. THÁI KIÊN
“Chiều 5-8-1964, tôi cùng với đồng chí Nguyễn Văn Thảo quan sát qua ống ngắm máy KAT phát hiện có máy bay địch bay vào khu vực vùng Mỏ. Sau đó, tôi chứng kiến đồng chí Trần Tam, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 217 giao nhiệm vụ cho đồng chí Thảo dẫn đường đi bắt phi công Mĩ…”, cựu chiến binh Ngô Xuân Huy, nguyên Trinh sát viên Tiểu đoàn 217, Trung đoàn 240, Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định.
Trinh sát viên Nguyễn Văn Thảo (Bách Thảo), đứng sau lưng phi công Alvarez, ngày 5-8-1964. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Mới đây, chúng tôi tìm gặp nhân chứng Nguyễn Bách Thảo (tên khai sinh là Nguyễn Văn Thảo), sinh năm 1944, ở thôn An Phú, xã Đại Bản, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Sau khi ông bắt sống phi công Mĩ Averelt Alvarez, nên được đồng chí Trần Tam, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 217 khen ngợi là người “bách chiến, bách thắng”. Từ đó, mọi giấy tờ, hồ sơ liên quan đến ông đều chuyển tên đệm từ “Văn” sang “Bách” cho đến sau này.
Ngày 10-4-1963, chàng trai Nguyễn Văn Thảo ở thành phố Cảng nhập ngũ vào Tiểu đoàn 217, Trung đoàn 240. Sau khi hoàn thành huấn luyện chiến sĩ mới, chiến sĩ Nguyễn Văn Thảo được giao nhiệm vụ Trinh sát viên thuộc Tiểu đoàn 217. “Ngày đó, đơn vị được trang bị loại máy quan sát KAT của Liên Xô, phát hiện mục tiêu ở cự li 100km, nhưng thu hình ảnh lại còn 10km. Chúng tôi ngày đêm mang “bảo bối” đi trinh sát thực địa, đo đạc địa hình, quan sát hàng nghìn hòn núi, nhận dạng các loại máy bay; ghi chép số liệu máy bay, quân số, trang bị vũ khí, phương thức ném bom, bắn rốc két của máy bay địch... để phục vụ huấn luyện, báo cáo tình hình lên cấp trên...”, ông Thảo nhớ lại.
Rồi ông vào trong nhà cầm mấy tấm ảnh cũ ra như để làm chứng cho câu chuyện của mình. Ông kể tiếp: “Chiều 5-8-1964, tôi và anh Ngô Xuân Huy (quê An Dương) đang trực chiến trên chòi gác ở khu vực Bãi Cháy. Qua ống ngắm máy KAT, chúng tôi phát hiện có máy bay địch cách đơn vị khoảng 100km. Chúng tôi báo cáo với chỉ huy đơn vị và tiếp tục theo dõi địch.
Khoảng 14 giờ 45 phút ngày 5-8-1964, tốp máy bay Mĩ từ hướng biển Long Châu (Hải Phòng) vào tiến công các tàu của hải quân ta đang neo đậu ở Cửa Lục (Quảng Ninh). Với tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, các khẩu đội pháo phòng không Tiểu đoàn 217 đánh trả quyết liệt máy bay địch.
Khi một máy bay địch trúng đạn bốc cháy, phát hiện phi công nhảy dù xuống biển, tôi được Thượng úy Trần Tam, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 217 gọi về và giao nhiệm vụ dẫn đường cho đồng chí Vũ Đình Mai, Tỉnh đội trưởng Quảng Ninh (nay là Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh), cùng 4 chiến sĩ đi bắt phi công địch. Vị trí phi công nhảy dù xuống được xác định là khu vực hòn Mối, cách bờ biển Hạ Long từ Hà Tu khoảng 15 cây số. “Lúc đó, tôi chứng kiến đồng chí Thượng úy Trần Tam, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 217 giao nhiệm vụ cho Trinh sát viên Nguyễn Văn Thảo dẫn đường cho tổ đi bắt phi công địch, do đồng chí Vũ Đình Mai, Tỉnh đội trưởng Quảng Ninh chỉ huy”, cựu chiến binh Ngô Xuân Huy, nguyên Trinh sát viên Tiểu đoàn 217, Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 217 khu vực Đông Bắc sông Hồng, khẳng định.
Cựu chiến binh Nguyễn Bách Thảo. Ảnh: PHÚC BÌNH
Tổ công tác do đồng chí Vũ Đình Mai chỉ huy, đi tàu kéo đến khu vực phi công nhảy dù xuống. Không mất nhiều thời gian tìm kiếm, chúng tôi đã phát hiện ra vị trí của phi công Mĩ. Đó là chiếc dù màu đỏ, rộng hơn 10m, cách vị trí tàu kéo của chúng tôi khoảng 30m. Khi tàu chúng tôi cơ động ra tìm kiếm, trên bầu trời, máy bay địch cũng sục sạo, tìm kiếm phi công của chúng. Nhưng chúng không tìm thấy và bị hỏa lực phòng không của ta bắn lên, một lúc sau máy bay địch bỏ đi.
