Những khoảnh khắc của Đoàn Công Tính

Chủ Nhật, 22/12/2024 08:50

. HOÀNG NGUYÊN VŨ

Khoảnh khắc là tên tập sách ảnh của Đoàn Công Tính, nơi tập hợp khá đầy đủ những tác phẩm của ông tại chiến trường Quảng Trị, nơi chia cắt đất nước trong những năm chiến tranh chống Mĩ, cũng là nơi gắn bó với đời lính, với sự nghiệp nhiếp ảnh chiến trường của ông. Và cuộc đời Đoàn Công Tính cũng đã có những khoảnh khắc mang tính quyết định, những “khoảnh khắc” định hình nên cuộc đời của một nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Đoàn Công Tính vào chiến trường với hành trang một chiếc ba lô, một hòm đạn nhỏ đựng phim và máy ảnh được bọc kín bởi nilon tránh nước. Ông đã lăn lộn nơi chiến trường ác liệt nhất ở Quảng Trị, ghi lại những bức ảnh chiến sự nóng bỏng. Những bức ảnh đó lưu giữ một phần lịch sử dân tộc và một phần đời của không ít người.

“Nếu tôi hi sinh thì xin chuyển hết số phim này về Tòa soạn...”

Đoàn Công Tính nhập ngũ năm 1962, khi đang học dở lớp 8. Lúc bấy giờ thường phải học hết phổ thông mới được vào chiến trường, và để đi được, ông phải năn nỉ gia đình vì ông là con một, sau đó lại năn nỉ nhà trường rồi năn nỉ chính quyền địa phương. Trong những năm đi lính, ông mang theo chiếc máy ảnh mua lại từ một người bạn, thi thoảng chụp ảnh gửi cộng tác với Báo Quân đội nhân dân. Qua một số bức ảnh, Ban Biên tập nhận thấy có triển vọng đã nhận ông vào làm việc.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính sinh năm 1943 tại Nam Định. Nguyên phóng viên báo QĐND, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội viên Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Tác phẩm được giải: Chiếm căn cứ Đầu Mầu, Giải thưởng lớn kèm Huy chương vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo O.I.J; Trên đường hành quân, Giải thưởng ACCU (Châu Á - Thái Bình Dương), Giải nhất Hội Văn nghệ Hà Nội; Trên đồi không tên, Giải Nhất Hội Nhà báo Việt Nam (1973), Giải Nhì Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (1971); Tiến bước dưới quân kỳ, Giải Nhất Tổng cục Chính trị (1970); Nụ cười chiến thắng Thành cổ, Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1972)... Sách ảnh Khoảng Khắc, Giải thưởng xuất sắc loại A (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), Giải thưởng Ảnh Châu Á lần thứ 5 (2005). Đoàn Công Tính được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007.

Vào tòa soạn, được phân công đi chiến trường ngay, ông lấy làm vui sướng lắm. Ông đi dọc một mạch từ Bắc vào Nam và chặng hành trình thành công của ông cũng là nơi khốc liệt nhất là Quảng Trị 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Những năm 1970 -1972, ven các bờ sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải và hậu cứ các binh chủng trong chiến trường, các phóng viên ảnh chuyên nghiệp cả Việt Nam lẫn nước ngoài đã "chốt" ở đây đến con số hàng trăm, nhưng ta sợ nguy hiểm cho họ nên can ngăn, riêng ông đã thuyết phục các cấp chỉ huy để chạy đua với chiến sự cho kịp những bức ảnh đăng báo.

"Tôi muốn làm sao vào được Thành cổ một cách sớm nhất để có được một số hình ảnh về chiến sự”. Hành trang lúc đó của ông thật đơn giản, một chiếc ba lô, một chiếc hòm đạn nhỏ đựng phim và máy ảnh được bọc kín bởi nilon tránh nước. Khi đã chụp được ảnh, ông vội vàng gửi theo những chuyến xe ra cho kịp đăng báo. Ngày ấy, những bức ảnh chiến sự của ông sau 3 ngày đã xuất hiện trên mặt báo. Có lần ngồi trên xe ra Bắc, ông đã chuẩn bị sẵn tinh thần có thể ông sẽ bị trúng bom nên để các cuốn phim ra ngoài cùng lời dặn: "Nếu tôi hi sinh thì xin chuyển hết số phim này về Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân một cách nhanh nhất".

Về “khoảnh khắc cuộc đời” của ông trong chiến tranh thì có lẽ đó là khi ông quyết định mang những gì đã chụp được ra Hà Nội ngày 3/4/1972. Chiều 31 tháng 3 năm 1972, có mặt trong mũi xung kích đầu tiên tiến vào căn cứ Đầu Mầu, Đoàn Công Tính đã ghi lại được nhưng hình ảnh bộ đội ta đánh chiếm căn cứ này. Hai ngày sau, căn cứ Tân Lập bị xóa sổ trong đó có Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn đầu hàng và đi theo cách mạng. Trước những tư liệu quý giá đó, Đoàn Công Tính đã có một quyết định táo bạo và quyết liệt. Ông đã có chuyến đi thần tốc từ sáng ngày 3 đến trưa ngày 5/4/1972 để có mặt tại Hà Nội đem những bức ảnh ấy về Thủ đô. Chuyến đi bằng đủ mọi cách, đi, chạy bộ, xin đi nhờ xe… để có mặt ở Hà Nội. Ngay hôm sau, trên tất cả các báo có những phóng sự ảnh: Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu, giải phòng căn cứ Tân Lập... phản ánh kịp thời chiến thắng của ta, như một cách công bố ra thế giới. Hôm sau tác giả của những bức ảnh nóng hổi ấy lại tiếp tục trở lại chiến trường.

