Lịch sử dân tộc ta, phần vô cùng quan trọng là các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Và hình ảnh người lính chính là hình ảnh tiêu biểu nhất, trung tâm nhất, trở thành biểu tượng cho đất nước. Trong hòa bình, người lính cũng xuất hiệt ở mọi nơi, gắn với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thơ ca viết về người lính trong các thời kì của đất nước đã khắc hoạ một cách chân thực, cảm xúc và hình tượng hoá vẻ đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ.
Tối 19/3/2025, tại Trường Sĩ quan Chính trị, Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật với chủ đề Mùa xuân và Bộ đội Cụ Hồ. Buổi giao lưu nhằm nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho cán bộ, giảng viên, học viên của đơn vị về hình tượng Bộ đội cụ Hồ thông qua các tác phẩm thi ca và âm nhạc; mở rộng giao lưu với đời sống văn học đương đại và các tác phẩm mới về đề tài người chiến sĩ hôm nay; thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần trong nhà trường. Buổi giao lưu cũng là dịp để các nhà thơ có thêm những trải nghiệm, cảm xúc để viết về những người lính hôm nay.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Kỷ khẳng định tầm quan trọng của văn học trong việc bồi dưỡng, đạo đức tâm hồn người lính.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Kỷ, Phó Hiệu trưởng Trường sĩ quan Chính trị bày tỏ: Văn học, nghệ thuật là một bộ phận đặc biệt quan trọng của đời sống tinh thần xã hội nói chung, đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống hơn 80 năm qua của Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng trải nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các văn, nghệ sĩ Quân đội đã sáng tạo nên một kho tàng vô giá các tác phẩm văn học, âm nhạc, tranh cổ động, điện ảnh,... có nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng, chính trị, nhân văn sâu sắc, góp phần khắc họa đậm nét về sự anh dũng, kiên cường, quả cảm nhưng rất dung dị của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ qua các thời kì.

Buổi giao lưu có sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, và các cán bộ, giảng viên, học viên của Trường Sĩ quan Chính trị.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khi được mời lên giao lưu trò chuyện, ông đã hóm hỉnh kể câu chuyện mà ông nhớ mãi. Vì là hội viên trẻ nhất của Hội nhà văn Việt Nam trong nhiều năm nên ông luôn được mời đi dự các hội nghị cũng như luôn được giao phát biểu. Tại cuộc gặp gỡ của cán bộ Đảng với văn nghệ sĩ, trí thức năm 1978, Trần Đăng Khoa được mời lên đọc diễn văn. Khi ông vừa mới “Kính thưa…” thì Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền nói: “Nhà thơ thì phải đọc thơ chứ, sao lại đọc diễn văn”. Vậy nên tại buổi giao lưu này ông cũng muốn chỉ đọc thơ. Nhà thơ “thần đồng” đã đọc những bài thơ ông viết về người lính như Mùa xuân của lính biên phòng, Bài ca của lính thời bình… Nhiều học viên chia sẻ, đây là lần đầu tiên được gặp gỡ với nhà thơ Trần Đăng Khoa, với tác giả của những bài thơ nổi tiếng đã được học trong sách giáo khoa.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đọc thơ tại buổi giao lưu.
Tại buổi giao lưu, nhiều tác phẩm khắc hoạ sâu sắc hình tượng người lính đã được các nhà thơ đọc và trình diễn như: nhà thơ Lữ Mai với Ngang qua bình minh, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng với Người vẫn lên không thể nào khác được, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim với Thư gửi cha, nhà thơ Đoàn Văn Mật với Hoa đào ở Vị Xuyên… Hơi thở của thơ ca đương đại rõ nét đã mang đến không khí tươi mới cho đề tài này. Dù không còn chiến tranh, không còn bom đạn nhưng những người lính hôm nay vẫn đang hết mình trên mọi mặt trận, mọi nhiệm vụ. Cũng bởi tinh thần ấy mà người lính luôn mang đến nhiều cảm hứng cho thơ ca.
Trong khuôn khổ buổi giao lưu là cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề “Hình tượng Bộ đội cụ Hồ trong văn chương đương đại”.
Nhận định về những đóng góp của văn học Quân đội trong nền văn học Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Khi nhắc đến nền văn học Việt Nam hiện đại, chúng ta đều nhắc đến những người lính. Họ không những chiến đấu vô cùng dũng cảm ở chiến trường mà còn làm nên những trang văn kì vĩ. Năm 2024, Giải thưởng Sách Quốc gia đã vinh danh Tổng tập nhà văn Quân đội ở vị trí cao nhất, nhưng chúng tôi muốn tôn vinh hơn nữa những người lính là những nhà văn, nhà thơ. Văn học Việt Nam có được sự kì vĩ là nhờ những nhà văn người lính.

