. NGUYỄN HỘI
Những ngày đầu binh nghiệp
Kí ức đầu tiên trong hành trang cậu binh nhì là tôi, chân ướt chân ráo từ quê lúa Thái Bình (một trong số ít tỉnh không có núi), đến Hòa Bình là cảm giác ngất ngây khi tận mắt thấy những dãy núi mờ xa với bạt ngàn nương chè của đồng bào dân tộc. Những buổi chiều tà, một mình lặng lẽ ngắm hoàng hôn dần buông sau đỉnh núi, bâng khuâng những kỉ niệm quê nhà… Cảm giác dù rất đơn sơ nhưng lại theo suốt những chặng đường hành quân cuộc đời binh nghiệp của tôi.
Chín tháng quân trường đào tạo nguồn học viên sĩ quan tại Trung đoàn Bắc Bắc, Sư đoàn Quân Tiên Phong anh hùng, giữa đêm khuya thinh lặng, bỗng tiếng còi báo động vang lên. Tiếng đầu rất đanh và gọn để những chàng trai mười tám đôi mươi, đang tuổi ăn tuổi ngủ, sau một ngày quần lộn trên thao trường tỉnh giấc. Sau đó, kéo dài ba hồi liên tục, báo hiệu một cuộc hành quân di chuyển chính thức bắt đầu.
Yêu cầu được chỉ huy đơn vị đặt ra là, trong 3 phút mọi quân nhân phải thu dọn toàn bộ quân tư trang cá nhân cùng vũ khí trang bị tập trung tại sân đại đội hành quân di chuyển, thực hiện nhiệm vụ. Tác phong phải nhanh và chính xác, đồng chí nào chậm giờ tập trung sẽ bị xử phạt, thậm chí bị loại khỏi đội hình chiến đấu. Đây là điều tối kị, nỗi nhục của một người lính, dù trong thời chiến hay thời bình. Tất cả những “món đồ còn sót lại” như bi đông, khăn mặt, quần áo, bàn chải kem đánh răng… khi trở về sẽ không bao giờ được tìm thấy. Điều đó có nghĩa, phải bỏ những đồng phụ cấp ít ỏi ra mua lại và chịu kiểm điểm phê bình. Nhưng trước hết, đến nơi đóng quân sẽ không có đồ để dùng.
Đêm hôm ấy, chúng tôi nhận nhiệm vụ hành quân di chuyển đến cao điểm 143,7 xây dựng công sự trận địa sẵn sàng chiến đấu. Đây là một cuộc hành quân tổng hợp nằm trong chương trình huấn luyện cuối khóa. Dù đã được thông báo trước nhưng trong lòng anh em đều không khỏi nôn nao, chờ đợi. Đúng 3 giờ sáng, còi báo động vang lên inh ỏi. Tiếp là khẩu lệnh của Trung đội trưởng, Trung úy Nguyễn Xuân Trường: Đơn vị! Hành quân di chuyển thực hiện nhiệm vụ X! Giọng anh đặc trưng người vùng Thạch Thất, Phúc Thọ: dài, rè. Nhưng trong thời khắc ấy, nó đầy nghiêm trang và uy lực. Chưa đầy 5 giây, tất cả bật tung khỏi giường như những chiếc lò xo. Tôi cũng như những anh em khác nhanh chóng thu dọn quân tư trang cá nhân xếp gọn trong chiếc ba lô quen thuộc. Vì đã tập luyện nhiều lần nên động tác ai nấy đều răm rắp, theo các bước. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dây tóc 40 oát đỏ quạch, chúng tôi lần lượt sắp xếp chăn màn, quần áo, dụng cụ học tập, đồ vệ sinh cá nhân… và tất nhiên, không thể thiếu chiếc bát sắt và đôi đũa thân thiết trong hành trang đời lính. Theo thứ tự, những món đồ to nặng, ít sử dụng được xếp từ dưới đáy ba lô lên trên. Sau cùng là bó củi và cuốc xẻng bộ binh được buộc gọn bên ngoài, dưới đáy ba lô.
