Thế hệ sống theo “Thép đã tôi thế đấy”

Thứ Bảy, 29/10/2022 00:55

. PHẠM THỊ TOÁN
 

Ông Nguyễn Văn Lẹ (tức Út Lẹ), nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp đã bước vào lứa U70. Ấy vậy mà, con người chậm rãi, hiền từ của tuồi “thất thập cổ lai hy” đó từng là chiến sĩ đặc công của tỉnh Kiến Phong lẫy lừng một thuở, là binh chủng đặc biệt, là đơn vị “xuất quỷ nhập thần” thường có mặt trước, trong và sau mỗi trận đánh khiến cho kẻ địch thường hoang mang, hoảng sợ mỗi khi nghe nhắc đến; là niềm tự hào, hãnh diện của quân và dân Kiến Phong những năm tháng đánh Mỹ cứu nước.

Ba má ông chỉ là những nông dân chân chất nhưng thật may mắn ông được sinh ra trên quê hương anh hùng Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Vào những năm 1960 -1961, phong trào Đồng khởi Bến Tre bùng nổ lan khắp miền Nam trong đó có Đồng Tháp: diệt ác, phá cầu, phá kiềm, phá lộ đất từ Gò Tháp đến Mỹ An, tới Kinh 12 (Tiền Giang) sang Cai Lậy đang rần rần khắp nơi, cản không cho các loại xe của giặc chạy vô vùng căn cứ kháng chiến) tỉnh Kiến Phong. Nói chung, lúc ấy không theo cách mạng thì chỉ theo bên kia mà thôi. Chẳng thể nào đứng trung lập giữa hai lực lượng này được. Nhưng nói tới hai từ “lính ngụy” thì thật tự hào thanh niên quê ông gần như không ai đi theo “cái đám” ấy. Cứ tròng trọng một chút là đi theo mấy chú, mấy bác hết. Còn tại sao lớp lớp các ông cứ lớn lên là đi làm cách mạng. Không sợ chết chóc, sợ tù đày ư?

Ai mà chẳng sợ chết chóc, sợ bị bắt, tù đày nhưng lòng căm thù giặc giày xéo quê hương đã tạo cho các ông có một sức mạnh to lớn vượt qua mọi nỗi lo lắng, sợ hãi hay do dự. Vào những năm 1964-1965, ở trong căn cứ, theo hệ thống giáo dục văn học - nghệ thuật cách mạng (Tuyên huấn của Quân giải phóng miền Nam) có khá nhiều sách báo của ta và phe xã hội chủ nghĩa đưa vào, nhưng các ông rất thích, thường gối đầu nằm cuốn “Thép đã tôi thế đấy” và thuộc lòng nhiều câu nói bất hủ của Pavel Corsagin, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đó: “Sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”

Gia đình ông tuy ở xã vùng sâu nhưng ông bà nội anh cũng thuộc “vào hàng” có của ăn của để. Bởi vậy ba má mới cho ông học tới lớp Đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ). Chiến tranh ngày càng ác liệt, ông phải nghỉ học trở về nhà. Khi vừa tròn 16 tuổi, anh Tư của ông (lúc đó anh làm Ban Binh vận của Huyện ủy Mỹ An) xin ông vào làm nhân viên văn thư của văn phòng Huyện ủy. Do có tuồng chữ viết khá đẹp nên các chú bác rất thích cái thằng bé con, tướng như thư sinh nhưng lanh lợi như ông. Nói là tham gia cách mạng cho “oai” chứ việc chính của ông mới vô cơ quan chỉ là ngồi dán bao thơ, xong chạy đưa công văn, giấy tờ, cho các cơ quan, đơn vị ở ngay trong huyện. Có điều rảnh một chút ông hay đứng dòm các anh, các chú đánh máy. Nhìn hai bàn tay mấy anh như “múa” trên cái bàn phím nhỏ bé, ông mê vô cùng. Thấy vậy anh Ba Phúc ở Ban Tuyên huấn hỏi: Chú em thích không, anh dạy? Khoái quá, không cần suy nghĩ ông gật đầu cái rụp.

Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 bàn phương án tác chiến. Ảnh: Tư liệu

Ông học ngày, học đêm. Cái khó nhất là chỉ được đánh trên mười đầu ngón tay. Lúc ấy thật khó khăn bởi những ngón tay cứ cứng quèo, không làm theo ý muốn của mình, chỉ muốn “mổ” một ngón cho dễ, cho nhanh nhưng anh Ba nhất quyết không cho, bắt tập đánh bằng mười đầu ngón tay, đồng thời bản thảo đánh máy phải để qua một bên, vừa nhìn bản thảo vừa đánh mà không được nhìn từng chữ trên phím. Có nghĩa, mỗi ngón phải phụ trách 1-2 chữ cái. Nghĩ lại ông vẫn thầm cảm ơn anh Ba đã cho anh có một cái nghề mang nặng tính cần cù, nhẫn nại thường dành cho phụ nữ và cái nghề này đã giúp không ít cho công việc đặc công tính phải vô cùng cẩn trọng của ông sau này. Ông nghĩ qua bao trận giáp mặt kẻ thù vô cùng hiểm nguy, thậm chí chúng vãi đạn xối xả mà vẫn sống được, do may mắn và có lẽ một phần cũng bởi cái tính cẩn thận này. Miệt mài ngày đêm học và hành trên máy nên chỉ hơn tháng sau ông đã thành thạo đánh máy chữ bằng 10 ngón tay và không phải nhìn bàn phím (đánh Metos). Rồi không biết nghe đồn sao mà Tỉnh ủy Kiến Phong rút ông lên đánh máy cho Văn phòng Tỉnh ủy. Lúc ấy cơ quan Tỉnh ủy đóng ở kinh 1, xã Thanh Mỹ, huyện Mỹ An (Tháp Mười). Trước khi đi, chi bộ Đảng của Văn phòng Huyện ủy Mỹ An kết nạp ông vào Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, khi ấy ông vừa 18 tuổi.

Tới ngày 4/12/1967, Ban văn thư, bảo mật của Tỉnh đội Kiến phong bị đụng trận 37 tàu. Trận này hàng trăm tàu giặc nối nhau chạy vô căn cứ ta. Tiểu đoàn 502 chốt 2 đầu bảo vệ các cơ quan Tỉnh ủy. Địch quá mạnh, tuy 502 cũng bắn chìm 37 tàu nhưng cũng một số chiếc chạy lọt vào căn cứ ta, các cơ quan cũng chỉ có vài khẩu súng bảo vệ, ta bị hy sinh rất nhiều. Cả 6 người của Ban Văn thư chỉ còn mình ông Sáu Đoàn chém vè thoát được (sau giải phóng ông là Phó Giám đốc sở Thương nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nay đã mất), Văn phòng Tỉnh ủy chi viện ông về gây dựng lại Ban. Tới nửa năm 1969 thì ông được điều qua Trợ lý tổng hợp của Ban Chính trị Tỉnh đội. Cuối năm 1970, ông được cử đi học lớp quân chính của Quân khu trên Prayveng, thời gian 6 tháng, vừa xong, Trường Quân chính Quân khu 8 chuyển luôn học viên qua học lớp đặc công 3 tháng. Sau khi học xong ông về Tiểu ban đặc công của Tỉnh đội Kiến Phong, đóng ở kinh Xáng Phèn (giáp bờ bao 307), xã Thanh Mỹ. Tiểu ban lúc ấy chỉ có 5-7 người, sau này bổ sung gần 20 chiến sĩ. Về 6 tháng ông được đề bạt Trung đội phó, Phó Tiểu ban đặc công của Tỉnh đội Kiến Phong, đơn vị chuyên đi nghiên cứu trận địa trước mỗi trận đánh cho bộ binh.

