Chuyến công tác đến các đảo tiền tiêu Tây Nam đưa tôi đi qua Phú Quốc, Hòn Đốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối, những hòn đảo nằm giữa đại dương xanh thẳm, nơi những người lính Hải quân Vùng 5 đang ngày đêm bám biển, giữ đảo. Mỗi nơi tôi đi qua đều để lại những câu chuyện, những trăn trở và cả những quyết tâm mạnh mẽ của những người lính biển.

Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tâm sự với cán bộ chiến sĩ Trạm Ra đa 625, đảo Hòn Đốc.
Trên đảo Hòn Chuối, tôi gặp Thượng úy Phan Văn Nguyên, Chính trị viên Trạm Ra đa 615, khi anh vừa kết thúc ca trực, vẫn tác phong nghiêm túc, ánh mắt rắn rỏi anh nói về nhiệm vụ của mình: "Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là quan sát, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trên biển, mà còn là bảo vệ ngư dân, hỗ trợ họ khi cần thiết. Biển Tây Nam có tiềm năng kinh tế rất lớn nhưng cũng là khu vực phức tạp. Chúng tôi phải luôn sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống để giữ vững chủ quyền, đảm bảo bà con ngư dân yên tâm bám biển".
Trước đó, tôi đã gặp Trung tá Đặng Hữu Phụng, người đã có gần 30 năm gắn bó với các đảo Tây Nam, chia sẻ về cuộc đời binh nghiệp của mình. Anh từng công tác ở đảo Thổ Chu 10 năm, Phú Quốc 3 năm, Hòn Khoai 10 năm trước khi về Nam Du.
"Sống và làm việc trên các đảo xa, tôi hiểu rõ sự vất vả của anh em chiến sĩ. Ở đây, không chỉ có nắng, gió và những cơn bão bất ngờ, mà còn có sự cô đơn. Nhưng chúng tôi luôn động viên nhau, vì chúng tôi không chỉ giữ đảo mà còn là điểm tựa cho bà con ngư dân. Khi thấy những con tàu ngư dân kiên cường vươn khơi, chúng tôi biết rằng mình không được phép lùi bước".
Trên đảo Hòn Đốc, tôi gặp Hạ sĩ Dương Thái Tuấn, một chiến sĩ trẻ mới ra đảo nhận nhiệm vụ tại Trạm Ra đa 625 chưa lâu. Dưới bầu trời xanh ngắt của vùng biển Tây Nam, giữa những đợt gió lồng lộng thổi từ biển khơi, Tuấn chia sẻ những cảm xúc chân thành của mình: "Lần đầu tiên đặt chân ra đảo, tôi vừa háo hức, vừa có chút lo lắng. Tôi biết rằng mình không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ huấn luyện hay tuần tra, mà còn đang góp một phần sức lực nhỏ bé để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở đây, mọi người đều coi nhau như anh em trong một gia đình, chia sẻ với nhau từng ngụm nước ngọt, từng bữa cơm giữa sóng gió".
Là lính trẻ, Tuấn vẫn đang làm quen với cuộc sống trên đảo, những ngày trực canh kéo dài, những buổi huấn luyện giữa cái nắng biển cháy da, những đêm thao thức với tiếng sóng vỗ miên man. Nhưng với anh, mỗi ngày trôi qua lại là một ngày anh trưởng thành hơn, hiểu rõ hơn về trách nhiệm của một người lính Hải quân. "Tôi nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu nơi đất liền. Nghĩ đến điều đó, tôi càng hiểu rằng sự có mặt của mình ở đây là cần thiết. Chúng tôi không chỉ bảo vệ vùng biển này, mà còn giữ bình yên cho quê hương, cho những người đang mong đợi mình trở về".

