. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Thời bấy giờ, nước Việt chia làm hai miền biệt lập, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến, phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do chúa Trịnh đứng đầu, phía Nam gọi là Đàng Trong thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn. Hai bên thường xuyên xảy ra chiến tranh. Năm 1644, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đang hồi diễn ra căng thẳng. Theo thỉnh cầu của chúa Trịnh, một đoàn chiến thuyền người Hà Lan do đô đốc Baek chỉ huy đã vào xâm phạm cảng cửa Eo (vùng Thuận An ngày nay) của nước ta. Một đoàn khác tiến thẳng ra Đàng Ngoài để cùng hội quân với chúa Trịnh. Cả hai đoàn quân giao ước hội quân ở sông Gianh.
Thế tử Nguyễn Phúc Tần đánh tàu Hà Lan
Khi đoàn thuyền của Baek trên đường đến điểm hẹn thì tại Phú Xuân, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan được tin cấp báo. Bấy giờ, quân Hà Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp nhưng chưa quyết kế hoạch tác chiến như thế nào. Một người Hà Lan đang giúp việc cho chúa Nguyễn trả lời rằng:
- Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của trời thôi!
Câu nói này khiến các quan không ai dám lên tiếng vì e ngại sức mạnh của các tàu Tây phương.
Thế tử Nguyễn Phúc Tần thấy tình hình nguy cấp nên bỏ qua quân lệnh tự đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra biển. Nghe lệnh thế tử, thủy quân nhanh chóng lên thuyền, chuẩn bị vũ khí một phen sống mái với kẻ thù. Đoàn thuyền chiến do thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ huy lướt nhanh như bay trên mặt nước, tiến thẳng ra biển Đông.
Thuyền chiến Hà Lan trông thấy khí thế hừng hực của quân Nguyễn đã tỏ ra lúng túng. Chiến thuyền quân Nguyễn nhanh chóng dàn thế trận, nổ đại bác rồi xông lên vây đánh đoàn thuyền Hà Lan. Thuyền thế tử xông lên tuyến đầu. Khi đối đầu với đoàn thủy binh Nguyễn Phúc Tần, quân Hà Lan hoảng sợ, chống cự không nổi, phải bỏ chạy ra khơi. Trong tình thế hoảng loạn, quân địch tự phóng lửa đốt cháy tàu. Đô đốc Baek tử trận trong trận chiến này. Hàng trăm binh lính Hà Lan hoặc chết chìm xuống biển, hoặc bị tiêu diệt. Khói lửa bốc lên mù mịt một góc trời. Ở xa, đoàn chiến thuyền khác của Hà Lan nghe tin đoàn quân của Baek bại trận liền bỏ quân Trịnh, rút chạy. Các thuyền chiến tiếp ứng của quân Nguyễn do chúa Nguyễn Phúc Lan chỉ huy ra tiếp ứng thì hay tin đã thắng trận. Chúa lúc đầu cả giận trách:
- Chưa có lệnh của ta sao con tự đem quân ra ứng chiến? Làm thế tử sao không thận trọng giữ mình?
Tuy vậy, chúa vẫn ngợi khen chiến công và ban thưởng cho thế tử và thủy quân. Về sau, thế tử Nguyễn Phúc Tần lên ngôi nối nghiệp cha, gọi là chúa Hiền. Ông là người rất chăm chỉ chính sự, biết trọng người tài, xa rời tửu sắc.
Tranh: Hạm đội Đông Ấn - Hà Lan thế kỉ XVI - XVII
Ông phò mã già quyết tâm giúp vua, đánh Pháp
Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) là con trai thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Lan. Ông sớm được lập thế tử và được chúa cha phong cho tước Dũng Lễ Hầu. Nguyễn Phúc Tần khi còn trẻ đã thể hiện được tài năng quân sự của mình vì vậy được chúa cha và tướng lĩnh rất kính nể. Trận đánh thắng quân Hà Lan một lẫn nữa chứng minh được tài chỉ huy trận mạc của Nguyễn Phúc Tần. Trong trận chiến nói trên, Nguyễn Phúc Tần xét thấy việc quân cấp bách, tuy hơi nóng vội và đường đột tự ý đem quân ra ứng chiến nhưng đã cho thấy sự dũng cảm, quyết tâm của một thủ lĩnh quân đội trẻ tuổi. Thuyền nhỏ, hỏa lực thua thiệt nhưng ý chí đoàn kết, kiên cường và mưu lược đã lật ngược tình thế. Thất bại này khiến người Hà Lan từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam. Sau trận đánh, do e ngại thủy binh chúa Nguyễn mà Công ti Đông Ấn Hà Lan không còn dám đưa tàu thuyền ra Đàng Trong. Nguyễn Phúc Tần về sau được chúa cha tín nhiệm trao quyền kế vị, trở thành vị chúa thứ tư của dòng họ Nguyễn, tiếp tục phát triển Đàng Trong lên tầm mới. |
Sau khi kinh đô Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (ngày 4/7/1885), vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị tiếp tục chống Pháp. Hoàng thân quốc thích nhiều người bỏ nhà cửa, vợ con để theo phò vua, trong số đó có vị phò mã Thân Trọng Di bấy giờ đã 60 tuổi cũng quyết khăn gói lên đường. Ông sinh năm 1825, là chồng của công chúa Mai Am (1826 - 1904), hoàng nữ thứ 25 của vua Minh Mạng, một người nổi tiếng về thơ phú lúc bấy giờ. Cụ Thân Trọng Di tay mang khăn gói có vài bộ áo quần, muối rang, nắm cơm đi đến bến đò Phú Ốc thì gặp người cháu 9 tuổi, gọi ông bằng bác là Thân Trọng Ngật (1877 - 1949). Thấy cháu còn nhỏ tuổi mà đã có chí khí hơn người nhưng nghĩ nỗi đường xa gian truân trước mắt thì cụ Di khuyên:
- Bác cháu ta con nhà thế gia hữu thích, vua đi đều đi theo là phải. Nhưng có kẻ đi cũng phải có kẻ ở nhà, vậy cháu ở lại để bác đi một mình cũng được.
