua để có được vinh hoa bổng lộc...
Một cảnh trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ
Đi xem kịch Lưu Quang Vũ, nhiều khi khán giả thấy “đau”. Tác giả đã đặt những đứa con tinh thần của mình vào trong nhiều hoàn cảnh bi kịch, rồi từ đó làm nổi bật nên phẩm giá đức hạnh cao quý. Đó là ông Trương Ba, tuy bị chết một cách oan uổng nhưng vẫn chọn cái chết để giữ được bản ngã, thiên lương vốn có. Đó là nhân vật Minh Không (Ông vua hóa hổ) từ bỏ chốn bổng lộc vinh hiển để giữ được tâm hồn thanh sạch và cũng sẵn sàng trở lại chốn phàm tục để giúp người. Đó là hoàng hậu Thảo (Ông vua hóa hổ) khi biết chồng mình hóa thành hổ, dù đau đớn nhưng vẫn một lòng chung thủy, vượt muôn dặm quan san để thỉnh cầu người tài cứu giúp nhà vua. Đó là nàng Sita (Nàng Sita) bị chính người chồng của mình - Polime, ruồng bỏ đày đọa đến tột cùng đau đớn, nhưng vẫn sắt son một lòng. Đó còn là bi kịch của Thanh và Vịnh (Linh hồn của đá), là nỗi đau khi Vịnh biết được người vợ mình chính là cô em gái năm xưa…
Dù tác phẩm của Lưu Quang Vũ là hài kịch, bi kịch, chính kịch hay chèo… thì người xem luôn nhận được những điều cốt lõi, cao đẹp mà tác giả gửi gắm: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa” (Hồn Trương Ba, da hàng thịt); “Không thể có được điều tốt lành bằng những cách thức xấu xa” (Lời nói dối cuối cùng). Kết thúc mỗi vở kịch, Lưu Quang Vũ luôn gieo vào lòng chúng ta niềm tin: cái thiện luôn thắng cái ác, lẽ phải và lòng tốt luôn ngự trị trong cuộc đời…
Lưu Quang Vũ đã nâng tầm và phát triển những giá trị xưa cũ từ kho tàng văn học dân gian thành nhiều vở kịch tầm cỡ, vượt thời gian. Những vở kịch không chỉ gợi nhắc về lịch sử mà còn giúp mỗi chúng ta tự trăn trở, suy ngẫm về thời cuộc, nhân thế hiện thời. Ngày hôm nay, chúng ta đi xem những vở kịch mà kịch bản được viết từ 34 năm trước, vẫn thấy cuộc sống quanh ta luôn hiện hữu trong đó.
N.Đ.C
VNQD