Mỗi khi đi anh em chỉ mặc quần xà lỏn, cạo lọ chảo, đâm đọt mướp tạo ra màu xanh đen, trộn mỡ cho quẹo (mới dính da khi phải xuống nước), quẹt hết từ đầu đến chân, đằng trước ra đằng sau, khi gặp đèn địch chiếu chỉ cần nằm im, dán xuống đất thường không bị phát hiện. Khi về phải trét xà bông chà dữ lắm mới nhả ra hết màu dính trên da. Tùy trận đánh mà các ông đem mìn Cleymo (của Mỹ), mìn định hướng của ta hoặc cả hai loại. Đêm xuống các ông bò vào sát công sự địch, nhìn có tăng Mỹ che, ngu nhất là chúng thường giăng mùng dài theo liếp, có một dãy gác ngoài, xa xa mới có một thằng lính gác. Khi xáp lá cà tiêu diệt êm mấy thằng gác thì các ông thường dùng loại 5kg, qua tụi gác vào vòng trong là đặt mìn, kéo dây ra ngoài châm điện phát hỏa nổ ào ào rồi rút êm ra ngoài…

Còn đánh đồn thì ta dùng mìn định hướng cho hiệu quả cao. Trái mìn định hướng do công binh xưởng tỉnh Kiến Phong sản xuất tròn như cái nón lá, nặng tầm 5-10 kg. Phá hàng rào thì dùng loại 10kg, nó có thể cuốn hàng rào bay đi mấy chục thước. Cách xa địch thì ôm mìn trước bụng đi khom lưng, khi gần đồn, cách chừng 50-70 mét thì nằm, bỏ mìn trên lưng, bò nhích từng chút, từng chút như sâu đo, dò từng sợi dây sợ đụng phải mìn râu của chúng gài sát mặt đất. Nếu đụng phải dây mìn, lấy tay rờ nhẹ nhàng, khéo léo, bình tĩnh tìm tới trái mìn, khóa nhíp rồi cắt dây cuốn bỏ một bên. Còn gặp mìn điện thì lần tới cái co của trái mìn, khóa chốt, không được cắt dây mà đi tránh đường khác là tốt hơn bởi loại này rất dễ nổ, ta chưa tìm hiểu hết cơ chế nổ của nó…Sau này ông hay nghĩ chính cái nghề đánh máy chữ đã rèn cho ông những đức tính bình tĩnh, thận trọng khi tham gia trận đánh. Nếu rờ đúng mìn thì không được giật mình, phải rèn thần kinh “thép”, nếu không chưa kịp cắt dây mìn thì mình cũng tan xác trước rồi!

Một số trận thắng có tiếng vang lớn lúc bấy giờ, là niềm tự hào của quân và dân ta như: Trận đánh tàu trên kinh Phước Xuyên (Khu 6), bộ đội đặc công tỉnh đã đánh chìm 1 tàu địch, súng 20 ly của tàu văng tận lên bờ, làm chết mấy chục thằng lính ngụy. Tại Khu 7 chìm 1 chiếc khác… Ta phong tỏa được kinh Phước Xuyên, địch không dám chạy mà phải thả tàu trôi trên sông vì tàu chạy sợ ta đánh chìm. Những chiến thắng trên góp phần giải tỏa tình trạng trước đây địch vây chặt, án ngữ kinh Phước Xuyên - An Long, ngăn đường giao liên từ Khu 8 xuống khu vực đồng bằng sông Cửu Long… Còn kỉ niệm nhớ nhất trong chiến tranh à. Nhiều và nhiều lắm, ông nói! Ông chỉ kể một kỉ niệm đau buồn của đặc công ta. Đó là ngày ông cùng đi công tác với anh Ba Trung và Ái Nhân cùng trong đội đặc công, được phân công đi đánh tàu ở kinh Nguyễn Văn Tiếp. Cả đội chuẩn bị nhồi thuốc nổ mạnh C4 bó lại trong nhiều lớp nylon, tới 7h tối đi đặt khối thuốc nổ xuống kinh Nguyễn Văn Tiếp, nơi được tin báo tàu sẽ chạy qua. Tổ ông và một trinh sát đã hoàn thành lắp trái mìn đánh tàu. Ông định đi lại tổ Ái Nhân và Ba Trung xem để hỗ trợ chợt một tiếng nổ bùng lên chói lòa, không ngờ Ái Nhân sơ xuất làm bung kíp nổ, nổ cụt cả hai tay, ông Ba Trung trúng một mảnh miểng vào động mạch cạnh cổ chết ngay chưa đầy vài phút. Đưa ông Ái Nhân vô Quân y nhưng dọc đường cũng hy sinh luôn. Ông và một anh trinh ì ạch khiêng hai thi thể máu ròng ròng xuống xuồng, đẩy xuồng qua những khúc cạn vì mùa này nước giựt xuống, mãi tới sáng mới về tới căn cứ để mai táng. Thật quá đau xót, trận đánh cũng thất bại vì tính chủ quan của anh em đặc công.

