Người bắn rơi chiếc F4 (Fantom) cuối cùng trong chiến tranh

Thứ Tư, 08/03/2023 00:50

. NGUYỄN CÔNG HUY
 

Phi công Bùi Doãn Độ

Tính đến năm nay là vừa chẵn nửa thế kỷ kết thúc “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, bắt phía Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, ký kết ngừng chiến tranh ở Việt Nam. Năm mươi năm trôi qua, nhưng những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đấu chống lại Không quân Mỹ thì vẫn như còn đâu đây, nhất là vào những ngày của tháng 12 này…

Nếu tính suốt cả cuộc chiến tranh chống Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam thì Không quân ta đã có hơn 6.960 lần xuất kích với khoảng 360 trận không chiến, 587 lần nổ súng, bắn rơi 320 máy bay Mỹ (con số trên còn chưa bao gồm 8 chiếc mà phía Mỹ thừa nhận bị MiG bắn rơi nhưng phía ta lại không thấy thống kê).

Năm mươi năm qua, khi nhìn lại cũng thấy có rất nhiều điều phải suy ngẫm về các cuộc không chiến. Một trong số đó là trận không chiến cuối cùng về ban đêm và người phi công bắn rơi chiếc F-4 (Fantom) cuối cùng trong cuộc chiến tranh. Người phi công ấy là Bùi Doãn Độ. Anh sinh năm 1950, quê Vũ Thư, Thái Bình, nhập ngũ năm 1966 và từ năm 1967 đến 1970 được đưa sang Liên Xô đào tạo trở thành phi công tiêm kích chiến đấu. Về nước, anh được biên chế vào Trung đoàn không quân tiêm kích 921 (Trung đoàn không quân Sao Đỏ), tham gia lực lượng bay đêm, đánh đêm và đã có những chuyến xuất kích chiến đấu về ban đêm.

Trong những ngày cuối tháng 12-1972, cũng là những ngày cuối của Chiến dịch Linebacker 2, Không quân Mỹ tiến hành đánh phá gần như theo một quy luật là ban ngày thì sử dụng lực lượng các máy bay chiến thuật để trinh sát và đánh phá tiếp các mục tiêu còn sót lại của các trận đánh bằng máy bay chiến lược B-52 từ đêm hôm trước. Ban đêm thì trước khi các tốp “pháo đài bay bất khả xâm phạm B-52” vào đánh phá, các tốp máy bay F-111 và A-6 sẽ tiến hành oanh kích các sân bay với mục đich để các máy bay MiG không thể hoạt động được.

Những ngày ấy, hầu như các sân bay của ta không còn sân bay nào nguyên vẹn. Đường cất hạ cánh, đường lăn…đều bị đánh nát bét. Tất cả đều chi chit các hố bom trông tựa như những tổ ong. Việc cất cánh, hạ cánh vô cùng khó khăn. Bay ban ngày khó một thì những chuyến bay vào ban đêm sẽ khó khăn gấp hàng trăm lần vì không xác định được những hố bom hố đạn nơi định cất cánh hay hạ cánh, hơn nữa, hệ thống đèn đường lăn, đường băng nhiều lúc bị đánh phá không khôi phục kịp nên phải xuất kích mò, hạ cánh cũng vậy. Những chuyến xuất kích vào thời gian ấy đều là những chuyến bay vô cùng liều lĩnh và cũng là những chuyến bay cảm tử, ngày hay đêm cũng vậy.

Đêm 29-12-1972, các phi công đánh đêm thuộc lực lượng đánh đêm của Trung đoàn không quân tiêm kích 921 được nhận nhiệm vụ trực ban chiến đấu, phục kích tại các sân bay vòng ngoài hỏa lực, sẵn sàng cất cánh từ các sân bay Kép, Yên Bái, Miếu Môn để đánh các tốp B-52 lẫn các máy bay cường kích trên cả ba hướng. Đó là ở phía Tây, từ Sầm Tấu-Mộc Châu vào, rồi phía Tây Nam từ Mường Xén vào và từ hướng Bắc dọc theo biên giới qua phía Bảo Hà đánh xuống Hà Nội.

Phi công Bùi Doãn Độ (thứ 3 từ trái sang, hàng thứ 2) cùng các đồng đội cũ tại buổi gặp mặt kỉ niệm 45 năm thành lập Đại đội 5 bay đêm và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân

Vào lúc 22 giờ 15 phút, ra-đar của ta bắt được 4 tốp B-52, một tốp bay vào từ hướng Tây và 3 tốp bay vào từ hướng Đông. 25 phút sau, mạng tiêu đồ của ta lại bắt được thêm 3 tốp tiêm kích địch hoạt động ở khu vực Thanh Sơn. Bộ tư lệnh cho phi công Nguyễn Khánh Duy vào cấp, cất cánh lúc 23 giờ 00 từ sân bay Đa Phúc bay về hướng Yên Bái-Tuyên Quang với ý đồ sẽ đánh vào tốp máy bay địch từ hướng Tây bay xuống, nhưng vì do cường độ nhiễu quá mạnh, bắt mục tiêu rất khó khăn, không thể tiếp cận kịp thời vào tốp B-52 từ ngoài vòng hỏa lực được. Bộ tư lệnh đành phải dẫn phi công Nguyễn Khánh Duy quay về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc.

