Đầu thập niên 80, do hoàn cảnh đặc biệt, tôi theo cha từ quê lúa vào ở cùng cha tại Trường Sỹ quan Lục quân 3. Một ngôi trường cũng vừa bắt đầu ra đời. Bao nhiêu những kí ức, những kỉ niệm đầu đời với tuổi thơ của tôi dần hình thành và ăn sâu vào tâm trí từ nơi đây.
Những lần được ngồi cùng xe với các ông, các bác, các chú, nghe họ nói về công việc, trong trí nhớ dẫu còn non nớt của mình, tôi đã dần in sâu đậm những thuật ngữ “Đào tạo sĩ quan binh chủng hợp thành cấp phân đội”; “Giỏi công việc của cấp mình, thành thục công việc của cấp dưới, biết công việc của cấp trên”; “Gấp rút để khai giảng khóa I đúng thời gian quy định của Bộ”; “Sớm ổn định cơ sở vật chất để học viên yên tâm học tập, đạt kết quả tốt nhất ngay từ đầu”… Cùng trang lứa với tôi còn có thêm mấy bạn nữa, nhưng chỉ có tôi là hàng ngày mang cặp sách xuống khoa Cơ bản và khoa Công tác Đảng để học văn hóa, do cha nhờ các chú dạy dỗ.
Thiếu tướng Hà Vi Tùng thời trẻ. Ảnh: TL
Phải nói rằng, tôi vô cùng may mắn có những tháng năm được sống gần với Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Đó là hình ảnh người ông hiền từ, đức độ. Lúc đó, một đứa trẻ như tôi chưa có hiểu biết, khái niệm về một vị tướng. Chỉ cảm nhận qua sự quan tâm, yêu thương hằng ngày ông dành cho tôi. Tôi còn nhớ trước cửa phòng ông ở có trồng rất nhiều hoa đẹp. Nhiều nhất vẫn là hoa đồng tiền với đủ màu sắc, vì ông rất thích loài hoa này. Mỗi khi vào dịp lễ tết, hay sinh nhật là ông lại gọi chúng tôi lại và tặng hoa. Những ngày không phải đi công tác, ông ở lại trường cùng đám trẻ chúng tôi và chú cần vụ chăm sóc và trồng thêm hoa. Ông thường chơi thể thao cùng cán bộ, học viên vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Thỉnh thoảng, chúng tôi kéo nhau vào phòng ông chơi và xem sách báo, ông lại tìm cho chúng tôi thật nhiều truyện tranh thiếu nhi và họa báo, thứ mà trẻ con đứa nào cũng thích. Chúng tôi luôn gọi ông là “ông Tùng”. Mỗi lần đến chỗ ông, chúng tôi leo trèo đùa nghịch rất ồn ào, nhưng ông lại cảm thấy rất vui. Thỉnh thoảng ông còn bế những bạn nhỏ, kể chuyện cho chúng tôi nghe. Đi công tác xa về, lúc nào ông cũng gọi chúng tôi đến để chia quà. Đối với đám trẻ chúng tôi khi ấy, ông Tùng gần gũi và tình cảm như một người ông trong gia đình.
Cuối những năm 80 ấy, nghe cha tôi nói nhà trường sáp nhập về Trường Sĩ quan Lục quân 2, khi ấy, tôi vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu được những việc như vậy. Những đoàn xe ngày đêm bắt đầu hối hả chuyển quân, cơ quan hiệu bộ bận rộn, khẩn trương nhưng tôi cảm nhận một không khí không được vui. Cha tôi được điều động vể Quân đoàn 3 (đứng chân tại Pleiku – Gia Lai). Vậy là từ nay chúng tôi phải xa “Ông Tùng” rồi. Một nỗi buồn miên man, chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại ông. Sẽ không còn những lần được đến nhà ông ăn những bữa cơm rất ấm áp, không được các cô con gái ông đưa đi công viên, đi mua sắm, lòng tôi cảm giác trống trải như phải chia tay những người thân yêu ruột thịt.