Khi phần việc cá nhân chuẩn bị xong, chúng tôi tiếp nhận vũ khí từ tay Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Điệp rồi nhanh chóng cơ động ra vị trí tập trung. Nguyễn Ngọc Điệp là lính cựu, anh đã trải qua chức vụ tiểu đội trưởng trước khi nhập học do đó lần nào chuẩn bị hành quân di chuyển, anh cũng nhanh hơn chúng tôi nửa phút. Khoảng thời gian ấy đủ để anh nhận chìa khóa tủ súng từ tay Trung đội trưởng, cấp phát cho “đội hình chim sẻ”. Ngoài những trang bị cá nhân, bộ phận hỏa lực, bộ phận anh nuôi còn chia nhau mang đeo thêm những vũ khí đạn và dụng cụ cấp dưỡng lỉnh kỉnh khác...
Dứt khẩu lệnh “Hạ đạt mệnh lệnh hành quân” như hét ra lửa của đồng chí Đại đội trưởng, Đại úy Nguyễn Văn Đại, chúng tôi lần lượt cơ động theo đội hình một hàng dọc. Trời còn tối đất. Người đi sau bám sát lưng người đi trước, lặng lẽ như một con trăn khổng lồ đi ăn đêm. Chúng tôi đi đến đâu, tiếng chó sủa từ những nhà dân ven đường vang dậy lên đến đó. Hồi ấy, vùng Lương Sơn, Hòa Bình dân cư còn rất thưa thớt, xa xa mới có một mái nhà của đồng bào người Mường. Trong mỗi ngôi nhà, đồng bào thường nuôi vài ba con chó, vừa để coi nhà vừa để làm kinh tế. Tiếng chó sủa là thứ tín hiệu đặc biệt thông báo độ mật và tính cấp thiết của thông tin cần truyền tải, có lẽ đánh giá được sự vô hại và tính thường xuyên của đoàn quân nên dù giữa đêm khuya nhưng nó không hề gay gắt. Bầy chó ở quả đồi bên này, thông báo cho quả đồi bên kia biết có một đoàn quân đang di chuyển. Bầy ở quả đồi bên kia tiếp nhận thông tin đồng thời báo tín hiệu trở lại, an toàn. Chả biết tôi nghĩ như vậy có đúng không nhưng thực sự, tiếng chó sủa ở đây, trong bối cảnh này nhẹ nhàng và êm dịu hơn hẳn những tiếng dữ dội của bầy chó làng bên ở quê, những ngày chúng tôi còn nhỏ, trèo sung hái trộm, bị chúng rượt đuổi.
Tờ mờ sáng, bầu trời phía đông hừng lên ấm áp. Những đồi chè xa xa được bao phủ bởi một lớp sương mờ giăng nhẹ, mỏng tang như chiếc khoăn voan trắng sữa choàng trên vai thiếu nữ. Đội hình chúng tôi vượt qua một phần ba quãng đường đến vị trí tập kết. Giữa mùa xuân, những cây mơ, mận hai bên đường khẳng khiu, gốc cây xù xì đen đúa mốc thếch như da phù thủy trong phim, nhưng trên nhành, quanh những chiếc lá bé xíu, xinh xanh non mởn, là những nụ hoa dịu dàng e ấp, những cánh hoa vươn mình đua nở. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể phân biệt được đâu là hoa mơ, hoa mận bởi cả hai đều có sắc trắng tinh khôi, rạng rỡ. Những cánh hoa mỏng manh nhưng đan cài nhau, bám rất chắc lấy cành, mặc gió, không dễ gì rơi rụng. Những nhụy hoa phơn phớt phấn vàng nơi đầu cuống, tinh mắt sẽ nhận thấy chúng thật nhỏ xinh khẽ rung rinh trong sương sớm.
Chúng tôi đi trong bạt ngàn hoa. Không chỉ trước hiên, trong vườn hay bên hàng rào nhà đồng bào, mà còn cả một rừng hoa mọc bên những tảng đá tai mèo lởm chởm. Trời càng sáng rõ, vẻ đẹp hoa càng trở nên mê đắm. Hít một hơi thật sâu, tôi nhận đầy lồng ngực thứ hương thanh khiết đến nao lòng. Hoa mơ hoa mận không nồng nàn như hoa bưởi, không đài các sang trọng như hoa nhài mà dân dã, nhẹ nhàng và dịu ngọt. Không bao giờ tôi quên cảm nhận đầu tiên trong cuộc đời được ngập tràn trong nhiều thế, những hoa.