Theo yêu cầu, những năm 1973 - 1974, phong trào cách mạng sôi động khắp miền Nam, ông được trên giao tổ chức huấn luyện kiêm bí thư chi bộ 1 lớp đặc công đào tạo cho các huyện: Châu Thành, Lấp Vò, thị xã Cao Lãnh, Kiến Văn và Mỹ An, thành lập 5 tiểu đội, 60 chiến sĩ thời gian 2 tháng, với mục đích đặc công hóa bộ binh lực lượng sau đào tạo sẽ “đánh nhanh, đánh gọn, thọc sâu” vào các đồn bót địch, lực lượng chủ lực, nòng cốt của ta, tại kinh Kiểm điền Ngân (thuộc Mỹ Thọ). Học xong ông dẫn quân phối hợp cùng lực lượng của tiểu đoàn 502 đi đánh thực tập ở đồn Tân Trường (phân chi khu Tân Trường). Tổ mang một trung liên Mỹ, một máy truyền tin và mấy khẩu AR 15. Ngoài ra còn có thêm pháo đeo quanh bụng mỗi chiến sĩ cả chục trái, chia 3 mũi tấn công. Hai giờ sáng ra tới nơi, chờ đồng loạt nổ súng, ai dè Tiểu đoàn 502 vô trước đào công sự mới 80%. Các ông một cánh thọc sâu tiền nhập hướng dưới song rạch Tân Trường tranh thủ vô trước bị lộ nổ súng luôn. Một mũi khác thọc nhanh vào đánh nhanh vô trung tâm rồi rút ra nhanh nhưng vì bị Đồn dân vệ ngang bên lộ bắn qua bên điểm đặc công rát quá. Sau này về kiểm thảo trận đánh phối hợp với tiểu đoàn 502 mới biết bên d502 không nổ sung tiêu diệt được Đồn Dân vệ ngang đó vì lúc đặc công nổ súng thì d502 chưa xong công sự phải lui ra… tuy phía đặc công hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù chưa đạt yêu cầu nhưng ta cũng tiêu diệt lớn quân địch và chỉ có ba chiến sĩ bị thương nhẹ…

Sáu ngày 30/4/1975, ông về công tác ở Trại Huấn luyện giáo dục sĩ quan chế độ cũ của tỉnh Đồng Tháp (Đám Lác, Sa đéc), rồi nhận nhiệm vụ đại đội trưởng công binh tỉnh dẫn quân tham gia đánh Ponpot vào năm 1979, được cử đi học văn hóa để học trường Sĩ quan lục quân. Theo sự phân công của tổ chức ông tiếp tục học lớp kiểm sát quân sự quân đội. Năm 1990 ông về làmViện phó rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Đồng Tháp năm 1996 cho tới khi về hưu năm 2007.

Mấy chục năm tham gia cách mạng, hết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (chống Mỹ và Polpot) rồi xây dựng đất nước sau này, ở đâu, dù bất cứ cương vị nào được giao phó ông nói ông luôn tự hào và xứng đáng là một người cộng sản chân chính với lý tưởng: Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho đáng sống… như nhân vật Pavel mà có một thời thế hệ các ông luôn tâm niệm. Đó cũng là ngọn đuốc soi đường lớp lớp thanh niên thời ấy xả thân vì đất nước sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

P.T.T

VNQD
Thống kê