. NGUYÊN AN
Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Ít ai biết, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông còn là Cục trưởng Cục Chính trị (tiền thân của Tổng cục Chính trị hiện nay) năng động, nhiệt huyết, quyết đoán và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội.
Thời điểm ban đầu, Chính trị cục là một trong mười cục của Bộ Quốc phòng, có nhiệm vụ: “Đào tạo các chính trị viên phái đi các bộ đội để giữ vững và nâng cao tinh thần chiến đấu, tinh thần ái quốc và sự tôn trọng kỉ luật trong quân đội”(1). Dẫu vậy, Chính trị cục chưa hình thành về tổ chức nên việc bổ nhiệm Cục trưởng chỉ dừng ở quyết định văn bản. Phải đến ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 214/SL, bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng - Chính trị uỷ viên Chiến khu 2 làm Phó Bí thư Trung ương Quân uỷ, Cục phó phụ trách Cục trưởng Cục Chính trị(2). Đến đây, cơ quan chính trị cấp toàn quân mới chính thức có cán bộ chủ trì. Biên chế tổ chức cơ bản định hình để tiến hành chỉ đạo tổ chức triển khai công tác đảng, công tác chính trị thống nhất trong toàn quân.
Đồng chí Văn Tiến Dũng về nhận công tác mới tại Cục Chính trị đặt tại số nhà 27 phố Triệu Quang Phục (sau này là phố Hàng Bài, Hà Nội). Đây là con phố rộng rãi, nhìn thẳng ra khu vực Hồ Gươm mang dấu ấn lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc. Con phố lúc nào cũng lộng gió, chan hoà ánh nắng như thêm cổ vũ tinh thần cách mạng đang sục sôi của người chiến sĩ yêu nước trên mảnh đất đã được lịch sử lựa chọn.
Về đơn vị mới, đồng chí Văn Tiến Dũng nhanh chóng nắm bắt và phát huy bề dày kinh nghiệm của mình khi từng là Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chính trị uỷ viên Chiến khu 2. Ngay trước ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 13/12/1946, Trung ương Quân uỷ triệu tập Hội nghị các Khu trưởng và Chính trị uỷ viên khu, họp tại Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Đông. Sau khi trực tiếp tham gia và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Văn Tiến Dũng đã phân công cán bộ của Cục Chính trị xuống một số đơn vị Vệ quốc quân chỉ đạo, giúp các đơn vị tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đội viên nêu cao tinh thần chiến đấu đánh giặc, bảo vệ nhân dân, giữ gìn nền độc lập còn non trẻ. Nhờ đó mà sau này, các đơn vị Vệ quốc quân tại Hà Nội đã nêu cao tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ngời sáng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Đây là hành động rất kịp thời của đồng chí quyền Cục trưởng Cục Chính trị, thể hiện tư duy và nhãn quan chính trị sắc bén, nhanh nhẹn trong tổ chức hoạt động.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, thăm hỏi cán bộ, công nhân viên và các chiến sĩ phân xưởng sửa chữa xe thiết giáp (năm 1975). Ảnh TTXVN
Không chỉ vậy, đồng chí Văn Tiến Dũng còn thể hiện tính quyết đoán trong việc chỉ đạo một số mặt công tác cấp bách phải tiến hành khi tổ chức Hội nghị quán triệt với các đồng chí Chính trị uỷ viên khu, hướng dẫn các khu tổ chức cơ quan chính trị theo chủ trương của Trung ương để thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong khu. Các nội dung nổi bật như: công tác tuyên truyền cần tổ chức các buổi nói chuyện công khai, kết hợp dùng câu lạc bộ, sách báo, ca kịch để động viên, giác ngộ bộ đội. Công tác địch vận cần chọn người phụ trách tuyên truyền, dùng truyền đơn, sách báo, kẻ khẩu hiệu. Công tác huấn luyện chính trị các cấp cần tiến hành bằng cách tổ chức các buổi diễn đàn mỗi tháng ít nhất một lần, kết hợp kiểm tra của cấp trên với cấp dưới, xuất bản các sách bỏ túi phù hợp với trình độ của đội viên... Dẫu còn đơn giản nhưng sự chỉ đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng về một số nội dung công tác chính trị thời điểm này là khá kịp thời, thiết thực nhằm góp phần ổn định, chuẩn bị tư tưởng, tinh thần tốt nhất cho bộ đội trước khi bước vào cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc.
Mùa xuân năm 1947, Trung ương Đảng và Chính phủ chuyển lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo cả nước kháng chiến. Cơ quan chính trị khẩn trương được củng cố. Ngày 12/2/1947, với Sắc lệnh số 16/SL, Chính phủ quyết định bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng - quyền Cục trưởng Cục Chính trị giữ chức Cục trưởng, đồng chí Khuất Duy Tiến giữ chức Cục phó Cục Chính trị kiêm Trưởng phòng dân quân.
Thời gian này, đồng chí Văn Tiến Dũng và đồng chí Võ Nguyên Giáp thường xuyên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để báo cáo tình hình. Bác căn dặn đồng chí Văn Tiến Dũng về việc đẩy mạnh các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, phải nắm vững nguyên tắc căn cốt: “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, quân với dân như cá với nước, nên đối với dân phải bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Khi chiến đấu, quân đội phải dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, thi đua cướp súng giặc để giết giặc và phát triển lực lượng ta. Muốn vậy, công tác chính trị, tư tưởng phải tốt, phải thông suốt từ trên xuống dưới”(3).
Đồng chí Văn Tiến Dũng cũng đã báo cáo thực tế đường hướng công tác đảng, công tác chính trị trong Vệ quốc quân và Dân quân tự vệ. Dẫu vậy, đồng chí cũng bày tỏ băn khoăn về những hạn chế trong công tác tổ chức, kinh nghiệm hoạt động. Ở một số nơi, cơ quan chính trị chưa tổ chức xong, có nơi tổ chức đã hình thành nhưng quyền hạn chưa rõ ràng. Vậy nên, dù đã bố trí được hệ thống chính trị viên từ trên xuống cơ sở đại đội nhưng việc xác lập chế độ công tác chính trị, các nền nếp sinh hoạt chưa hoàn thiện. Người chính trị viên chưa nắm chắc nhiệm vụ nên đôi khi sao nhãng, mối quan hệ giữa cán bộ quân sự và cán bộ chính trị còn lúng túng…
Dường như thông cảm với nỗi lo về tình trạng thiếu cán bộ chính trị, Bác mỉm cười và nhắc nhở: “Đảng có bổ sung cho chú bao nhiêu người cũng không đủ đâu. Hãy tìm và cất nhắc những người được thử thách trong chiến đấu. Nếu không xây dựng được một tổ chức hợp lý và có đủ người phụ trách công việc thì dù kế hoạch hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là kế hoạch trên giấy. Phải làm cho công tác chính trị trở thành công tác của mọi người(4).
Những lời căn dặn của Bác đã là kim chỉ nam cho những hoạt động sau này của đồng chí Văn Tiến Dũng. Đến ngày 18 tháng 10 năm 1949, để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, đồng chí Văn Tiến Dũng được phân công về Liên khu 3 công tác. Tròn 3 năm trên cương vị Cục trưởng Cục Chính trị, đồng chí Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp tích cực vào việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với lực lượng vũ trang nhân dân và xây dựng hệ thống tổ chức cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị cơ bản, vững chắc, làm nòng cốt tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội sau này.
N.A
---------
1. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1 (1944 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr. 43.
2. Ngày 6/5/1946, Chính trị cục đổi tên thành Cục Chính trị
3. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 240.
4. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 241.
VNQD