Gần trưa chúng tôi dừng chân tại vị trí tập kết, xây dựng công sự trận địa sẵn sàng nổ súng tiến công vào các mục tiêu địch. Mỗi trung đội được lệnh xây dựng một bếp Hoàng Cầm để nấu ăn. Bếp Hoàng Cầm, một phát kiến vĩ đại của bộ đội ta từ những ngày gian khổ Trường Sơn, cho đến tận bây giờ, khi điều kiện khoa học kĩ thuật hiện đại nhưng tính đắc dụng của nó vẫn còn nguyên vẹn. Nấu ăn nhanh, bí mật, theo phương châm: “Đi không dấu, nấu không khói”.
Hơn mười hai giờ trưa, khi mùi cơm chín ngào ngạt bốc lên, dừng tay đào công sự, anh em mới cảm nhận hết cái đói đang cào lên trong khắp cơ thể. Bởi từ lúc hành quân tới giờ, mỗi người mới được một miếng lương khô và bi đông nước đun sôi để nguội.
Mười chín giờ hai mươi mốt phút tối, chúng tôi đồng loạt nổ súng tiêu diệt toàn bộ mục tiêu địch được giả tưởng tại trường bắn của Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 201. Những viên đạn vạch đường sáng rực xuyên qua màn đêm bay thẳng tới mục tiêu rồi cháy bùng lên. Kết quả thực tế trên bia đã minh chứng, chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện cuối khóa.
Toàn đơn vị tiếp tục hành quân trở về doanh trại ngay trong đêm. Dưới ánh trăng thượng tuần, mũi lê đầu nòng súng ánh lên lấp lánh. Niềm vui của những vòng hoa chiến thắng khiến những mệt mỏi dường như tan biến. Đồng chí Lê Văn Sáng, Chính trị viên Đại đội bắt nhịp cho toàn đơn vị cùng hát những bài truyền thống theo nhịp hành tiến: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về…; Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ… Cứ như thế từng bài hòa nhịp một - hai quyện với nhau. Chúng tôi về tới đơn vị khi đồng hồ chỉ đúng con số đêm hôm trước đã vang lên từng hồi còi báo động. Trên vai áo và ba lô nặng trĩu sương đêm. Quyện trong mùi mồ hôi đậm đặc còn cả mùi thơm thoang thoảng của những cánh hoa mơ, hoa mận trắng. Tất cả những dư hương ấy theo chúng tôi chìm sâu vào trong giấc ngủ và mãi mãi đi theo những nhịp bước quân hành.
Hành quân lên biên giới phía Bắc
Đầu năm 2004, giữa những ngày mưa xuân giăng mờ khắp đất trời phương Bắc, tôi khoác ba lô lên biên giới Lào Cai, thực tập cuối khoá. Chuyến tàu chợ chuyển bánh từ ga Hàng Cỏ lúc chín giờ tối, năm giờ sáng hôm sau mới đến thị xã Lào Cai. Lần đầu tiên trong đời được đặt chân lên miền biên viễn xa xôi, trong sương mờ lãng đãng, thị xã vùng biên ồn ào tấp nập, khác xa phỏng đoán của tôi trước đó. Từ ga Phố Mới qua bưu điện trung tâm lên khu vực cửa khẩu rồi vòng qua chợ Cốc Lếu, chỗ nào cũng thấy thấp thoáng bóng người, những kiện hàng hóa đủ loại, tiếng xe máy inh ỏi và xe lôi cót két. Chưa rõ mặt người nhưng những hàng quán ven đường mùi cháo lòng, mùi phở gà, miến lươn… quyện mùi khói bếp bốc lên nghi ngút thơm lừng. Tôi khoác ba lô đi trong đường phố mà lòng đầy náo nức. Biết bao nhiêu những niềm vui và khó khăn đời lính đang chờ tôi phía trước...
Sau khi quen thuộc địa bàn, tôi được giao nhiệm vụ đi một mình dọc theo đường tuần tra. Đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận thị xã chạy trên hai con sông, sông Hồng và sông Nậm Thi. Nếu như địa bàn Đồn Biên phòng A Mú Sung, thuộc huyện Bát Xát cách đó gần sáu mươi cây số là điểm đầu tiên “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” thì tại nơi giao nhau với sông Nậm Thi này, sông Hồng chảy thẳng vào nội địa nước ta.
