. KIỀU BÍCH HẬU
Trong những chuyến về thăm đơn vị, trong những cuộc gặp mặt bạn bè, đồng nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, người ta đều thấy có một nhà văn đi cùng ông. Nhà văn đó chính là Lê Hoài Nam, và cũng ít ai biết rằng giữa vị tướng trận mạc với nhà văn của những tác phẩm được đông đảo bạn đọc biết đến như: “Những đêm huyền ảo”, “Bến sông tuổi thơ”, “Danh tiếng và bóng tối”, “Hành trình của người lính”, “Cuộc đời xa khuất”... đã có tới 40 năm tình bạn.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và nhà văn Lê Hoài Nam
Gặp gỡ ngẫu nhiên, tình bạn bền chặt
Đầu những năm 80 của thế kỉ XX, chàng sĩ quan trẻ Lê Hoài Nam dù công tác ở Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân nhưng đã được bạn đọc cả nước biết đến khi có nhiều truyện ngắn, bút kí, phóng sự đăng trên Văn nghệ, Văn nghệ quân đội... Nhận thấy tài năng văn chương của Lê Hoài Nam sẽ còn phát triển xa hơn nữa nên đơn vị đã quyết định cử Lê Hoài Nam (dù đã tốt nghiệp trường sĩ quan Chính trị của Bộ Tư lệnh Hải quân) về Hà Nội, ôn thi để vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Vậy là năm 1982, Lê Hoài Nam cùng với nhà thơ Trần Đăng Khoa được Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân cử về Trạm 66 của Bộ Quốc phòng để ôn thi vào Đại học.
Khi nhà văn Lê Hoài Nam và nhà thơ Trần Đăng Khoa lên Trạm 66 để ôn thi, thì lúc này cả hai đã nổi tiếng, nhất là trong toàn quân. Thế nên lẽ ra Lê Hoài Nam và Trần Đăng Khoa phải ở chung một phòng với hơn chục sĩ quan cấp úy khác, thì lại được ưu ái bố trí ở chung dãy nhà với các sĩ quan cấp tá, chỉ hai người chung một phòng. Thật ngẫu nhiên phòng ở của Trần Đăng Khoa và Lê Hoài Nam lại sát ngay phòng của Đại tá, Sư trưởng Nguyễn Huy Hiệu (khi ấy Đại tá Nguyễn Huy Hiệu cũng vừa về Trạm 66 để chuẩn bị tu nghiệp quân sự bên Nga). Vậy là không hẹn mà gặp họ nhanh chóng trở thành những người bạn tâm giao của nhau trong suốt thời gian ở Trạm 66.
Vốn bản tính cởi mở, lại ưa thích văn hóa nghệ thuật, nên Đại tá Nguyễn Huy Hiệu đã chia sẻ với Lê Hoài Nam rất nhiều những kỉ niệm thời chiến đấu trong chiến trường, cũng như thời thơ ấu nơi quê nhà… Nhà văn Lê Hoài Nam vốn không xa lạ gì với những kỉ niệm ấu thơ đó, bởi nơi nhà văn sinh ra chỉ cách nhà của Sư trưởng Nguyễn Huy Hiệu có 13km. Những ngày ở Trạm 66 khi nghe những câu chuyện sinh động được kể trực tiếp từ vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nhà văn Lê Hoài Nam đã ấp ủ muốn viết một cuốn sách về những năm tháng tuổi thơ của vị Đại tá, Sư trưởng này. Cũng kể từ đó nhà văn Lê Hoài Nam và anh hùng Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục gắn bó với nhau dù cả hai đều có những dịch chuyển khác nhau trong sự nghiệp. Sau khi học xong Trường Viết văn Nguyễn Du, nhà văn Lê Hoài Nam trở về Bộ Tư lệnh Hải quân. Năm 1987 khi Nguyễn Huy Hiệu được điều động trở lại Quân đoàn 1, thì cũng là lúc nhà văn Lê Hoài Nam chuyển ngành về Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh. Ở đây, ông từ vị trí Thư kí tòa soạn tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh, trở thành Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, kiêm Tổng Biên tập tạp chí Văn Nhân. Một lần, nhân cuộc họp ở Tỉnh ủy, nhà văn đã gặp lại Nguyễn Huy Hiệu, lúc này ông đã là Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 1. Hai người bạn gặp nhau tay bắt mặt mừng, Thiếu tướng Nguyễn Huy Hiệu đã mời nhà văn Lê Hoài Nam cùng anh chị em trong Ban Biên tập Tạp chí và Lãnh đạo Hội về thăm Quân đoàn 1. Nhận được lời mời, anh em văn nghệ sĩ Thành Nam ai nấy đều hồ hởi vì sẽ được tiếp xúc với một vị tướng đồng hương mà mình ngưỡng mộ từ lâu và ngay lập tức chuyến đi