Ngày 25/10, Thư viện Quân đội phối hợp cùng Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi giao lưu tọa đàm với về chủ đề Những lá thư từ hậu phương. Sự kiện hướng tới kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 80 năm Ngày truyền thống cơ quan Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Dự tọa đàm có ông Nguyễn Xuân Dũng - Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam, đại tá Ngô Thị Lệ - Phó Cục trưởng Cục Chính sách; cùng đại diện các cơ quan trong và ngoài quân đội.
Các diễn giả tại buổi toạ đàm.
Trong kháng chiến, những lá thư hay cuốn nhật kí là những vật thiêng liêng, chứa đựng nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn đối với người lính. Những lá thư, cuốn hồi kí ấy, ngày nay đã kể lại cho chúng ta những câu chuyện giản dị mà cũng đầy hào hùng, những tâm tư tình cảm đầy thiết tha mà người lính dành cho Tổ quốc, cho lí tưởng cũng như những người thân yêu của mình. Nói về những bức thư như thế, lẽ bạn đọc đã biết tới cuốn sách Thư cho em (tác giả Hoàng Nam Tiến) viết về chuyện tình tướng Hoàng Đan nguyên Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Cục Khoa học Quân sự), Bộ Quốc phòng và vợ là bà Nguyễn Thị An Vinh.
Hơn bốn trăm bức thư ông bà đã gửi cho nhau suốt hai cuộc kháng chiến đã trở thành một câu chuyện đẹp về tình yêu thời đạn bom, về tầm vóc ý nghĩa của hậu phương người lính trong chiến tranh. Những bức thư ấy đã trở thành cầu nối tinh thần vô cùng quý giá. Đó không chỉ đơn thuần là những lá thư, mà còn là minh chứng cho sức mạnh tinh thần và lí tưởng sống cao đẹp của những thế hệ con người Việt Nam thời chiến.
Khách mời tọa đàm là ông Hoàng Nam Tiến - tác giả của tập sách Thư cho em, đồng thời là con trai út của tướng Hoàng Đan; và biên tập viên Diệu Thủy, Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam - người đã biên tập cuốn Thư cho em.
Tác giả Hoàng Nam Tiến hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường - Trường đại học FPT. Tại buổi giao lưu, ông chia sẻ về những xúc động của bản thân khi được đọc những bức thư của cha mẹ mình. Khi ấy, tướng Hoàng Đan ở mặt trận vẫn đều đặn gửi thư về cho người vợ của mình. Những bức thư là tình cảm của người chồng, người cha gửi về hậu phương như một điểm tựa tinh thần, một nguồn sức mạnh để người lính vững tay súng, vượt qua bao gian khổ, hiểm nguy.
Trong trận Thượng Đức 1974, ông viết: “Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại. Càng ngày càng thương càng nhớ em nhiều hơn”, “giữa làn súng hai bên đang nổ, anh viết thư cho em...”
Tác giả tâm sự, tướng Hoàng Đan là người ít nói và nghiêm khắc, cha anh liên tục ở ngoài mặt trận nên anh cũng ít được gặp ông. Chỉ khi đọc lại những bức thư, anh mới biết những tình cảm của cha dành cho anh to lớn biết nhường nào. Người cha ấy trước khi ra trận, đã đưa cho vợ chiếc áo len, em hãy tháo chiếc áo này, đan cho con chiếc áo mới. Cũng người chồng ấy, đưa cho vợ chiếc áo dạ và dặn em hãy cắt chiếc áo này để may áo cho em. Vị tướng ra chiến trường để bảo vệ những thứ thiêng liêng nhất để lại phía sau lưng mình.
Trong hơn bốn trăm bức thư, phần lớn là thư của tướng Hoàng Đan gửi cho vợ, chỉ có khoảng vài chục bức của bà An Vinh viết cho chồng. Trong một bức thư tướng Hoàng Đan đã bày tỏ niềm băn khoăn, mong nhớ và ngóng chờ thư vợ. Với người lính, những lá thư từ hậu phương là niềm mong mỏi, hạnh phúc lớn lao đến thế.
Với bà An Vinh, tuy nhưng bức thư gửi đi không nhiều, nhưng người phụ nữ ấy đã là hậu phương vững chắc cho tướng Hoàng Đan khi bà một tay chăm ba đứa con và nội ngoại hai bên để chồng yên tâm chiến đấu. Bà còn là cửa hàng trưởng một bách hóa tổng hợp lớn nhất thời bao cấp, là đại biểu quốc hội trong suốt hơn chục năm. Tình yêu của bà đối với chồng không dào dạt và mãnh liệt như những gì ông thể hiện, nhưng lại âm thầm mà son sắt. “Còn anh nói em yêu anh nhiều như thế nào? Em cũng chịu, nói sao được, chỉ thấy yêu nhiều lắm, không giờ phút nào là không nghĩ đến anh. Yêu nhiều lắm, chắc anh cũng biết chứ?”
Trong thời chiến, những yêu thương, nhớ nhung, hờn giận, họ chỉ biết gửi gắm vào những lá thư. Có câu nói rằng, khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau. Hi sinh cho Tổ quốc, cho lẽ sống và niềm tin, nhưng tình yêu của họ chưa bao giờ tách rời với tình yêu nước. Nó hòa quyện và lớn dần lên, trở nên thiêng liêng cao quý gấp ngàn lần.
Đông đảo bạn đọc trong và ngoài quân đội đến dự buổi toạ đàm.
Trong tọa đàm, biên tập viên Diệu Thủy cũng bày tỏ những ấn tượng của mình. Sau khi biên tập xong, chị cũng đọc lại tác phẩm như một độc giả. Chị cảm nhận tình yêu và nỗi nhớ đầy da diết của hai vợ chồng tướng Hoàng Đan, và chị khao khát muốn biết nhiều hơn nữa thế giới của người phụ nữ có chồng ra trận, những khó khăn, thiệt thòi của người phụ nữ Việt Nam với đức hi sinh, tần tảo. Tình yêu giữa họ phải lớn như thế nào để vẫn rực cháy suốt bao năm tháng lửa đạn như vậy. Có lẽ hơn tất cả là sự hi sinh để dành những điều tốt đẹp nhất cho nửa kia của mình.
Buổi giao lưu cũng nhận được nhiều phản hồi cũng như những câu hỏi của các độc giả. Trong đó có nhiều độc giả trẻ dành nhiều mối quan tâm cũng như câu hỏi cho tác giả Hoàng Nam Tiến về mối tình đẹp của vợ chồng tướng Hoàng Đan. Các độc giả cảm nhận được ở Thư cho em một không gian, thời gian của lịch sử, những trận chiến gian khổ mà vĩ đại của dân tộc trong những bức thư mà tướng Hoàng Đan gửi về cho vợ. Qua đó thấy được lí tưởng sống cao đẹp qua một mối tình ngày càng lớn lên trong hai cuộc chiến. Một bạn trẻ đã thốt lên, đọc những trang thư, chúng em tin rằng: tình yêu là có thật. Mối tình đẹp qua những lá thư ấy mãi là một câu chuyện đầy cảm hứng về tình yêu và lí tưởng sống đầy cao cả của những thế hệ người Việt Nam ta trong chiến tranh.
NGUYỄN THỊ LOAN
VNQD