. HUYỀN THƯƠNG
Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, NSND Ứng Duy Thịnh nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Ông là người tham gia đạo diễn nhiều sự kiện lớn của đất nước, như Lễ khai mạc SEA Games 22, Đại lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Trọn đời cống hiến cho nghệ thuật múa nước nhà trong các vai trò như diễn viên, biên đạo, đạo diễn múa… ngoài ra ông còn tham gia công tác giảng dạy, viết sách, nghiên cứu khoa học. Trong bất cứ lĩnh vực nào người lính - Nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đồng chí đồng đội trân trọng và và khán giả ghi nhớ.
Hành trang bước vào nghiệp múa
Năm 1967, khi mới 15 tuổi cậu bé Ứng Duy Thịnh đã bắt đầu bước vào nghiệp múa với lí do “chẳng có gì ghê gớm” mà chỉ để “cho gia đình đỡ đi một miệng ăn”. Xuất thân từ gia đình thuần nông ven con sông Tô Lịch thơ mộng ngày ấy, chàng trai trẻ Ứng Duy Thịnh ôm mộng ca hát nên đã tham gia dự thi vào Trường Nghệ thuật Quân đội nay là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) nhưng không đỗ, ông chỉ đủ điểm để được chọn vào lớp diễn viên múa. Tự dằn lòng mình học bộ môn nào cũng là hạnh phúc, vì vào quân đội sẽ bớt cho cho gia đình một miệng ăn. Từ quyết tâm vượt qua cái đói rồi thành niềm đam mê, thành cái nghiệp lúc nào không hay.
Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, NSND Ứng Duy Thịnh.
Sau khi trúng tuyển vào lớp diễn viên múa Khóa I, Trường Nghệ thuật Quân đội ông cứ thế cố gắng, phấn đấu để luôn giữ vị trí đứng đầu lớp. Rồi cơ duyên đã đến khi ông được cử sang Liên Xô học lớp biên đạo múa cùng với sinh viên của nhiều nước như Mĩ, Thụy Điển, Pháp… Ở một vùng đất xa lạ, lại xuất thân từ nông dân đến từ một đất nước mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh còn nghèo nàn lạc hậu đã khiến cho chàng trai Ứng Duy Thịnh phần nào bị choáng ngợp. Rào cản về ngôn ngữ, sự xa lạ về văn hóa, khiến cho thành tích học tập kì đầu tiên của ông ở nước bạn không như mong đợi.
“Năm thứ nhất trong tư thế của kẻ bị điểm kém, gặp mấy người bạn nước ngoài ở hành lang, tôi chào và bằng một thái độ có phần kiêu ngạo, chúng đánh mặt, nghiêng đầu sang trái rồi gật đầu: “ừ hứ”. Bực quá, tôi lao vào phòng thay đồ, nước mắt rơi lã chã, hai bàn tay nắm chặt: “được rồi, chúng mày đợi đấy, kì sau biết nhau nhé”. Và cứ thế ông “nghiến răng” quyết tâm học tập, ông bảo, lúc đó tình yêu hay đam mê gì thì chưa rõ nhưng khi lòng tự tôn bị kích động tôi đã lao vào học để không bị đám bạn ngoại quốc coi thường. Và quả nhiên, kì học thứ 2 ông đã vượt lên với điểm số học tập nằm trong top đầu lớp. Kết quả đó là câu trả lời xác đáng cho những thanh niên ngoại quốc đã tỏ thái độ coi thường ông kì trước.
Ông vẫn nhớ như in lời dặn của thầy giáo Liên Xô khi tiễn ông về nước: “Thịnh ơi, về nước em hãy sáng tác như thế nào để tác phẩm của em khiến cho những nhà bác học, những nhà khoa học nổi tiếng họ thích đồng thời những người nông dân chân lấm tay bùn khi xem họ cũng thích nhé”.
Tinh thần ấy đã trở thành phương châm hành động, được ông gói ghém vào hành trang bước vào nghiệp múa. Chính vì vậy, trong các tác phẩm của Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh người ta luôn nhìn thấy những con đường ngắn để chạm đến trái tim khán giả.
Một tâm hồn nghệ thuật luôn đắm đuối với đề tài người lính
Biểu diễn và sáng tác là hai công việc song hành và bổ trợ lẫn nhau. Là một người nghệ sĩ - chiến sĩ, trong thời kì khói lửa, ông đã lăn lộn vào sinh ra tử trên các chiến trường trong vai trò là diễn viên trực tiếp của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) phục vụ bộ đội ngoài chiến trường suốt thời gian từ năm 1969 đến năm 1975. Khi đất nước vỡ hòa trong ngày vui giải phóng ông cũng là người đảm nhận vai trò nghệ sĩ dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật đầu tiên chào mừng sự kiện trọng đại này. Những trải nghiệm, dằn vặt về sự mất mát đau thương trong cuộc chiến tranh sau này đã trở thành chất liệu cho những sáng tác về nghệ thuật múa của ông.
