Dòng chảy
BIỂN TÂY - NHỮNG NGƯỜI LÍNH NƠI ĐẦU SÓNG - 2

Người thầy đặc biệt trên hòn đảo không trường học

Thứ Ba, 01/04/2025 07:45

Hòn Chuối, một hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây, giữa biển khơi mênh mông của tỉnh Cà Mau. Cuộc sống nơi đây khắc nghiệt, thiếu thốn, nhưng cũng chính trên mảnh đất ấy, suốt 15 năm qua, Thiếu tá QNCN Trần Bình Phục, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, đã lặng lẽ "gieo chữ" cho những đứa trẻ nghèo, trao đi tri thức, niềm tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

Thiếu tá Trần Bình Phục và mô hình lớp học đặc biệt trên đảo Hòn Chuối.

Lớp học nơi đầu sóng

Giữa những bậc đá cheo leo dẫn lên đỉnh đảo, lớp học nhỏ của thầy Phục nép mình bên vách núi, nơi mỗi sáng lại vang lên tiếng ê a của lũ trẻ. Đó không chỉ là một lớp học bình thường, mà còn là điểm tựa cho những đứa trẻ lớn lên giữa sóng gió biển khơi.

Lớp học tình thương này được Đồn Biên phòng Hòn Chuối mở từ năm 1995, ban đầu chỉ là một căn nhà tranh vách đất, có vài học sinh theo học. Thiếu tá Trần Thanh Ba, Đồn phó Đồn Biên phòng Hòn Chuối, chia sẻ về những khó khăn mà lớp học gặp phải:

"Ở đây, phần lớn bà con làm nghề nuôi cá lồng bè. Khi kinh tế khó khăn, họ rời đảo vào đất liền làm thuê, con cái không có chỗ học. Khi nào nuôi cá có kết quả, họ quay về, lớp học lại đông lên. Có những năm, lớp lên tới hơn 30 em. Nhưng cũng có lúc các gia đình rời đi, lớp học chỉ còn lác đác vài học sinh".

Không chỉ thiếu ổn định về số lượng học sinh, việc tổ chức lớp học cũng gặp muôn vàn khó khăn. Thiếu tá Ba tâm sự:

"Những đứa trẻ trên đảo, nhiều em không có hộ khẩu thường trú, cha mẹ di cư tự do nên việc quản lí rất phức tạp. Đơn vị cũng cố gắng hỗ trợ hết sức, hiện tại đang nuôi dưỡng bốn cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng quân số có hạn, việc chăm lo cho các cháu ngoài giờ học cũng là một áp lực lớn".

Bất chấp những khó khăn ấy, lớp học vẫn duy trì liên tục, bởi những người lính biên phòng hiểu rằng, chỉ có con chữ mới có thể giúp trẻ em nơi đây thay đổi cuộc đời.

Thiếu tá Trần Bình Phục và học sinh bên cơ sở lớp học tình thương.

Một người thầy, mười môn học và những đứa trẻ lớn lên từ con chữ

Thiếu tá Trần Bình Phục nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, khi anh phải tự tìm tòi giáo án, vừa dạy vừa học. Có thời điểm, anh phải dạy đến lớp 9, với hơn 10 môn học khác nhau.

"Ban đầu, tôi chỉ có một tấm bảng, không thể giảng dạy hiệu quả. Sau đó, tôi tìm hiểu về mô hình lớp ghép, phân nhóm học sinh theo trình độ, giao bài cho lớp lớn kèm lớp nhỏ. Mỗi buổi tối, tôi soạn giáo án, luyện bài để đảm bảo hôm sau giảng thật trôi chảy. Học sinh của tôi không chỉ là những đứa trẻ 6-7 tuổi, mà có khi là cả những em 14-15 tuổi mới lần đầu biết cầm bút".

Mỗi ngày, những đứa trẻ trên đảo lại tập trung dưới chân núi, chờ bộ đội cõng hoặc dắt tay lên lớp. Thiếu tá Trần Thanh Ba chia sẻ thêm:

"Địa hình trên đảo dốc đứng, mùa mưa trơn trượt, trẻ con đi lại rất nguy hiểm. Vì vậy, mỗi sáng sớm, các chiến sĩ phải xuống tận nơi, đưa từng em đến lớp. Có khi nhỏ quá, không leo nổi, anh em lại cõng lên".

