Vùng biển Tây Nam kéo dài từ cửa sông Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu đến TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang xuống phía Nam với hơn 130 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du và Thổ Chu. Phóng viên VNQĐ điện tử đã có chuyến đi dọc vùng biển này để thấy một dải non sông trong hình hài đất mẹ với những chiến đấu, hi sinh của những người lính, cùng với nhân dân trên các đảo bám đất, bám biển để mỗi hòn đảo được thân thương gọi hai tiếng quê hương của nhiều người con đất Việt. Xin giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về vùng biển đảo thiêng liêng này.
Trên đỉnh Hòn Khoai, nơi trời và biển hòa vào nhau, tôi cùng những người lính Trạm Ra đa 595, Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân lặng lẽ tiến về phía khu tưởng niệm người anh hùng Phan Ngọc Hiển. Hơi thở của biển thổi qua những rặng cây xanh mướt, mang theo mùi muối mặn, hòa quyện cùng làn khói hương trầm mặc. Giữa không gian ấy, tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sự hi sinh của những người đi trước, những con người đã dâng trọn thanh xuân cho độc lập dân tộc.
Phan Ngọc Hiển không chỉ là một nhà giáo hiền lành, mà còn là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một người anh hùng của miền Tây Nam Bộ. Xuất thân từ một gia đình lao động, ông sớm ý thức được nỗi đau mất nước, nỗi thống khổ của đồng bào dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Từ một người truyền dạy con chữ, ông dần trở thành người truyền lửa cách mạng, vận động quần chúng đứng lên đấu tranh. Và chính trên Hòn Khoai này, ông đã viết nên trang sử hào hùng bằng máu và lòng dũng cảm.
Ngày 13/12/1940, khi trời còn chưa sáng, Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội bí mật đột kích đồn địch, tiêu diệt tên chúa đảo và làm chủ hoàn toàn Hòn Khoai. Chiến thắng ấy không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn là biểu tượng của tinh thần quật khởi, mở đầu cho phong trào đấu tranh vũ trang tại miền Tây Nam Bộ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, thực dân Pháp nhanh chóng điều quân đàn áp, bắt giữ Phan Ngọc Hiển cùng đồng đội.
Ngày 12/7/1941, trước pháp trường Cà Mau, khi họng súng giặc chĩa vào ngực mình, ông vẫn hiên ngang hô vang: "Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Đả đảo thực dân Pháp!" Tiếng hô ấy không chỉ vang lên trong khoảnh khắc ấy mà còn vang vọng mãi trong lòng người dân Nam Bộ, trở thành lời thề bất diệt của bao thế hệ sau này.

Mộ của thầy giáo Phan Ngọc Hiển nằm cạnh Trạm Ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai.
Ngọn lửa tinh thần soi sáng những người lính đảo
Hơn 80 năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện về Phan Ngọc Hiển vẫn được kể lại, không chỉ trong sách vở mà ngay tại chính nơi ông từng chiến đấu. Với cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 595, tinh thần của ông là nguồn động viên lớn lao, là ngọn lửa soi đường để họ thêm vững tâm giữa nơi đầu sóng ngọn gió.
Đại úy Bùi Ngọc Định, Chính trị viên của trạm Ra đa 595 chia sẻ: "Mỗi lần lên viếng mộ Phan Ngọc Hiển, tôi lại thấy như có một nguồn năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho anh em trong đơn vị. Chúng tôi luôn nhắc nhau rằng, dù thời đại có thay đổi, nhiệm vụ của người lính vẫn không bao giờ khác, đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc".
Những người lính như Binh nhất Phạm Nhật Trường dù chưa từng trải qua chiến tranh nhưng vẫn mang trong mình lòng tự hào, ý chí sắt đá của cha anh. Phạm Nhật Trường xúc động nói: "Đứng ở nơi này, em càng hiểu rõ hơn vì sao mình phải ngày đêm bám biển, giữ đảo. Chúng em được sống trong hòa bình, nhưng nhiệm vụ của mình là giữ vững nền hòa bình ấy cho muôn đời sau".

Dưới lá cờ Tổ quốc, bên mộ thầy giáo Phan Ngọc Hiển, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 595 và nhân dân luôn nêu cao tinh thần anh dũng bảo vệ vùng biển trời Tây Nam.
Tiếp nối truyền thống, giữ vững biển trời
Trạm Ra đa 595 không chỉ là đôi mắt thần theo dõi, kiểm soát vùng trời, vùng biển, mà còn là chốt tiền tiêu vững vàng trước mọi thử thách. Những người lính ở đây, dù xa đất liền hàng trăm cây số, vẫn kiên trì bám trụ, bất kể nắng gió khắc nghiệt. Họ luân phiên nhau trực canh, đảm bảo không một tín hiệu lạ nào có thể xâm phạm vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Mỗi buổi sáng, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ cao nhất đảo, những người lính lại dõng dạc cất vang bài Quốc ca, như một lời thề tiếp nối tinh thần của Phan Ngọc Hiển. Dù không còn tiếng súng, không còn những cuộc giao tranh, nhưng nhiệm vụ canh giữ biển trời vẫn đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và lòng yêu nước sâu sắc.
Hòn Khoai ngày nay không chỉ ôm ấp những chứng nhân lịch sử mà còn là nơi hun đúc ý chí cho những người lính đang ngày đêm bám đảo. Trong mỗi ca trực, trong từng ánh mắt dõi xa về phía chân trời, tôi thấy được hình ảnh của những người lính Hải quân Vùng 5 kiên cường, sẵn sàng hi sinh để giữ trọn lời thề với non sông.
Ra về khi hoàng hôn buông xuống, tôi ngoái nhìn ngọn hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai, nơi ánh sáng vẫn rực rỡ giữa trời đêm. Cũng như ngọn đèn ấy, tinh thần của Phan Ngọc Hiển vẫn mãi sáng trong lòng những người lính nơi đây, để mỗi ngày, họ lại vững vàng tay súng, tiếp tục sứ mệnh bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
VŨ THÀNH DUY
VNQD