Xã Ia O thuộc huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là một xã vùng biên với sự đứng chân của bộ đội biên phòng và các đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng của Binh đoàn 15. Thôn Mit Jep có dân cư đông, với 1.600 nhân khẩu, đa số là người Jarai. Có mặt ở đây mới thấy vai trò của những người lính làm nhiệm vụ kinh tế quốc phòng trong việc gắn kết bà con nhân dân, xây dựng địa bàn biên giới vững vàng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ia O có tới hai nhà thờ trên địa bàn, một nhà thờ Tin Lành và một nhà thờ Thiên chúa giáo. Trưởng thôn, Bí thư chi bộ là một thanh niên sinh năm 1990, anh K’so Chu. Anh K’So Chu cho biết, làng Mit Jep có 21 đảng viên. Tình hình an ninh trật tự trong làng có nhiều biến chuyển tốt, nhân dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Mit Jep cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021. Đây cũng là làng có số người vào làm công nhân cao su tại Công ty 715 cao nhất trong xã, 116 hộ dân tham gia trên tổng số 359 hộ. Cũng như nhiều thôn khác của xã Ia O, ở đây không có người nghiện ma túy, không có hộ nghèo. Tôi hỏi về những vụ việc mất an ninh, Trưởng thôn K’So Chu nghĩ một lúc mới kể được vài vụ các cháu thiếu niên vài năm trước có lấy trộm một số đồ dùng nhu yếu phẩm, nhưng hiện tượng ấy đã được tổ tự quản trong thôn gặp gỡ, giáo dục ngay và không còn tái diễn.
Tổ tự quản là một mô hình hoạt động khá hiệu quả, thể hiện sự kết hợp quân dân ăn ý ở nơi vùng biên này. Bí thư chi bộ - Trưởng thôn K’So Chu chính là Tổ trưởng Tổ tự quản, tổ viên là một số thanh niên trong thôn, trong đó có nhiều người đồng thời là công nhân trong đội sản xuất của Công ty 715.
Đứng chân trên địa bàn thôn Mit Jep là Đội sản xuất số 7 của Công ty 715. Với gần 300 ha cao su nhóm 1 và 2 có tuổi đời trên 20 năm, đang ở chu kì khai thác mủ, Đội sản xuất số 7 đã thu hút hơn 100 lao động, trong đó đa số là bà con người Jrai tại địa bàn. “Toàn đội có 87 thợ cạo thì trong đó có tới 64 thợ là người địa phương”, Thiếu tá Lương Tú Sơn, Đội trưởng Đội sản xuất số 7 cho biết. Trong số đó có những người đã đạt tay nghề kĩ thuật cao như K’So Long liên tục đạt danh hiệu Thợ cạo giỏi cấp Đội và Công ty. Puih Pdut tay nghề tuy không giỏi bằng K’So Long nhưng lại đạt sản lượng cao nhờ các kĩ năng tổng hợp trong thu hoạch mủ như việc kiểm tra bát, cạo tận thu từng cây rìa, cây nhỏ, đầu tư thời gian cạo lâu hơn, bóc mủ bám… nên hàng năm sản lượng mủ cao su của anh thường đạt đến 130%. Việc thu hút lao động địa phương đã tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con Jrai, hơn thế nữa là từng bước giúp bà con làm quen với nền nếp, tác phong, kỉ luật lao động, khắc phục dần tính ngẫu hứng, thích thì làm, không thích thì nghỉ. Như Puih Cúc, khi còn làm lao động tự do làng có việc ma chay là sẵn sàng nghỉ vài ba ngày nhưng khi vào làm công nhân tại Đội đã làm quen dần, từng bước có sự chuyển biến tốt. Hai vợ chồng cùng làm công nhân tại Đội 7, ba năm trở lại đây vợ chồng anh đều vượt sản lượng, từ thu nhập ổn định, hai vợ chồng anh đã tích cóp làm được nhà mới. Tỉ lệ công nhân hai vợ chồng cùng làm trong Đội như vợ chồng Puih Cúc chiếm 10% và đều là những hộ có thu nhập tốt, tạo nền tảng để xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái.
