Họa sĩ Quang Thọ: Cả đời sáng tác về người lính và chiến tranh cách mạng

Thứ Năm, 19/12/2024 06:32

. THU HOÀNG

Là người được biết đến với nhiều tác phẩm như Nuôi giấu thương binh; Bác Hồ với các dũng sĩ miền Nam; Nắng xuân 1975; Hà nội nhưng năm đánh Mĩ; Có một mùa trăng; Từ nhân dân mà ra,... họa sĩ Quang Thọ, người gắn bó với quân đội từ năm 16 tuổi cho đến khi về hưu luôn nặng tình với mảng đề tài chiến tranh cách mạng, người lính. Theo con trai ông, họa sĩ Nguyễn Quang Hải, tất cả tranh ông sáng tác đều là để “trả nợ” với đồng đội, với những hi sinh để ông cùng đất nước có được hòa bình, độc lập dân tộc.

Từ chàng trai Hà Nội đến giám đốc Xưởng Mĩ thuật Quân đội

Trước Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, khi đang là học sinh trường Bưởi, Quang Thọ đã sớm giác ngộ tinh thần yêu nước nên đã tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ Việt Minh trong “Hội thanh niên cứu quốc”. Sau độc lập, Quang Thọ mới 16 tuổi, nhưng đã hăng hái tham gia công tác tại chính quyền địa phương. Khi đó ông là Tiểu khu phó Tiểu khu Lò Đúc phụ trách công tác Thanh thiếu niên, kiêm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ Tiểu khu Lò Đúc.

Năm 1946 Pháp gây hấn, quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, Quang Thọ cùng trung đội của mình sát cánh bên lực lượng Vệ quốc đoàn, chiến đấu bảo vệ Thành Hà Nội. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông đưa trung đội của mình rút lên Hòa Bình và chính thức sát nhập vào Trung đoàn 52 - Tây Tiến.

Hoạ sĩ Quang Thọ.

Từ năm 1947-1950 ông là trung đội trưởng chiến đấu kiêm chính trị viên đại đội Như Trang, cán bộ Tiểu ban tuyên huấn - Ban chính trị trung đoàn 52 Tây Tiến. Trong suốt một thời gian dài chiến đấu trên các mặt trận Hòa Bình, được chứng kiến biết bao sự kiện bi tráng của bộ đội Tây Tiến, được đồng bào Hòa Bình cưu mang, giúp đỡ yêu thương… đã dần hình thành trong ông tình cảm đặc biệt sâu sắc với Tây Tiến với nhân dân Hòa Bình và một số tỉnh Tây Bắc. Như sau này trong các câu chuyện kể của mình, ông vẫn thường nhắc đến như là “món nợ” ân tình, một “món nợ” cần phải trả trong suốt đời mình.

Năm 1954, hòa bình lập lại, thể theo nguyện vọng của cá nhân, Quang Thọ được Quân đội cử đi học mĩ thuật tại Trường Cao đẳng Mĩ thuật (nay là Đại học Mĩ thuật Việt Nam). Ông cũng là sinh viên trung cấp khóa do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách (1956-1957) và sinh viên khóa cao đẳng 2 của trường (1958-1963).

Vào những năm 60-70, chiến trường miền Nam rực lửa, đế quốc Mĩ lại leo thang đánh phá miền Bắc ác liệt… Là họa sĩ nhưng cũng là chiến sĩ, họa sĩ Quang Thọ đã xông pha tới tất cả các mặt trận, các chiến trường ác liệt nhất để ghi chép, để vẽ, để làm công tác tuyên truyền, mở các lớp bồi dưỡng mĩ thuật cho bộ đội. Tất cả nhằm để phản ánh cuộc chiến khốc liệt, gian khổ, nhiều hi sinh nhưng hào hùng của dân tộc từ Vĩnh Linh, Quảng Bình với mẹ Suốt, tới đảo Cồn Cỏ với anh hùng với Thái Văn A, từ chiến trường B2, B3, tới các mặt trận Thành cổ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong suốt gần 20 năm, ông thường xuyên có mặt ngoài chiến trường, sáng tác hàng loạt các tác phẩm, với nhiều chất liệu, kích thước về đề tài chiến tranh cách mạng, về lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời cuộc.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi trở về Hà Nội công tác, ông là họa sĩ của Báo Văn nghệ Quân đội, sau chuyển sang Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đất nước thống nhất chưa lâu, chiến tranh biên giới nổ ra, họa sĩ Quang Thọ lại ôm cặp vẽ, vác ba lô lên biên giới, ông lại tiếp tục những hành trình quen thuộc của mình, tiếp tục sáng tác những tác phẩm phản ánh lại cuộc chiến bằng “vũ khí tuyên truyền” của riêng mình.