Nhờ nỗ lực ấy, 100% trẻ em trên đảo đều được đến lớp, được học chữ, học cách sống tốt hơn.

Trong lớp học tình thương ấy, có rất nhiều học trò đặc biệt. Nguyễn Hữu Dạng, học sinh lớp 3, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với ông bà già yếu. Ngoài giờ học, em phải đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Những người lính biên phòng đã nhận Dạng làm con nuôi, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập để em có thể tiếp tục đến trường.

Còn Kim Hoàng Khang, 12 tuổi, từng sống cùng mẹ trên bè cá, không có điều kiện đến trường. Nhờ các chú bộ đội vận động, em mới được đi học. "Nếu không có thầy Phục, con chắc vẫn chưa biết chữ. Con chỉ mong được học lên cao hơn, sau này giúp đỡ mẹ" Khang bẽn lẽn nói.

Nhưng điều tự hào nhất là từ lớp học nghèo ấy, đã có những học trò bước chân vào giảng đường đại học. Nguyễn Văn Nguyên, sinh viên năm ba Đại học Cần Thơ, bồi hồi nhớ lại:

"Nếu không có thầy Phục, em có lẽ vẫn là một đứa trẻ không biết chữ, không có tương lai. Thầy không chỉ dạy chữ, mà còn dạy chúng em cách sống, cách mơ ước".

Những lời giản dị ấy chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những gì mà người thầy mang quân hàm xanh đã làm suốt 15 năm qua.

Không chỉ là thầy giáo Thiếu tá Trần Bình Phục như người bảo mẫu, người cha, người anh của các em.

Chỉ có hai chữ "tình thương"

Hơn một thập kỉ gắn bó với lớp học, đã nhiều lần Thiếu tá Trần Bình Phục xin cấp trên cho phép anh tiếp tục ở lại đảo.

"Bộ đội Biên phòng thường chỉ công tác tại một đơn vị 5 năm, nhưng tôi đã xin ở lại thêm 10 năm nữa. Lãnh đạo cũng hiểu, cũng tạo điều kiện. Nhiều người hỏi tôi vì sao gắn bó lâu đến vậy, tôi chỉ có thể trả lời bằng hai chữ 'tình thương'".

Anh kể, những ngày đầu dạy học, anh không chỉ là thầy giáo, mà còn là người bảo mẫu, người cha, người anh của các em. Có những hôm, anh đến tận nhà vận động từng phụ huynh cho con đi học. Có em sợ chữ, không muốn đến lớp, anh lại phải vừa dỗ dành, vừa khích lệ.

Với sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, lớp học đã có cơ sở vật chất tốt hơn, nhưng Thiếu tá Trần Thanh Ba vẫn trăn trở:

"Chúng tôi mong rằng sẽ có thêm sự quan tâm từ các cấp chính quyền, để các em có một ngôi trường thực sự khang trang, để thầy Phục không phải vừa dạy, vừa chắp vá đủ thứ".

Những con chữ trên đảo Hòn Chuối vẫn tiếp tục được gieo trồng. Nhưng người gieo chữ ấy vẫn canh cánh một nỗi niềm:

"Tôi mong một ngày nào đó, Hòn Chuối sẽ có một ngôi trường thực sự, để trẻ em không phải học trong lớp ghép, để chúng có đủ điều kiện học hành như bao đứa trẻ khác".

Trong ánh hoàng hôn buông xuống trên đảo Hòn Chuối, hình ảnh người lính biên phòng cặm cụi bên những trang giáo án vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Anh không chỉ là một người lính, một người thầy, mà còn là một người cha, người anh của biết bao thế hệ học trò.

Trên hòn đảo xa xôi ấy, những ước mơ vẫn tiếp tục được thắp sáng, nhờ tấm lòng của một người thầy mang quân hàm xanh.

VŨ THÀNH DUY

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)