. TRẦN KHÁNH - PHƯƠNG HỒNG
Họa sĩ Nguyễn Bích quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Từ khi còn là một cậu bé, Nguyễn Bích đã biểu hiện niềm say mê với hội họa. Khi học trung học ở trường Thăng Long, ông đã mạnh dạn đăng kí tham gia các khóa học từ xa của các trường mĩ thuật ở Pháp. Bài tập của học sinh sẽ được gửi sang Pháp chấm, sau đó gửi kết quả cùng đề tài mới về Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi họa sĩ Nguyễn Bích có điều kiện học tập nghiêm túc về hội họa.
Nguyễn Bích sinh năm 1925. Khi ông học xong Tú tài phần thứ nhất, cũng là lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Nguyễn Bích thôi học và tham gia hoạt động trong các tổ chức Thanh niên Tự vệ Thành Hà Nội, ông làm công tác huấn luyện quân sự và tự vệ, một thời gian ngắn làm công tác an ninh ở Hải Dương. Ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, ông ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô, đến đầu năm 1947 rút ra cùng trung đoàn bảo vệ Thủ đô lên Chiến khu Việt Bắc tham gia Thanh niên Tuyên truyền Xung phong. Từ tháng 5 năm 1947 đến tháng 1 năm 1948 ông nhập ngũ, làm cán bộ Xưởng Quân giới Tỉnh đội, sau đó ông làm cán bộ của Ban Chính trị Tỉnh đội; bộ đội dân quân Tuyên Quang, làm họa sỹ vẽ tranh tuyên truyền và báo cho Tỉnh đội Tuyên Quang. Được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam tháng 6 năm 1948 và chính thức tháng 1 năm 1949.
Từ tháng 9 năm 1949 đến tháng 8 năm 1950, ông được điều động về làm họa sĩ Báo Quân Du kích thuộc Cục Dân quân. Từ tháng 9 năm 1950, ông chuyển công tác về Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị làm ở báo Vệ Quốc quân, sau này là Báo Quân đội nhân dân. Ông vẽ nhiều minh họa, biếm họa, trình bày báo, vẽ tranh địch vận có kèm tiếng Pháp, Đức, Ả Rập... Trong thời gian này ông đã tham gia các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới, Cao - Bắc - Lạng, Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông còn là họa sĩ phụ trách bộ phận in đá có nhiều tranh được in trên báo.
Hoạ sĩ Nguyễn Bích.
Vào giữa đợt công kích giai đoạn 2, họa sĩ Nguyễn Bích và họa sĩ Mai Văn Hiến được giao nhiệm vụ sáng tác Huy hiệu Điện Biên Phủ để làm quà của Bác Hồ tặng tất cả các chiến sĩ tham gia chiến dịch. Hai họa sĩ đã trao đổi và vẽ nhiều phác thảo, cuối cùng Nguyễn Bích thể hiện thành bản chính và được cấp trên chấp nhận. Cuối chiến dịch, hai họa sĩ đã được gọi về căn cứ ATK để làm triển lãm mừng chiến thắng, họa sĩ Mai Văn Hiến phóng to Huy hiệu này đặt ở gian trưng bày chính mang tên Chiến thắng. Họa sĩ Nguyễn Bích đã sáng tác bức tranh Cổ động “Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã toàn thắng” được in và phát hành rộng rãi.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10 năm 1954, họa sĩ Nguyễn Bích cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, ông công tác tại Báo Quân đội nhân dân, phòng Tuyên truyền, phòng Văn nghệ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và được phong quân hàm thượng úy.
Năm 1957, Hội Mĩ thuật Việt Nam được thành lập, họa sĩ Nguyễn Bích là một trong 123 Hội viên đầu tiên dự Đại hội thành lập Hội. Tháng 9 năm 1958, ông được biệt phái công tác tại Báo Văn học. Tháng 11 năm 1960, ông chuyển ngành tiếp tục làm họa sĩ cho Báo Văn học, sau đó tháng 10 năm 1970 chuyển về Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Từ tháng 11 năm 1970, ông chuyển về công tác tại Hội Mĩ thuật Việt Nam đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng cho đến năm 1980 và nghỉ hưu năm 1987.
Trong thời kì Kháng chiến chống Mĩ cứu nước, họa sĩ Nguyễn Bích nổi tiếng với các tranh cổ động, biếm họa, tranh minh họa, tranh truyện. Tập Tranh truyện “Sát thát” với 103 tranh được phát hành năm 1971 đánh dấu sự sáng tạo trong phong cách Tranh truyện mang dấu ấn Nguyễn Bích và có thể coi đây là một trong những bộ tranh lịch sử với nét và mảng đen trắng đẹp nhất được giới mĩ thuật đánh giá rất xuất sắc về nghệ thuật vẽ tranh truyện mang đậm tinh thần nghệ thuật Việt và có nội dung tư tưởng tốt, đã được in tái bản nhiều lần. Cuốn tranh truyện này đã được tặng Huy chương Bạc tại Triển lãm Nghệ thuật IBA (Drsden - Đức). Ông vẽ trên nhiều chất liệu và tranh truyện đã đưa tên tuổi ông ra thế giới.
