. NGUYỄN XUÂN THUỶ
70 năm sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, rất nhiều những bức ảnh quen thuộc đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc và trở nên quen thuộc mỗi khi nói về Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng không nhiều người biết rằng, nó đã được chụp bởi một nghệ sĩ - chiến sĩ gạo cội của nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam - NSNA Triệu Đại. Những câu chuyện về cuộc đời ông từ trước đến nay cũng ít được chia sẻ với công chúng. Cho đến mãi năm 2024, trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những bức ảnh của Triệu Đại ghi lại chiến thắng lừng lẫy này mới được giới thiệu trong một triển lãm, đây cũng là triển lãm đầu tiên của cá nhân ông. Từ đó, câu chuyện về cuộc đời NSNA Triệu Đại cũng đã được hé mở với nhiều thông tin xưa nay chưa nhiều người biết.
Máy ảnh là cây súng, phim chụp như băng đạn
Nhắc đến Triệu Đại là nhắc đến những bức ảnh Điện Biên Phủ lịch sử. Mỗi khoảnh khắc xung phong của bộ đội trong những đợt tiến công của Chiến dịch, các trận đánh lớn có tính quyết định trên chiến trường đều được tái hiện dưới ống kính Triệu Đại. Điều đó cho thấy sự xả thân, anh dũng trong chiến đấu của ông. Khó có thể đo đếm mức độ nguy hiểm nơi chiến địa, nhưng nhìn những khoảnh khắc được ghi lại với cảnh đạn bay, ngổn ngang xác chết cả bên ta và bên địch, trên những chiến hào, giữa những hố bom đủ để hình dung về mức độ khốc liệt của chiến tranh và sự đe dọa tính mạng đối với người chụp trong môi trường tác nghiệp đặc biệt.
Sinh năm 1920, tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội (nay làng Triều Khúc thuộc Quận Thanh Xuân), sau Cách mạng Tháng Tám, Triệu Đại tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây. Hiệu ảnh "Triệu Đại ảnh quán" của ông cũng là Trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, ông là Bí thư Đảng bộ đầu tiên phụ trách Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ. Gác lại đam mê, ông đã đi theo tiếng gọi của Đảng, gia nhập lực lượng cách mạng. Cuối năm 1947, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhận nhiệm vụ phóng viên nhiếp ảnh. Tham gia Chiến dịch Biên Giới năm 1950, ông nhanh chóng làm quen với vai trò phóng viên chiến trường. Sau đó ông tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952... Năm 1953, bắt đầu với việc chụp ảnh Bộ chính trị họp Chiến khu Việt Bắc quyết định mở chiến dịch Tây bắc, đó cũng là khởi nguồn cho một vệt ảnh đi vào lịch sử sau này của Triệu Đại. Cơ duyên để ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ sau đợt chỉnh quân chính trị, ông được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động “đi chiến dịch Trần Đình", mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ chính của ông tại chiến dịch Điện Biên Phủ là phóng viên nhiếp ảnh mặt trận.
Ý thức được sự cần thiết của việc ghi lại các hoạt động Chiến dịch, Ban chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã viết thư tay gửi các đơn vị chiến đấu với nội dung: “Giới thiệu đồng chí Triệu Đại đi với thê đội một để chụp ảnh chiến dịch, các đơn vị cần bảo vệ đồng chí Triệu Đại an toàn lúc thường cũng như lúc chiến đấu”. Và Triệu Đại đã theo các mũi xung kích mặt trận, ghi chụp toàn bộ hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Bao xe của chiến sĩ để đựng băng đạn, còn Triệu Đại dùng để đựng phim chụp ảnh. Chụp xong cuốn nào lập tức đưa cho bộ phận in tráng đem về tuyến sau còn ông tiếp tục lăn xả vào những khuôn hình mới. Dù được phân công bảo vệ nhưng với đặc thù nghề nghiệp, luôn phải chớp những khoảnh khắc quan trọng nhất, những lát cắt không thể bỏ qua của Chiến dịch, Triệu Đại không tránh khỏi những pha va đập, bị thương. Một lần căn hầm ông trú ẩn bị sập, khi được cứu ra, chiếc bát sắt Triệu Đại đeo sau hông bị ông bị đè lên bẹp gí, thế mà ngay lập tức ông vẫn chạy đi chụp ảnh tại Đồi E, bức ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa qua ống nhòm đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, với bảy mảnh đạn trong đùi và một viên đạn bắn sượt qua đầu bay một mảng xương sọ nhưng ông vẫn may mắn trở về. Đến năm 1960 ông mới vào Viện 108 để gắp những mảnh đạn trong đùi ra.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau khi ta tiếp quản Thủ đô, Triệu Đại được biên chế về Báo Quân đội nhân dân, với vị phóng viên ảnh. Sau này ông cũng đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ông vẫn đi chiến trường, chụp ảnh tại nơi tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị những năm Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc. Tại Khe Sanh, ông chụp được bức ảnh bộ đội đang xung phong vượt qua khói bom rất xuất sắc có tựa đề Tiến lên giành toàn thắng. Bức ảnh được giải nhất trong triển lãm ảnh Anh bộ đội năm 1969.
Tuy vậy, những bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn như “một mốc son bằng vàng” trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Triệu Đại với những bức ảnh chiến trường khét mùi khói súng.
Tên ông hòa cùng tên đất nước
Được giao đi Chiến dịch Điện Biên Phủ ngay từ đầu nên toàn bộ hình ảnh về công tác chuẩn bị chiến trường ở mặt trận Điện Biên Phủ được ông ghi chụp tường tận như các cảnh mở đường, công binh làm hầm pháo, công tác hậu cần, văn công ra mặt trận, bộ đội kéo pháo… Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu, ông đã chụp được khẩu lựu pháo của ta trong hầm khai hỏa phát súng đầu tiên, mở màn chiến dịch. Ông được biên chế vào đơn vị chủ công, luôn đi đầu các trận chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ để tác nghiệp.