Đúng như tên gọi Hồng Hà hàng ngàn năm nay, từ nơi thượng nguồn, nước đã ngầu ngầu sắc đỏ. Xuất phát từ sự mãnh liệt của nó nên từ cuối những năm chín mươi, cả ta và phía Trung Quốc đã bắt đầu tính toán cho xây bờ kè kiên cố. Mỗi bên đổ bê tông cốt thép, rộng cả chục mét, để nhiều năm sau dù nước lũ cũng không thể nào xói lở. Tại ngã ba sông này, đường biên giới không còn đi theo sông Hồng, mà tiếp tục chạy sang hướng Đông Bắc, dọc theo sông biên giới Nậm Thi, về phía Bản Phiệt.
Trong vai một người từ Hà Nội mới lên, lang thang kiếm mối làm ăn, tôi có cơ hội hiểu sâu hơn về những con người sinh sống dọc theo đường biên giới. Đầu tiên, tôi được những người lái đò trên sông Nậm Thi chèo kéo xuất cảnh “chui” sang Trung Quốc với giá hai chục ngàn đồng cho một lần trót lọt. Họ giới thiệu rất nhiều điều thú vị phía bên kia. Ở đó có cơ hội tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”; có chợ biên giới bán đủ các mặt hàng thượng vàng hạ cám, từ vải vóc, đèn pin, quần áo, đồ gia dụng giá rẻ đến những món đồ chơi bạo lực như súng bắn điện, dao găm, mã tấu, côn nhị khúc… Đặc biệt nếu anh bạn nào có nhu cầu “tươi mát”, họ sẽ dẫn thẳng lên tầng 3 của khu chợ ba tầng, nằm trong khu vực thị trấn Hà Khẩu.
Xin nói thêm về dòng Nậm Thi. Đây là một con sông nhỏ, đôi bờ có chỗ chưa đầy hai chục mét. Vào mùa xuân, nước cạn đến tận đáy khiến những tảng đá xám dưới lòng sông trồi lên hẳn. Trải qua không biết bao nhiêu năm được dòng nước bào mòn, những hòn đá lớn nhỏ trở nên mịn màng, trơn bóng. Hai bên bờ sông hay giữa khe đá mọc lên những cây sung sai trĩu quả. Những người có kinh nghiệm biết, chỗ nước sâu, nhiều gầm đá, rêu xanh, quả sung chín rụng, sẽ có rất nhiều ba ba suối trú ngụ, kiếm ăn. Anh Bùi Văn Thi nhà ở gần chốt Phố Tèo đặt bẫy bằng mồi cá thối và thuốc Tàu có tuần được ba bốn con. Con to nhất nặng đến hai cân chín. Ba ba suối tuy không béo vàng như dưới đồng bằng nhưng thịt chắc và dai nên bán được giá.
Ở những chỗ hẹp nhất, nước sông chỉ cao ngang đầu gối người lớn. Người ta có thể dễ dàng lội qua bên kia. Cũng ở những nơi đó, dân cửu vạn tập kết sẵn hàng lậu trong những căn nhà dựng tạm sát bờ sông, chỉ chờ đêm tối hay khi lực lượng chức năng sơ hở là họ đồng loạt ào qua. Tôi lang thang hơn mười ngày ở khu vực Đền Thượng, Phố Tèo, Bản Phiệt thì tìm ra quy luật hoạt động của nhiều nhóm đối tượng trên địa bàn. Thông qua các phương án đánh bắt, tham mưu đề xuất với ban chỉ huy đồn, nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử lí kịp thời.
Nhưng bài toán được đặt ra là, liệu bộ đội biên phòng cùng các lực lượng chức năng khác có đủ quân số và thời gian để ngăn chặn triệt để hoạt động vi phạm của những người dân nghèo sinh sống dọc bờ sông? Tôi đem những băn khoăn, trăn trở đó trình bày với đồng chí Đồn Phó chính trị. Anh nhìn tôi trìu mến rồi nhẹ nhàng phân tích: “Đồng chí mới về đơn vị nên chưa biết những hoạt động giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Mọi việc vẫn đang tiến hành đồng bộ, có như vậy sự nghiệp gìn giữ biên thùy của những người lính biên phòng chúng ta mới thực sự bền vững”.
