Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa xuất bản cuốn kí “Lính thời bình” của Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng. Đây là cuốn kí thứ 3 của tác giả được xuất bản trong thời gian hai năm lại đây.
Cuốn sách gần 200 trang với 21 bài kí sự được tác giả và nhà xuất bản chọn lọc kĩ lưỡng sẽ cho độc giả cảm nhận được sự khắc nghiệt trong công việc của những người lính thời bình với công tác huấn luyện, SSCĐ, diễn tập và nhiều nhiệm vụ khác.
Đại tá, nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã đánh giá sau khi đọc xong cuốn sách: “Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng viết về người lính và những bức tranh sinh động đang diễn ra chung quanh cuộc sống quân ngũ, mới mẻ thực tế từ những công việc thường ngày: huấn luyện trên thao trường, tuần tra, lao động, nghiên cứu, học tập, bám bản, bám công trường... Những khía cạnh ấy được tác giả mã hóa rồi đưa vào trang văn sinh động, tươi rói như ngoài đời vậy”.
Cái đáng quý của cuốn sách là từ những sự kiện, chi tiết, hoàn cảnh có thật để bạn đọc hiểu rộng ra, hiểu sâu thêm ý nghĩa của các vấn đề lan tỏa ra ngoài xã hội. Từ một chương trình “Xuân biên giới" năm 2024 không chỉ của riêng Học viện Khoa học Quân sự mà còn của nhiều cơ quan trong và ngoài quân đội, như với chương trình “Mùa hè tình nguyện”, với “Mùa đông ấm”… tác giả giúp chúng ta nhận ra, việc làm cống hiến, có đóng góp tích cực, hiệu quả luôn như những con sóng, sóng nọ xô sóng kia để lan tỏa, để lay động, tất cả như góp vào làm thành bản nhạc cuộc sống đáng yêu, đáng mến, thành âm vọng của tình yêu thương, kết nối và chia sẻ (Cuộc hành quân màu lửa).
Chắc nhiều bạn đọc tò mò về vũ khí hiện đại của quân đội ta hôm nay. Hãy cùng tác giả tham quan (những gì được phép) tàu ngầm Kilo 636 hiện đại - niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân). Bạn đọc sẽ ngỡ ngàng và khâm phục khi thấy những người lính ấy để hoàn thành nhiệm vụ phải vượt qua muôn vàn khó khăn, vất vả, phải tuân thủ tuyệt đối quy trình khai thác, sử dụng trang bị kĩ thuật. Chưa kể yếu tố kỉ luật được đặt lên hàng đầu và cao hơn là ý chí, bản lĩnh thép (Chất thép trong lòng biển).

Tập kí "Lính thời bình" do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2025.
Thời chiến tranh chống Mĩ, trong những trận đánh, xe tặng ta được ví là “vua chiến trường” góp công lớn vào thắng lợi vĩ đại. Ngày nay bộ đội xe tăng kế thừa truyền thống và đổi mới huấn luyện ra sao, bài Phía sau những giọt mồ hôi qua sự miêu tả các chiến sĩ điều khiển những chiếc xe tăng kềnh càng, nặng đến mấy chục tấn một cách nhẹ nhàng, thanh thoát như điều khiển những chú ngựa ngoan ngoãn, đã gián tiếp cho thấy sự công phu rèn luyện đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên thao trường… Ngày hôm nay, để biên giới bình yên có công lao của những chiến sĩ biên phòng. Chưa nói tới công việc vô cùng phức tạp như tuần tra bảo vệ đường biên, giúp dân, đánh án, phòng chống tội phạm… của những anh lính quân hàm xanh, chỉ nói việc để bạn vượt núi lên đồn (đồn Biên phòng Ngọc Côn thuộc tỉnh Cao Bằng) phải mất 5 tiếng đồng hồ. Chi tiết ấy nói lên rất nhiều về sự vất vả, gian nan, thiệt thòi nhưng cũng thật vinh quang của người lính làm nhiệm vụ giữ gìn phên dậu Tổ quốc (Dưới chân Cột mốc 800)…