Chiến dịch Điện Biên Phủ với 56 ngày đêm đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát hoá trong thơ “năm sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” thì Triệu Đại cũng đã khái quát trong nhiếp ảnh. Trong hàng nghìn bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ của Triệu Đại, nếu cần khái quát bằng ảnh về 56 ngày đêm thì đó là hai bức ảnh Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trong trận mở màn đánh Him Lam ngày 13/3/1954, bức ảnh đầu tiên ông chụp ngọn cờ bộ đội ta phất cao trên đồi Him Lam, đến bức ảnh cuối cùng bộ đội ta phất cờ trên nóc hầm De Castries chiều 7/5/1954, ngày toàn thắng, kết thúc Chiến dịch, khép lại 56 ngày đêm. Đó là hành trình đầy khó khăn gian khổ của các chiến sĩ Điện Biên, của máu và hoa và hành trình chiến đấu - sáng tạo của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại trên chiến trường Điện Biên Phủ.
Có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng nhờ một vài bức ảnh, còn Triệu Đại, ông có tới hàng nghìn bức ảnh chỉ nguyên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đáng nói là, ở thời kì đất nước còn non trẻ. Nếu như Quân đội non trẻ, đội quân nhỏ với vũ khí cơ bản thô sơ của ta đã chiến thắng đội quân nhà nghề, Việt Nam là dân tộc thuộc địa đầu tiên đứng lên giành độc lập và quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập ấy, thì Triệu Đại, một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên của Việt Nam, gia nhập Quân đội, bằng chiếc máy ảnh Contax của Pháp, chiến lợi phẩm thu được từ Chiến dịch Nà Sản trước đó ông đã chiến đấu anh dũng như một chiến sĩ trên mặt trận để thu vào ống kính hàng nghìn khoảnh khắc làm nên thiên sử thi bằng ảnh cho các thế hệ mai sau. Người ta ít biết đến Triệu Đại bởi những bức ảnh ấy đã trở thành tài sản quốc gia, đã trở thành niềm tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên của ông đã hoà vào tên đất nước, và con cháu của Triệu Đại cũng tự hào về điều đó, tự hào trước sự mãnh liệt của ông trong lĩnh vực mà ông đam mê, theo đuổi đến tận cùng, cộng hưởng cùng lòng yêu nước, tinh thần tận hiến.
Tên của ông đã hoà cùng tên đất nước trong sự giản dị, khiêm nhường. Ông luôn nói với các con, “ba đi bộ đội, là người của Đảng, gia sản ba không có gì, những thứ để lại cho các con là những thứ gốc gác của con người”. Ông cũng thường đùa khi nói với các con mình rằng, các bức ảnh của ba luôn khét mùi khói súng, khói bom, nhưng đó là những tài sản tinh thần vô giá của một đời đất nước đi đến hoà bình trong bom đạn.
Kho dữ liệu vô giá
Nói về các tác phẩm của Triệu Đại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến bức ảnh đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng mỗi khi nhắc đến Chiến dịch lừng lẫy này, đó là bức ảnh Lá cờ Quyết chiến quyết thắng được bộ đội ta phất cao trên nóc hầm De Castries chiều mùng 7/5/1954 đầy kiêu hãnh và tự hào. Bức ảnh có sức truyền cảm lớn để cho đến bây giờ, 70 năm đã trôi qua vẫn có sức sống mãnh liệt với thời gian, còn mãi trong lòng dân tộc như một kì tích lịch sử. Biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ với người chiến sĩ mang súng trên vai phất cao lá cờ chiến thắng, bên cạnh là những người đồng đội bồng súng như đang hân hoan vui mừng, sẻ chia niềm kiêu hãnh nhưng vẫn không quên cảnh giác, bảo vệ ngọn cờ đang phất cao. Lá cờ từ trận mở màn Him Lam, nay đã lỗ chỗ vết đạn thù lẫm liệt hùng tráng.
Bảy mươi năm qua, bức ảnh này được sử dụng nhiều nhất, nó trở thành biểu tượng của Điện Biên Phủ huy hoàng, lan toả khắp thế giới, gắn liền với từ khoá Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, Việt Nam. Báo chí trong nước và báo chí nước ngoài hễ nói tới Điện Biên Phủ thường dẫn kèm bức ảnh cùng những lời bình luận tốt đẹp, cảm phục nhân dân Việt Nam anh hùng, cảm phục Quân đội Việt Nam thiện chiến, cảm phục tài chiến lược chỉ đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm phục tài thao lược ứng phó linh hoạt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức ảnh ấy khiến người ta hình dung đến các bức ảnh mang tính biểu tượng trong các cuộc chiến tranh thế giới, như bức ảnh Cờ Chiến thắng trên nóc Reichstag (tên gốc: Знамя Победы над рейхстагом, được thực hiện bởi phóng viên ảnh quân đội Liên Xô Yevgeny Khaldei trên nóc Tòa nhà Quốc hội Reichstag ở Berlin, Đức vào ngày 2/5/1945, như một biểu tượng Chiến thắng của Liên Xô, tượng trưng cho sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai và sự kết thúc của phát xít Đức).
Hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, ông nghỉ hưu tại Báo Quân đội nhân dân năm 1972. Ông mất năm 1992 tại Hà Nội. Đánh giá về những đóng góp của NSNA Triệu Đại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh đó là chiến công của Triệu Đại...".
NXT
VNQD