Dòng chảy

Lặng lẽ đường biên xanh

Chủ Nhật, 01/12/2024 07:21

Khắp dải đất biên giới Tây Nguyên là màu xanh được kiến tạo bởi bàn tay những người thợ cao su Binh đoàn 15. Đêm đêm ánh đèn biên giới trên trán những người thợ lặng lẽ cạo mủ trong rừng khuya như những chỉ dấu về sự hiện diện của của người dân bên bờ cõi biên thuỳ. Chủ trương đưa cây cao su, đưa dân lên vùng biên giới đã được các cấp lãnh đạo của Quân đội quan tâm thực hiện từ rất sớm trên mảnh đất Tây Nguyên, ngay sau ngày đất nước hoà bình. Sau 40 năm kể từ khi được thành lập (1985) Binh đoàn 15, đơn vị kinh tế - quốc phòng đứng chân chủ yếu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum vẫn âm thầm từng ngày kiến tạo một vành đai xanh cho vùng biên giới rộng lớn trải trên độ dài 250 km. Có dịp đi dọc dải biên giới này, PV VNQĐ đã ghi nhận những hình ảnh chân thực về cuộc sống và công việc của những công nhân cao su tại các đội sản xuất của các đơn vị thuộc Binh đoàn 15. Không chỉ kiến tạo vành đai xanh, hàng nghìn con người còn ngày đêm lặng lẽ bám đường biên, làm ra của cải vật chất, phát triển kinh tế xã hội và góp phần dựng xây đất nước.

Suốt một dải biên giới từ huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pả, Ia Grai của Gia Lai đến Ia H'drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum là những cánh rừng cao su thuộc các đội sản xuất của Binh đoàn 15. Để có diện tích cao su hàng chục nghìn héc ta này là mồ hôi công sức của những người lính Binh đoàn và các đơn vị tiền thân suốt nửa thế kỉ qua, từ nghiên cứu thử nghiệm đến trồng và chăm sóc, khai thác... 
Kĩ thuật cạo mủ quyết định đến lượng mủ thu được cũng như chu kì cho mủ của cây cao su, bởi thế, hàng năm các đội sản xuất, các đơn vị và cấp Binh đoàn đều tổ chức thi thợ giỏi, tìm ra những người thợ có "bàn tay vàng" trong lao động sản xuất.
Trong ảnh là Vi Văn Mưu, sinh năm 1995, thuộc Đội sản xuất số 7 của Chi nhánh 716, thợ giỏi nhiều năm liền của đơn vị. Công việc của Mưu cũng như những công nhân cạo mủ khác thường bắt đầu lúc 12 giờ đêm, là giờ mà cây cao su cho mủ cao nhất. Mỗi người phụ trách một lô, mỗi lô theo quy chuẩn là 555 cây, thời gian cạo hết một lô khoảng ba tiếng.
Không giống như một số đơn vị sản xuất kinh doanh cây cao su khác thường làm mủ đông, không cần sử dụng nhiều nhân lực, các đơn vị của Binh đoàn 15 làm mủ nước, tức là thu gom mủ tươi hàng ngày thay vì để dăm bảy ngày mới thu, vừa tăng sản lượng mủ, vừa tạo việc làm cho người lao động. Điều này giúp đơn vị thu được mủ chất lượng cao, bên cạnh đó cũng tăng cường sự hiện diện của mỗi người lính thợ tại khu vực biên giới về số lượng và thời lượng, bởi việc sản xuất mủ nước đòi hỏi người thợ phải có mặt hàng ngày, hàng đêm tại các lô cao su sát biên giới.
Đặc thù của những người thợ cao su là mỗi người làm theo lô của mình nên tính độc lập rất cao, một mình giữa cả cánh rừng. Từ năm giờ sáng, chị Vi Thị Hương, quê Thanh Hóa, Công nhân Đội sản xuất số 7, Chi nhánh 716 đã phải dậy để đi thu mủ từ những đường cạo mà chính chị đã cạo trong đêm.
