Dòng chảy

Những trang sách ở lại của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ

Thứ Ba, 15/10/2024 08:02

 Kịch bản phim truyện Hôn nhân không giá thú của tác giả Nguyễn Kim Ánh và tuyển tập thơ - truyện ngắn - tản văn - minh họa Ngủ giữa hoa sen của tác giả Nguyễn Anh Vũ là hai cuốn sách đặc biệt vừa được ra mắt tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Hai cuốn sách đến với bạn đọc khi hai cha con tác giả Nguyễn Kim Ánh-Nguyễn Anh Vũ đã rời cõi tạm, nhưng sự tài hoa của họ và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm thì còn sống mãi trong lòng người thân, bè bạn và bạn đọc.

Buổi ra mắt sách diễn ra ấm cúng và ý nghĩa với sự có mặt của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của hai tác giả Nguyễn Kim Ánh - Nguyễn Anh Vũ. Ảnh: Khiếu Minh

Trung tá phi công máy bay trực thăng Nguyễn Kim Ánh (1942 - 2024) sinh ra tại Hà Nội, quê ở thôn Dị Sử, xã Thống Nhất, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông từng được đào tạo ở Liên Xô trước đây, nhiều năm công tác trong Quân chủng Phòng không - Không quân.

Kịch bản Hôn nhân không giá thú được Nguyễn Kim Ánh viết dựa trên những câu chuyện có thật của những người lính, người đồng đội của ông trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Kịch bản truyền tải những chi tiết chân thực, sống động về cuộc sống, con người trong chiến tranh, khát vọng hòa bình, hạnh phúc, được sống trọn vẹn với đời thường. Những hình ảnh nhân vật và chi tiết trong kịch bản là kết quả ghi chép, chứng kiến và đồng cảm đầy xúc động của tác giả Kim Ánh với đồng đội. Kịch bản đã nhận được giải Nhì, không có giải Nhất trong Cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh toàn quốc năm 1995. Sau đó kịch bản đã được đạo diễn Phạm Lộc dựng thành phim nhựa cùng tên năm 1997 với diễn xuất của các diễn viên Trần Lực, Mai Thu Huyền, Xuân Tùng, Chiều Xuân…, đơn vị sản xuất: Hãng phim truyện 1.

Trong buổi ra mắt sách, nhiều bạn bè, đồng đội cùng thời của tác giả Nguyễn Kim Ánh đã có mặt và chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ, xúc động về tác giả - tác phẩm. Sự chân thành, trách nhiệm, tận tụy và tài hoa được bạn bè nhắc đi nhắc lại như một sự khẳng định về phẩm chất của người lính Nguyễn Kim Ánh.

Cuốn sách Ngủ giữa hoa sen của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ do gia đình và bạn bè tập hợp gồm 4 truyện ngắn, gần 30 tản văn, gần 40 bài thơ và một số tranh, minh họa của anh đã in báo, được anh giới thiệu, chia sẻ trong những năm qua. Đó cũng là nguyện vọng chung của nhiều người sau khi Nguyễn Anh Vũ qua đời vào tháng 9/2023. Sách kịp in xong và ra mắt bạn đọc vào đúng dịp giỗ đầu của anh.

Nhắc đến Nguyễn Anh Vũ là nhắc đến Sân thơ Trẻ, và ngược lại, nhắc đến Sân thơ Trẻ là phải nhắc đến Nguyễn Anh Vũ. Từ năm 2009, anh tham gia trình diễn thơ trên Sân thơ Trẻ - Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và trở thành cộng tác viên của Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam qua nhiều dịp Ngày thơ với vai trò họa sĩ thiết kế sân khấu, tham gia dàn dựng, thể hiện các tiết mục trình diễn thơ. Tài hoa và đa tài, nhiệt tình với công việc và bạn hữu, hăng hái được đóng góp, lại là người giàu ý tưởng, Nguyễn Anh Vũ tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Qua đó, những thành quả của anh cùng những nét tính cách nổi bật được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận.

Anh cũng là người thiết kế bìa sách cho rất nhiều tác giả văn, thơ. Viết kịch bản và dàn dựng các vở diễn cho nghệ thuật Sân khấu. Còn phải kể đến những Trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà anh tham gia và có những tác phẩm thành công. Hai truyện ngắn Cửa BắcNgủ giữa hoa sen của anh đã giành giải B Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2008-2009. Những năm gần đây, nhiều tranh, minh họa thơ, minh họa truyện ngắn của anh được Tạp chí Văn nghệ Quân đội sử dụng và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Dù ở thể loại nào Nguyễn Anh Vũ cũng cho thấy sự say mê, hết mình của một người đa tài.

Tác phẩm của nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Anh Vũ trưng bày tại buổi ra mắt sách. 

