Cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá, từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân Mĩ trong những năm chiến tranh. Sau bao lần bị đánh phá, Hàm Rồng vẫn hiên ngang, đứng vững tựa vào sườn núi bên bờ sông Mã, trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí, quật cường dân tộc. Từ năm 1964 đến năm 1972 cây cầu nhỏ bé bắc đôi bờ sông Mã đã phải chịu hàng nghìn lượt oanh kích, quân và dân ta đã sát cánh chung lòng bám trụ chiến đấu, giữ vững huyết mạch giao thông tuyến Bắc - Nam chi viện cho chiến trường. Hàm Rồng đã trở thành nơi hội tụ sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của nền chiến tranh nhân dân.
Trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, không quân Mĩ đã xuất kích 454 lượt/chiếc máy bay, ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng. Cũng trong 2 ngày chiến đấu ấy, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay Mĩ, bắt sống nhiều giặc lái. Quân và dân Hàm Rồng đã lập nên kỉ lục về thành tích bắn rơi máy bay Mĩ trên miền Bắc.
60 năm sau ngày chiến thắng Hàm Rồng, PV VNQĐ điện tử đã trở lại thăm cây cầu huyền thoại này.
Cầu Hàm Rồng đầu tiên do Pháp xây dựng năm 1905, nhưng đến năm 1946, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, cây cầu đã bị đánh sập. Đến năm 1962 nó được xây dựng lại để nối liền mạch máu giao thông Bắc - Nam, chi viện cho chiến trường đánh Mĩ.
Cây cầu bắc ngang sông Mã, nối núi Ngọc và núi Rồng ở bờ Bắc và bờ Nam.
Hàm Rồng 60 năm sau chiến thắng trận đầu vẫn hắt bóng lịch sử với vẻ bi tráng.
Những bông lau như kể những câu chuyện lịch sử về cây cầu huyền thoại.
Năm 1962, khi xây dựng lại cầu có một trụ chia đôi dòng sông Mã.
Sau khi bị bom Mĩ đánh sập năm 1972, cầu được xây dựng mới với hai nhịp bắc ngang.
Núi Rồng linh thiêng nơi có động Long Nhan bên đầu cầu Hàm Rồng.
Đường lên động Long Nhan.
Dòng sông Mã lịch sử gắn với cây cầu lịch sử.
Bà Dương Thị Thục, trung đội trưởng nữ dân quân bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa bên một chiếc hố bom còn đến hôm nay.
Nụ cười lạc quan vẫn được "bảo lưu" nơi người nữ dân quân làng Đông Sơn.
Bên cạnh cầu Hàm Rồng lịch sử là cầu Hoàng Long hiện đại được xây dựng để đảm bảo giao thông tuyến Bắc - Nam thời đất nước đổi mới.
Khoảng trời Hàm Rồng.
Cầu Hàm Rồng đã trở thành điểm lưu giữ kí ức của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Ông Lương Thế Tập, một cựu chiến binh làng Đông Sơn bên cây cầu Hàm Rồng đã trở thành người sưu tầm và trưng bày những kỉ vật kháng chiến giới thiệu với thế hệ trẻ và du khách gần xa về cuộc chiến đấu của quân và dân ta bảo vệ cây cầu huyền thoại.
Cầu Hàm Rồng hiện nay góp phần giảm tải giao thông đường bộ cho cầu Hoàng Long và là cầu đường sắt, nơi ngày ngày những chuyến tàu Bắc - Nam chạy dọc đất nước vẫn đi qua.
Soi bóng xuống dòng sông Mã anh hùng.
Một ụ pháo phòng không của Đại đội 4, Trung đoàn Pháo phòng không 228, Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ cầu Hàm Rồng được phục dựng trên đồi Quyết Thắng.
Nhiều du khách trong và ngoài tỉnh Thanh Hoá đã chọn cầu Hàm Rồng là điểm check in khi về thăm vùng đất này.
Ngày nay, cầu Hàm Rồng là di tích lịch sử văn hoá gắn liền với Không gian văn hoá Hàm Rồng của tỉnh Thanh Hoá. Các cựu chiến binh tham gia chiến đấu bảo vệ cây cầu năm xưa hàng năm vẫn về thăm lại Hàm Rồng, du khách gần xa khi về Thanh Hoá cũng đến tham quan cây cầu này. Hàm Rồng vẫn đứng đó để kể những câu chuyện lịch sử.
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: THIỆN NGUYỄN
VNQD