Sống trong thời thông tin của cách mạng 4.0 hôm nay, ngành Tình báo chiến lược quốc phòng được nhiều người quan tâm với những chiến công đặc biệt xuất sắc. Chùm bài viết trong tập sách hé mở cho bạn đọc một số chi tiết đặc sắc, chắc hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên. Bạn sẽ phần nào biết thêm trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, Cục Nghiên cứu (nay là Tổng cục II) đã bí mật tổ chức lực lượng trinh sát kĩ thuật từ bờ Bắc sông Bến Hải luồn sâu vào vùng địch ở bờ Nam để chặn và thu thập thông tin mang tính chiến lược của địch. Chuyện như huyền thoại về Tiểu đoàn Trinh sát kĩ thuật 35 (nay là Trung đoàn 75, Tổng cục II) bí mật thực hiện nhiệm vụ trinh sát tình báo ở Quảng Trị. Những chiến sĩ cả hàng tháng trời ăn rau rừng, chịu khát, chịu đói, tắm sương, gội gió để bám địch, bám máy, bám sóng mạng để dò tìm những thông tin cực kì giá trị về chiến lược, chiến thuật của kẻ thù... Chắc chắn một là “huyền thoại có thật” là chỉ bằng vô tuyến mà những chiến sĩ trinh sát kĩ thuật “gọi hàng 400 tên địch trên sóng PRC25”… Tất cả đã góp phần cắt nghĩa vì sao chúng ta thắng Mĩ.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng tác nghiệp tại Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng, nơi Binh đoàn 12 đang thi công con đường ven biển với kĩ thuật mới của Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Đại tá, nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng, trong nghề viết, nhất là viết bút kí, tùy bút, kí sự thì vốn sống luôn là vấn đề cơ bản nhất. Về tính chất, thể tài này luôn phải đáp ứng một cách nhanh chóng nhất để chuyển tải lượng thông tin mới tới xã hội và bạn đọc. Về nguyên lý chung, trang văn luôn là sự kết tinh chất muối mặn mòi từ biển cả cuộc đời, không nhập thân vào đời làm sao có thể hiểu đời để nắm bắt lấy những chi tiết tươi mới, điển hình. Không có vốn tri thức làm sao có thể khái quát được cái thần thái, cái nét chung nhất từ đời sống vào trang viết. Là người lính có thâm niên 30 năm và có chuyên môn sâu (nguyên là sĩ quan công binh), say và học thêm nghề viết báo để rồi danh xưng nhà báo quân đội là “nghiệp” chắc sẽ gắn bó cả đời. Những tác giả như anh có nhiều điều kiện thuận lợi, được đào tạo cơ bản, chính quy, cộng thêm vốn sống quân ngũ, vốn sống ngoài đời, vốn chữ nghĩa và tâm huyết sẽ là nền móng vững chắc để xây cất những tác phẩm hay, ý nghĩa.
Gấp cuốn sách lại, bạn đọc sẽ thấy đọng lại là tinh thần lạc quan, yêu đời của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội mà còn thấy được các giá trị nhân văn trong các nhiệm vụ của Bộ đội Cụ Hồ thời bình. Ẩn chứa trong các kí sự còn là những thông tin hữu ích có giá trị như những tài liệu tham khảo. Tôi cho rằng, khi đọc, người trong cuộc, trong ngành sẽ yêu thích cuốn sách vì thấy hình ảnh của chính họ, nhưng những học sinh, học viên đang có mơ ước vào trong Quân đội cống hiến hoặc các học viên ở các học viện, nhà trường sẽ có cơ hội tốt để tìm hiểu về các đơn vị, các lực lượng của Quân đội để có tâm, thế vững vàng khi về đơn vị cơ sở công tác, biến ước mơ thành hiện thực.
Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng hiện công tác tại Báo Quân đội nhân dân. Anh theo đuổi phong cách viết giản dị, chân thực và giàu chi tiết, hình ảnh với ngôn ngữ thể hiện mang màu sắc chất lính rõ nét. Anh đã xuất bản 3 tập kí gồm "Mãi lá trung quân" (Nhà xuất bản Văn học, năm 2024); "Chân dung lính thời bình" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2004) và "Lính thời bình" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2025). Đầu năm 2025, tập kí “Mãi lá trung quân” của anh đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao chứng nhận “thể hiện xuất sắc chủ đề: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024”.
DUY THÀNH
VNQD