Trẻ em làng Mít Jep dưới tán rừng cao su. Ảnh: NXT
Sở dĩ làng Mít Jep có được sự bình yên như vậy là bởi quân và dân nơi đây luôn có sự gắn kết hòa quyện. Đội sản xuất gắn với thôn làng, nhân dân gắn kết với nhân dân. Một trong những mô hình được Đội sản xuất số 7 triển khai hiệu quả tại Thôn Mít Jep đó là mô hình hộ gắn kết. Do đặc điểm lao động của Công ty tuyển dụng từ nhiều địa phương khác nhau nên ở Mít Jep, ngoài dân tộc Jrai chiếm đại đa số, trên địa bàn còn có sự chung sống của nhiều dân tộc khác di cư từ các địa phương trên cả nước về như Mường, Thái, Khơ mú, Tày… Thế nhưng các dân tộc đều chung sống hòa bình, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Giới thiệu với chúng tôi về mô hình gắn kết hộ, Đội trưởng Lương Tú Sơn và Trưởng thôn K’So Chu đã dẫn tôi đến gặp hai gia đình của anh Lò Văn Tỏa và gia đình anh Puih Đệ. Khi tôi tiếp xúc với hai hộ gia đình này thì điều thú vị là chỉ 4 người nhưng có tới 3 dân tộc. Anh Lò Văn Tỏa là người Thái, vợ anh, chị Cao Thị Vinh là người Mường, còn hai vợ chồng Puih Đệ và K’So Bứt là người Jrai. Anh Tỏa sinh năm 1987 từ Bá Thước, Thanh Hóa vào làm công nhân tại Công ty 715, hiện anh làm bảo vệ của Đội sản xuất số 7. Vợ anh cũng là người cùng quê, chung một chuyến xe vào Gia Lai do Binh đoàn 15 về tuyển công nhân năm 2011. Ngoài vai trò tại Đội sản xuất, Tỏa cũng đồng thời là thành viên của Tổ tự quản Thôn Mít Jep. Hai hộ thực hiện gắn kết từ năm 2012, khi mô hình này được triển khai tại các đội sản xuất của Công ty 715. Họ đã có những tương tác, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ, thăm hỏi nhau trong cuộc sống. Vì là người bản địa nên gia đình Puih Đệ có vườn rộng, ngoài làm công nhân trong Đội gia đình anh còn phát triển tiểu điền tại gia đình. Trước đây vườn nhà anh trồng sắn, sau đó nhờ bàn bạc nhau trong việc gắn kết hộ, để tăng hiệu quả kinh tế gia đình anh đã chuyển sang trồng cao su với diện tích hơn 2 ha. Nhà anh Tỏa vì là người di cư đến nhưng ngoài việc hai vợ chồng làm công nhân trong đội anh cũng đã tích cóp mua được rẫy và trồng gần 1 ha cao su. Hiện nay ngoài lương công nhân tại Đội sản xuất số 7 gia đình Puih Đệ có thu nhập trên 200 triệu đồng một năm, gia đình Lò Văn Tỏa cũng có thu nhập thêm 70-80 triệu đồng mỗi năm. Gia đình Tỏa ở trong khu đất do Đội sản xuất số 7 cấp, còn gia đình Đệ ở trong thôn, gần nhà rông. Mỗi khi gia đình hai bên có việc họ đều thăm hỏi, tương trợ lẫn nhau. Nếu như gia đình người này có việc thì người kia sẵn sàng cạo mủ cao su giúp, vì đêm nào người công nhân cũng phải đi cạo mủ để nhập về điểm thu gom của Công ty. Công việc vất vả, vừa gánh vai trò thành viên tổ tự quản, Puih Đệ còn đảm đương vị trí tổ trưởng với 19 công nhân thuộc Đội sản xuất số 7.
Hai hộ gia đình anh Lò Văn Toả và anh Puih Đệ trong mô hình Gắn kết hộ. Ảnh: NXT
Trưởng thôn K’So Chu cho biết, bên cạnh Tổ tự quản 6 thành viên thôn Mít Jep còn có Tổ Dân quân tự vệ và Tổ An ninh trật tự 4 thành viên. Có thể nói, những công nhân của Đội sản xuất số 7 đã đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thôn. Các tổ tự quản, tổ dân quân tự vệ khi họp đều mời lãnh đạo đội tham gia. Việc phát huy vai trò của những tổ này đã góp phần duy trì sự ổn định của thôn, của xã. Từ sự ổn định ấy bà con yên tâm chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình. Thu nhập bình quân của Thôn hiện là 55 triệu/người/năm. Thôn Mít Jep có trên 10 hộ dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Để đạt được danh hiệu này cần đạt các tiêu chí về diện tích vườn tạp hay chuyên canh, có quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tốt, sự thu chi hợp lí, hiệu quả cao, cùng với đó là sự trao đổi kinh nghiệm với các hộ khác, giúp nhau cùng tiến bộ. Bản thân gia đình Trưởng thôn K’So Chu cũng có mức thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Nhờ sự ổn định kinh tế mà thôn cũng thực hiện tốt các hoạt động xã hội như tổ chức các ngày lễ tết gắn kết nhân dân, quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng (thôn Mít Jep có 11 gia đình chính sách). Thôn cũng tham gia tích cực các hoạt động văn hóa của xã, huyện, tỉnh tổ chức trên địa bàn như lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô kô, thi đội cồng chiêng... Đội sản xuất số 7 đứng chân trên địa bàn cũng là đội tiêu biểu của Công ty 715, không chỉ về hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn về việc xây dựng địa bàn, 4 năm liên tục Đội được BTL Binh đoàn 15 tặng bằng khen về công tác dân vận, cá nhân Thiếu tá Lương Tú Sơn cũng được tặng bằng khen về công tác này.
Từ những việc làm nhỏ ấy, vùng biên Ia O ngày một khởi sắc. Mỗi khi mùa xuân về, mảnh đất này lại như đầm ấm và trù phú hơn. Do đặc điểm bà con Jrai không ăn tết nguyên đán như người Kinh mà theo mùa lúa mới, bởi vậy ngày tết ở đây không rộn ràng như các vùng người Kinh, trước đây bà con các dân tộc miền Bắc vào dịp tết thường về quê ăn tết, nhưng mấy năm gần đây, rất nhiều hộ đã ở lại ăn tết tại buôn làng, bà con Jrai nhiều người cũng đã cùng ăn tết cổ truyền của dân tộc, cùng gói bánh chưng, mổ lợn chung vui. Mái nhà rông ngày tết trở nên tưng bừng ấm áp với tiếng nói, tiếng cười của cộng đồng các dân tộc anh em.
BẢO AN
VNQD