Thời gian làm việc chủ yếu ban đêm nên cũng như các công nhân cao su khác, trên đầu chị Hương là chiếc đèn pin. Khi trời sáng cũng là lúc chị hoàn tất công việc được phân nửa.
Cận cảnh một vạt quần của người thợ thu mủ cao su.
Khác với chị Hương là công nhân có thâm niên, Kha Văn Tiến, quê Kỳ Sơn, Nghệ An là lính mới, vừa đầu quân về Đội 7 năm 2023, tuy vậy anh cũng đã bước đầu quen với công việc. Số mủ thu từ các bát vào xô đang được Tiến gom vào các can nhựa để chở về điểm thu gom mủ của Đội.
Trong các lô cao su rất nhiều muỗi, trước đây mỗi công nhân thường đốt hương muỗi dạng cây đính vào dao cạo mủ hoặc gắn trên vành mũ để tránh bị muỗi đốt khi làm việc nhiều giờ trong rừng, dần dần việc này đã được chuẩn hoá bằng phụ kiện đeo bên hông như thế này với hương vòng sử dụng được lâu hơn, tiện lợi và gọn gàng hơn. Như các đồng nghiệp khác, Tiến cũng trang bị cho mình thiết bị đuổi muỗi chuyên dụng.
Mủ cao su được các công nhân chở bằng xe máy, thậm chí là các xe tự chế từ các lô về điểm thu gom.
Sau khi nhập cho Đội, những can mủ mới thơm mùi sữa được đổ vào bể chứa.
Cao su cho chu kì khai thác mủ trung bình là 24 năm, bắt đầu sang năm thứ 7, khi đạt đường kính 50cm ở vị trí 1,3 mét từ gốc lên, cây cho khai thác mủ. Sau khi mở đường cạo dưới cạo lần đầu ở mỗi bên, mỗi lần 6 năm, khi chuyển cạo tái sinh cây sẽ được mở thêm đường cạo trên. Người thợ bám theo chu kì ấy mà khai thác cho đúng kĩ thuật. Trong ảnh là anh Lương Đỗ Sinh, sinh năm 1979, người đã gắn bó với lô cao su 22 của Đội sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78 này từ khi mới trồng, năm 2000, khi anh từ Thanh Hoá vào làm công nhân và gắn bó với vùng giáp biên thuộc xã Mo ray, huyện Sa Thầy, Kon Tum.
Vợ chồng anh Sinh gắn bó với lô cao su số 22 này từ những ngày mỗi cái cây như một đứa trẻ, nay đàn trẻ ấy đã trưởng thành, đang cho mủ sung sức. Chị Hượng vợ anh nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhận khoán diện tích của Công ty để tiếp tục công việc chăm sóc, khai thác mủ, cùng chồng lao động dưới những tán rừng sát biên giới. Nhờ khai thác đúng kĩ thuật, lô cao su của anh Sinh cũng như của nhiều công nhân khác, tuổi thọ khai thác mủ đã được kéo dài thêm so với thông thường đến 4, 5 năm.
Mủ cao su đưa về điểm thu gom được vào sổ sau khi cân trọng lượng.
Ngoài ra, một công việc mà nếu không có mặt tại các điểm thu gom mủ cao su sẽ rất khó hình dung, đó là việc đánh giá chất lượng mủ cao su. Mỗi lô sẽ được lấy mẫu với một mã số riêng.
Số mủ mẫu này lại được trích ra một định lượng thống nhất để cô đặc lại theo cách thủ công "chiên" khô trên bếp ga như thế này, hoặc cũng có thể cho cả loạt vào lò vi sóng.
Chất rắn thu được sau cô đặc sẽ lại được đặt lên cân tiểu li để ghi nhận trọng lượng. Mẫu này gọi là TSC, bao gồm cả tạp chất, loại bỏ tạp chất mới là định lượng mủ cao su thu được, viết tắt là DRC. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá hàm lượng mủ nhập về từ các lô.