Năm 1984, trong dịp kỉ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã sáng tác một vở thơ múa Con đường ra chiến dịch. Vở diễn lấy hình tượng cả dân tộc đồng lòng kéo pháo ra trận, thể hiện trí tuệ, lòng gan dạ, dũng cảm của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là vở diễn hé lộ tài năng của NSND Ứng Duy Thịnh trên vai trò biên đạo múa.
Liên tiếp sau đó, ông đã sáng tác những tác phẩm gắn bó với đời sống quân nhân như: Đất nước trọn niềm vui, Thư nhà, Pho tượng cổ, Bầu trời và lời ru, Bông lan trắng. Vở kịch múa Đất nước được Ứng Duy Thịnh lấy bối cảnh những năm 1940, với hình ảnh đôi trai gái yêu nhau rồi chiến tranh ập đến, người con trai ra trận, người con gái mòn mỏi đợi chờ… Hình tượng trong các tác phẩm của NSND Ứng Duy Thịnh luôn là hình tượng có thật, với đời sống và khoảnh khắc thực tế được ông chứng kiến. Như ông chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến bộ đội lên đường ra trận với gương mặt rạng rỡ, với niềm tin phơi phới và tôi đã tái hiện những điều đó, điều làm nên chiến thắng của chúng ta trong các cuộc chiến tranh chính là tinh thần, là niềm tin, là sự lạc quan”.
Bằng kinh nghiệm chiến đấu xương máu, bằng tâm hồn luôn thổn thức với nghệ thuật ông không khỏi xuýt xoa: “Con người trong chiến tranh nó kì lạ lắm, đó là mối quan hệ khăng khít với quê hương, với Tổ quốc và những tình cảm khác như tình yêu đôi lứa, tình cảm với cha mẹ, tình anh em, tình đồng đội đều được gói vào trong đó, bởi đó là những nơi thử thách cao nhất của tình cảm con người”.
Sáng tác cần tránh làm sai lệch lịch sử
Theo NSND Ứng Duy Thịnh, nghệ thuật múa là một loại hình nghệ thuật đặc trưng, khi sáng tác người nghệ sĩ có thể thăng hoa và đặt suy nghĩ, cái nhìn cá nhân mình vào đó. Một tác phẩm nghệ thuật mang đến công chúng vẫn phải có cảm xúc mới, giọng điệu mới, bằng cách nhìn mới nhưng điều quan trọng là không được làm sai lệch lịch sử. Đó cũng là cái khó nhất khi sáng tác các tác phẩm về chiến tranh cách mạng. Chiến tranh dù đã lùi xa nhưng hậu quả đau thương vẫn còn tiếp diễn trong đời sống thường ngày, do đó chúng ta cần phải trân trọng và tôn vinh lớp lớp những người đã đã hi sinh xương máu cho công cuộc giải phóng dân tộc. Những người nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, bằng ngòi bút và tác phẩm của mình, anh hãy làm rõ và để cho công chúng nhìn sáng tỏ những công lao đó. Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh còn chia sẻ thêm, đề tài chiến tranh là một đề tài vô tận, nó vô cùng ý nghĩa. Ông mong sao đề tài này không phải chỉ của thế hệ ông mà thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục sáng tác về nó. Người lính chiến năm xưa đến nay đã bước vào tuổi ngoài 70 vẫn luôn đau đáu với việc làm sao để nghệ thuật múa Việt Nam phổ cập rộng rãi với công chúng trong nước và quốc tế, để những tác phẩm múa về chiến tranh sẽ nói lên được nhiều hơn những điều mà ta chưa nói được trong cuộc sống đời thường.
Hơn nửa thế kỉ đến với nghệ thuật múa, Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh vẫn dành tâm sức cho những tác phẩm múa về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông chia sẻ: Tôi sáng tác không phải chỉ để cho nó có tiết mục, tôi sáng tác để mình sống yên ổn hơn. Không mong sáng tác để biểu diễn ở nhà hát lớn, hay trình diễn ở nước ngoài mà với tôi, sáng tác là trách nhiệm của mình với lịch sử, với quá khứ. Tuổi trẻ đã qua, tuổi già cũng đang tới, cho đến lúc này tôi thực sự hạnh phúc, mặc dù “nhân vô thập toàn” nhưng rất nhẹ nhõm vì mình không làm cái gì dối lòng, không làm một cái gì mà cảm thấy có lỗi với cuộc đời, với đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp.
Ông tâm niệm, cuộc đời cho nhau cái đẹp bằng những điệu múa cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. Chính vì thế, ông đã, đang và sẽ đi tìm cái đẹp đang lẩn khuất trong cuộc sống thường nhật để sáng tác, những mong con người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn, sống với nhau có tình, có nghĩa hơn. Cứ như thế, ông như “cánh chim không mỏi” của nghệ thuật múa nước nhà.
HT
VNQD