Cách mục tiêu khoảng 20m-30m, lúc đó có nhiều thuyền đánh cá của ngư dân gần khu vực viên phi công. Đồng chí Vũ Đình Mai lệnh cho tôi rời khỏi tàu kéo để tiếp cận xuống thuyền của bố con ngư dân (người bố khoảng 60 tuổi, con gái gần 20 tuổi) để bắt phi công. Khi thuyền tới gần viên phi công, chúng tôi đưa chiếc sào tre kéo để nó tóm vào sào rồi kéo nó lại thuyền. Lúc này, tàu của đồng chí Mai cũng tiếp cận thuyền và ra lệnh cho chúng tôi trói viên phi công. Tôi khám người hắn, thu một dao găm, một chiếc la bàn, mũ... Khi tàu hải quân đến, tôi cùng viên phi công và 4 chiến sĩ lên tàu. Tàu của đồng chí Mai theo sau và cùng cơ động vào căn cứ Hải quân ở khu vực Bãi Cháy...
Tàu Hải quân cập cảng, chúng tôi dẫn giải viên phi công về bàn giao cho thủ trưởng Tiểu đoàn 217. Do đơn vị khi đó không có nơi tạm giam nên cấp trên lại cử tôi áp giải viên phi công sang đơn vị Hải quân ở khu vực Bãi Cháy, có cảnh vệ trông giữ. Tối hôm đó, đồng chí cảnh vệ thông báo với tôi có Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang công tác tại Quảng Ninh sẽ đến gặp viên phi công vừa bị quân ta bắt sống.
Khoảng gần 9 giờ tối, tôi nghe giới thiệu có nhà báo Công Vượng (Báo Quảng Ninh) tới để chụp ảnh nhân chứng. Tuy nhiên, lúc đầu, nhà báo Công Vượng giơ máy lên 3-4 lần để chụp ảnh nhưng viên phi công quay mặt đi, không muốn hợp tác. Nhưng khi đồng chí cán bộ tình báo của Quân khu Đông Bắc chất vấn tiếng Anh và sử dụng biện pháp nghiệp vụ đã khiến viên phi công khai là Trung úy Everett Alvarez và chịu ngồi để phóng viên chụp ảnh...
Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến, ông yêu cầu tôi cởi trói cho viên phi công. Thủ tướng đến tận nơi đưa cho Alvarez một cốc cà phê và điếu thuốc lá. Tôi chăm chú theo dõi từng cử chỉ, ánh mắt của viên phi công. Ở bàn không có gạt tàn, viên phi công không biết làm sao nên cố hút hết điếu thuốc mới đưa tay qua cửa sổ có gốc cây mít để vứt tàn thuốc. Tôi thấy viên phi công uống cốc cà phê ngon lành... Tối hôm đó, tôi được đồng chí cảnh vệ cấp cho chiếc bánh mì, tôi chia cho viên phi công một nửa, còn tôi một nửa...
Hơn một giờ sáng 6-8, tôi nhận lệnh của cấp trên dẫn viên phi công Mĩ đến gặp đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và lên xe ô tô đi lên Hà Nội. Trên xe có Tư lệnh Phùng Thế Tài; đồng chí Bùi Đình Thành, chiến sĩ khẩu đội 14,5mm thuộc Tiểu đoàn 217 có thành tích bắn cháy máy bay Mĩ; phi công Alvarez, tôi và đồng chí lái xe. Chúng tôi lên tới Hà Nội thì trời sáng. Đồng chí Phùng Thế Tài dẫn phi công Alvarez và đồng chí Thành vào gặp Bác Hồ. Một lúc sau, đồng chí Phùng Thế Tài ra xe lệnh cho tôi và lái xe lập tức hành quân về Quảng Ninh để mang vật chứng là mảnh vỡ máy bay lên Hà Nội…
Nhận lệnh, tôi cùng lái xe quay về Quảng Ninh. Trưa hôm đó, Trung đội dân quân Quyết thắng, xã Hùng Thắng, thị xã Hồng Gai (nay là phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) đã trục vớt một phần xác máy bay về vườn hoa gần chân núi Bài Thơ. Tôi nhận một mảnh đuôi máy bay A-4D, nặng khoảng 30kg, rộng hơn 2m (hiện nay hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) để cho lên xe ô tô mang về Hà Nội.
Năm 1967, tôi được cấp trên điều động về làm Trợ lí Trung đoàn 126 (nay là Lữ đoàn 126), Quân chủng Hải quân. Năm 1970, tôi phục viên với quân hàm chuẩn úy. Tôi tiếc rằng, 2 lần lên Hà Nội nhưng không được gặp Bác Hồ. Nhưng bù lại, sau này tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp 8 lần…”.
Trước khi chúng tôi chia tay, ông Nguyễn Bách Thảo giọng trầm xuống: “Đã 60 năm trôi qua, tôi vẫn đau đáu nỗi niềm là không tìm được danh tính, địa chỉ của bố con ngư dân cùng tôi bắt phi công Mĩ Alvarez. Hiện nay, trên mạng xuất hiện một số bài báo viết có người khác bắt phi công Mĩ Alvarez. Tôi mong rằng, sự kiện ngày 8-5-1964, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần xác minh, điều tra, làm rõ “người thật, việc thật”, tránh tình trạng tranh công để giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ mai sau”.
T.K
VNQD