Tháng 9 năm 1974 do sự phát triển của phong trào Mĩ thuật trong quân đội, ông được Tổng cục Chính trị yêu cầu thành lập Xưởng mĩ thuật Quân đội và làm giám đốc đầu tiên của Xưởng. Năm 1985, khi xưởng sáp nhập với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, ông về hưu với quân hàm đại tá và tiếp tục sáng tác. Có thể nói, khi đó, ông đã được sống và làm việc đúng đam mê của mình trong hình ảnh của một họa sĩ, kể cả tóc râu khi đó cũng mới được để dài.

Nhiều lần Quang Thọ nói về “món nợ” của mình, ông say sưa sáng tác và chỉ theo đề tài duy nhất là chiến tranh cách mạng và người lính. Ông được phân một căn hộ tập thể ở khu tập thể Nam Đồng và chỉ để làm phòng tranh cũng như phục vụ sáng tác. Họa sĩ Quang Thọ chuyên tâm, miệt mài vẽ cho đến những năm cuối đời, khi sức khỏe đã yếu. Những bức tranh của ông thường có khổ lớn, từ 60x80cm, 120x80cm hay 210x100cm… Ông sử dụng nhiều chất liệu nhưng chủ yếu là sơn mài. Trong các sáng tác sơn mài, họa sĩ Quang Thọ cũng sử dụng khá nhiều vàng lá để làm nổi bật những chi tiết trong tranh. Có thể thấy rõ “sự chịu chơi” này trong các tác phẩm: Tượng đài các chiến sĩ vô danh; Hà Nội những năm đánh Mỹ; Đá cũng nảy mầm xanh,…

Những câu chuyện có thật trong tranh

Nói đến họa sĩ Quang Thọ nếu không nói đến Nuôi giấu thương binh sẽ là một thiếu sót, câu chuyện của bức tranh không chỉ là những hình ảnh đẹp về hội họa mà còn về tình quân dân gắn bó trong những năm tháng khó khăn nhất của Trung đoàn Tây Tiến - “đoàn quân không mọc tóc”. Thông qua năng lực chuyên môn của mình, họa sĩ Quang Thọ muốn gửi tới bà con Hòa Bình nói riêng và nhân dân các tỉnh miền núi Tây Bắc trên đường hành quân, chiến đấu của trung đoàn 52 nói chung, lời tri ân từ tận đáy lòng.

Bức tranh được lên phác thảo từ năm 1960, nhưng đến năm 1986, Nuôi giấu thương binh mới thực sự hoàn thiện và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bức tranh kể về câu chuyện có thật của một chiến sĩ đang kiệt sức, lả đi trong quá trình hành quân, cả tiểu đội không có thuốc hay thức ăn. May mắn lúc đó, một phụ nữ dân tộc sinh sống tại Hòa Bình địu con nhỏ đi nương gặp, chị đã lặng lẽ tháo địu đặt đứa con xuống bên đường và không ngần ngại vắt chính những giọt sữa của mình để cứu sống người lính trong cơn nguy kịch. Bối cảnh tranh miêu tả khu rừng nhiệt đới nhiều màu sắc có một bà mế già người dân tộc đang chăm sóc một anh thương binh trên chõng tre. Ở tiền cảnh, một người phụ nữ đang vắt sữa từ bầu ngực vào chiếc bát. Câu chuyện có thật khi lên tranh được được họa sĩ Quang Thọ xử lí khéo léo, riêng có để vừa phù hợp với văn hóa xem tranh khi đó, vừa nói lên được cách giải quyết tình huống tài tình của một tác phẩm nghệ thuật.

Ở châu Âu, từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, có rất nhiều tác phẩm kể về việc cứu sống con người từ dòng sữa mẹ, tuy nhiên, câu chuyện của các họa sĩ đều lấy cảm hứng từ câu chuyện người con gái cứu người mẹ đang chịu án tử hình. Các bức tranh hay các tác phẩm điêu khắc đều miêu tả chính xác nội dung câu chuyện - người con cho cha bú trực tiếp. Nguyên gốc câu chuyện có tên Roman Charity, được ghi lại trong cuốn IV, bộ Nine Books of Memorable Acts and Sayings of the Ancient Romans (9 cuốn sách về hành động và câu nói đáng nhớ của người La Mã cổ đại) của nhà lịch sử học Valerius Maximus viết vào những năm 30 Kỷ Công Nguyên. Câu chuyện của người Hi Lạp cổ kể về người con gái cho mẹ bú khi mẹ bị giam không được ăn uống để chờ án tử hình.

