“Dũng sĩ Quyết thắng” và trận đánh Cầu Sáng giải phóng Hóc Môn

Thứ Năm, 24/04/2025 16:11

Cựu chiến binh Nguyễn Thiết Than, hiện cư trú tại thôn Tiểu Than (xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, Bắc Ninh), năm nay đã 76 tuổi. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn và để lại dấu ấn sâu đậm. Nhân dịp kỉ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kí ức về những trận đánh oanh liệt lại ùa về trong ông.

Trong căn nhà ấm cúng của mình, tiếp chúng tôi bên chén chè xanh ông Than hồi tưởng: “Tháng 5/1972, tôi nhập ngũ và được huấn luyện tại Trung đoàn 568. Đến tháng 9 cùng năm, tôi được điều vào chiến trường B, biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A (nay là Sư đoàn 320), thuộc Quân đoàn 3, và tham gia chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên. Tôi từng đánh thắng nhiều trận và tại đây, vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý 'Dũng sĩ Quyết thắng cấp 3', cấp cao nhất lúc bấy giờ”.

Dũng sĩ Quyết thắng, người cựu chiến binh trong trận đánh Cầu Sáng, giải phóng Hóc Môn Nguyễn Thiết Than.

Tuy nhiên, sâu đậm nhất trong kí ức của ông vẫn là những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đặc biệt là trận đánh Cầu Sáng và giải phóng Hóc Môn, một bước ngoặt quan trọng góp phần vào việc tiến công vào Sài Gòn.

Cầu Bông và Cầu Sáng có vai trò then chốt trên tuyến tiến quân của Quân đoàn 3. Nếu bị địch phá hủy hoặc ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ chiến dịch. Đại đội 3, đơn vị chủ lực của Trung đoàn 64, được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ vững hai cây cầu này. Trung đội của ông Than trực tiếp nhận nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Sáng, cây cầu bê tông dài gần 200m, bắc qua một nhánh sông Sài Gòn nối từ Bình Dương đến Hóc Môn, đây là cửa ngõ vào sân bay Tân Sơn Nhất.

“Khi tham gia giải phóng Sài Gòn, tôi và đồng đội quyết tâm cao nhất, không quản hi sinh, gian khổ, quyết giữ bằng được cây cầu mở đường cho đại quân tiến vào”.

Rạng sáng ngày 29/4/1975, vào lúc 5 giờ, trung đội của ông cùng lực lượng đặc công tấn công Cầu Sáng. Bằng sự mưu trí, ông đã dùng mắt trái ngắm bắn 6 quả đạn B40, phá hủy lô cốt địch. Sau hơn hai giờ giao tranh ác liệt, đến 7 giờ sáng, trung đội đã làm chủ được cây cầu, lúc đó trung đội của ông chỉ còn lại 5 chiến sĩ. Địch tiếp tục pháo kích dữ dội từ hướng Củ Chi. Trong lúc chờ viện binh, ông tổ chức cho bộ đội vượt cầu, ẩn nấp trong khu dân cư bảo toàn lực lượng. Đến hơn 10 giờ, quân ta chi viện đến và đến 10h30, pháo binh ta đã tiêu diệt trận địa pháo 80mm của địch. Lực lượng của ông tiếp tục tiến công vào thị trấn Hóc Môn, đánh chiếm và giải phóng toàn bộ khu vực này lúc 11 giờ cùng ngày.

Đến 14 giờ, tàn binh địch phản kích từ phía sau. Trung đội của ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng này. Với vai trò Trung đội trưởng và là đảng viên, ông nhanh chóng phân công đồng đội triển khai chiến thuật đánh vu hồi. Cùng một đồng chí, ông men theo các ruộng đỗ, ruộng dưa và khu mộ, tiếp cận địch trong khoảng cách 50m, rồi bất ngờ dùng B40 tiêu diệt khẩu DKZ của địch từ phía sau. Bị tổn thất nặng nề, 8 tên địch còn lại đã buộc phải đầu hàng vô điều kiện vào lúc 15 giờ. Ông cùng đồng đội bắt sống toàn bộ địch, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm.

Những đóng góp to lớn của ông Nguyễn Thiết Than và đồng đội trong trận đánh Cầu Sáng và giải phóng Hóc Môn đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vang dội của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

50 năm trôi qua, kí ức chiến trường vẫn còn nguyên vẹn trong ông, là nguồn động lực giúp ông vươn lên trong cuộc sống đời thường. Trở về quê hương, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cần cù lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu trưởng thành và luôn nhận được sự tin yêu, kính trọng từ bà con trong thôn. Mới đây, ông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, một phần thưởng cao quý ghi nhận chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ của người lính Cụ Hồ.

HẢI NGUYỄN

VNQD
Thống kê