Dòng chảy

Trung tướng Khuất Duy Tiến, hành trình của người anh hùng

Thứ Hai, 25/11/2024 16:21

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài Quân đội tận tình cứu chữa, gia đình và người thân hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao, sức yếu ông đã từ trần hồi 16 giờ 10 phút ngày 23/11/2024, hưởng thọ 93 tuổi. VNQĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết về cuộc đời ông và hành trình trở thành người Anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến. Ảnh: TL

Tôi được tiếp xúc và trò chuyện với Trung tướng Khuất Duy Tiến nhiều lần và từng được nhiều người thuộc mọi thế hệ kể về ông. Đặc biệt qua cuốn Hồi ký Ký ức đời binh nghiệp thể hiện chân thực, sinh động, giàu cảm xúc đã cho tôi hình dung khá trọn vẹn về ông - một vị tướng trưởng thành trong khói lửa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sau dấu mốc 1975, với các cương vị và trọng trách được giao, Khuất Duy Tiến luôn thể hiện là người cán bộ chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong mọi tình huống để lãnh đạo chỉ huy thắng lợi mọi nhiệm vụ. Luôn đồng nhất ở ông, từ khi là cậu thiếu niên tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, từng bị địch bắt đưa vào nhà tù Hỏa Lò, tiếp đến sớm vượt tù ngục có mặt trong đội hình Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng.

Là con trưởng, lại là trưởng họ Khuất tại Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Tây cũ, người cha Khuất Duy Đản trong khó khăn cùng cực vẫn mong muốn lo cho cậu con cả - trưởng họ tương lai Khuất Duy Tiến được ăn học. Khuất Duy Tiến sớm được học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ vừa làm việc giúp mẹ. Thấy con còn mải đi mót lúa mót khoai, bắt cua bắt cá phụ giúp gia đình người cha giận quá đã đánh con và mắng:

- Bố đã thất học chịu cảnh hèn hạ, con cũng theo bố ư hở con? Người có học người đời mới không khinh rẻ bắt nạt được. Tại sao con không nghe lời bố?

Khuất Duy Tiến khóc thương bố càng cắn răng học hành. Các thầy chữ Nho và chữ Quốc ngữ rất thương quý chàng trai hiếu học. Đặc biệt là thầy giáo Hào người nổi tiếng hay chữ và nghiêm khắc từng được nhà nước bảo hộ Pháp và vua triều Nguyễn phong tặng hàm Cửu phẩm Văn giai. Thầy còn cho Tiến ngủ ở nhà thầy để tiện học hành. Thật kỳ diệu, vượt qua mọi khó khăn, đói kém, năm 1944, Khuất Duy Tiến đã thi đậu bằng Sơ học yếu lược, vốn chỉ dành cho con cái của chức sắc và quan lại lớn bấy giờ mới có đủ sức theo học.

Nhưng chàng thiếu niên Khuất Duy Tiến không chỉ sáng dạ trong đường học hành mà còn sớm nhận ra những sự khác biệt khi tuổi còn rất nhỏ. Khi quá túng thiếu, mấy người em ruột của Tiến chết vì không có thuốc men, đến ăn còn không có khiến người cha uất ức thì khi ấy người cậu ruột là Đinh Quang Hoàn đến thăm an ủi, nói lời hơn lẽ thiệt và phụ giúp gia đình một khoản tiền. Người cậu còn nói: “Tất cả chỉ tại thằng Tây, thằng Nhật, bọn vua quan, bọn chánh tổng lý trưởng, bọn nhà giàu chúng nó dìm anh em nghèo khó chúng ta vào kiếp tối tăm, cơ cực đói khổ, dốt nát chứ mình có tội tình gì”. Trong lúc người cha ngẫm ngợi thấy cần phải đứng dậy nuôi vợ nuôi con thì chàng thiếu niên Khuất Duy Tiến đã nghĩ khác. Tiến sớm nghĩ chắc chắn người cậu ruột Đinh Quang Hoàn phải là người hiểu biết lắm, cậu đi nhiều từng trải và theo lý lẽ dám mắng Tây, Nhật thì lẽ nào ở trong “hội kín Việt Minh” chăng? Những suy nghĩ của Tiến không qua mắt được người cậu tinh tường. Cậu tâm sự thẳng với Tiến. Cậu phân công nhiệm vụ gác cổng khi nhóm họp cho Tiến. Chính các cậu Đinh Quang Hoàn, Đinh Quang Chiến, Nguyễn Vũ Văn là những người giác ngộ bước đầu cho chàng thiếu niên Khuất Duy Tiến.

