Dòng chảy

“Tiếng Việt diệu kì”: Lan tỏa tình yêu tiếng mẹ đẻ tới trẻ em Việt Nam ở nước ngoài

Thứ Bảy, 29/03/2025 20:24

Chiều ngày 29/3/2025, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) và Cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt năm 2025, chương trình truyền hình Tiếng Việt diệu kì chính thức được ra mắt.

Đây là kết quả phối hợp giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ban Truyền hình Đối ngoại – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4), và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao. Sự kiện được tổ chức tại Trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và kết nối trực tuyến với các điểm cầu cơ quan đại diện, cơ sở dạy tiếng Việt và cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới.

Các đại biểu làm lễ ra mắt chương trình Tiếng Việt diệu kì

Phát biểu tại buổi lễ, bà Phùng Ngọc Hồng – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: “Chương trình nhằm triển khai thực hiện Đề án 'Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 – 2030' và Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt với mong muốn giữ gìn và lan toả tiếng Việt cho người Việt Nam trên toàn thế giới, đặc biệt là trong cộng đồng NVNONN”.

Tiếng Việt diệu kì là chương trình truyền hình giáo dục dành riêng cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài, khai thác chất liệu văn học dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Với sự đồng hành của “Cô Tiên Tiếng Việt” dịu dàng và chú rồng nhỏ “Long Con” đáng yêu, chương trình mang đến những bài học ngôn ngữ sinh động, gần gũi, chan chứa cảm xúc. Đồng thời, đây cũng là nguồn học liệu hữu ích để các giáo viên và phụ huynh tham khảo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ.

Từ tháng 4/2025, chương trình sẽ được phát sóng trên kênh VTV4 vào các khung giờ: 04h00 thứ Hai, 02h15 và 17h45 thứ Ba, 07h45 thứ Tư, 19h45 thứ Sáu và có thể dễ dàng tiếp cận trên các nền tảng số. Mục tiêu của chương trình không chỉ là truyền dạy ngôn ngữ, mà còn là một hành trình nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước nơi những mầm non Việt đang lớn lên giữa các nền văn hóa khác biệt.

Đánh giá về cách tiếp cận ngôn ngữ mới mẻ hiện nay, bà Phùng Ngọc Hồng cho rằng: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự đa dạng trong phương thức triển khai các chương trình dạy tiếng Việt hiện nay. Việc sử dụng các hình thức sáng tạo như hoạt hình, phim ngắn,… hay các chương trình truyền hình tương tác như Chào tiếng Việt, Tiếng Việt diệu kì là một bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận ngôn ngữ.”

Theo bà Hồng, những đổi mới này phù hợp với thói quen học tập của thế hệ trẻ và góp phần “đưa tiếng Việt lan toả mạnh mẽ và bền vững hơn trong cộng đồng quốc tế.”

Các đại biểu tham dự chương trình tại trụ sở UBNN về NVNONN

Tuy nhiên, hành trình gìn giữ tiếng mẹ đẻ nơi xứ người vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Bà Phùng Ngọc Hồng chỉ rõ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay có lẽ là duy trì được sự kết nối ngôn ngữ giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt xa quê. Khi trẻ em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài tiếp cận sớm với ngôn ngữ bản địa, việc giữ gìn tiếng Việt trở thành một thử thách, nhất là khi thiếu đi môi trường sử dụng thường xuyên trong gia đình và cộng đồng.”

Cùng với đó là vấn đề học liệu: “Việc thiếu học liệu phù hợp cũng là một trở ngại không nhỏ. Chúng tôi cho rằng, việc kết hợp giữa các cơ quan giáo dục, truyền thông và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái học liệu phong phú, hỗ trợ việc sử dụng tiếng Việt là vô cùng cần thiết.”

Được biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện đang triển khai hệ thống sách giáo khoa điện tử miễn phí và phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN cung ứng tài liệu học tập, từng bước đưa sách vào các thư viện công tại một số quốc gia. Tới đây, đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để phổ biến học liệu tới cộng đồng một cách hiệu quả nhất.

Kết luận về chương trình Tiếng Việt diệu kì, bà Phùng Ngọc Hồng nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng rằng, chương trình sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho các bạn nhỏ Việt Nam trên toàn thế giới.”

Với định hướng đó, chương trình Tiếng Việt diệu kì không chỉ là một nỗ lực sáng tạo về mặt giáo dục, mà còn là lời nhắn gửi đầy cảm xúc tới thế hệ trẻ Việt Nam toàn cầu: Hãy trân trọng tiếng mẹ đẻ – chiếc cầu nối bền vững giữa các thế hệ, giữa quê hương và cộng đồng kiều bào, giữa ký ức và hiện tại.

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)