được thực hiện. Chuyến đi thực tế ấy, các văn nghệ sĩ đã viết được khá nhiều bài báo, thơ, bút kí thật ý nghĩa về Quân đoàn, thậm chí có chị họa sĩ còn vẽ được những bức tranh đẹp lấy cảm hứng từ vị tướng quê Nam Định. Lúc tạp chí Văn Nhân số đặc biệt với phần lớn nội dung về vị tướng và Quân đoàn 1 được phát hành, Ban biên tập đã gửi 300 cuốn báo tới Quân đoàn để kịp phát tới tay các sĩ quan, chiến sĩ cùng đọc. Đích thân tướng Hiệu cũng về tận tòa soạn tạp chí để cảm ơn Ban biên tập. Tình cảm và sự hiểu biết lẫn nhau giữa vị tướng và nhà văn từ đó ngày càng thêm gắn kết.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhà văn Lê Hoài Nam cùng các em học sinh trường Dân tộc nội trú Quảng Trị tại Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội
Tác phẩm của nhà văn về vị tướng
Từ tình bạn cùng những ấp ủ những điều sẽ viết về vị tướng đồng hương, năm 2008, nhà văn Lê Hoài Nam đã cho ra mắt tập bút kí “Bến sông tuổi thơ”. Đây là cuốn sách được nhà văn Lê Hoài Nam dồn khá nhiều tâm huyết để thể hiện đầy đủ chân dung một vị tướng của quê hương mình. Cuốn sách ngay sau đó đã được tái bản với số lượng 2000 cuốn, và tiếp tục tạo dấu ấn, được tìm đọc bởi các lứa bạn đọc khác nhau. Sự thành công của cuốn sách, chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân, là khi một vị tướng anh hùng, với cốt cách văn hóa truyền thống thấm đẫm, vừa cao vời nhưng lại vừa gần gũi với người dân, khiến cho bất cứ người dân bình thường nào cũng tò mò, cũng muốn tìm hiểu ông.
Sau gần 20 năm làm quản lý Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định, năm 2009 nhà văn Lê Hoài Nam đã chuyển lên sống và làm việc tại Hà Nội và lúc này Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Do ở gần và có nhiều dịp gặp gỡ nên tình bạn của hai ông ngày càng gắn bó nhiều hơn. Trong nhiều chuyến Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đi thăm đồng đội, đi làm việc, hoặc tri ân báo đáp bà con, gia đình liệt sĩ, đều có nhà văn Lê Hoài Nam đi cùng. Nhà văn Lê Hoài Nam cũng dành nhiều thời gian đi bên Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu để ghi lại và viết thành những bài báo, bài kí. Nhà văn Lê Hoài Nam nhận xét: “Tướng Hiệu là người quân sự, nhưng có tâm hồn giàu chất văn hóa, chất thơ, gần gũi với anh em văn nghệ sĩ. Ông không xa cách, không kênh kiệu, sống chan hòa, dễ cảm thông với anh em lính tráng. Ông cũng có cách tư duy, quan điểm nhìn cuộc sống rất nhân hậu, tràn đầy yêu thương và luôn mang tính xây dựng. Ông gắn kết mọi người với nhau, trên tinh thần đoàn kết, chân thành, vận dụng phương châm sống vui, khỏe, sống có ích cho đời, giúp cho mọi người cùng phát triển. Tinh thần sống đó của ông luôn được lan tỏa, tạo động lực cho rất nhiều người”.
Tình hai người bạn vong niên đặc biệt này dường như không có khoảng cách. Họ thường trò chuyện cởi mở, tâm sự đủ mọi chuyện mà không khách sáo. Ở họ, là sự tin tưởng nhau tuyệt đối, sự tôn trọng mọi ý tưởng, sáng tạo, cảm hứng, truyền cho nhau mọi thông tin, kiến thức mới, và truyền động lực làm việc, nghiên cứu, sáng tác cho nhau. Nhà văn Lê Hoài Nam cũng thường mời một số nhà văn, nhà báo khác đến gặp gỡ Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, để tạo điều kiện thêm cho đồng nghiệp của mình được tiếp cận với một vị tướng trận mạc, để họ có thể sáng tác những tác phẩm mới dựa trên những chia sẻ của ông. Ngoài tập bút kí “Bến sông tuổi thơ”, những năm qua, nhà văn Lê Hoài Nam tiếp tục tập hợp các tác phẩm của đồng nghiệp, bạn hữu, để xuất bản thêm gần chục đầu sách khác viết về Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, qua đó giúp bạn đọc có sự hiểu biết đầy đủ hơn về con người của ông.
K.B.H
VNQD