Khuất Duy Tiến đến với Cách mạng tự nhiên như lẽ sống ở đời. Cách mạng là ngọn lửa tất yếu cháy bùng lên, quét sạch ách đô hộ của ngoại bang, sự thối nát của chế độ cũ thì những chàng trai sớm được học hành, có tố chất thông minh, từ lầm than đói khổ như Khuất Duy Tiến tất yếu sẽ tìm đến.

*

*       *

Sau trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu mà gia đình Khuất Duy Tiến đã phải gạt nước mắt cho người con gái Khuất Thị Đạt mới 13 tuổi đi ở đợ cho người. Hôm dẫn em đi đến nhà bà Tư Triệu ở thôn Hương Lam, Khuất Duy Tiến - người được học chữ đã phải tự tay viết văn tự bán em mình. Người cha không dám nhìn đứa con gái hơn chục tuổi đầu đã phải lìa nhà đi ở. Người con gái mím chặt môi mặc hai dòng nước mặt chảy tràn. Những ấn tượng đó còn mãi với Khuất Duy Tiến đến tận hôm nay.

Cách mạng Tháng Tám như một ngọn gió mạnh quét sạch những tàn dư, thổi một luồng sinh khí mới vào mỗi con người Việt Nam mới hôm qua thôi còn bần cùng, sợ sệt, không dám ngẩng đầu lên trước đòn vọt kẻ xâm lăng. Tại Thạch Thất, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Xứ ủy viên đã quyết định huy động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang giành chính quyền ở Thạch Thất. Khuất Duy Tiến hăm hở phát con dao phát bờ cùng các cậu ruột nhập vào đoàn người tham gia cướp chính quyền.

Tại xã Đại Đồng, khi nhận được mệnh lệnh huy động đội tự vệ chiến đấu gấp rút lên đường tham gia cuộc khởi nghĩa, những thanh niên mau chóng cùng nhân dân tiến vào huyện sở Thạch Thất và vận động trung đội lính và đám công chức ở đây bàn giao huyện sở cho Việt Minh. Lá cờ đỏ sao vàng đã được cắm lên tại huyện Thạch Thất.

Sau khi giành chính quyền ở huyện, được sự chỉ đạo của cấp trên, tổ Việt Minh và tự vệ chiến đấu xã Đại Đồng trở về tiến hành giành chính quyền ở xã. Từng loạt trống ở đại đình nổi lên ầm ầm. Dân làng đổ ra chật sân, chật bãi, chật đường. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa nắng chiều thu rực rỡ. Chàng thiếu niên Khuất Duy Tiến nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay náo nức mà còn như không tin ở mắt mình.

Những ngày chính quyền mới Cách mạng non trẻ đầu tiên bộn bề công việc.Với sự gian giảo, xảo quyệt, giặc Pháp đã bội ước nổ súng vào đồng bào ta. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Toàn dân nghe theo lời Hồ Chủ tịch vùng lên đánh giặc. Chúng ta không thể một lần nữa lại trở về làm nô lệ cho lũ ngoại bang.