Điều này cho thấy sự khác biệt giữa nghệ thuật miêu tả qua hội họa của phương Tây và phương Đông để thấy rằng họa sĩ Quang Thọ đã có những học hỏi, ghi nhận từ thực tế cùng sự sáng tạo để có tác phẩm của riêng mình. Trong sáng tác, Quang Thọ đã cho thấy sáng tạo của mình để đưa câu chuyện thực tế vào tác phẩm một cách trong sáng, hài hòa nhưng vẫn trọn vẹn nội dung. Tác phẩm không chỉ dừng lại ở nội dung hội họa, ông còn lan tỏa rộng hơn câu chuyện về tình quân dân gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ trong hoàn cảnh khó khăn.

Khi tìm đến họa sĩ Quang Hải, con trai của họa sĩ Quang Thọ, tôi được biết thêm về câu chuyện trong bức tranh Đứa con đầu lòng và kí họa Tù binh phi công Mỹ Maydan J Lockhart (1965).

Trong bức Đứa con đầu lòng (giải thưởng Triển lãm mĩ thuật toàn quốc 1960 - Bảo tàng mĩ thuật VN) khi sáng tác, họa sĩ Quang Thọ lấy hình tượng của một anh công nhân và cô gái công nhân mỏ Quảng Ninh làm nhân vật chính. Khi đó, họ là hai nhân vật tách biệt, không liên quan đến nhau. Mãi đến năm 2023, khi “anh công nhân mỏ” trong tranh có dịp quay lại Hà Nội và tìm đến nhà của họa sĩ Quang Thọ ở khu tập thể Nam Đồng theo chỉ dẫn của mọi người, gia đình họa sĩ Quang Thọ mới biết được thông tin rằng về sau, hai nhân vật chính đã kết hôn. Chi tiết bất ngờ này, khiến gia đình họa sĩ đều rất vui và bất ngờ khi không nghĩ rằng, họa sĩ Quang Thọ tình cờ trở thành một ông mối.

Năm 1994, một phiên dịch viên dẫn đến nhà họa sĩ Quang Thọ một người Anh để tìm mua các bức kí họa chiến trường trong chiến tranh Việt Nam. Khi xem đến bức Tù binh phi công Mỹ Maydan J Lockhart, người đàn ông ngoại quốc vô cùng ngạc nhiên và hỏi về bức tranh. Họa sĩ Quang Thọ có kể câu chuyện về việc ông trực tiếp vẽ kí họa viên phi công Mĩ đầu tiên bị bắt sống ở miền Bắc tháng 3 năm 1965 tại Vĩnh Linh, Quảng Trị. Người đàn ông giơ bức kí họa lên và hỏi họa sĩ rằng ông có thấy quen không. Bởi ông chính là viên phi công Maydan J Lockhart, nhân vật chính trong kí họa. Vậy là 29 năm sau, họa sĩ và nhân vật gặp nhau trong một hoàn cảnh khác, thời cuộc khác và vị trí mới họa sĩ - người sưu tầm tranh.

Họa sĩ Quang Thọ mất năm 2002 tại Hà Nội. Ông để lại một gia tài đồ sộ với rất nhiều các tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị văn hóa dân tộc. Ông cũng từng thừa nhận mình được gia đình, đặc biệt là người vợ ủng hộ hết lòng để ông có điều kiện tốt nhất trong sáng tạo và thỏa đam mê hội họa. Tranh của ông ngoài có bối cảnh lịch sử, miêu tả hiện thực thì các chi tiết trong tranh được ông nắn nót, gọt giũa vô cùng tỉ mỉ, tinh tế. Mảng màu, hình khối, ngôn ngữ sáng tác luôn được ông tìm tòi, đổi mới để tạo dựng một phong cách độc đáo. Xem tranh ông, người xem không chỉ biết đến lịch sử mà sẽ có những rung cảm riêng về hội họa không có biên giới sáng tạo.

Với những cống hiến đặc biệt trong sự nghiệp của mình, họa sĩ Quang Thọ được Đảng và nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 1, năm 2001. Ông cũng được tặng Huân chương Độc Lập hạng 3 cùng nhiều giải thưởng, nhiều huân, huy chương cao quý khác của Quân đội, của Nhà nước, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm của ông được các bảo tàng quốc gia trong nước và các nước trên thế giới, các tổ chức, cá nhân lựa chọn đưa vào bộ sưu tập của mình./.

TH

 

 

 

VNQD
Thống kê