Một ngày với lính đảo Sơn Dương

Thứ Bảy, 22/02/2025 00:55

. NGUYỄN DOÃN VIỆT

 

Một ngày cuối thu, tôi được theo chân đoàn công tác ra thăm đảo Sơn Dương, một hòn đảo tiền tiêu, “con mắt thần” án ngữ trên biển Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Đảo Sơn Dương có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ của Quân khu 4 nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, là chốt chặn quan trọng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào cửa ngõ cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trên biển. Sơn Dương được mệnh danh là tiền đồn, là “mắt thần” của biển cả, từ đài quan sát với ống kính hiện đại thu gọn vào tầm mắt hàng chục km, phân biệt được các tàu lạ, theo dõi được sít sao hành trình đánh cá của ngư dân.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Dương thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi bám biển

Đón chúng tôi trên cầu cảng là đông đủ cán bộ chiến sĩ nhân viên đang làm nhiệm vụ trên đảo. Những gương mặt sạm đen vì nắng gió nở những nụ cười tươi rói, những cái bắt tay thân tình, ấm áp như chào đón những người thân lâu ngày gặp lại. Sau những phút giây hỏi han trò chuyện, tôi được đi theo một tổ tuần tra trên đảo, công việc vốn thường xuyên quen thuộc của lính đảo Sơn Dương. Mép núi nhấp nhô những dốc đá tai mèo, đường đi quanh co khúc khuỷu, có lúc phải bò qua ghềnh đá, lúc lại leo dốc hun hút.

Khi hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi bắt đầu thấm mệt, thiếu tá Trần Thế Thiện, vừa đi như vừa trông chừng tôi, khi đá dưới chân trơn trượt, sóng vỗ dạt tràn làm tôi chao đảo ngã chúi xuống phía trước. May mắn thay Thiện đã kịp thời bám lấy tay tôi khi chỉ còn gang tấc là tôi rơi hắn xuống mép biển sâu hun hút, đá nhọn và sóng trắng ùng oàng.

Tranh thủ lúc giải lao, Thiện kể trên hòn đảo này chỉ có duy nhất một mạch nước ngầm có nước ngọt. Nhưng chỉ mùa mưa mới có nước, còn lại 6 tháng mùa khô ròng rã không có lấy một hạt mưa. Thật kì lạ là những ngày đất liền mưa to nhưng tuyệt nhiên trên đảo lại cứ nắng hạn. Vài chiếc chiếc bể chứa nước ngọt chỉ đảm bảo sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Tất cả phải tắm bằng nước biển, tắm xong chỉ tráng qua người vài ca nước ngọt mà thôi. Máy phát điện chỉ đảm bảo sinh hoạt một ngày hai tiếng, chủ yếu để xem thời sự, sạc bình ắc quy và sạc pin, sạc điện thoại. Điện nước vô cùng khó khăn và thiếu thốn.

Rồi khi thấy tôi băn khoăn những câu hỏi không đầu không cuối vì xúc động, Thiện lại hồ hởi khoe trên đảo hiện đã được cấp trên quan tâm đầu tư điện năng lượng mặt trời, nhưng cũng không đủ cho anh em sử dụng, chủ yếu để bảo quản thực phẩm là chính, một số hạng mục công trình đang trong quá trình xây dựng, lắp đặt, hi vọng thời gian tới đời sống bộ đội sẽ có nhiều cải thiện, phục vụ tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), huấn luyện và công tác của bộ đội trên đảo…

Đang dở câu chuyện, bất ngờ Thiện nhận được thông tin có tàu cá của ngư dân cầu cứu. Tổ tuần tra nhanh chóng cơ động về trung tâm chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ cứu kéo tàu cá chết máy đang trôi dạt trên biển của ngư dân. Dường như đây là công việc đã quá quen thuộc của những người lính trên đảo Sơn Dương. Bởi ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển sóng to gió lớn, bất trắc thường xuyên được bộ đội giúp đỡ, kịp thời cứu kéo, hỗ trợ bà con nhân dân gặp nạn. Chỉ cách đây không lâu, vào cuối năm 2023, nhận được thông tin có 3 người dân bị đắm thuyền ngoài khơi, cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Dương đã phối hợp với Hải đội Biên Phòng Vũng Áng, kịp thời cứu sống, đưa ngư dân về đảo an toàn, cấp cứu những người bị thương và nhanh chóng đưa vào đất liền để chữa trị. Những việc làm như thế đã làm gắn bó thêm tình cảm của nhân dân với đảo, nhất là đồng bào ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

 