Đến dự buổi ra mắt sách của Vũ, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc của anh đã được một lần nữa nhắc về anh, nhớ về anh với tất cả sự yêu mến, quý trọng, chân thành và ấm áp. Nhà văn Đào Bá Đoàn, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi xuất bản 2 ấn phẩm, cho rằng nghệ thuật của Vũ, sáng tạo của Vũ cần được lưu giữ, cuốn sách ra đời là sự tri ân với một người bạn đáng quý, một nghệ sĩ tài hoa của chúng ta. Vũ đã sống một cuộc đời tận hiến cho nghệ thuật, tận hiến cho người thân và bạn bè.

Nhà thơ Thuỵ Anh, người có những gắn kết khá đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ: "Tôi biết đến tác giả Nguyễn Kim Ánh từ khi tôi còn nhỏ, ông là đồng đội của bố tôi. Năm 2009 tôi có duyên tham gia Sân thơ Trẻ cùng Vũ. Tình bạn bắt đầu từ thơ và vì thơ. Bây giờ, giở sách ra là tôi nghe vang vang giọng Vũ đọc. Vũ đa tài nhưng anh là "người thơ". Anh làm mọi thứ bằng sự say sưa của người thơ. Hết lòng vì thơ và hồn nhiên vì thơ".

Sáng tác của Nguyễn Anh Vũ thường khai thác nguồn dữ liệu văn hóa từ truyền thống dân tộc, từ lối sống, đời sống người Hà Nội. Anh truyền tải những câu chuyện một cách khéo léo, sinh động qua những góc nhìn đa dạng của người am hiểu về nghệ thuật kiến trúc, thiết kế và bài trí không gian, sử dụng màu sắc, tích lũy vốn ngôn ngữ phong phú. Những suy tư về truyền thống, chiều dài văn hóa, chiều sâu tâm tư, tình cảm con người qua nhiều thế hệ, Nguyễn Anh Vũ có sự kết nối cùng hiện tại, nhiều khi đặt trong bối cảnh đời sống hiện đại để thêm nhận ra những giá trị quý báu, nhân văn qua nhiều năm, nhiều đời, những giá trị có sức sống lâu bền để giữ gìn trong đổi thay thời cuộc.

NSND Tạ Tuấn Minh chia sẻ, anh có thời gian khá dài để có những kỉ niệm với Vũ vì có cùng đam mê sân khấu. Anh nhận thấy Vũ là người vô cùng yêu lịch sử và rất có trách nhiệm với đất nước. "Vũ đang muốn làm tác phẩm về cụ Hoàng Diệu. Nhưng chưa kịp thực hiện...", NSND Tạ Tuấn Minh tiết lộ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ, người có nhiều kỉ niệm làm việc cùng nhà thơ Nguyễn Anh Vũ, anh chia sẻ ở góc nhìn nghề nghiệp: "Trong những bước chập chững văn chương đầu tiên chúng tôi đã đồng hành cùng nhau. Vũ có một sự say sưa cầu toàn. Anh vẽ rất nhiều bìa sách cho bạn bè nhưng chưa làm cuốn sách cho mình. Vũ để lại sự dở dang vì sự cầu toàn trong nghệ thuật. Đó là sự dở dang đáng trân trọng. Trong những điều nói về Hà Nội, chúng tôi có Vũ. Qua bác Ánh, qua Vũ chúng ta có thể thấy được thú chơi văn của người Hà Nội. Nếu đất nước không có chiến tranh có thể bác Ánh đã trở thành một nghệ sĩ lớn... Trong tâm thế sống với văn chương nghệ thuật, trong sự rong chơi của Vũ, tôi nghĩ rằng anh hoàn toàn có thể để lại nhiều hơn nếu có một kỉ luật làm việc tốt. Nghĩ về Vũ, tôi nghĩ về những thế hệ sống tận hiến cho Hà Nội, giữ hồn cốt cho Hà Nội..."

Bà Vũ Thị Kim Xuyến, phu nhân của tác giả Nguyễn Kim Ánh, mẹ của nhà thơ Nguyễn Anh Vũ bên cạnh bạn bè, người thân tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Khiếu Minh

Với mong muốn những gì để lại của hai cha con ngoài việc là những tác phẩm phục vụ bạn đọc, thì còn mang ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ xã hội, gia đình nhà thơ Nguyễn Anh Vũ sẽ dành toàn bộ số tiền bán sách để tài trợ cho hoạt động trồng rừng, chống biến đổi khí hậu, phục hồi thiên nhiên. Bà Vũ Thị Kim Xuyến, phu nhân của tác giả Nguyễn Kim Ánh, mẹ của nhà thơ Nguyễn Anh Vũ chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Bà cũng nói thêm về người con trai yêu quý của mình: "Khi Vũ ra đi Vũ chưa làm gì cho mình cả. Vũ mải mê với sáng tạo cho cuộc đời. Khi Vũ nằm xuống, tôi mới hiểu con hơn và tôi rất tự hào về con".

Buổi ra mắt sách khép lại trong sự ấm áp, thân tình, xúc động và ý nghĩa.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)