Chuyện về đại tá, nhà giáo tiên phong trên mặt trận “trồng người”

Thứ Ba, 07/02/2023 15:52

Năm 2023, ở tuổi tròn 90, người thầy chiến sĩ ấy chưa một ngày ngơi nghỉ cống hiến cho giáo dục và cho nền hoà bình của đất nước. Dưới sự lãnh đạo tâm huyết, giàu chất lính của thầy, từ một trường dân lập bình thường, qua từng giai đoạn phát triển, cái tên Nguyễn Siêu luôn ở thế đi đầu trong đổi mới giáo dục ở mỗi thời kì.

NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh – người sáng lập trường Nguyễn Siêu - đã vinh dự được UBND thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội trao tặng Kỉ niệm chương dành cho các nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1982-2022.

 

“Nhà giáo - chiến sĩ” là danh xưng nghề nghiệp trọn đời của Đại tá - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, người lính về hưu đã có công thành lập và xây dựng trường Nguyễn Siêu - một trong những ngôi trường phổ thông dân lập đầu tiên của Thủ đô theo chủ trương xã hội hoá giáo dục đầu những năm 1990. Hơn 30 năm đã đi qua, vượt muôn trùng gian khó, người lính Công binh năm nào đã đưa “ngôi trường trên đôi quang gánh” long đong chuyển dời vươn lên thành trường chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội, trường song ngữ quốc tế Cambridge.

Trong những ngày xuân của năm 2023, khi vừa qua sinh nhật tuổi 90 của ông, nhân kỉ niệm năm học thứ 30 của ngôi trường mà ông dày công vun đắp, chúng tôi đã có dịp cùng ông ngược dòng thời gian, trở về điểm khởi đầu mối lương duyên với nghề giáo và đời chiến sĩ.

Cậu bé mồ côi và những bước ngoặt cuộc đời

13 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, dưới đạn bom thực dân Pháp, cậu thiếu niên quê Kiến An (Hải Phòng) Nguyễn Trọng Vĩnh trở thành chú bé liên lạc cho Cách mạng, lòng chất chứa quyết tâm trả nợ nước thù nhà.

17 tuổi, cậu bé ấy được Thành uỷ Hải Phòng cử tới chiến khu Việt Bắc để học văn hoá. Cũng chính tại ATK, khi lớp học văn hoá đã kết thúc, phải chờ đợi lớp tiếp theo, cậu đảm nhận phần việc thư kí đánh máy chữ cho Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn. May mắn thay, đúng thời gian ấy, Bác Hồ thành lập Khu học xá Trung ương đặt tại Nam Ninh (Trung Quốc) để đào tạo lực lượng trí thức cho cách mạng Việt Nam. Với tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh, ý chí mạnh mẽ và tinh thần trách nhiệm, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Vĩnh được cử sang Khu học xá Nam Ninh học lớp Sư phạm.

Tháng 10 năm 1954, được đặc cách tốt nghiệp ở tuổi 20, thầy giáo trẻ Nguyễn Trọng Vĩnh có mặt trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô, về Sở Giáo dục Hà Nội làm công tác thanh thiếu nhi trường học, rồi trở thành giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc rồi làm giảng viên trường Trung sơ cấp Sư phạm (nay là Đại học Thủ đô).

Nhớ lại những năm tháng là giáo sinh Sư phạm, là học trò thầy Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo kể: “Tôi là học trò của thầy Vĩnh từ năm 1963, niên học 1963 - 1964. Lúc bấy giờ, thầy vừa dạy tôi môn Chính trị vừa là giáo viên chủ nhiệm của lớp chúng tôi. Tôi còn giữ được những dấu ấn rất cảm động về thầy. Từng lời phê trong học bạ dành cho từng học sinh, thầy viết rất cẩn thận những lời nhận xét đầy lòng nhân ái và vị tha - một sự cổ vũ, khích lệ học trò bước trên con đường là đồng nghiệp của thầy. Bởi thế, trong hơn nửa thế kỉ nay, lúc nào tôi cũng nghĩ về thầy với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn và luôn luôn theo hình thái phong cách sư phạm rất đĩnh đạc, mẫu mực của thầy Nguyễn Trọng Vĩnh.”

Chặng đường 25 quân ngũ

Thiếu uý Nguyễn Trọng Vĩnh, sĩ quan quân đội thuộc Binh chủng Công binh ngày ấy.

Năm 1956, theo chủ trương của Đảng, ông được điều động tham gia quân đội. Tháng 5 năm 1965, ông học khóa cấp tốc 5 tháng, tốt nghiệp Trường Sĩ quan chính trị và được điều về Binh chủng Công binh làm chính trị viên Đại đội 1, Trung đoàn 229 với quân hàm thiếu úy. Cũng bắt đầu từ đây, cuộc đời của một nhà giáo bước sang trang khác, là một người chiến sĩ quân đội, mang trong mình những trọng trách lớn của dân tộc trong thời chiến chinh gian khổ.

25 năm làm công tác tuyên huấn tại Bộ Tư lệnh Công binh, ông đã lăn xả khắp các chiến trường, từ dải Trường Sơn, sông Thạch Hãn, bến Đuồi, ngầm Phương Thuý, thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Campuchia… Những công trình mở đường cho những trận đánh lớn, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc, trở về binh chủng trong thời bình, mang trong mình vết thương chiến tranh (là thương binh 2/4), ông vẫn tiếp tục cống hiến tâm sức cho quân đội và chính là người chủ nhiệm thực hiện bộ phim tài liệu nhựa truyền thống của lực lượng Công binh, xây dựng Bảo tàng Công binh ngày ấy. Năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.

Sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, người lính năm xưa là nhà giáo trở lại ấp ủ giấc mơ xây trường, mở lớp. Năm 1991, trường Phổ thông dân lập Cấp II và Cấp III Nguyễn Siêu ra đời. Năm 1993, trường Tiểu học Nguyễn Siêu cũng tiếp bước thành lập, tạo nên hệ thống Nguyễn Siêu từ lớp 1 đến lớp 12.

Nói về người đồng đội một thời của mình, Thiếu tướng Nguyễn Ích - Nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh chủng Công binh nhận xét: “Anh Vĩnh có sự cẩn thận, chu đáo, điềm đạm... - đấy là tác phong của thầy giáo. Nhưng anh cũng có phẩm chất nhanh nhẹn, hoạt bát, quyết đoán, xử lí nhanh, nắm tình huống và phán đoán tình huống nhanh của người chiến sĩ... Con người có phong cách kết hợp nhà giáo - chiến sĩ này biết nắm thời cơ và có tầm nhìn nên mới phát triển được từ chỗ tay trắng mà nên cơ nghiệp ngôi trường Nguyễn Siêu hôm nay.”

30 năm gây dựng một ngôi trường tự hào mang màu sắc lính

Sĩ quan Nguyễn Trọng Vĩnh thay mặt đơn vị lên nhận danh hiệu thi đua của Binh chủng Công binh.

Quả vậy, là nhà giáo mang trong mình cốt cách, tác phong, tinh thần, kỉ luật của một người lính, Đại tá - NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh đã tạo nên một ngôi trường đặc biệt mang bản sắc Bộ đội Cụ Hồ. Và chính bởi nét riêng độc đáo tạo nên môi trường giáo dục kỉ cương, nền nếp đó, hệ thống trường học Nguyễn Siêu đã có được nhiều thành công, trở thành một trong những lá cờ tiêu biểu trong giáo dục đào tạo Thủ đô.

Để nói về nét riêng độc đáo này, có thể kể tới công cuộc học tập và làm theo tác phong “anh bộ đội Cụ Hồ” được chú tâm rèn cặp từ những nếp nhỏ nhất như chuyện xếp hàng, giờ ăn, giấc ngủ đến chuyện Đội nghi lễ Trường Nguyễn Siêu học tập theo Đoàn Nghi lễ của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trường đã mời giảng viên Quân nhạc tới dạy kèn trống cho các học sinh là thành viên Đội Nghi lễ. Do đó, trong các cuộc thi nghi lễ của Quận và Thành phố, Đội Nghi lễ của Trường đều đoạt giải Nhất, được tham dự diễu hành tại các sự kiện lớn như: Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng… Đó cũng là minh chứng cho mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với các đơn vị quân đội, đặc biệt là Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các buổi lễ quan trọng của trường, trên hàng ghế của các vị khách quý được mời không thể thiếu được các vị khách mang màu xanh áo lính - đó chính là một nét đặc sắc trong truyền thống của mái trường này.

Nếp sinh hoạt của người lính khi áp dụng vào môi trường giáo dục được dung hoà giữa nghiêm khắc và tình thương, giữa quy chế bắt buộc và tự nguyện. Bởi vậy, trường đã có khẩu hiệu “mỗi thầy cô giáo bộ môn phải như là một giáo viên chủ nhiệm của lớp”; “Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải như là Hiệu trưởng của lớp” để cùng nhau quản lí học sinh được chặt chẽ, thống nhất và toàn diện. Trong mọi hoạt động của trường, khi ra khỏi lớp, học sinh phải xếp hàng (chuyển lớp, vào lớp học, vào nhà ăn, đi ra ô tô, lên xe, xuống xe…), giáo viên chủ nhiệm và bộ môn cùng nhau quản lí học sinh ăn nghỉ, đi lại... Với sự sát sao và chu đáo đó, dù học sinh có “tinh nghịch” đến đâu cũng được rèn vào khuôn khổ, nề nếp. Đó là nền móng để sợi chỉ đỏ - giáo dục đạo đức - được thực hiện có hiệu quả và xuyên suốt giai đoạn phấn đấu xây dựng trường.

Nguồn cảm hứng cho hôm nay và mai sau

Cho tới nay, Nguyễn Siêu đã trở thành trường Song ngữ Quốc tế Cambridge mang đậm bản sắc Việt, sở hữu bảng thành tích quốc gia và quốc tế đáng tự hào. Học sinh Nguyễn Siêu đạt thành tích Top 3 thế giới, liên tục đạt kỉ lục Điểm cao nhất Việt Nam (Top in Vietnam) trong các kì thi Cambridge quốc tế hàng năm. Với uy tín được chứng minh bằng thành tích học thuật của học sinh và những đóng góp quan trọng của giáo viên, nhà trường đã được mời làm thành viên chính thức của Ban cố vấn giáo dục quốc tế Cambridge.

Cả cuộc đời công tác và cống hiến, Đại tá - nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh đã được nhận những danh hiệu cao quý: Nhà giáo Ưu tú, Trí thức tiêu biểu Thủ đô, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Công dân Thủ đô Ưu tú, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Lao động hạng Ba. Mới đây, nhân dịp kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh là 1 trong 40 nhà giáo Thủ đô được vinh danh và tặng biểu trưng "Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu" (giai đoạn 1982- 2022) và được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Có được những thắng lợi trên mặt trận giáo dục của thời đại 4.0 bằng tinh thần của một người lính quả cảm, bền bỉ và tràn đầy quyết tâm, nhà giáo - chiến sĩ Nguyễn Trọng Vĩnh đã và đang không ngừng truyền cảm hứng cho các đồng đội, cho thế hệ trẻ từ hôm qua tới hôm nay và mãi mai sau.

NGỌC KHÊ

VNQD
Thống kê