Cán bộ chiến sĩ trên vùng biển Tây Nam chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với anh chị em phóng viên trước dịp đón năm mới.
Anh Trần Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam, người đã nhiều lần đến với vùng biển này, chia sẻ: "Tôi đã đến đây nhiều lần, nhưng mỗi lần lại thấy thêm những khó khăn mà các chiến sĩ và bà con ngư dân đang đối mặt. Nếu như ở Trường Sa, chúng tôi đã xây dựng được hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, thì ở Tây Nam vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn điện chưa ổn định. Hệ thống điện mặt trời cũng gặp khó khăn vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Tôi luôn trăn trở làm sao để có thể cải thiện đời sống cho anh em chiến sĩ, giúp họ giảm bớt gánh nặng trong sinh hoạt thường ngày".
Anh Thành kể về những đêm anh chứng kiến chiến sĩ trên đảo Hòn Khoai cầm điện thoại hướng về đất liền, mong nghe một giọng nói thân quen. "Tôi thấy họ gọi về cho mẹ già, dặn dò vợ con giữ gìn sức khỏe, chỉ mong nghe giọng con trẻ bi bô. Những cuộc gọi ấy ngắn ngủi, nhưng tôi biết, nó tiếp thêm cho họ sức mạnh để bám đảo, để tiếp tục cầm chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc".

Anh Trần Thành và Hội Biển đảo Việt Nam bên cột mốc chủ quyền Hòn Nhạn thuộc Quần đảo Thổ Chu.
Không chỉ anh Thành, chị Nguyễn Thị Phượng, một thành viên khác trong đoàn công tác, cũng có những nỗi niềm riêng khi đến với các chiến sĩ Hải quân Vùng 5. "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội, nên tôi hiểu nỗi cô đơn của người lính khi phải xa nhà. Những người lính Hải quân không chỉ là những người bảo vệ biển đảo, mà còn là những người con, người anh em cần được quan tâm. Tôi luôn tự hỏi mình có thể làm gì nhiều hơn nữa để giúp họ bớt đi phần nào những thiếu thốn, để họ biết rằng ở đất liền, có rất nhiều người vẫn luôn hướng về họ".
Không dừng lại ở những chuyến đi thăm hỏi, chị Phượng còn dành nhiều tâm huyết để kết nối, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc hỗ trợ biển đảo. "Tôi mong rằng không chỉ các chiến sĩ mà cả ngư dân nơi đây cũng có thêm điều kiện để bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia. Tình yêu biển đảo không chỉ là trách nhiệm mà còn là một phần trong trái tim tôi, một sự gắn bó thiêng liêng mà dù ở bất cứ đâu, tôi cũng luôn đau đáu hướng về".
Biển đảo Tây Nam không chỉ là tuyến phòng thủ quan trọng mà còn là khu vực có tiềm năng kinh tế lớn. Các đảo như Phú Quốc, Nam Du, Thổ Chu… đều có thể trở thành trung tâm phát triển du lịch biển, khai thác thủy sản bền vững nếu có sự đầu tư hợp lí.
Thượng tá Đặng Trọng Sơn, Phó Chính uỷ Trung đoàn Ra đa 511, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải Quân khẳng định: "Chúng tôi mong muốn có thêm các dự án phát triển kinh tế trên đảo để hỗ trợ ngư dân, giúp họ có thể bám biển dài lâu. Một khi đời sống người dân ổn định, họ sẽ là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc".
Còn Đại úy Bùi Ngọc Định, Chính trị viên của trạm Ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai cho biết: "Tôi chỉ mong rằng những chiến sĩ sau này sẽ có điều kiện sống và làm việc tốt hơn. Mọi người ở đất liền có thể giúp gì cho biển đảo Tây Nam, chỉ cần một công trình nước ngọt, một hệ thống điện năng lượng ổn định hay một cây cầu nối đất liền với những ngư dân, đó đã là những điều vô cùng ý nghĩa".
Tạm biệt những hòn đảo xa xôi, tôi biết rằng, những trăn trở của anh Thành, chị Phượng và các chiến sĩ Hải quân Vùng 5 vẫn còn đó. Nhưng tôi cũng tin rằng, dù còn khó khăn nhưng với tinh thần bền bỉ, với sự quan tâm của đất liền, những người lính Hải quân nơi đầu sóng sẽ luôn vững vàng trước mọi thử thách.
Biển đảo Tây Nam không chỉ có sóng, mà còn có những con người kiên cường ngày đêm giữ biển. Biển đảo Tây Nam không chỉ có nỗi đau, mà còn có những hi vọng lớn lên từng ngày. Và hơn hết, biển đảo Tây Nam có những người lính, như những cột mốc sống, đang âm thầm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
VŨ THÀNH DUY
VNQD