Năng suất của mỗi công nhân phụ thuộc vào kĩ thuật cạo, việc cạo tận thu các cây trong lô, mở đường cạo thấp xuống gốc cũng như việc thu gom mủ dây dính trên miệng cạo đêm trước, mủ dính ở bát để nhập mủ tạp...
Những lô cao su trải dài dọc theo đường tuần tra biên giới, có những nơi chỉ cách cột mốc vài chục mét đã làm nên một vành đai xanh, và suốt vành đai xanh đó ngày đêm đều có sự hiện diện của những người thợ Binh đoàn 15. Ngoài việc sản xuất kinh doanh, đem lại giá trị kinh tế dựng xây đất nước, họ được ví như những cột mốc sống bảo vệ biên cương.
Việc phát triển diện tích trồng cao su cũng đã đem lại công việc cho người lao động bản địa là đồng bào các dân tộc. Trong ảnh là chị Y Đẻ, dân tộc Rơ Măm tại xã Mo ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, công nhân của Đội sản xuất số 10, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, Binh đoàn 15.
Đồng bào Rơ Măm, một dân tộc ít người từ chỗ chỉ còn trên dưới một trăm người, nay với sự chung tay vào cuộc của nhà nước và các đơn vị trên địa bàn, cộng đồng người Rơ Măm đã phát triển lên 157 hộ với gần 600 nhân khẩu. Trong đó nhiều người đã trở thành công nhân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 78, có việc làm và được tạo điều kiện về chỗ ở tại khu nhà công nhân. Ảnh: Những phụ nữ Rơ Măm sau giờ lao động.
Anh Bùi Văn Mạnh, công nhân Đội sản xuất số 7 tranh thủ mài dao cạo mủ cho vợ trong đêm. Mỗi con dao có giá 200 nghìn đồng, mỗi lần dao cùn thợ cạo mủ sẽ đem ra lò rèn nhờ tạo hình lại lưỡi cạo với chi phí khoảng 60 nghìn đồng. Sau vài lần tạo hình lưỡi sẽ thay dao mới. Với miệng cạo dưới người thợ dùng dao cán ngắn để cạo xuôi, khi khai thác lâu năm, mở đường cạo trên thì sẽ cần đến dao cán dài để cạo ngược.
Con dao đã được mài sắc, sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.
Những dòng sữa trắng sau khi vào bồn sẽ có xe của Công ty chở về nhà máy sơ chế mủ.
Chiếc xe bồn này sẽ làm nhiệm vụ thu gom, đưa mủ tươi về nhà máy. Mủ được bơm từ bồn chứa lên các téc chứa trên xe.
Thiếu tá Kiều Bá Oanh, Đội trưởng Đội sản xuất số 7, Chi nhánh 716 kiểm tra việc bơm mủ lên xe bồn.
Nhập mủ xong công nhân sẽ vệ sinh các can đựng, tránh mủ bám đông kết để phục vụ cho buổi làm việc tiếp theo.
Nữ công nhân Vũ Thị Lan của Đội sản xuất số 8, Chi nhánh 716 sau một ngày làm việc. Chi nhánh 716 là đơn vị non trẻ nhất của Binh đoàn 15, mới được thành lập năm 2014 tại huyện mới Ia H'drai của tỉnh Kon Tum. Chị Lan đã có mặt ngay từ ngày đầu thành lập và đồng hành với những lô cao su ở đây, gắn bó với dải đất vùng biên này. Hiện gia đình chị và cả gia đình con gái chị đều là công nhân của đội sản xuất.
Cây cao su đã gắn bó với những thế hệ người thợ Binh đoàn 15, trở nên gần gũi thân thương, như biểu tượng của Binh đoàn.
Bên đường biên xanh, hình bóng những thợ cao su vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, lặng thầm dưới những tán rừng. Những khu nhà của người thợ Binh đoàn 15 đã hình thành nơi biên giới như báo hiệu cho sự trù phú, ấm áp của những khu vực dân cư mới trong tương lai
Tổ chức trang: VŨ THÀNH DUY
Thực hiện: NGUYỄN XUÂN THUỶ
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)