Sau đó ít ngày, tôi được tham gia trong một đợt hành quân giúp dân trồng và chăm sóc cây dứa ở khu vực xã Bản Phiệt. Đó là những ngày đầu người dân nơi đây biết đến cây dứa trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Không mấy ai ngờ, chỉ ít năm sau, dứa đã nhanh chóng thành cây trồng chủ đạo mang lại thu nhập cao cho đồng bào. Còn bây giờ, dứa thơm Bản Phiệt đã là thương hiệu có tiếng đất Lào Cai.
Có những buổi chiều, chúng tôi hành quân dọc theo bờ sông Nậm Thi, đi qua dưới chân cầu Hồ Kiều đến điểm ngã ba sông thì quay lại. Trái hẳn với vẻ ồn ào, sôi động ở bên trên, dưới chân cầu Cốc Lếu, trên những đám cỏ khô ấm áp là nơi cư ngụ của gần chục em bé đánh giày. Gia tài của mỗi em là một manh chiếu rách và một hai bộ quần áo cũ mèm. Lần đầu gặp chúng tôi, các em lo lắng như sợ bị truy bắt. Nhưng rồi sự thân thiện đã nhanh nhanh chóng được thiết lập. Tôi hỏi một em có vẻ chững chạc hơn cả:
- Quê em ở đâu?
- Ở huyện Bảo Thắng.
- Em đi làm thế này bố mẹ có biết không?
- Biết chứ, tháng nào cũng gửi tiền về mà.
- Sao em không thuê chỗ nào mà ở trọ?
- Ở thế này là tốt rồi, còn để dành tiền cho các em đi học chứ.
Suốt bao nhiêu năm rồi nhưng hình ảnh những em nhỏ kiếm sống gần khu vực cửa khẩu vẫn in đậm trong tâm trí tôi như một phần của gia tài người lính.
Hành quân vào biên giới Tây Nam
Tháng 7/2004, ra trường tôi được điều động đi công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Đây là cuộc hành quân xa nhất trong cuộc đời, cũng là chặng đầu tiên trong hành trình tiếp bước cha anh đi bảo vệ bờ cõi phương Nam.
Nói như vậy cũng không hề quá bởi hai mươi năm trước, cán bộ biên phòng những tỉnh phía Nam, đặc biệt là Cà Mau còn thiếu khá nhiều. Đường xá đi lại khó khăn, sau ba ngày từ Thái Bình vào tới ga Sài Gòn, tôi tiếp tục đi xe khách một ngày nữa mới đến thị xã Cà Mau. Hồi đó, đường xuống miền Tây còn phải đi qua hai chiếc phà dài dằng dặc, phà Mỹ Thuận và phà Cần Thơ. Nếu đi xe đêm, phà vắng thì còn đỡ, ban ngày, những dịp lễ tết hay cuối năm, đi được qua phà có khi phải mất hơn nửa ngày.
Nhưng đi phà dài có những điều thú vị mà đi xe đò không bao giờ có được. Giữa bát ngát mênh mông trời nước, sông Tiền và sông Hậu, trên phà chen chúc đầy những con người thuộc đủ mọi vùng miền, tầng lớp khác nhau; những chiếc xe tải chứa đầy hàng hóa; những chiếc xe lôi chất đầy những quài dừa, những sọt bưởi, chôm chôm hay những trái sầu riêng tỏa hương thơm ngào ngạt; những chiếc xe đò ọp ẹp, cáu bẩn nối đuôi nhau từ đầu bên này sang đến đầu bên kia. Hành khách nếu không ghi nhớ số xe sẽ rất dễ lên nhầm. Trong khoảng thời gian phà chạy, người ta bán dạo rất nhiều đặc sản miền Tây: Những bịch sơ ri đỏ tươi treo lủng lẳng, những mẹt vú sữa, sa pô chê… chất cao như núi, những chồng bánh ít lá dứa nhân dừa, bánh ú nhân đậu xanh lùm lùm di chuyển trên đầu những chị bán hàng rong; những chiếc xe đẩy xếp cơ man nào là khô cá lóc, cá trê, cá sặc bổi và cả khô rắn nước… Nhưng nhiều nhất vẫn là những người bán vé số. Họ chào mời, thậm chí dúi cả vào tay hành khách. Nhiều người không biết từ chối làm sao đành tặc lưỡi, móc bóp. Xanh xanh đỏ đỏ, sáng mua chiều bỏ, trước khi hồi hộp chờ vận rủi may. Thi thoảng, tôi lại thấy cha con người hát rong mù len lỏi trên các chuyến phà. Đứa con gái tầm hơn mười tuổi tóc lưa thưa, đỏ hoe, gầy đét như cây tăm, áo quần đen nhẻm. Vai nó quẩy chiếc bị bàng, vừa kéo cây đờn cò vừa dắt theo người cha mù lòa lần bấm từng phím lõm trên cây ghita năm dây buồn não nuột. Người cha hát mùi mẫn, nghe mà như mê mị. Người ta bảo, cha con người hát rong vừa đi kiếm sống qua ngày vừa đi tìm người mẹ trẻ đã một lần lầm lỡ.