Chuyển đến Pleiku, tôi dành hết thời gian, tâm sức cho việc học hành, tốt nghiệp THPT, rồi tốt nghiệp sư phạm, tôi trở thành giáo viên. Cha tôi thì cùng các cô chú thành lập “Hội đồng đội Trường Sĩ quan Lục quân 3”. Cha còn dành thời gian đi sưu tầm tư liệu để dựng phim về nhà trường, về ông Hà Vi Tùng. Cũng từ đây, nhờ những tư liệu tranh ảnh, sách báo mà tôi có dịp biết nhiều hơn về Thiếu tướng Hà Vi Tùng. Nhắc đến ông, ai cũng hiểu thân thế sự nghiệp của ông luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng và công cuộc giải phóng dân tộc từ ngày đầu cách mạng cho đến khi thống nhất đất nước. Đại tướng Nguyễn Quyết (Nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), trong Lời mở đầu cuốn sách “Hà Vi Tùng – Một người lính Nam tiến” (Nxb Đồng Nai, 2015) đã gọi Thiếu tướng Hà Vi Tùng là “Một người thuộc thế hệ đặc biệt”. Đặc biệt bởi “đó là thế hệ đón nhận Cách mạng ở lứa tuổi 20, với sức trẻ và nhiệt huyết của tuổi thanh niên, đã tham gia khởi nghĩa và xây dựng chính quyền nhân dân non trẻ, đã gia nhập đội quân với “thuốc súng kém, chân đi không”, để “đem thân liều cho Nước”.
Nhà văn Đào An Duyên (thứ hai từ phải qua) cùng bố (bìa trái) dự buổi giới thiệu cuốn sách "Cha tôi, Thiếu tướng Hà Vi Tùng" tại Nha Trang, Khánh Hòa, tháng 12 năm 2024. Ảnh: TGCC
Từ quê hương cách mạng Tuyên Quang, người thanh niên Hà Vi Tùng được giác ngộ và tham gia cách mạng, rồi gia nhập quân đội. Sau khi được đào tạo qua lớp Quân chính khóa 1, ông xung phong vào Nam, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, dấu chân ông đã in khắp các chiến trường, từ Bắc vào Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày đầu chống Pháp, đã trải qua những năm tháng ác liệt trên chiến trường chống Mĩ, đã có mặt ở chiến trường Lào, Campuchia để làm nhiệm vụ Quốc tế”. Ông từng tham gia xây dựng và chỉ huy Tiểu đoàn 365, Trung đoàn 803 và những đơn vị chủ lực của Quân khu V. Bước sang thời kì kháng chiến chống Mĩ, ông là cán bộ cấp sư đoàn và mặt trận, đánh thắng Mĩ trên chiến trường Tây Nguyên. Thời gian sau này ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo cán bộ, và vẫn thường xuyên được cử ra chiến trường, chỉ huy chiến đấu trên các mặt trận Trị Thiên, Hạ Lào, Biên giới phía Bắc, Biên giới Tây Nam…
Thiếu tướng Hà Vi Tùng không chỉ là vị tướng tài ba nơi trận mạc, ông còn là nhà quản lí và nghiên cứu khoa học tại các nhà trường và học viện một cách xuất sắc. Ông từng giữ các trọng trách như Chủ nhiệm khoa Chiến dịch của Học viện cấp cao, Cục trưởng Cục quản lý khoa học quân sự và gần 10 năm làm hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 3. Tại trường Sĩ quan Lục quân 3, ông đã cùng tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đào tạo ra hàng ngàn sĩ quan binh chủng hợp thành, đáp ứng nhu cầu của các chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc. Sau này số cán bộ do trường đào tạo hầu hết đểu trở thành cán bộ cấp cao, trong đó có hàng chục tướng lĩnh được bổ nhiệm giữ các trọng trách tại các quân khu, quân đoàn, các học viện, trường sĩ quan trong toàn quân.
Trong cuộc đời binh nghiệp của vị tướng tài ba ấy, có một quãng ông đã in đậm dấu ấn cá nhân, dốc không ít tâm sức của mình vào quá trình xây dựng và lãnh đạo Trường Sĩ quan Lục quân 3. Tháng 5 năm 1981, Bộ Quốc phòng điều động ông về làm Hiệu trưởng của trường trong điều kiện đất nước vừa đi qua những cuộc chiến tranh, còn chồng chất khó khăn. Ngay trong tháng 9 năm 1981, thực hiện quyết định của Bộ Tổng Tham mưu, Trường Sĩ quan Lục quân 3 phải di chuyển từ huyện Phù Cát, tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định) về Dục Mỹ, thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) để đảm bảo cơ sở huấn luyện. Trong buổi đầu bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, nan giải nhất là vấn đề nước sinh hoạt. Trường đóng chân trên địa bàn đồi núi được xem là nơi “rừng thiêng nước độc”. Nhân một lần giao ban huấn luyện, đồng chí Tiểu đoàn phó chính trị của Tiểu đoàn 5 báo cáo hội nghị xin xe bố trí chở nước ăn cho đơn vị và chở học viên đi tắm ở Suối Lớn cách đơn vị tầm 2km, Hiệu trưởng Hà Vi Tùng đi kiểm tra tình hình nước sinh hoạt của toàn trường, ông đã trăn trở suy nghĩ tìm phương pháp khắc phục. Cuối cùng, ông đã quyết định xây dựng đề án thi công đưa nước từ đèo Phượng Hoàng (cách đơn vị 12km) về. Đây là một quyết định vô cùng táo bạo lúc bấy giờ, và khi ông đề xuất còn chưa nhận được sự đồng thuận, còn khiến nhiều người nghi hoặc. Nhưng bằng bản lĩnh của người chỉ huy từng kinh qua trận mạc, ông Tùng vẫn kiên quyết phải làm cho bằng được, ông hạ quyết tâm: “Mỹ - ngụy không làm được. Nhưng chúng ta đã thắng Mỹ, nhất định chúng ta sẽ làm được”.