Chính quyền Việt Minh xã Đại Đồng mau chóng tổ chức cùng nhân dân đánh giặc. Khi thực dân Pháp nống ra các vùng ven, bọn tề ngụy lập tức nổi dậy thiết lập chính quyền. Khuất Duy Tiến được giao nhiệm vụ thâm nhập vào nhân viên bảo an xã của địch để hoạt động. Tháng 10 năm 1949, Khuất Duy Tiến bắt liên lạc được với Đại đội 354 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 để đón đồng chí Ngữ về diệt tên lý trưởng xã Đại Đồng. Sau hai lần bố trí tiêu diệu chưa thành công, để trả thù Cách mạng, tên lý trưởng huy động lực lượng và bắt được Khuất Duy Tiến cùng các anh Kiều Bá Trung, Kiều Văn Chỉ, Vũ Văn Hữu, Khuất Bá Lạo, Khuất Duy Luyện, Khuất Văn Học, Khuất Văn Bồi, Khuất Văn Hiều xuống huyện giam. Khuất Duy Tiến bị tra tấn dã man. Hết Tây đen đến tề ngụy đánh đập Tiến ngất đi sống lại đổ nước lạnh vào tra tấn tiếp. Tiếp đó, Khuất Duy Tiến cùng những người tù bị chuyển giam ở thị xã Sơn Tây và sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò để biệt giam. Tại Hỏa Lò, thật không ngờ đây chính là trường học của Khuất Duy Tiến. Chàng thanh niên thông minh nhanh nhẹn rất tích cực hoạt động trong tù. Nhiều tài liệu về chủ nghĩa cộng sản được tuyên truyền ở nơi đây. Ngày 19 tháng 5 năm 1950, quân Pháp tiến công Hà Nam, giặc huy động tù binh đi phục vụ chiến đấu vận tải đạn cho binh lính Pháp. Tối hôm đó, lợi dụng lúc quân Pháp ngủ, Khuất Duy Tiến cùng một số đồng chí bí mật trốn thoát được.

Sau nhiều đêm ngày được nhân dân giúp đỡ, Khuất Duy Tiến và các đồng chí trở về được xã Đại Đồng. Khuất Duy Tiến gặp lại người cha và nói rõ ý định của mình muốn đi bộ đội vào quân chủ lực để trực tiếp đánh giặc. Người cha và các anh ở chính quyền xã Đại Đồng - Thạch Thất đều nhất trí, đồng chí Tiêu - Chủ tịch xã viết giấy giới thiệu để Khuất Duy Tiến nhập ngũ vào Trung đoàn 48. Người con xã Đại Đồng trở thành người lính của Trung đoàn 48 từ ngày 4 tháng 9 năm 1950.

Năm đó Khuất Duy Tiến tròn 19 tuổi.

*

*       *

Những tháng ngày chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 48 đã sớm để người chiến sĩ Khuất Duy Tiến ý thức được cuộc chiến đấu sẽ vô cùng gian khổ, ác liệt. Ông bị thương trong trận đánh đầu tiên khi chống địch càn vào làng Hạ Băng, huyện Thạch Thất ngày 19 tháng 10 năm 1950. Đại đội khẩn chương triển khai đội hình, tiểu đội phó Thức bình tĩnh quan sát và hỏi Tiến: Đã thấy địch chưa? Tiến báo cáo đã nhìn thấy địch và khi nhận lệnh bắn vào đội hình địch thì một bên đùi trái mát lạnh, ống quần rách toang, máu chảy đầm đìa. Tiến lập tức được lệnh giao súng và lui về phía sau điều trị vết thương. Nóng ruột mong muốn trở lại đơn vị đánh giặc, khi vết thương còn chưa lành, Khuất Duy Tiến nằng nặc xin trở lại trung đoàn khi chiến dịch Sơn Tây vừa kết thúc thắng lợi.

Trở lại đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 884 làm liên lạc Đại đội 737 do đồng chí Ngô Huy Biên - Đại đội trưởng; đồng chí Nguyễn Kim Tuấn - Tiểu đoàn phó trực tiếp đi theo đại đội đánh địch ở Tam Dương, Thanh Lỗi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Những ngày đánh địch vùng tạm chiếm cùng những người lính chiến thực sự đã mở rộng tầm mắt và kiến thức quân sự, kinh nghiệm chiến đấu trực tiếp trên chiến trường cho người chiến sĩ trẻ Khuất Duy Tiến để anh có những nền tảng đầu tiên trong cuộc chiến đấu dằng dặc sau này.