Tác phẩm Tranh Cổ động về Bác Hồ (1890 - 1975) là tác phẩm ông sáng tác vào cuối thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đã được triển lãm và phổ biến rộng rãi. Tranh Cổ động về Bác Hồ được giới mĩ thuật đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với vốn sống của người chiến sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, sau ngày hòa bình lập lại, họa sĩ Nguyễn Bích đã sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng, thể hiện hình tượng người chiến sĩ Vệ quốc để tham gia các triển lãm mĩ thuật lớn, tiêu biểu là các tác phẩm: “Qua đèo”, lụa, 60x90cm,1957 (tác phẩm này được tặng Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1957), “Rừng Việt Bắc”, Lụa, 69x90cm, 1960 (được tặng Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1960), “Mở đường” lụa, 60x90cm,1963 và nhiều tác phẩm khác.
Sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Bích tập trung sáng tác tranh với chất liệu lụa mà chủ yếu là chân dung và tĩnh vật. Hàng trăm bức chân dung chất liệu lụa đẹp, kĩ càng về thủ pháp, kết hợp giữa mảng màu mờ ảo và nét tinh tế, các chi tiết được chắt lọc, cô đọng đã được ông sáng tác và hiện có mặt ở một số bộ sưu tập cá nhân trong nước và nước ngoài cũng như trong bộ sưu tập của gia đình ông.
Họa sĩ Nguyễn Bích là người có vóc dáng khoẻ khoắn, tính tình hết sức điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, làm việc tận tình, chu đáo, thu phục được lòng người, được anh chị em trong cơ quan và các Hội viên yêu mến, quý trọng.
Trong 33 số báo ở Điện Biên Phủ, Nguyễn Bích để lại dấu ấn không thể nào quên. Ông đã vẽ hơn 10 sơ đồ, bản đồ chiến sự; vẽ lô gô, mũ trang, mũ nhiều chuyên mục; hơn 10 bức tranh biếm hoạ và minh hoạ. Đặc biệt, ông đã vẽ 4 bức tranh cổ động chiến trường được in màu như một phụ lục, kín cả trang báo. Ông cũng đã vẽ tranh minh hoạ Xta-lin trên số báo ngày 5-3 trong bối cảnh báo Quân đội nhân dân ở Điện Biên Phủ ngày đó chưa có ảnh và cũng chưa có công nghệ in ảnh. Hoạ sĩ Nguyễn Bích đã có một bức kí hoạ hình ảnh lãnh tụ Xta-lin nhìn không khác một bức ảnh là mấy.
Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được tham gia toà soạn tiền phương, cùng 4 cán bộ, phóng viên khác. Con đường đi tới Điện Biên Phủ của Nguyễn Bích bắt đầu từ nhiệm vụ được giao, ông chỉ thực hiện với niềm đam mê hội họa vô bờ bến của mình. Có nhiều bức tranh của ông được in màu, kín hết cả một trang báo, có tác dụng cổ vũ chiến đấu rất cao. Bức thứ nhất, in kèm số báo ra ngày 5/3/1954 với hình ảnh hai chiến sĩ phất cao lá cờ Quyết chiến Quyết thắng có lồng hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía sau là đoàn quân trùng điệp kéo pháo, ôm súng giương lê lao vào đồn địch… Cái tài của Nguyễn Bích là trong một không gian hẹp, bức tranh với nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, có tới cả mấy chục người và xe cộ, súng pháo, máy bay, xe tăng… nhưng tranh không hề bị rối rắm mà vô cùng sống động, y chang hiện thực đang diễn ra. Nguyễn Bích thực hiện chỉ đạo của trên đã hoàn thành xuất sắc vai trò cổ động chiến trường, dùng tranh xây dựng ý chí quyết tâm cho bộ đội.
Đặc biệt, bức tranh cổ động trên số báo cuối cùng ngày 16/5/1954 tại chiến trường Điện Biên Phủ có thể nói là một bức tranh mang tính biểu tượng rất cao. Tranh vẽ chiến sĩ Điện Biên nét mặt rạng ngời (gương mặt rất giống Đại tướng Võ Nguyên Giáp), một tay phất cao lá cờ quyết chiến quyết thắng, một tay khoác súng, phía sau là đồng bào, nhân dân đang dang tay hoan nghênh các chiến sĩ anh dũng cùng những lá cờ quốc tế tung bay. Có một chi tiết đầy ý nghĩa là con chim bồ câu đậu trên vai người lính. Đó là khát vọng cháy bỏng của người lính cầm súng và cũng là mục đích chính nghĩa của cuộc chiến…
Họa sĩ Nguyễn Bích sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ở phố Liên Trì (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là nơi đã trở đi trở lại trong kí ức của ông, cũng là nơi ông trở về sinh sống sau khi về làm việc tại Báo Quân đội nhân dân tại Hà Nội. Trong những hồi ức về cha, bà Nguyễn Thị Hồng Phương không khỏi bồi hồi trước người cha tài danh: “Con phố nhỏ, cụt Liên Trì chạy từ phố Nguyễn Du, gặp hồ Thiền Quang, căn gác nhà của số nhà 35, Liên Trì đã theo cha tôi và chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Mãi sau này, khi không còn ở đó nữa cha tôi không dám đi qua phố, bởi những kỉ niệm đầy ắp về tuổi thơ của cha. Bố tôi thường bảo, bố sợ đi qua phố cũ, nhớ lắm con ạ! Tôi hiểu điều đó và chính bản thân tôi mỗi khi có việc đi ngang qua tôi đều muốn khóc, kể cả trong những giấc mơ về quá khứ tôi đều nhớ về căn nhà đó. Căn gác nhỏ gia đình tôi ở chỉ khoảng 20 mét vuông. Mọi sinh hoạt của một gia đình đều diễn ra ở đó. Sát ban công nhỏ ông trồng mấy chậu hoa leo như hoa cầm cù và vài gốc cây thế. Bên trên ông treo mấy lồng chim hoàng yến, bạch yến. Đấy là góc thư giãn của ông sau những lúc vẽ”.