Vào lúc 23 giờ 28 phút, phi công Bùi Doãn Độ trực ban chiến đấu ở sân bay Kép, nhận lệnh xuất kích chiến đấu. Anh được dẫn bay hướng 300 độ sau khi cất cánh, bay lên độ cao 6.000 mét. Đến lúc 23 giờ 35 phút, khi bay ngang qua Phú Lương thì anh được chuyển giao dẫn dắt cho Sở chỉ huy ở Thọ Xuân, Thanh Hóa. Sở chỉ huy ở Thọ Xuân lập tức cho Bùi Doãn Độ vòng phải bay lên phía Chợ Đồn và lấy độ cao lên 10.000 mét. Bùi Doãn Độ tiếp tục được dẫn bay về hướng 250 độ và lên độ cao 11.000 mét. Đến 23 giờ 48 phút, Sở chỉ huy dẫn cho vòng trái, tiếp cận mục tiêu. Đúng thời điểm này, Bùi Doãn Độ phát hiện thấy ánh đèn màu xanh mờ mờ ở phía bên phải mình chừng 25 độ. Anh báo cáo Sở chỉ huy: “Tôi phát hiện mục tiêu! Xin công kích!”. Được Sở chỉ huy cho phép, Bùi Doãn Độ tăng tốc độ bám theo mục tiêu nhưng vì tốc độ lớn nên anh bị văng ra cạnh ngoài của mục tiêu, nhưng vẫn thấy được những chùm lửa phụt ra từ sau đuôi máy bay mục tiêu. Bùi Doãn Độ bình tĩnh bám theo, lấy điểm ngắm ổn định và đến cự ly 1.500 mét, Bùi Doãn Độ ấn nút phóng đồng loạt 2 quả tên lửa không đối không rồi nhanh chóng thoát ly. Đấy là chiếc F-4. Anh vẫn còn kịp nhìn thấy thằng ấy lao chúc xuống với góc 30 độ. Nó đã bị anh bắn hạ. Đây là chiếc F-4 đầu tiên bị MiG bắn hạ về ban đêm.

Bùi Doãn Độ quay về hạ cánh trên sân bay Đa Phúc lúc 23 giờ 58 phút.

Phi công Bùi Doãn Độ (thứ 5 từ trái sang) cùng các đồng đội cũ tại Bảo tàng Phòng không - Không quân

Ngày 29-12-1972 đã trở thành ngày không chiến cuối cùng của năm 1972 và trận không chiến đêm 29-12-1972 đã trở thành trận chiến cuối cùng của MiG-21 trong Chiến dịch Linebacker 2 và cũng là trong cả cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.

Kết thúc 12 ngày đêm của Chiến dịch Linebacker 2, các lực lượng Phòng không-Không quân và các lực lượng Phòng không khác đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 21 chiếc F-4, 5 chiếc F-111A, 12 chiếc A-7, 4 chiếc A-6A, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc F-105, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc máy bay trinh sát 147SC, bắt làm tù binh 44 phi công Mỹ (riêng số phi công của B-52 là 34). Với lực lượng Không quân: đã xuất kích 30 lần/chiếc MiG-21, bắn rơi 2 chiếc B-52. 4 chiếc F-4, 1 chiếc RA-5C. Đã tiêu hao 12 quả tên lửa không đối không R-3S. Nếu tính tỷ lệ theo hiệu quả tiêu diệt thì 1,7 quả/máy bay.

Bị tổn thất quá lớn, lại không hề đạt được mục đích chiến lược một chút nào nên vào lúc 7 giờ 00 phút ngày 30-12-1972, chính quyền Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp phái đoàn Việt Nam tại Paris để đàm phán về Hiệp định hòa bình.

Bùi Doãn Độ- người phi công thuộc lực lượng bay đêm đánh đêm ấy vẫn tiếp tục bay rồi được cử đi học tại Học viện không quân mang tên Iuri Gagarin ở Liên Xô và được giữ các chức vụ Trung đoàn phó Trung đoàn không quân tiêm kích 921, Trung đoàn phó Trung đoàn không quân tiêm kích 931, rồi Chủ nhiệm bay Sư đoàn không quân 371 sau đó còn là chuyên gia cho Trung đoàn không quân 701 Căm-pu-chia, sau này còn là phi công Đoàn bay 919 Hàng không Việt Nam nữa.

Tới năm 2010 thì anh về nghỉ hưu, tiếp tục chăm lo gia đình, vui cùng cháu con và tham gia các công tác ở Tổ dân phố, hòa nhập cùng bà con với cuộc sống thường nhật, đúng như bà má của người bạn của tôi nói: “Bọn bây về rồi thì gắng sống theo cùng bà con để trở thành những ông già dễ thương chứ đừng trở thành những ông già khùng!”.

Anh đúng là “một ông già dễ thương” thật!...

N.C.H

VNQD
Thống kê