Người cháu Thân Trọng Ngật nghe bác nói vậy liền lủi thủi quay về, một mình Thân Trọng Di tiếp tục hành trình. Ông đi mãi đi mãi nhưng đã lạc mất dấu của đoàn ngự đạo do liên tục thay đổi hướng để tránh quân Pháp truy lùng. Ra đến Diên Sanh (Quảng Trị), ông gặp hai nho sinh là Nguyễn Văn Mại và Hoàng Công Từ. Hai người này có ý khuyên ông quay lại:
- Vua đã lên thượng du rồi, sợ lên không kịp!
Ông bình tĩnh trả lời:
- Thân già há còn bôn tẩu được sao? Sự thể ngày nay há có thể hiệu triệu người trung nghĩa mà mưu khôi phục sao… Ta cứ đi, từ từ ta đi để cho khỏi phụ lương tâm, ta tìm được một cái chết là đủ.
Vậy là cụ Thân Trọng Di một mình đi lên thượng du, vào tận rừng sâu tìm vua. Sau đó, nghe tin phò mã mất tích, tuyệt không ai còn gặp lại vị phò mã trung nghĩa ấy nữa.
Ở Huế, hay tin chồng mất, công chúa Mai Am đã xây nấm mộ không để tưởng nhớ chồng và làm bài thơ khóc chồng đầy nước mắt:
Thơ khúc Nguyên linh ngâm
chẳng được
Đàn bài Biệt hạc gảy không thành
Xe tơ những ước cùng chung huyệt
Không nhặt xương thừa đắp mộ anh!
Khí tiết của một Thị độc học sĩ
Thân Trọng Di thuộc dòng thế gia vọng tộc ở kinh đô Huế lúc bấy giờ. Ông thuộc đời thứ 14 của họ Thân, con Thân Văn Dy (1796 - 1828). Ông theo nghiệp bút nghiên nhưng không ham khoa cử, không thích làm quan, chỉ ở nhà chăm cây cối, vườn tược. Mối duyên vợ chồng với công chúa Mai Am được người đời tôn kính. Người vợ hay chữ, giỏi đường thơ phú, người chồng vui thú điền viên. Ấy vậy mà khi đất nước lâm nguy, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, cụ Thân Trọng Di quyết chí bỏ nhà theo vua giành lại giang sơn đã mất. Thời bấy giờ, bao nhiêu vị quan to, tước lớn của triều đình Huế, nhiều hoàng thân quốc thích không có cái “gan” ấy của ông. Người đời cảm phục cái khí tiết trung nghĩa, kiên cường ấy của ông. Dù chết trong rừng sâu không một tấm bia mộ nhưng tên ông mãi khắc ghi trong lòng người, trong thơ người vợ trung trinh ngày đêm đợi chờ, nhớ mong. Nguồn: Ủy ban nhân dân thành phố Huế (1999), Phú Xuân - Huế từ đô thị cổ đến hiện đại, Nxb Thuận Hóa, tr.227-229. |
Đặng Hữu Phổ (1854 - 1885) là con trưởng của Phò mã Đặng Huy Cát (1832 - 1899) và công chúa Tĩnh Hòa, tức nữ sĩ Huệ Phố, là cháu ngoại của hoàng tộc nhà Nguyễn. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc. Năm 1885, theo lời kêu gọi của vua Hàm Nghi và phe chủ chiến đứng lên chống Pháp, cha con ông đã đem quân khởi nghĩa đánh vào huyện nha Quảng Điền. Tiếc rằng, phe chủ chiến thất bại, kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn. Hai cha con Đặng Hữu Phổ, Đặng Huy Cát bị giặc bắt. Quân Pháp và bè lũ tay sai dụ Đặng Hữu Phổ hàng nhưng ông khảng khái từ chối và nhận hết thảy tội thay cha. Biết không thể mua chuộc, chúng kết ông án tử hình, còn cha ông là Đặng Huy Cát chịu án trảm giam hậu và về sau được tha vào năm 1892. Hèn hạ hơn, chúng cho người đốt nhà cửa, sản nghiệp của họ Đặng để trả thù. Việc xử tử Đặng Hữu Phổ được chúng cho thực hiện tại bến đò Quai Vạc, làng Bác Vọng quê nhà chỉ hai tháng sau sự kiện kinh đô thất thủ. Năm đó, ông mới 32 tuổi, bỏ lại người vợ trẻ Tôn Nữ Thị Hiệp một mình thay chồng gánh việc nhà. Trước khi ra pháp trường chịu hình, ông làm bài thơ cuối cùng thể hiện chí khí của mình có tên là Lâm hình thời tác:
Thân nguyện an dân đuổi nghịch tà
Kinh quyền trung hiếu suốt đời ta
Nay mang chính khí về trời đất
Tinh phách thường theo vua với cha
Dân chúng kể lại rằng, khi Đặng Hữu Phổ bị hành hình, hai người lính hầu thân cận chứng kiến cái chết oanh liệt, bi tráng của chủ đã hộc máu chết theo. Dân làng đau xót, khóc than trước cái chết của người trai yêu nước. Sau này, dân làng lập miếu thờ gọi là Thị độc miếu hương khói quanh năm. Trong miếu thờ Đặng Hữu Phổ có 3 bát nhang, ở giữa là thờ ông, hai bát nhỏ hơn thờ hai người lính trung nghĩa đã chết theo.
L.V.T.G
VNQD