Trong đời sống, Nguyễn Bích giản dị và khiêm nhường. Gần như cả đời ông chỉ biết đến vẽ và vẽ. “Ba tôi khi còn sống chỉ ham mê vẽ, tôi mở mắt ngủ dậy là đã thấy ông ngồi bên giá vẽ say sưa. Đến khi đi ngủ tôi vẫn thấy ba ngồi bên giá vẽ. Dường như đó là đam mê và là cuộc sống của ông. Đã có lúc, ban biên soạn cuốn lịch sử danh nhân thế giới đề nghị ông gửi tranh và hồ sơ sang để bổ sung vào cuốn đó nhưng ông bảo không thích phô trương nên không làm. Ngay cả với tranh của mình, ông cũng không thích bán, ông thường nói tiền cũng chả cần, danh tiếng cũng chả cần”. Ấy thế nhưng ông đã từng có cơ duyên vẽ tiền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ít ai biết điều này nhưng ông chính là người vẽ mẫu tiền cho tờ 2 đồng do Ngân hàng Quốc gia (tên gọi trước kia của Ngân hàng Nhà nước) phát hành năm 1967. Cơ duyên là bởi khi đó, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, một người bạn của họa sĩ Nguyễn Bích được giao nhiệm vụ vẽ mẫu tiền mới, ông đã đề nghị họa sĩ Nguyễn Bích và họa sĩ Mai Văn Hiến cùng tham gia, trong đó, họa sĩ Nguyễn Bích đảm nhận vẽ mặt trước và mặt sau của tờ tiền 2 đồng mới. Việc này bắt đầu vào năm 1962 nhưng mãi tới năm 1967, khi tờ tiền mới được phát hành, Nguyễn Bích mang nó về khoe, cả gia đình mới biết về công việc thầm lặng của ông.
Trong kí ức của bà Hồng Phương vẫn còn nguyên những lời tâm huyết của họa sĩ Nguyễn Bích trong những lần ông chia sẻ về nghề nghiệp, về cuộc sống. “Bố tôi thân với hai họa sĩ Đặng Nhân và Zuy Minh. Tôi nhớ mỗi lần hai ông đến chơi là mọi người lại nói chuyện bằng tiếng Pháp bàn luận về văn học, nghệ thuật rất sôi nổi. Bố nói đi nói lại với bạn bè, trong nghệ thuật muốn đạt được cái đẹp phải có đủ 7 yếu tố, thứ nhất phải giản dị, thứ hai phải chân thực, thứ ba phải tự nhiên, thứ tư phải trong sáng, thứ năm phải nổi bật, thứ sáu phải đặc biệt và thứ bảy, ông nhắc đi nhắc lại, tranh phải đạt đến độ sang trọng nhưng phải để người ta cảm nhận được. Thể hiện được bảy điều này trong tranh là thành công của người họa sĩ”.
Họa sĩ Nguyễn Bích là người làm việc cần cù với tấm lòng nhân ái dành cho cuộc sống, cho những người thân và cả cho hội họa. Ông cẫn mẫn vẽ từ khi còn trẻ, khi nghỉ hưu ông còn vẽ nhiều hơn, cho đến những năm cuối đời, trước khi mất năm 2011. “Bố tôi cần mẫn làm việc, cần mẫn vẽ từ sáng đến tối. Khi nghỉ hưu, ông vẽ được nhiều tranh hơn. Ông vẽ tranh lụa chân dung vợ, con, vẽ cho bạn bè và khi ông bị đột quỵ cũng là lúc đang vẽ dở một bức chân dung cho bạn. Ông làm việc cho đến sức lực cuối cùng. Khi không vẽ được nữa ông ngồi lặng hàng giờ ngắm những bức tranh của mình”, đó là hình ảnh cảm động về người cha mà bà Nguyễn Thị Hồng Phương còn lưu giữ mãi. Hình ảnh cuối cùng về cha của bà là hình ảnh người họa sĩ bất lực ngắm những bức tranh của mình, như vẫn còn tiếc nuối cho sứ mệnh cống hiến và một tình yêu vĩnh hằng cho hội họa.
TK-PH
VNQD