Theo bước trưởng thành của đơn vị, qua thực tiễn chiến đấu, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 19 xung kích đầu năm 1954, khi trên toàn chiến trường, ta đang chuẩn bị mọi mặt để đánh Điện Biên Phủ. Đại đoàn 320 khẩn trương hoạt động đánh địch trên khắp đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các khu vực Thái Bình, Phủ Lý, Ninh Bình, Phát Diệm, các trục đường quốc lộ, đường sông để phân tán, xé nhỏ tiềm lực của địch. Các Trung đoàn 48, 52, 64 liên tiếp nổ súng đánh địch khắp nơi và lập được nhiều chiến công. Trong trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Chùa Ông, Khuất Duy Tiến bị thương vào cổ tay phải vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm. Đúng là bom đạn tránh người, Khuất Duy Tiến nhiều lần bị thương nhưng dường như bom đạn chưa thể sát thương được người con anh dũng Đại Đồng.

Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại đoàn 320 trong đó có Trung đoàn 48 cùng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên khen thưởng hừng hực khí thế bước vào nhận nhiệm vụ mới.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Khuất Duy Tiến được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Tết năm 1955, Khuất Duy Tiến được đơn vị cho về quê ăn tết. Khi đến chào họ hàng, bà con cô bác trong làng, người lính Đại đoàn Đồng Bằng gặp cô thôn nữ Vũ Thị Hồng Vân. Như một mối duyên tiền định, họ đến với nhau trong sự mừng vui của gia đình, làng xóm và cơ quan đoàn thể. Nhưng cũng phải đến ngày 6 tháng 1 năm 1958, đám cưới của đôi trai tài gái sắc mới được tổ chức. Khi ấy, Khuất Duy Tiến đang chuẩn bị thi tốt nghiệp khóa 10 Trường Sĩ quan Lục quân 1. Chàng trai họ Khuất chỉ có được vẻn vẹn ba ngày cho hạnh phúc riêng. Thời chiến là như vậy, tất cả, ai cũng biết hi sinh cái riêng vì cái chung lớn lao phía trước.

Bức ảnh Trung tướng Khuất Duy Tiến chụp cùng vợ, bà Vũ Thị Hồng Vân, sau ngày cưới, năm 1958.  Ảnh: TL

Tháng 5 năm 1958, Khuất Duy Tiến tốt nghiệp ra trường, là một trong năm người đạt điểm cao nhất khóa. Ông được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 17 thuộc Đại đoàn 320. Tháng 12 năm 1958, Khuất Duy Tiến được phong quân hàm Thượng úy. Làm công tác ở Tiểu đoàn huấn luyện được gần một năm, tháng 11 năm 1959, ông được điều về làm giáo viên chiến thuật trường Quân chính Quân khu 3 đến tháng 7 năm 1962 được cử đi học khóa 1 trường Trung cao Quân sự. Hiệu trưởng là đồng chí Trần Văn Trà, Hiệu phó là đồng chí Hoàng Minh Thảo. Thời gian ở trường, được tiếp xúc với những bậc thầy lớn về quân sự đã cho học viên có được tầm nhìn, sự trưởng thành, sự bao quát toàn diện để sẵn sàng cho một chiến trường lớn.

Khi ra trường, Khuất Duy Tiến được điều về làm Trợ lý Quân huấn Bộ Tham mưu Quân khu 3. Lúc này, miền Nam đang rục rịch đánh Mỹ, mọi công tác huấn luyện của hậu phương lớn miền Bắc đều là sự chuẩn bị cho chiến trường lớn miền Nam. Đánh Mỹ vô cùng khó khăn nên vấn đề huấn luyện kỹ năng chiến đấu cho bộ đội luôn được đặt ra hết sức quyết liệt. Là Trợ lý quân huấn, từng kinh qua chiến đấu, từng được học tập bài bản ở nhà trường, Khuất Duy Tiến đã cùng với các đồng chí khác nghiên cứu và tổ chức thực hiện những phương pháp huấn luyện, rèn luyện thiết thực cho bộ đội.

Tháng 9 năm 1967, thấy được nguyện vọng muốn ra chiến trường trực tiếp chiến đấu của Khuất Duy Tiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 trực tiếp gặp Tư lệnh quân khu Hoàng Sâm xin ông về làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64. Kể từ đây, Khuất Duy Tiến luôn có mặt trên những điểm nóng nhất, mũi nhọn nhất của Trung đoàn 64.