 

Những bức ảnh phản ánh cục diện chiến trường

Ngay từ đầu, Đoàn Công Tính đã quan niệm rằng, là một phóng viên ảnh chiến trường, khi mình cầm máy bấm phải hiểu tấm ảnh của mình có phản ánh được cục diện của cuộc chiến hay không. “Lúc đó tôi thường xuyên theo dõi radio để biết cục diện cuộc chiến như thế nào, thì thông tin về Hội nghị Paris đang có một cuộc tranh cãi là phía ta khẳng định rằng mình đang thắng và đang làm chủ Thành cổ làm thế giới ngạc nhiên. Phía địch hoang mang, Mĩ chới với tìm mọi cách không thừa nhận. Tim tôi sôi lên một ý nghĩ rằng mình phải có được những bức ảnh để khẳng định lập trường thế thắng của ta và sự thất bại của địch với toàn thế giới”, Đoàn Công Tính chia sẻ.

Ông đã thuyết phục đảng ủy địa phương đóng ở thôn Nhan Biều, bên này sông Thạch Hãn, và nhận được lời khuyên nên bám tuyến đi ra của đường vận chuyển thương binh cũng khối tài liệu rồi. Nhưng ống kính của ông đã từ lâu gắn bó với chiến trường Quảng Trị với hình ảnh chiến sĩ ta đánh sụp hàng rào điện tử McNamara, bộ đội cắm cờ lên căn cứ Đầu Mầu... hay hình ảnh cả trung đoàn 56 ngụy quân phản chiến, quay súng trở về với cách mạng. “Giờ đây, tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu bảo vệ thành cổ”, khoảnh khắc ấy ông đã quyết tâm như thế.

Nghe ông trình bày với đảng ủy xong, một nữ du kích nói vui: “Nhà báo đã “ngoan cố” muốn vào thành cổ thì em xin xung phong dẫn đường”. Thế là Đoàn Công Tính được hai o du kích tên là Lệ và Hảo dẫn đường vượt sông Thạch Hãn trong một đêm, khi mặt sông sáng loá dưới ánh hỏa châu... Ông đã từng chụp hình ảnh thành cổ lúc mới được giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn. Còn Thành cổ ngày 16/8/1972 không viên gạch nào còn nguyên vẹn, chỉ có nụ cười các chiến sĩ là vẫn vẹn nguyên, rạng rỡ. Các chiến sĩ nói mỗi khi ông giơ máy ảnh lên: “Có thể ngày mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa, nhưng Thành cổ sẽ sống mãi...”. Khoảnh khắc ấy đã khiến ông xúc động.

Những bức ảnh của ông chụp Thành cổ Quảng Trị được kịp thời đăng tải trên trang nhất báo Quân đội nhân dân là những tài liệu sống cực kì quý giá, giúp cho phái đoàn ta tại Hội nghị Paris giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.

Năm 2004, Đoàn Công Tính tập hợp các sáng tác ảnh của mình để ra mắt cuốn sách ảnh mang tên Khoảnh Khắc. Cuốn sách ảnh là bản tráng ca hào hùng ngợi ca cuộc chiến tranh chính nghĩa giành độc lập tự do của chúng ta, là kết quả của một đời cầm máy đầy nhiệt tâm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.

Những cuộc trùng phùng từ “khoảnh khắc”

Bên cạnh những bức ảnh ghi lại những trận đánh, những sự kiện lịch sử, trong những bức ảnh ông đã chụp còn rất nhiều những khoảnh khắc đời thường của người chiến sĩ, sự lạc quan trong chiến đấu, những cảnh sinh hoạt giữa chiến trường.

Năm 1971, ông vác máy lên đường tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với một ao ước sẽ ghi được những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ. Chuyến đi ấy, ngoài những hình ảnh ghi lại sự hủy diệt của bom đạn trên rừng Trường Sơn, trên các bản làng và ở đó vượt lên khói lửa là những nụ cười của các anh bộ đội, của những cô du kích tuổi 20 tràn đầy sức sống, hình ảnh các chiến sĩ hai nước Việt - Lào sát cánh chiến đấu giải phóng quê hương đã ra đời: Trên đồi không tên, Đại tá Nguyễn Văn Thọ lữ đoàn dù bị bắt sồng, Tiến vào trung tâm cụm cứ điểm Bản Đông... được các báo đưa tin làm người xem nức lòng.