Các nhà thơ trò chuyện xoay quanh đề tài “Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn chương đương đại”.
Cảm nhận về hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ hôm nay, cả trong thực tiễn và qua lăng kính của văn học, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Tôi đã đến Trường Sa vài năm trước. Tôi thấy người lính hôm nay giống người lính hôm qua ở tinh thần và ý chí, nhưng bên cạnh đó họ cũng hoà nhập vào đời sống văn học nghệ thuật hôm nay một cách rất kịp thời. Đó là ở phía người lính. Về phía người viết, nhiều người viết đã dành những trang viết xuất sắc nhất của họ để viết về Bộ đội Cụ Hồ hôm hay. Hay ngược lại, cũng có những nhà văn quân đội hôm nay đã có những tác phẩm xuất sắc viết về đời thường. Có thể khẳng định, người lính hôm nay xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, và người viết viết về người lính hôm nay cũng đang không ngừng tìm kiếm và khắc hoạ hiện thực ấy, vẻ đẹp ấy…
Ở góc nhìn của người làm biên tập, nhà thơ Đoàn Văn Mật, Trưởng Ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhiều trăn trở về thực trạng các tác phẩm văn học viết về đề tài người lính hôm nay. Anh cho rằng, thơ viết về người lính hôm nay chưa có nhiều tác phẩm hay như thời chiến tranh. Vì mỗi bài thơ trong chiến tranh là “Cuộc chia li màu đỏ”, là những “Dáng đứng Việt Nam”, mỗi bài thơ hay câu thơ hay ở đó là biết bao máu xương, biết bao là hi sinh. Chúng ta hôm nay đang sống trong thời bình. Nếu ví thơ ca là một dòng sông lớn, ở đó những bài thơ hay là những bài thơ phải vượt qua ghềnh thác, thì hôm nay dòng sông thơ ca là một dòng sông thơ mộng, bởi vì chúng ta đang sống trong thời bình với những điều tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng, thơ viết về người lính hôm nay là một siêu đề tài sống mãi cùng dân tộc. Hi vọng thế hệ trẻ sẽ tiếp bước cha anh để viết nên những tác phẩm hay, tác phẩm lớn về đề tài nay.

Tiết mục văn nghệ trong buổi giao lưu của học viên Trường Sĩ quan chính trị.
Ở góc nhìn của người làm công tác giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Thủy là giáo viên dạy văn học ở Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: Tôi luôn mong muốn có thể nâng cao khả năng cảm thụ văn học cho học viên bằng cách truyền tình yêu văn chương cho các học viên của mình. Tôi được công tác trong môi trường thuận lợi, nơi mà môn văn được đưa vào dạy trong trường từ khi trường thành lập. Nếu vũ khí của nhà thơ là ngôn ngữ thì cán bộ chính trị cũng vậy. Vậy nên văn học gắn liền với công tác Đảng, công tác chính trị của các học viên. Tôi cũng thường lấy tác phẩm viết về người lính để làm ví dụ và bồi đắp tình yêu văn chương cho những người lính.
Nhà thơ Lý Hữu Lương, Biên tập viên Ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn là cựu học viên Trường Sĩ quan Chính trị, tại buổi giao lưu anh đã kể lại kỉ niệm mình đã được phát hiện và bồi đắp năng khiếu văn chương dưới mái trường này, qua đó bày tỏ mong muốn những học viên lớp sau có thể tiếp nối, nuôi dưỡng tình yêu đối với văn chương, trở thành những cây bút mới của quân đội trong tương lai.
Cũng trong buổi giao lưu, các nhà thơ đã cùng nhau đọc tổ khúc thơ Những người giữ bình yên cho Tổ quốc. Tổ khúc được viết nên từ những sáng tác viết về người lính và biên cương, hải đảo của các nhà thơ.
Buổi giao lưu mang đến nhiều cảm xúc cho các cán bộ, giáo viên, học viên của Trường Sĩ quan Chính trị cũng như với các nhà thơ. Đặc biệt, qua đây các học viên được tiếp cận với những tác phẩm văn học đương đại viết về người lính hôm nay. Qua đó, bồi đắp thêm tình yêu đối với văn học, hiểu thêm về hình tượng người lính trong văn học, đặc biệt là người lính hôm nay. Điều này góp phần để các học viên thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ người cán bộ chính trị, những người được mệnh danh là “sĩ quan tâm hồn” của bộ đội trên cương vị công tác sau này.”
PV
VNQD