Tôi thích cảm giác đi phà vào ban đêm. Giữa những vì sao lấp lánh dưới bầu trời và long lanh trên mặt nước, một mình đứng ngay trước mũi phà mà giang rộng hai cánh tay để gió tràn vào đầy lồng ngực và tóc bay vút ngược ra phía sau. Về sau này được đi sông và cả những chuyến đi tàu biển, tôi vẫn thích cảm giác đó. Nó khiến tôi cảm thấy mình vừa mạnh mẽ nhưng cũng vừa bé nhỏ giữa trời nước mênh mông.
Từ thị xã Cà Mau xuống đến đồn biên phòng nơi chúng tôi công tác còn phải mất một ngày đường sông nữa mới tới nơi. Xuất phát từ bến tàu A, khi trời vừa rạng sáng, chiếc tàu sơn màu xanh đỏ, thân gỗ già nua, dài khoảng hai chục thước, gầm lên như tiếng voi rống mỗi lần tấp vào gần bờ, đón hay trả khách. Dù lừ đừ như một con cá voi khổng lồ, nhưng sức nặng cùng độ choán nước tạo nên hai luồng sóng ngầm cuồn cuộn, khiến những hàng cây mọc hai bên bờ sông nghiêng rạp.
Vừa đặt chân đến đồn, tôi tiếp tục được giao nhiệm vụ đi nhận công tác tại trạm Kiểm soát Biên phòng Ông Trang nơi cửa biển Bãi Bồi. Trong buổi gặp mặt giao nhiệm vụ, đồng chí Đồn trưởng ân cần bảo: “Ban chỉ huy đồn tin tưởng vào cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản nên giao cho đồng chí phụ trách trạm. Nhiệm vụ nhiều, cán bộ thiếu vắng lại đang mùa mưa bão nên sáng mai đồng chí phải hành quân về đơn vị mới ngay”.
Tôi thực sự khá bất ngờ, vừa vui háo hức, vừa lo lắng hồi hộp. Mới rời ghế nhà trường đã được giao… làm trạm trưởng. Không biết mình có hoàn thành được không. Đi cùng tôi trên chặng hành quân lần này là một đồng chí chiến sĩ trẻ. Cậu em có nước da ngăm đen và mái tóc xoăn ôm sát, Nguyễn Văn Tạo, quê ở huyện Cái Nước, Cà Mau. Tạo bảo, em đi từ sáng sớm, lên đến đồn thì vừa đúng giờ cơm trưa. Anh chuẩn bị quân tư trang, em đưa ghé chợ Ông Trang, coi cần xài đồ gì nữa thì mua, chứ ở dưới đó lâu lâu mới có ghe hàng bông ghé, mà cũng bán không nhiều. Mình phải đi sớm kẻo chiều thường hay có mưa giông, khó qua khỏi hàng đáy. Tôi nghe theo lời Tạo, khẩn trương xếp đồ rồi hối hả lên đường. Ngoài chiếc ba lô, hành trang của tôi còn có một chiếc hòm tôn chứa đầy sách. Hai anh em ghé chợ Ông Trang. Tôi khá bất ngờ, nơi tận cùng Tổ quốc, đường xá thì khó khăn vậy mà trong chợ nhà lồng bán không thiếu đồ gì, thậm chí còn có hai tiệm vàng bán đầy ứ những món đồ trang sức và cả vàng miếng. Không có nhiều thời gian đi khám phá nên tôi chỉ mua một ít đồ lặt vặt rồi xuống xuồng ngay. Chiếc vỏ composite nhỏ xíu, chòng chành như muốn lật. Tôi lò dò mãi mới bò xuống được. Tạo thấy thế, mủm mỉm bảo: Anh cứ ngồi yên, ngay giữa xuồng, em chạy chút xíu anh sẽ thấy êm ru à.