Nghề cầm máy và những gì đã qua, với ông đâu chỉ là một "khoảnh khắc". Khi không có chiến sự ác liệt, Đoàn Công Tính vẫn muốn ghi lại những khoảnh khắc đời thường và nhờ những khoảnh khắc ấy, nhiều năm sau, khi đất nước hoà bình ông đã có những cuộc tái ngộ với nhân vật trong ảnh của mình. Nguyện vọng của ông sau mấy chục năm cũng là được gặp lại những người trong ảnh trên chiến trường năm xưa mà ông đã chụp họ.

Có lẽ, về chiến tranh Việt Nam hẳn khó ai quên bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân thành cổ Quảng Trị. Trước sự đổ nát tan hoang của chiến tranh, người lính Quân giải phóng vẫn nở nụ cười trẻ trung và lạc quan. Sau khi chụp bức ảnh năm 1972, trận đánh diễn ra ác liệt và Đoàn Công Tính tưởng rằng người lính ấy đã hi sinh, nhưng không, mấy chục năm sau ông đã có cuộc tái ngộ với người chiến sĩ trong ảnh. Sau khi nghe thông tin từ đồng chí Trần Khánh Khư, cán bộ Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị báo tin đã tìm thấy "nụ cười chiến thắng" của ông với lời thông báo rằng anh ta còn sống chứ không phải đã hi sinh như bấy lâu vẫn giới thiệu, ông không thể tin nổi. Khi ông gặp lại Lê Xuân Chinh, nguyên mẫu của "nụ cười chiến thắng", đó là một người đàn ông ốm yếu bệnh tật, khác xa người lính năm nào. Cuộc sống vất vả đã làm Chinh thay đổi đến khó nhận ra. Nhưng, người lính ấy vẫn còn nhớ người đã chụp ảnh mình. Và nụ cười ấy, vẫn không thể khác được dù đã khúc xạ qua những thăng trầm.

Sau khi bức ảnh được chụp một ngày, Chinh bị thương phải chuyển ra tuyến sau điều trị, sau đó xuất ngũ về quê, lập gia đình và cùng vợ con lên Điện Biên làm kinh tế mới. Trên chuyến xe hôm ấy kẻ gian móc túi và anh mất hết giấy tờ, cuối cùng không được hưởng một chế độ gì. Thời điểm Đoàn Công Tính gặp lại anh, cũng là thời điểm nghiệt ngã nhất với sức khỏe của Lê Xuân Chinh - anh bị hen nặng và đêm đêm vợ anh phải thức để lấy thân làm chỗ tựa mình cho chồng thở. Trong cơn đau, anh nhớ mình có một bức ảnh được trưng bày trong bảo tàng của sư đoàn cũ qua thông báo của một người cháu và mong muốn một ngày đi xác minh lại để được hưởng chế độ chính sách, có tiền chữa bệnh. Và phóng viên ảnh Đoàn Công Tính đã xuất hiện kịp thời. Đây là một cuộc gặp ý nghĩa, sau đó các giấy tờ của anh được xác minh lại, giờ cuộc sống của Chinh cũng tạm ổn. Giờ đây cuộc sống của Lê Xuân Chinh đã có nhiều thay đổi, cùng với mảnh đất và con người Điện Biên. Ông đã vô tình trở thành một nhân chứng của chiến tranh, của nhiếp ảnh với nụ cười thanh xuân mãi tạc vào lịch sử chiến tranh cách mạng.

Sau khi xuất bản cuốn sách ảnh Khoảnh khắc, Đoàn Công Tính cũng đã gặp lại được Cô gái trên đường hành quân. Ngày bức ảnh được chụp, đó là một cô gái 20 tuổi, cười hồn hậu rót nước cho các chiến sĩ trên chặng hành quân cam go, vất vả. Tấm ảnh từng được giải thưởng ACCU (châu Á - Thái Bình Dương) và giải nhất của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1970 và sau này khi làm tập sách ảnh Khoảnh khắc, tấm ảnh đó được ông chọn làm bìa. Cô gái ấy tên là Nguyễn Thị Thường, sau chiến tranh đi làm công nhân, cô ấy chỉ "nhớ mang máng" khi gặp ông và vô tình lọt vào ống kính trong một “khoảnh khắc” đúng như những gì đã diễn ra. Cũng dễ hiểu, chiến tranh với biết bao những bề bộn, biết bao sự kiện trôi qua mỗi ngày, khoảnh khắc một đoàn quân đi qua, cô gái ấy rót nước mời các chiến sĩ đã trôi qua như biết bao buổi chiều khác trong cuộc đời, không có gì quá đặc biệt để nhớ hoặc phải nhớ. Chỉ có nhiếp ảnh âm thầm làm công việc của nó, như một người thư kí trung thành của thời đại, qua ngón tay bấm máy của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Ông đã ghi lại những khoảnh khắc ấy không chỉ cho riêng mình.

Đoàn Công Tính thấy hạnh phúc vì đã góp phần nhỏ bé giữ lại hình ảnh của những người lính, một chút kỉ niệm trên đường hành quân, một nụ cười, giây phút đọc thư nhà... Và qua ống kính của ông, có những khoảnh khắc giản dị nhưng đã thành bất tử./.

HNV

 

 

 

VNQD
Thống kê