Bữa cơm lính đảo hôm ấy rộn ràng hơn bởi có chúng tôi từ đất liền và bởi có cả 5 ngư dân trên tàu cá vừa được cứu hộ. Quân với dân chuyện trò trong bữa cơm rổn rảng, tôi tranh thủ bắt chuyện với thiếu tá Nguyễn Anh Nhật, người đã mười một năm nay thực hiện nhiệm vụ trên đảo này. Nhật quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, cách đơn vị chỉ chừng 200km thôi nhưng để thi thoảng được về thăm gia đình là một điều không dễ. Ngoài nhiệm vụ trực SSCĐ thường xuyên phải bảo đảm 100% quân số. Cán bộ chiến sĩ đến kì nghỉ phép còn phải phụ thuộc vào sóng gió trên biển. Mùa mưa bão, việc đi lại giữa đất liền và đảo hầu như bị gián đoạn, sóng to, gió lớn, cùng biển nước sâu nguy hiểm khôn lường. Bởi thế có những đồng chí 6 tháng liền không được về thăm nhà.

Nhật kể, lần vợ sinh con đầu lòng đúng vào mùa bão, cấp trên đã bố trí cho nghỉ phép để về chăm vợ con nhưng rồi sóng to gió lớn, có phép mà không thể về. Ca đẻ khó đã khiến cho cả hai mẹ con suýt nữa nguy cấp tính mạng; rồi những lần vợ ốm, con đau, bố mẹ già yếu nằm viện nhưng vì nhiệm vụ Nhật đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xung phong ở lại cùng đồng đội…

Rồi đến câu chuyện về một ngư dân mà cán bộ chiến sĩ trên đảo thường gọi với cái tên trìu mến là “bố Bảo” thật sự làm tôi xúc động. Những nghĩa cử, tấm lòng mà lão ngư dân dành cho bộ đội thật đẹp.

Ngư dân Mai Bảo vốn là một giáo dân làm nghề đánh cá. Từ năm 1972 ông Bảo là người thường xuyên làm nhiệm vụ chèo thuyền đưa đón bộ đội ra đảo. Những năm chiến tranh, bom Mĩ đánh phá ác liệt, có lần ông và một y tá suýt hi sinh vì trúng bom, may mắn nhờ nước biển sâu, chiếc thuyền chìm xuống rồi dội lên, hai người bật khỏi khoang thuyền, thoát chết trong gang tấc. Và không thể kể hết bao lần “bố Bảo” chẳng quản hiềm nguy, sóng to, gió lớn, một mình chèo chống đưa bộ đội vào bờ cấp cứu do bị thương hoặc đau ốm nguy cấp. Như lần một chiến sĩ bị rắn độc cắn, nếu không có “bố Bảo” đưa thuyền ra kịp thời thì tính mạng của của chiến sĩ đã không còn. Chuyện về những hành trình đưa đón bộ đội, tiếp tế lương thực, thực phẩm ra đảo của ông Bảo còn nhiều, nhưng đáng nói là những việc làm của ông không hề toan tính vụ lợi. Việc ông làm là hoàn toàn tự nguyện, không đòi hỏi một sự đáp đền nào.

Câu chuyện về “bố Bảo” hôm nay tôi được nghe các anh kể dường như càng rưng rưng khi biết ông đã mất cách đây ít năm vì tuổi cao. Dù thế, nhưng tình cảm, công lao, nghĩa cử của ngư dân Mai Bảo vẫn đọng lại trong lòng mỗi quân nhân trên đảo Sơn Dương.

*

*          *

Về chiều, đảo vàng rực nắng, một ngày mùa thu bình yên và trong trẻo. Biển bỗng hiền hòa trở lại, khác với sáng nay sóng bạt cả con thuyền. Những chiếc tàu hàng đang lừng lững kéo còi hướng mũi vào Vũng Áng. Những chấm nhỏ điểm xuyết lên biển chiều là tàu cá đang buông lưới của ngư dân. Đảo lại lặp lại những bước chân tuần tra của lính. Đàn dê nhởn nhơ trên vách đảo khi đã no cỏ để trở về chuồng, những chú lợn eng éc kêu ăn khiến tôi hình dung như đang ở giữa một làng quê yên ấm.

Các cuộc trò chuyện đành gác lại khi chiều muộn đã đến gần, đoàn phải trở về. Hàng hàng cánh tay đưa lên vẫy chào chúng tôi, những cánh tay rắn rỏi in trên nền biển trời mây nước như khẳng định niềm tin vững chắc với đất liền rằng đảo luôn luôn vững vàng giữa bão tố phong ba…

N.D.V

VNQD
Thống kê