Người thầy say mê nghiên cứu khoa học

Thứ Sáu, 24/01/2025 16:12

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị là một cán bộ, giảng viên say mê nghiên cứu khoa học, đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn quân sự đem lại hiệu quả thiết thực đối với việc học tập và rèn luyện của nhiều thế hệ học viên.
Một buổi chiều đông, tôi gặp Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn tại phòng làm việc của anh, người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, nhìn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi đời và tuổi quân nhưng đã dẫn dắt bao thế hệ học trò trên con đường đi tìm ánh sáng khai mở của con chữ. Căn phòng làm việc của anh có không gian rộng rãi, xung quanh là rất nhiều giá sách kê đủ các đầu sách, giáo trình, tài liệu dạy học, công trình khoa học đã được công bố và các đề tài của học viên mà anh hướng dẫn. Mặc dù giờ đã chuyển qua công tác quản lí, nhưng anh vẫn duy trì việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học một cách say mê, tham gia nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự, hướng dẫn nghiên cứu khoa học, làm khóa luận, luận văn thạc sĩ cho các đối tượng đào tạo đại học, sau đại học tại Trường Sĩ quan Chính trị. Đặc biệt, anh còn làm chủ nhiệm và thành viên tham gia nghiên cứu 10 đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Tổng Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, đáng chú ý là đề tài “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo ở nhà trường Quân đội hiện nay” (cấp Bộ Quốc phòng), "Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho học viên đào tạo giáo viên khoa học xã hội và nhân văn ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay" (cấp Bộ Quốc phòng), "Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn tâm lí đối với hạ sĩ quan, binh sĩ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay" (cấp Tổng cục Chính trị)...
“Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cơ bản, song hành với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của các học viện, trường sĩ quan quân đội. Nhiệm vụ này được thực hiện bởi nhiều lực lượng khác nhau, nhưng giữ vai trò quan trọng, nòng cốt là đội ngũ giảng viên. Bởi đó là lực lượng có nhiều ưu thế, tiềm năng có thể đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu là lao động trí tuệ rất vất vả, vừa phải giữ vững định hướng chính trị, vừa phải bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về khoa học nhằm giải quyết các vấn đề lí luận, thực tiễn xây dựng Quân đội. Do đó đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, hệ thống chỉ huy, cơ quan chuyên trách. Và đặc biệt, mỗi giảng viên phải có lòng đam mê, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm cao” là chia sẻ quan điểm, định hướng của anh về nghề nghiệp.

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị.

Để có được như ngày hôm nay, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn đã phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tế lâu dài và gian khổ. Sinh ra trong gia đình đông con, thuần nông tại Hưng Yên, tốt nghiệp Khoa Tâm lí - Giáo dục học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1993, lẽ ra anh có một vị trí công tác ở một trường chuyên nghiệp để giảng dạy Tâm lí học, Giáo dục học, nhưng cơ duyên và tình yêu áo lính đã thôi thúc để anh trở thành người cán bộ giảng dạy tại Trường Sĩ quan Chính trị.
Bén duyên với màu xanh áo lính hơn 31 năm, trải qua nhiều chức vụ tại Trường Sĩ quan Chính trị như: Giảng viên, Khoa Tâm lí - Giáo dục học quân sự; đào tạo các đối tượng cán bộ chính trị cấp phân đội; giáo viên khoa học xã hội và nhân văn; đào tạo trình độ thạc sĩ Chủ nhiệm bộ môn, Khoa Tâm lí học quân sự rồi chuyển qua gi chức vụ Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Khoa Sư phạm quân sự. Và từ năm 2017 đến nay, anh làm Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học quân sự. Bên cạnh đó, để gắn bó giữa giảng dạy, quản lí với thực tiễn tại đơn vị cơ sở, anh đã đi luân chuyển thực tế qua nhiều chức vụ khác nhau, như Phó Đại đội trưởng về chính trị, Phó Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn và đặc biệt là Phó Chính uỷ sư đoàn. Anh cũng đã qua đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, Cao cấp lí luận chính trị ở Học viện Chính trị, Học viện Quốc phòng. Ở bất cứ cương vị nào, anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn được cán bộ, đồng nghiệp và các thế hệ học viên tin yêu.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Đình Duyên, Bí thư Chi bộ, Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lí học quân sự cho biết: “Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn là một nhà khoa học luôn tận tâm, và say mê nghiên cứu khoa học. Trên cương vị cán bộ quản lí, anh cũng là hạt nhân gắn kết giữa các giảng viên trong khoa, là tấm gương tiêu biểu, tạo động lực giúp các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng, bạn bè đồng nghiệp và học viên kính trọng".
Câu chuyện về Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cán bộ, giảng viên về tinh thần phấn đấu vươn lên. Sự cố gắng, nỗ lực vượt khó, là chìa khóa đem lại thành công. 

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn là Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng, được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Anh cũng 6 lần được công nhận danh hiệu Giảng viên dạy Giỏi cấp Trường. Anh là chủ biên 20 đầu sách giáo trình, tài liệu dạy học, sách chuyên khảo, sách tham khảo phục vụ giảng dạy. Các giáo trình như: Tâm lí học quân sự; Tâm lí học xã hội quân sự; Tâm lí học phát triển nhân cách quân nhân; Các tài liệu dạy học Tâm lí học sư phạm quân sự; Tâm lí học đại cương; Tâm lí học lãnh đạo - quản lí bộ đội; Sách chuyên khảo Một số vấn đề về bồi dưỡng phương pháp giáo dục chính trị cho chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong QĐNDVN. Đặc biệt cuốn sách chuyên khảo Một số vấn đề lí luận, thực tiễn quá trình hình thành động cơ nghề nghiệp của học viên đào tạo sĩ quan ở nhà trường quân đội hiện nay là cuốn sách anh tâm đắc nhất, cuốn sách đã được anh viết bằng lòng nhiệt huyết và độ chín của vốn kiến thức tích luỹ trong rất nhiều năm làm công tác nghiên cứu của mình. Cuốn sách này khi xuất bản đã được nhiều giảng viên, học viên đón đọc và phản hồi tích cực.
Ngoài viết sách, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sơn còn rất tích cực viết báo với hơn 40 bài báo khoa học trên các tạp chí, hội thảo khoa học cấp Quốc gia. Các công trình nghiên cứu của anh tập trung vào những mảng đề tài khó như: Phát huy vai trò đội ngũ giảng viên, học viên nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường quân đội; đấu tranh tư tưởng lí luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giáo dục chính trị tư tưởng góp phần phòng ngừa hành vi lệch chuẩn của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam...

NGUYỄN VĂN HẢI

VNQD
Thống kê