Suốt 6 tháng thi công đường ống nước, ông Tùng đã đích thân chỉ đạo mọi công việc. Từ khảo sát địa hình, tính toán số liệu kĩ thuật để giải trình trước lãnh đạo nhà trường và xin ý kiến Bộ Quốc phòng; đến công tác tổ chức bảo vệ đập nước thượng nguồn, tuần tra bảo vệ đường ống khi hoàn tất… Là người chứng kiến giây phút những dòng nước đầu tiên phun chảy từ đường ống dẫn nước về trường, cha tôi vẫn rưng rưng nhắc lại niềm vui sướng khi ấy. Tất cả những người có mặt đều òa lên hò reo. Nguồn nước sạch ấy không chỉ phục vụ cho cán bộ, học viên, chiến sĩ của nhà trường mà còn cung cấp cho bà con nhân dân các xã Ninh Tây, Ninh Sim (Ninh Hòa) khi ấy. Vào thời điểm bấy giờ, việc xây dựng được 12km đường ống dẫn nước sạch về đơn vị không chỉ đảm bảo cho sự sống, sự tồn tại, giải quyết tất cả những khó khăn về nguồn nước mà trước đó nhiều đơn vị không khắc phục được. Mà còn góp phần rất lớn vào việc tăng gia sản xuất cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, cũng như thay đổi bộ mặt cảnh quan thiên nhiên và sinh thái môi trường nội bộ đơn vị và vùng phụ cận.
Cuốn sách về Thiếu tướng Hà Vi Tùng do con trai ông, Đại tá Nam Hà thực hiện mới được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ra mắt bạn đọc. Ảnh: ĐH
Trong tất cả những cuộc gặp mặt truyền thống Trường Sĩ quan Lục quân 3, những cán bộ, học viên năm xưa đã từng học tập và công tác dưới mái trường ấy luôn dành tình cảm cho Thiếu tướng Hà Vi Tùng và việc làm đã trở thành thông lệ, đó là đến viếng mộ người cố Hiệu trưởng tại xã Vĩnh Phương, Thành phố Nha Trang.
Kết thúc cuộc đời binh nghiệp đầy vẻ vang, ông đã trở về nơi bắt đầu của cuộc chiến đấu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của mình trên vùng đất nhỏ nằm lặng lẽ bên Quốc lộ 1, cạnh núi Đá Lố - địa danh gắn với trận chiến Xuân Hiệp - Cầu Ngói của tiểu đoàn 360 do ông chỉ huy vào tháng 3 năm 1949.
Mọi người thường gọi Thiếu tướng Hà Vi Tùng là Hiệu trưởng đầu tiên nhưng trên thực tế ông là Hiệu trưởng duy nhất trong quá trình hình thành và phát triển của Trường Sĩ quan Lục quân 3. Những việc ông đã làm, những dấu ấn ông để lại trong lòng anh em đồng đội đã được chứng minh qua năm tháng. Vị tướng ấy đã truyền đi nguồn cảm hứng thật đẹp, về tài năng, về nhân cách, về tấm lòng, tình cảm trọn cuộc đời mình tận hiến cho đất nước, cho nhân dân. Còn với riêng tôi, có lẽ “ông Tùng của tôi” – như cách tôi ôm cổ gọi ông mỗi lần ông dang tay đón tôi ngày thơ bé, đã có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn từ những năm tháng đầu đời ấy, để tôi phấn đấu nỗ lực học tập trong suốt cuộc đời mình.
ĐÀO AN DUYÊN
VNQD