Quả đúng như lời Tạo nói, vừa qua khỏi kinh Ông Trang ra sông Cửa Lớn, chiếc xuồng đã lướt rất nhẹ nhàng và cân bằng trên mặt nước. Hai bên bờ sông cảnh vật hiện lên hoang sơ. Những cây dừa nước xanh xanh đung đưa nhè nhẹ trong nắng vàng. Thấp thoáng xa xa mới có một mái nhà. Có mái lợp lá bàng bạc, có mái lợp tôn xam xám. Điểm chung nhất vẫn là rất đơn giản. Phía sau những hàng dừa nước là bạt ngàn rừng cây mắm và cây đước. Mắm đi trước, đước theo sau, cả tỉnh Cà Mau được phủ trùm bởi hệ thống rừng ngập mặn.
Đi được một đoạn sông trong yên bình, bỗng gió từ hướng cửa vịnh Thái Lan thổi vào mạnh dần, mũi xuồng nhấp nhô rồi nhảy chồm chồm trên những ngọn sóng trắng xóa khiến nước bắn tung toé sang hai bên, lên mặt môi mặn chát. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi biết thế nào là nước mặn của dòng sông. Tạo bảo, nước lên rồi là gió mạnh liền đó anh, không ngờ hôm nay lên sớm dữ. Cậu cho xuồng chạy theo một đường thẳng tắp, cắt chéo những khúc sông uốn lượn. Cách đó vừa rút ngắn quãng đường vừa tránh được những ngọn sóng đâm thẳng. Nhưng khi gặp con sóng lớn xô ngang, cả chiếc xuồng bỗng bay tung lên khỏi mặt nước như chiếc diều chấp chới. Chỉ còn lại cái chân vịt như sợi dây níu giữ với mặt nước. Tạo gồng cứng tay lái, uyển chuyển qua lại để chiếc xuồng khỏi bị lật. Những lúc như vậy, tôi chỉ còn biết bám chắc vào hai bên, hồi hộp cảm nhận trong niềm thú vị.
Gió càng lúc càng thổi mạnh, tiếp theo đó là những hạt mưa quất tới tấp lên đầu, trên mặt. Xuồng đi ngang giàn đáy hàng khơi. Ở khúc sông này, nhiều dòng chảy từ hai bên rừng đổ ra nên nước rất mạnh, tạo thành những luồng nước xoáy. Những tay lái không cứng không dám đi ngang đây. Tạo nói to như ra lệnh: Anh ôm chặt lấy phao rồi bám chắc vào xuồng. Mình phải vượt qua hàng đáy không trời tối mất. Nói rồi cậu tăng ga hết cỡ, gồng cứng tay lái. Chiếc xuồng chồm lên rồi lại rơi xuống tới tấp, đi mà như bay trên mặt nước. Tiếng sóng đập vào dưới đáy nghe dồn dập, liên hồi như tiếng pháo nổ. Hàng đáy được cặm bằng những cây dừa cổ thụ mười mấy hai chục thước mà muốn ngập lút. Nước rút siết vào trong miệng lưới ào ào như thác chảy. Phải mấy phút sau, chúng tôi mới vượt qua được khúc sông nguy hiểm này. Quân phục tôi đã ướt đẫm mồ hôi từ lúc nào. Sau này tôi mới biết, trong một đêm trăng sáng, cách đó không lâu, ba thanh niên ấp Cồn Cát khi đi ngang qua đây do không giữ vững tay lái đã bị nước cuốn phăng vào trong hàng đáy.
Hai mươi lăm năm quân ngũ, tôi đã đi nhiều nơi trên dặm dài đất nước, từ ngày đầu ngập ngừng, bỡ ngỡ đến những bước chân hăm hở, tự tin. Trên mỗi chặng đường, trái tim tôi đều ghi đậm tình yêu với những con người và miền đất quê hương.
Tân An, tháng 10/2024
N.H
VNQD