Ngày 5 tháng 11 năm 1967, đoàn cán bộ Sư đoàn từ tiểu đoàn trưởng trở lên do Sư đoàn trưởng Sùng Lãm và Chính ủy Lương Tuấn Khang dẫn đầu đi trước vào gặp Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 để nhận nhiệm vụ. Đồng chí Đàm Quang Trung thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 chính thức giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 như sau: “Độc lập tác chiến trên hướng thứ yếu của chiến dịch. Tiêu diệt sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ; Thường xuyên cắt đứt sự vận chuyển của địch trên đường số 9; Giam chân, thu hút lực lượng địch, kết hợp chặt chẽ với toàn miền và hướng chủ yếu của Mặt trận Khe Sanh. Đẩy địch ở Khe Sanh vào tình trạng bị cô lập; Xây dựng, giúp đỡ chính quyền địa phương, rèn luyện đơn vị càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành”.

Sư đoàn 320 trong đó có Trung đoàn 64 mà Khuất Duy Tiến trên cương vị Tham mưu trưởng, tiếp đó là Trung đoàn trưởng đã đánh giặc và lập công xuất sắc ở tuyến lửa Quảng Trị trong những năm tháng khốc liệt nhất.

Khi quân Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông lại cùng Sư đoàn 320 hành quân vào đánh Mỹ ở chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn. Những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt cũng là những năm tháng rèn đúc lên ý chí và bản lĩnh thép của một Khuất Duy Tiến kiên cường, cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát, hiểu biết rõ đến từng người chiến sĩ, từng đơn vị thuộc quyền, luôn nắm bắt đầy đủ ý định, tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, bằng trí tuệ và bản lĩnh, tầm nhìn của mình đã thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau khi đất nước thống nhất, hai đầu biên giới lại rộ lên tiếng súng, Khuất Duy Tiến trên cương vị mới Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 (1976 - 1979); Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980 - 1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984 - 1989) đã ngày càng trưởng thành trong sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của quân đội ta. Khuất Duy Tiến cùng bộ đội tham gia đánh Pôn Pốt cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trước họa xâm lược của bè lũ bành trướng. Năm 1989, ông được điều giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; năm 1994, ông được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 1 và nghỉ hưu năm 1997 khi tròn 66 tuổi.

*

*       *

Trung tướng Khuất Duy Tiến trong một chuyến về lại chiến trường xưa, thăm các đồng đội cũ. Ảnh: Độc Lập

Năm tháng thời gian trôi qua, những trận đánh ác liệt trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Mỹ đặc biệt là chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã đi vào sử sách vẫn luôn hằn rõ trong tâm trí vị tướng trận. Không một ai sinh ra để mong muốn được làm anh hùng, ai cũng chỉ muốn sẵn sàng hi sinh máu xương của mình vì nhân dân, vì Tổ quốc. Chiến tranh càng lùi xa, những vị tướng như Khuất Duy Tiến càng day dứt nhớ tiếc đồng đội đã khuất mà trong đó nhiều người còn chưa tìm thấy mộ. Tháng 10 năm 2013, Khuất Duy Tiến được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong sâu thẳm trái tim ông, danh hiệu đó là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hi sinh. Ông chia sẻ những suy nghĩ chân thành đến thắt lòng: Ngày tôi được phong Anh hùng, hơn 800 anh em Sư đoàn 320 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về để chúc mừng. Tôi nói với anh em, khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy nặng nề. 14.000 người lính của Sư đoàn 320 đã hi sinh trong chiến tranh, trong đó có hơn 3.000 người lính hi sinh ở chiến trường Campuchia. Huân chương này không phải của riêng tôi, mà của tất cả anh em ngồi đây và những anh em đã nằm xuống".

Trong trái tim vị tướng trận, những góc sâu đậm nhất chắc chắn luôn dành cho đồng đội. Khi kể lại những trận chiến đấu, kể lại sự hi sinh, ông luôn khóc rất nhiều. Nước mắt của vị tướng trận như có cả sắc máu của đồng đội ông, hàng ngàn, hàng vạn người đã không trở về nữa sau chiến tranh. Chính họ mới xứng đáng được ngợi ca nhất, được tôn vinh nhất, không chỉ riêng ở những ngày lễ kỷ niệm, mà là trong tất cả mọi ngày thanh bình của cuộc sống chúng ta hôm nay.

PHÙNG VĂN KHAI

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)